Bí mật phía sau nhục thân của các thiền sư 1- hết

Bí mật phía sau nhục thân của các thiền sư

Đây là tên cuốn sách kể về việc nghiên cứu, tu bổ và cách bảo quản 4 nhục thân thiền sư ở chùa Đậu (Hà Nội), chùa Tiêu Sơn và chùa Phật Tích (Bắc Ninh) của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội khảo cổ học VN sau 20 năm nghiên cứu.

Bằng hình thức vừa kể chuyện, vừa mô tả, cộng thêm những bức ảnh màu về các quá trình phục dựng nhục thân, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã đưa đến những thông tin về một tàng thức- thiền táng mà chỉ thấy có ở Việt Nam và Trung Quốc. Từ những câu chuyện mô tả về những công trình khoa học thực tiễn khi tu bổ di hài nhục thân của các vị thiền sư, PGS Lân Cường đã đề xuất phương thức độc đáo giữ gìn nhục thân sau khi viên tịch. Cách thức này chỉ có trong Đạo Phật được gọi là thiền táng hay tượng táng.
V.Khánh

Bí mật sau nhục thân các thiền sư (1): Trong bụng nhục thân thiền sư có gì?

Đến giờ, khi ngồi kể lại thời điểm tìm thấy những nhục thân, PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN vẫn coi đây là một mối nhân duyên lớn.

2000 bức ảnh và 17 cuộn phim quay lại hết thời điểm tìm thấy những nhục thân và phương pháp phục chế của ông. Theo PGS Nguyễn Lân Cường còn khá nhiều nhục thân ở khắp các chùa trên cả nước vẫn chưa được tìm thấy.
PGS Nguyễn Lân Cường đứng lặng người bên chiếc am nhỏ ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội). Nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Minh sau tấm mành tre, đôi mắt nhắm hờ như đang suy tư về cõi Phật. Đầu thiền sư hơi hơi cúi xuống, lưng cong gập, hai tay đặt trước bụng, chân ngồi dạng thiền khoanh tròn, bàn chân trái ngửa vắt lên đùi phải, bàn chân phải ngửa vắt trên đùi trái. Như một linh cảm nghề nghiệp, PGS Lân Cường giật mình nhận thấy đây là một xác người thật ngồi thiền!
alt
Nhục thân của một thiền sư sau khi được phục chế.
“Bế” nhục thân đi bệnh viện!

Câu chuyện tình cờ này đến với ông từ ngày nhận việc đi sửa gác chuông bị dột tại chùa Đậu.

PGS Lân Cường hồi tưởng: Một vấn đề đặt ra tư thế ngồi của nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Minh là nguyên dạng hay sau khi qua đời các đệ tử của ngài mới dựng dậy để đúng vị trí như khi tìm thấy? Câu hỏi này gây nhiều tranh cãi trong nhóm các nhà khảo cổ. Nhưng PGS Lân Cường vẫn khẳng định và nghiêng về ý kiến đây là tư thế nguyên dạng sau khi qua đời.

Đem băn khoăn này hỏi GS- Nhà báo Nguyễn Khắc Viện, ông nhận được câu trả lời: “Đây là cách ngồi tốt nhất để tập trung tư tưởng gọi là tọa thiền. Trong quá trình này người ta có thể chủ động về sinh lý ngay từ trước cho đến lúc tập trung cao độ thì hầu như không còn cảm giác gì nữa...”.

Theo kinh nghiệm mấy chục năm của mình, PGS Lân Cường đã thầm khẳng định đây là tượng có người thật ở bên trong. Ông phân tích: Qua vết nứt rộng ở trán, phát hiện có xương sọ bên trong. Từ đó, ông suy nghĩ phải đưa nhà sư này “đi bệnh viện” chụp X-quang để khẳng định. Khi chụp X-quang sẽ chứng minh 3 điều: Trong thi hài không hề có cốt bằng kim loại, hoặc gỗ để làm khung liên kết các xương; không hề có chất dính để dính các xương vào với nhau; các xương phải nằm theo đúng vị trí giải phẫu. Vậy là PGS Lân Cường cùng cộng sự đã phải tìm mọi cách đưa nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Minh ra bệnh viện Bạch Mai để chụp X-quang. Việc này gặp nhiều sự ngăn cản, cũng như những lời nói làm ông đau lòng...
alt
PGS Nguyễn Lân Cường kể những câu chuyện kì bí về nhục thân các thiền sư.

Điều bất ngờ trong cánh tay nhục thân thiền sư

Với pho tượng của Thiền sư Vũ Khắc Trường được phục dựng lại năm 1983 có nhiều chi tiết sai lệch. PGS Lân Cường kể, trong dự án soạn thảo đầu tiên đã có ý định dỡ ra thu thập xương cốt rồi dựa theo xương sọ để phục nguyên lại đúng với vẻ mặt ban đầu của thiền sư. Nhưng nhà chùa và Sở Văn hóa thông tin địa phương đã không tán thành vì cho rằng hình ảnh cụ Vũ Khắc Trường đã in đậm trong lòng người dân nên không thể phá ra làm lại. “Tôi đành theo ý của họ mặc dù ấm ức lắm!”- PGS Lân Cường nói.

Pho tượng bị hỏng trầm trọng, bề mặt tượng lớp sơn bị mủn nát. Chỉ cần một tác động nhẹ là cả pho tượng sẽ bị đổ sập xuống. Do đó, các nhà khảo cổ đã không thể đổ thạch cao làm khuôn trên chính pho tượng gốc để làm đối chứng. Nhóm đã quyết định giao cho nhà điêu khắc trẻ Đào Ngọc Hân làm một pho tượng bằng đất sét có kích thước và hình dáng giống hệt tượng gốc và tiến hành đổ khuôn để tu bổ phần chân và pho tượng đối chứng.

Vào một buổi chiều mùa hè, PGS Lân Cường cứ ngồi ngắm pho tượng và băn khoăn: Vì sao vị thiền sư này lại có tay dài đến thế? Mạnh dạn bàn bạc với họa sĩ Hân và quyết định “bí mật” khoét 4 ô nhỏ ở vùng gần đầu xương cánh tay và khuỷu tay. Điều này tuy không được phép nhưng bằng suy nghĩ nghề nghiệp ông biết rằng sẽ phát hiện ra một chân lý nào đó. Suy nghĩ này đã trở thành sự thật! Trong hố khoét của cánh tay phải ở phía trên gần vai, phát hiện ra ròng rọc và chỏm của xương cánh tay đã bị đặt lộn ngược. Bên cạnh đó là xương mác của xương ống chân được ghép vào xương cánh tay và cũng bị lộn đầu. Đây chính là nguyên nhân làm cánh tay của thiền sư dài quá cỡ. Khi gỡ xương ở phần đáy cũng nhận thấy xương chày trái lắp nhầm sang xương chày phải. Tất cả những sai lệch về mặt “y học” này được PGS Lân Cường sắp xếp đúng nguyên bản!
Chuyện kể truyền miệng nhau từ rất lâu ở chùa Đậu, có 2 am nằm ở bên phải và bên trái của chùa với Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Vào ngày nọ, Thiền sư Vũ Khắc Minh (người dân quen gọi Ngài là cụ Sư rau- vì nhà sư chỉ ăn rau trừ bữa) bước vào am và nói với các đệ tử rằng: “Mang cho ta một chum nước uống và một chum dầu để thắp. Khi nào thấy dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thi thể của ta đã hỏng, thì dùng đất am lấp đi, còn ngược lại thi thể vẫn thơm tho thì dùng sơn ta bả lên thi thể...”. Dứt lời, cụ bước vào am tọa thiền và chỉ còn nghe văng vẳng ra tiếng tụng kinh gõ mõ suốt ngày này qua ngày khác. Tròn trăm ngày, các đệ tử không thấy tiếng mõ nữa vội mở cửa am ra thì thấy Ngài ngồi đấy như đang trong lúc tọa thiền. Hai chân ken vào nhau đúng vị trí của thiền còn hai tay hơi bị xệ xuống. Thấy thi thể còn thơm, nhớ lời thầy dặn, họ vội lấy sơn ra bả lên thi hài.

Trong bụng thiền sư có gì?

Tháp Viên Tuệ là 1 trong số 17 ngôi tháp cổ ở chùa Tiêu Sơn (Từ Sơn- Bắc Ninh). Phần trên tháp có một viên gạch đỏ còn khắc tên và niên hiệu chữ cổ, dịch là: Ngày lành mùa xuân niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723) triều Lê (Lê Dục Tông) kính cẩn xây dựng mộ tháp hoàn thành ngày 1 tháng 4. Hàng chữ bên phải có ghi: Nhục thân ở trong tháp có tên là Ma ha đại Tỳ Kheo    Như Trí...

Cho đến ngày 5/3/2003, Thiền sư Như Trí được đưa ra khỏi tháp. Nhục thân ngồi thiền định trong tư thế bán già (chân trái ở dưới, chân phải đặt lên trên), tay kiết ấn Tam muội nhưng vì ẩm mốc nên bị mục rơi phần cẳng tay. Xương mũi và xương hàm trên thụt vào hộp sọ. Xương màu đen còn nhìn thấy rõ bên trong hộp sọ. Bên dưới là bệ sen bằng gốm non màu đỏ. Nhục thân được sơn phủ bên ngoài là một lớp sơn ta màu ngà. Mắt và lông mày vẽ bằng sơn đen. Khi gỡ phần nhục thân ra khỏi đế, các nhà khảo cổ phát hiện đế là một tấm gốm nung màu đỏ, mặt áp vào đáy nhục thân có có in hình nan phên. Từ mặt đáy, thấy xương sên, gót và xương mác nằm khá đúng vị trí giải phẫu. Từ đây, các nhà khảo cổ kết luận nhục thân được bó cốt ngay sau khi tịch, không có sắp xếp xương như nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Trường.

Ngày 11/5/2004, PGS Lân Cường và họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân lật ngược nhục thân để nghiên cứu phần trong lòng. Hai người vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra một khối hợp chất to bằng quả bưởi nằm chính giữa phần bụng. Nhục thân được phủ kín bằng sơn ta, phía dưới lại có đáy gốm, do đó khối vật chất này này từ ngoài không thể lọt vào trong ổ bụng được. Nghĩ vậy, PGS Lân Cường lấy một chút hiện vật đem về Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia phân tích. Qua kết quả phân tích phổ nhiễu xạ tia X cho thấy đây chính là các chất còn lại của phần phủ tạng trong bụng thiền sư Như Trí. Như vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam đã phát hiện và chứng minh được có phần nội tạng trong bụng thiền sư. “Điều này có thể suy luận rằng trong bụng thiền sư Vũ Khắc Minh chắc cũng còn lại khối vật chất là phần nội tạng mà qua phim X không thể phát hiện được”- PGS Lân Cường khẳng định.

PGS Lân Cường kể tiếp, sau khi tu bổ được phần thân, tiến hành khoét phần sau gáy để đưa đốt sống cổ bị rời ra ban đầu vào vị trí cũ. Đến độ sâu 1,3cm bỗng chiếc đục trên tay họa sĩ Hân bật trở lại. Ánh xanh của gỉ đồng lóe lên. Tiếp tục khoét thêm hố khác ở ngang thắt lưng có chiều dài là 2,5cm, chiều rộng 2cm. Ở độ sâu 0,98cm phát hiện ra dấu vết của tấm đồng.

Những chi tiết kỳ lạ này đã khiến các nhà khảo cổ tiếp tục có những suy đoán cho những tục táng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam!
(Còn nữa)
Vân Khánh

Bí mật sau nhục thân các thiền sư (2): Vụ trộm lúc nửa đêm và thi hài vị cao tăng



Sau khi phát hiện nhục thân thiền sư Như Trí có những tấm và lá đồng kỳ lạ trong cơ thể, PGS Nguyễn Lân Cường lại một lần nữa “bế” nhục thân này đi chụp X-quang. Những bí mật cổ xưa dần dần được nền y học hiện đại “kể chuyện”...
Trong tháp cổ những thiền sư đang “chờ”!

Ngày 25/5/2004, nhục thân thiền sư Như Trí được nhóm tu bổ “bế” lên Khoa X quang  Bệnh viện Bắc Ninh để chụp. Những tấm phim cho thấy sau lớp bồi thứ nhất, người ta đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng với chiều dài 65cm, rộng 15cm và một tấm đồng trên ngực rộng 22cm. Phía ngoài hai tấm đồng là lớp bồi dày trên dưới 1cm. Trên đầu và bắp tay của nhục thân cũng được cuốn những lá  đồng có các kích thước khác nhau. Vòng quanh đầu trên là ba lá đồng có chiều rộng khác nhau. Thêm một số lá đồng được quấn quanh cổ và hai lá đồng chạy vòng từ nách vắt qua vai, từ trước ra sau...
alt
PGS Nguyễn Lân Cường đang phục chế nhục thân một thiền sư.

PGS Lân Cường cho biết, đây là hiện tượng được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Những tấm đồng được phát hiện có khả năng là giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng. Những lá đồng cuốn trên đầu cũng có khả năng để bảo vệ hộp sọ. Lớp bồi bên ngoài nhục thân thiền sư Như Trí dày 0,66cm gồm hai lớp: Lớp ngoài màu vàng nâu, lớp trong màu đen. Cả hai lớp thành phần đều gồm vải, sơn ta và mạt cưa... Nhục thân này không hề được dát vàng hay bạc như nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh. “Riêng với tôi đây là nỗi vui mừng khôn xiết vì chắc chắn rằng ở đâu đó trong những ngôi tháp cổ đang bị xuống cấp, những vị thiền sư đang “chờ” chúng tôi”-  Mặt PGS Lân Cường rạng ngời khi nói về điều này.

Phải chăng là thiền sư Chuyết Chuyết?

Tháng 4/1991, nhận được thông tin kẻ gian đã cạy tháp Báo Nghiêm ở chùa Phật Tích hòng tìm kiếm vàng bạc châu báu, vô tình làm lộ ra những mảnh bồi và di cốt người. PGS Lân Cường đã lên chùa ngay. Ngồi đếm phần xương vụn, PGS. TS. Nguyễn Lân Cường nhẩm tính có tới 209 mảnh bồi và 133 xương và mảnh xương của đùi, chày, cánh tay, hàm dưới, bàn chân, đốt sống, xương chậu phải, xương sườn, xương trán, hốc mắt, xương mũi... Đặc biệt, tìm thấy những đoạn dây đồng nối di cốt và chất bồi.
alt
Những mảnh xương vỡ của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết.

Với kinh nghiệm lâu năm, PGS Lân Cường phân tích góc xương mu, xương cùng, xương chũm, răng, chiều dài xương đùi... cho thấy đây là di hài của một người đàn ông chừng 65- 70 tuổi, cao 1m59. Nhưng chiếc răng hàm dưới số hai còn lại duy nhất, mặt nhai ít mòn, không phù hợp với độ tuổi đã được xác định. Theo giả thuyết, phải chăng vì là di hài của một nhà sư nên thức ăn quanh năm chỉ là bát canh rau, miếng đậu phụ, quả cà nên độ mòn răng không lớn? Như vậy, theo PGS Lân Cường, chắc chắn người ta đã dựng khung xương trước nhờ những đoạn dây đồng và bồi ra bên ngoài để tạo nhục thân. Chất bồi cũng là sơn ta, vải màn, mạt cưa, đất...  giống như chất bồi của nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh và Như Trí.

Chiếc vại đựng nhục thân có nét vẽ rồng bằng phẩm màu rất sơ sài. Nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng và PGS Lân Cường cho rằng đây là chiếc vại có niên đại chỉ cách ngày nay vài chục năm, không thể so sánh với niên đại của tháp. Vậy đây có đúng là nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết như giả thuyết đưa ra không? Tại sao nhục thân có xương cốt này lại bị dập vỡ và để trong vại đặt trong tháp Báo Nghiêm của chùa Phật Tích?

Nhân chứng duy nhất

Phục nguyên nhục thân xong, PGS Lân Cường vẫn còn quá  nhiều băn khoăn: Liệu đây có phải là thiền sư Chuyết Chuyết không? Ban di tích của chùa cho biết, vị sư trụ trì ở chùa Phật Tích trong thời gian trước chiến tranh là Đại đức Hồng Đức, người gốc Hải Dương đã mất từ năm 1980. Theo PGS. Lân Cường, ở Phật Tích hồi đó không thể chỉ có một vị sư, nên PGS Lân Cường dò tìm mãi cuối cùng mới tìm được cụ Nguyễn Chí Triệu - từng là sư bác của chùa vào những năm trước khi chùa bị đốt cháy.
alt
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh.

Sư bác Nguyễn Chí Triệu ở thôn Mao Rộc, cách chùa Phật Tích 15km. Cụ Triệu kể, trước khi rời chùa Phật Tích vào năm 1946 nhục thân này được đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Khám có chạm rồng cuộn ở bốn cột lên tận nóc, có hoa văn trang trí cầu kỳ và rất đẹp ở bên ngoài. Phía trong là hai cánh cửa nhỏ, mở ra thấy nhục thân thiền sư ngồi chân xếp bằng tròn theo thế ngồi thiền, hai tay đặt trước bụng, lòng bàn tay ngửa... Ngày nào, sư bác Triệu cũng mở hai cánh cửa khám để lau chùi nhục thân của sư Tổ.

Vấn đề là phải làm thế nào để tìm ra cái khám rồng này thì mới đủ bằng chứng đây chính là thiền sư Chuyết Chuyết. Trở về Hà Nội, PGS Lân Cường đến thư viện Viện KHXH tìm trong kho ảnh chụp của chùa Phật Tích, nhưng không tìm thấy ảnh chiếc khám rồng nào như vậy. Nhưng thật may mắn, khi tìm đến tư liệu chùa Bút Tháp, lại thấy có cái khám rồng y như sư bác Triệu kể. Khi nhìn thấy ảnh chiếc khám rồng, sư bác Triệu gật gù: chính xác!

Theo PGS Lân Cường, có thể suy ra rằng: Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thấy chùa bị địch pháo kích, sau đó lại bị đốt cháy nên vị trụ trì của chùa đã đập vỡ nhục thân thành nhiều mảnh nhỏ, đưa vào vại sành rồi giấu vào tháp Báo Nghiêm. Đây chính là nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Sự thật đã được chứng minh sau bao giả thuyết nghi ngờ!
(Còn nữa)
Vân Khánh

Bí mật sau nhục thân các thiền sư (3): Thiền sư Chuyết Chuyết là ai?
Sau ba tháng rưỡi, nước sơn quang cuối cùng đã phủ kín nhục thân, kết thúc công việc của một phương án táo bạo mà chưa một nhà điêu khắc nào làm theo kiểu đó. Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết được phục dựng hoàn toàn không có cốt bằng sắt, thép hay tre, gỗ làm trụ ở bên trong.
Mở cánh cửa bí mật

Đến ngày 6/5/1993, hàng nghìn người khắp nơi đã về chùa Phật Tích để nghinh đón thiền sư Chuyết Chuyết. Hai chiếc xe con đã được phân công ra tận ngã ba Lim đón ô tô chở nhục thân thiền sư. Tối trước đó, tại nhà riêng của nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, cả nhóm đã chọn một hộp tivi cỡ lớn bằng bìa cát- tông cứng, lót đáy cho êm rồi đặt thiền sư vào. Bên ngoài dán giấy đỏ. Các phật tử rước nhục thân thiền sư vào bệ cao nhất của nhà Tổ. Mười sáu năm đã trôi qua, di cốt của thiền sư Chuyết Chuyết vẫn bóng nước sơn đã trở về với hình dáng ban đầu...
alt
Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục chế (Ảnh: TG)

Trong cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân các thiền sư” của PGS.TS Nguyễn Lân Cường có kể lại rõ ràng lai lịch của thiền sư Chuyết Chuyết. Ông họ Lý, pháp danh là Viên Văn. Ông sinh ngày 2/2/1590 tại Tiệm Sơn, Hải Trừng, Phúc Kiến (nay thuộc thành phố Chương Châu - Trung Quốc). Khi lên 5 tuổi thì mẹ mất, 7 tuổi thì cha mất, thiền sư ở với chú ruột và thím. Khoảng 15 tuổi thiền sư xuất gia. Lúc đầu theo Trưởng lão chùa Tiệm Sơn, sau đó theo học hòa thượng Đà Đà. Khoảng 18 tuổi bắt đầu đi khắp nơi thuyết pháp. Ngài sang Campuchia hoằng pháp khoảng 16 năm, được Quốc vương và các quan đón tiếp nồng nhiệt. Khoảng năm 1623 ngài về Phúc Kiến, cũng năm đó ngài sang vùng Quảng Nam, Thuận Hóa (Việt Nam), hoằng pháp 7- 8 năm, được chúa Nguyễn nhiệt tình đón tiếp. Trong thời gian này, ngài gặp thiền sư Minh Hành và nhận thiền sư Minh Hành làm đệ tử. Khoảng năm 1630, hai thầy trò ra Thăng Long, trên đường đi, ngài đã dừng chân tại chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa) giảng đạo. Cho tới năm 1633, ngài cùng đệ tử đến Thăng Long, khất thực mấy tháng, hai thầy trò được vua Lê và chúa Trịnh quý trọng, mời làm trụ trì chùa Khán Sơn ở Thăng Long. Khoảng năm 1634, ngài trụ trì chùa Phật Tích, đến năm 1642. Sau khi Bút Tháp được nhà chúa trùng tu (từ 1634 đến 1642) thì ngài được mời sang trụ trì Chùa Bút Tháp.

Sau khi ngài viên tịch, thiền sư Minh Hành đã cất giữ nhục thân của ngài vào nhà thờ tổ chùa Bút Tháp và vận động các phật tử xây tháp Báo Nghiêm để thờ vọng ngài. Khoảng năm 1645-1672, nhục thân của ngài được thiền sư Minh Hành đưa về cất giấu tại chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa) để tránh mất mát và bị xâm hại, bởi xã hội lúc bấy giờ đang rối ren, họa binh đao đe dọa sự yên nghỉ của ngài. Sau đó (không rõ năm nào), nhục thân của ngài lại được đưa về Bút Tháp, giấu trong tháp Báo Nghiêm. Sau đó, người ta lại đưa ngài về thờ ở nhà thờ Tổ chùa Phật Tích. Có khả năng vào năm năm 1947, hòa thượng Hồng Đức đưa nhục thân của ngài vào tháp Báo Nghiêm chùa Phật Tích để tránh bom đạn chiến tranh. Năm 1989, người ta phát hiện nhục thân của ngài trong tháp Báo Nghiêm và nhóm của PGS Lân Cường đã phục chế lại.

Phục dựng nhục thân từ 133 mảnh xương

Toàn bộ 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết đã được quyết định phục dựng. PGS Nguyễn Lân Cường tính toán, từ kích thước của xương đùi, tính ra được chiều cao của thiền sư. Từ đó tính được ra từ chiều cao ngồi của thiền sư. Dựa vào số xương còn lại, PGS Lân Cường vận dụng kiến thức học được người thầy ở Nga về phương pháp “Phục chế lại mặt theo xương sọ” để áp dụng vào việc tái tạo lại mặt của thiền sư.

Cả nhóm thống nhất một phương pháp phục dựng mà chưa một nhà điêu khắc nào thực hiện trước đó. Trước hết, sẽ thực hiện việc tạo pho tượng bằng đất sét theo tư thế ngồi thiền. Tiếp đến, đổ khuôn pho tượng này bằng cách tạo các mảng khuôn bằng thạch cao. Bôi sơn ta, lót vải màn, rắc mạt cưa, trộn sơn ta tất cả là 10 lớp ở mặt trong của khuôn. Sau đó, gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu bằng chất liệu sơn ta trộn với mùn cưa. Khi sơn ta với lớp vải màn, mạt cưa đã khô cứng, tiến hành phá khuôn thạch cao ở bên ngoài, gỡ các mảnh bó cốt và gắn thành hình thô. Tiếp theo là công đoạn làm sơn thông thường: “bó” hai nước, “hom” ba nước, “lót” hai nước và “thí” hai nước. Nhục thân thiền sư được thiếp bạc và quang dầu hai lần. Cuối cùng, sau ba tháng rưỡi, nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết được phục dựng hoàn hảo từ những mảnh xương vụn!
(Còn nữa)
Vân Khánh (Giadinh.net)

Bí mật sau nhục thân các thiền sư (kì cuối): Đỉnh cao thiền định
“Thật là sai lầm nếu coi những nhục thân thiền sư là những “momies” – xác ướp kiểu Ai Cập. Vì ở những momies kiểu Ai Cập sọ đều bị đục ở vùng xương lá mía, hoặc xương chẩm để lấy não ra. Còn hộp sọ của thiền sư Vũ Khắc Minh thì không như vậy. Thao tác để có được một momies hoàn chỉnh cũng hoàn toàn khác những nhục thân mà chúng ta có”- PGS. TS Lân Cường nhấn mạnh.
Thiền táng nguyên vẹn

Sáu nghìn năm trước Công nguyên, nguời Ai Cập đã khoét những cái lỗ ở sa mạc rồi đặt xác người chết vào đó để sấy khô xác. Khoảng 3.200 năm trước Công nguyên thì họ lại chôn xác người cùng quan tài trong cát. Mãi tới khoảng 2.650 năm trước Công nguyên, kỹ thuật moi ruột ướp xác mới trở nên rõ ràng và được tiến hành theo những quy trình nhất định.
alt
Tượng đối chứng (trái) và tượng gốc (phải) của thiền sư Vũ Khắc Minh.

Nhà xuất bản Thế giới vừa xuất bản cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư” của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội khảo cổ học VN. Nội dung cuốn sách kể tỉ mỉ về việc nghiên cứu, tu bổ và cách bảo quản bốn nhục thân ở chùa Đậu (Hà Nội), chùa Tiêu Sơn và chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Cuốn sách dày 200 trang, giá bán 350.000 đồng tại các hiệu sách trên cả nước.

Họ rạch bụng người chết qua một vết cắt chỉ dài 7,6cm để lấy nội tạng ra. Quả tim- bộ phận được người Ai Cập cổ đại xem như vật liên kết thể xác và linh hồn của người chết nên duy nhất được giữ lại trong lồng ngực. Ruột, dạ dày, gan được bỏ vào các bình chứa. Qua vùng xương lá mía hay trực tiếp đục trên xương sọ, người ta đưa rượu Chà Là vào. Họ dùng thanh sắt nhỏ có móc ở đầu và ngoáy mạnh trong đầu. Sau khi lật úp xuống, não sẽ chảy ra ngoài cùng rượu. Họ thay vào đó bằng nhựa cây. Thân người chết được bao bọc bằng chất carbonat natri để hút nước ở các mô,  sau đó được lau khô và nhét vào các hương liệu với mạt cưa. Cuối cùng người ta quấn xác ướp bằng vải lanh (có khi tới 845m2) hoặc quần áo cũ. Phía bên ngoài quách được vẽ mặt người quá cố. Quy trình này kéo dài trong khoảng 70 ngày.

Tuy nhiên, ở Việt Nam không làm như vậy. Ở nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, qua 6 tấm phim chụp X-quang cho thấy rõ, họp sọ của thiền sư còn nguyên vẹn. Phần xương lá mía không bị đục vỡ như trên sọ của vua Ai Cập Ramsès V để lấy não ra và đưa nhựa thơm vào. Qua tấm phim X-quang lớn thứ hai chụp chuẩn bên lại càng khẳng định hộp sọ còn nguyên vẹn, không bị đục vỡ ở phần xương đỉnh như trên xương đỉnh trái bị đục thủng của một vị vua trong lịch sử Ai Cập. Phía dưới lỗ chẩm của nhục thân không thấy các đốt sống cổ, vì toàn bộ đốt sống này đã bị đổ sập xuống nằm gọn trong ổ bụng thiền sư. Chính từ sự việc không lấy não ra, PGS Lân Cường khẳng định rằng phủ tạng của thiền sư cũng không được lấy ra.

Toàn bộ những tấm phim X-quang còn lại cũng cho thấy, giữa các khớp xương không có sự gắn kết bằng chất kết dính hay có khung kim loại bên trong nhục thân. Thêm nữa, các vị trí xương khớp đều nằm đúng vị trí giải phẫu. Như vậy, nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh không có sự can thiệp từ bên ngoài mà do thiền sư đã đi vào cõi vĩnh hằng trong tư thế ngồi thiền!
alt
Làm lễ trước Tháp Viên Tuệ có đặt phiên bản nhục thân thiền sư Như Trí (Chùa Tiên Sơn, Bắc Ninh).

Sự đắc đạo trong tu chứng

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, di hài nhục thân của các thiền sư là một dạng Xá lợi (hay Xá lị). Đây là kết quả của quá trình dùng năng lượng đạt đến đỉnh cao của thiền định mà có được sau khi đã tự thiêu đốt đi tất cả. Đây là kết quả của một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập, loại bỏ tất cả những tạp niệm của Tâm và đạt đến sự giác ngộ viên mãn.

Trong cuốn sách “Các Lạt Ma hóa thân” đã mô tả khá tỉ mỉ về cách làm các xác ướp ở Tây Tạng. Sách có ghi: “Sau buổi lễ, chúng tôi mang nhục thể của Sư trưởng xuống hầm. Các Lạt Ma đặt nhục thể của Sư trưởng lên một cái bàn lớn bằng đá để lau rửa cho thật sạch sẽ. Do thất khiếu tự nhiên của cơ thể, họ móc ra những bộ phận, cùng ngũ tạng lục phủ rồi đem cất vào trong những cái vại sành đóng nắp chặt. Sau đó, phía trong thân thể được lau khô bằng một chất thuốc đặc biệt. Thứ thuốc này sẽ đông đặc lại và nhờ đó thân hình người chết sẽ giữ được vẻ ngồi tự nhiên như khi còn sống.

Người ta sẽ đợi khi thuốc khô cứng lại mới bắt đầu nhồi vào phía bên trong cơ thể một số tơ lụa tẩm hương liệu đặc biệt. Họ luôn đổ thêm những chất thuốc khác nhau lên da thịt để cho khô rồi dán lên đó những lớp lụa thật mỏng. Công trình này đòi hỏi mười thợ chuyên môn làm suốt ngày đêm. Họ làm rất cẩn thận và tỉ mỉ. Khi công việc hoàn tất, người ta mang xác xuống một căn phòng xây trong vách đá, xác ướp được đặt giữa phòng. Sau đó, cửa phòng được đóng lại và các Lạt Ma bắt đầu nổi lửa.

Suốt bảy ngày ngọn lửa tí tách cháy. Đến ngày thứ tám người ta mới bắt đầu tắt lửa. Đợi thêm vài hôm nữa, khi nhiệt độ trong phòng hạ xuống, người ta mới mở cửa vào phòng. Một nhóm thợ chuyên môn bắt đầu cạo hết các bột bám quanh xác ướp và bóc hết các lớp vải bọc bên ngoài, công việc này cũng đòi hỏi mất rất nhiều giờ. Khi bóc xong, cái xác trơ trụi y như lúc còn sống, chỉ xám đen đi một chút. Người ta có cảm tưởng như cái xác có thể sống dậy bất cứ lúc nào. Một nhóm thợ chuyên môn khác lại đến tỉ mỉ đắp lên xác ướp những lớp vàng thật mỏng. Họ làm việc thật thong thả. Phết những lớp vàng tễ nhuyễn, tinh xảo lên xác ướp...”.

Một câu hỏi mà nhiều người nêu ra: Vậy cách ướp xác như ở chùa Đậu có từ bao giờ? PGS Lân Cường cho biết, theo Đại Việt Sử kí toàn thư, Bính Thân, năm thứ 7 (1116), nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Bình ngày nay). Nhà sư Từ Đạo Hạnh đến núi này chơi, thấy tảng đá trong núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng và đây cũng là chỗ nhà sư trút xác. Người làng cho đây là chuyện lạ, đặt xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Theo Phật lục ghi: “Chùa Phật Tích có khám thờ tổ đệ nhất bó cốt làm tượng...”. PGS Lân Cường cho rằng, như vậy việc bó cốt làm tượng theo phương thức “tượng táng” (mà theo Phật giáo gọi là “nhục thân”) đã có từ thế kỷ XII ở Việt Nam. Theo các tài liệu được biết, hiện nay kỹ thuật “bó cốt bằng sơn ta” chỉ mới có ở Trung Quốc và Việt Nam.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Tứ, những nhục thân thiền sư tìm thấy ở Việt Nam đã thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng của các vị thiền sư Phật giáo Việt Nam. Đây cũng chính là dấu ấn tâm linh và di sản văn hóa đặc biệt để lại trong lòng văn hóa dân tộc.
Vân Khánh (Theo: Giadinh.net)