Pháp duyên của mỗi người


alt
Phong cảnh Mao Sơn nổi tiếng nhất là thác nước Tam Trùng (Tam Trùng Bộc). Nước trên núi trắng muốt từ từ đổ xuống; nước chảy, những cánh hoa theo sóng rung rinh. Ngước mắt nhìn lên trời cao, từ nơi này, sẽ thấy được sự đặc biệt thấu suốt của nó.

Một Phật tử lớn tuổi nói: Dưới cây cổ thụ, tìm hòn đá mà ngồi, nhắm mắt dưỡng thần, bên tai còn nghe tiếng nước chảy róc rách; nghe tiếng côn trùng bay trên không, hoặc con ong lấy mật về tổ. Mắt chưa mở, tựa thể vẫn thấy cánh hoa mềm mại sắc màu xuôi trôi theo thác nước cùng với những con cá trong đầm nhỏ bơi lội tung tăng... thoáng hiện trong đầu.

Ông ta còn nói: Cảnh đẹp trong tâm thường dừng lại ở đó, nếu như truy ra cánh hoa trôi dạt đến đâu, phải chăng hóa thành bùn để bón cho hoa? Như vậy thì không còn đẹp nữa!

Thác nước Tam Trùng tuy đẹp, nhưng không phải là nơi mà tiểu thích đến. Vì trong mắt tiểu, tất cả cảnh đẹp nhìn thấy, vĩnh viễn không thể bì được với tâm điềm tĩnh, an lành.

Tiểu thích mang quyển sách đến ngồi cạnh hòn đá phía bên phải chùa. Ở đó, có vài cây to, bình thường không ai đến, ngay cả đường đi cũng không có, cứ thế xuyên qua đám cây là đến hang động.

Nơi này vẫn có cây, nhưng chỉ có một cây duy nhất; cây cao to nhưng lá không nhiều, ánh sáng nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống lổ đổ.

Tìm hòn đá, phủi bụi trần, dựa vào bên cây lật từng trang kinh; thỉnh thoảng một chiếc lá được gió đưa rơi vào kinh văn, thuận tay nhặt lấy, ép vào trong sách, làm dấu số trang đã đọc.

Nơi này không nước không hoa, chỉ có sự u tịch độc đáo, khiến người tĩnh tâm. Có thể đây là nguyên nhân khiến tiểu thích nơi này.

Tính tình của Giới Ngạo không giống với tiểu lắm, không giống người ở cửa Phật, hắn thích chạy nhảy; tiểu thường kéo sư đệ đến đó đọc kinh sách. Tiểu nghĩ, cảnh đẹp như thế biết đâu có thể khiến tâm Giới Ngạo an tĩnh mà tu hành, chỉ là Giới Ngạo chưa bao giờ chịu đến đây.

Có lần chú chó Giới Ngôn ngậm cái vớ của Giới Ngạo, từ trong chùa chạy đến tìm tiểu Giới Sân, Giới Ngạo liền đuổi theo đến đấy.

Tiểu đang xem sách dưới gốc cây, nhân cơ hội này, đưa quyển kinh cho hắn xem. Giới Ngạo đón lấy kinh, học cách tiểu, ngồi dưới cây đọc sách, nhưng chỉ kiên trì được một chút, rồi không chịu nổi, liền chạy đi đá banh.

Giới Sân không hiểu nên thỉnh giáo sư phụ: Tại sao một nơi u tịch như thế mà cũng không thể khiến cho cái tâm hiếu động của Giới Ngạo thanh tịnh được?

Sư phụ dạy: Mỗi người đều có pháp duyên khác nhau, cái khác nhau giữa người và người không chỉ ở bề mặt. Cảnh đẹp trong tâm con, người khác chưa chắc đã cảm nhận được. Đừng dùng cái tiêu chuẩn của mình mà nhìn người khác, cũng đừng nghĩ sẽ thay đổi được người khác. Bên núi đá u tịch không phải là nơi Giới Ngạo trở về. Chúng ta đừng nên kỳ vọng mỗi người đều trở nên giống chính mình!

Thánh Tâm dịch