Mái nhà

Người ta nói mái nhà là tổ  ấm, là một nơi chốn để  trở về. Vậy cho dù tôi  chưa thực sự có một tổ ấm riêng tư nào cho mình đi nữa, tôi đã có một cảm nhận nóng bỏng và xốn xang về một mái nhà thân yêu và quen thuộc với những hình bóng và tâm hồn rất quen thuộc, về cái nơi chốn trở về hết sức quyến rũ và thâm tình mà qua những chuyến lang bạt ở phương xa, qua những năm tháng lăn mình giữa gió bụi của cuộc đời, tôi đã tìm về nó như một nơi nương ngụ, một chốn ẩn trú an toàn. Ở đó, gia đình, mái nhà, tổ ấm, đã dang đôi tay êm ái ôm lấy tôi vỗ về dịu ngọt, đã nhỏ xuống hồn tôi những giọt thuốc tiên tươi mát lên những nỗi nhức nhối của ung độc cuộc đời.

Khi X nói đến căn nhà tương lai của hắn, tôi nhận thấy ở hắn cả một sự mơ ước hiện thực về tổ ấm gia đình - đơn giản, thực tế và đậm tình - nhưng kỳ lạ thay tôi cũng đồng thời nhìn thấy được cả cái hình tượng siêu thực mơ màng của căn nhà của X mà từ nó phát sinh ra không những là tình cảm nồng ấm của vợ chồng cha con mà còn là cái tình thân thiết gắn bó của những tâm hồn bằng hữu. Có phải chính cái điều có thể thực hiện được ấy - vì tính chất đẹp đẽ thơ mộng của nó - mà tôi thấy nó như là một điều gì phi thực không? Cũng chính như tình bạn của tôi và X và Y và S và những khuôn mặt thân yêu khác đã thường khiến tôi bao lần mường tượng thấy một ảo giác không thể có bởi cái tính chất đẹp và trong của nó. Nói cho rốt ráo thì những điều chân, thiện, mỹ mà ta gặp được trong cuộc đời phù động này thường dễ khiến ta có một mối hồ nghi về sự hiện hữu của nó, nhất là khi chúng ta đã ít nhiều trót bị cuộc đời bôi đen tứ phía.

Nhưng qua đi lớp sương mù, ta  lại nhìn thấy ánh sáng rõ ràng hơn, thực tại đã sống động ngay trước mắt và những giả cảnh tiêu tan và ta thốt lên: “Ồ không! Nó có đấy! Đó là điều hiện thực!”.

Mái nhà như một nơi chốn để trở về, và hơn thế nữa, như một chốn an thân và đoàn tụ mà con người dù cho đơn giản hay cực đoan đến mấy đi nữa, vẫn xem như một trong những mục đích chính yếu phải đạt được của đời mình. Mái nhà toát ra sự ấm áp và yên tĩnh như một đặc ân của cuộc đời ban cho con người để hắn tìm lại được mình ngay giữa dòng lưu lạc. Đây kẻ lãng tử đêm khuya, trở về thèm nhìn thấy ánh đèn qua khung cửa, thèm trông thấy hình dáng người vợ đang đi đi lại lại, thèm nghe thấy những tiếng cười, tiếng khóc của bầy con. Hắn hân hoan cũng có mà ăn năn cũng có, tự hân thưởng cho mình bằng một nụ cười hay tự thống trách mình bằng những cái chớp mắt, bước vào trong ngôi nhà thân yêu và lập tức trút bỏ hết mọi đa đoan phiền trược, và cảm nhận ngay được cái nỗi chắc chắn đầy bao dung của chính tổ ấm mà hắn đã xây dựng lên và ngay lúc này nó đang xây dựng lại những sự sụp đổ rã rời nào đó mà hắn đang mắc phải.

Ngôi nhà sẽ như một tàn tích của quá khứ ảm đạm nếu kẻ trở về không hề gắn bó với nó bởi những tình thương yêu nồng ấm dịu ngọt. Ngôi nhà như một chỗ trú thân tạm bợ nếu như kẻ cư ngụ sống đơn độc một mình và mỗi chuyến trở về chỉ là để chuẩn bị ra đi với con tim lạnh lùng. Ngôi nhà chỉ là ngôi nhà nếu như nó được thở bằng sinh khí vui tươi của gia đình, của vợ con, của bằng hữu.

Phá cái cũ, dựng cái mới, xây lại ngôi nhà cho khang trang, chắc chắn và đẹp đẽ hơn, con người làm việc ấy trước hết là cho bản thân và gia đình mình, đồng thời mỗi ngôi nhà được xây lên là thêm một nét biến đổi cho bộ mặt xã hội ở đó. Cho đến khi những xóm nhà lụp xụp đã trở thành những khu phố tân kỳ, thì kẻ xây nhà trước đây bỗng khám phá ra vai trò góp công tạo dựng cái quần thể nhà cửa tú mỹ của mình, và y tức thì thấy được sự liên quan, liên đới của cộng đồng nhân loại, không phải chỉ từ khuôn khổ của khu phố hay cả thành phố, mà ngay từ trong sự cấu kết phức tạp của những vật liệu xây nhà và những bàn tay lao động mà do đó ngôi nhà, khu phố và thành phố đã được thành hình.

Con người xây dựng tổ ấm cho gia đình, đồng thời cũng xây dựng phần của mình trong quần cư, từ những mái nhà.

Vĩnh Hiền