MÓN QUÀ CHO NGƯỜI BẤT HẠNH

Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng bảy là chúng tôi lại kéo nhau lên chùa tham dự lễ Bông hồng cài áo. Tôi thường dắt theo em Cảm - đứa em con chú ruột. Cảm kém tôi đến năm tuổi, vẻ mặt hiền lành dễ thương.


Dưới trăng rằm tháng bảy, chúng tôi ngồi thành một vòng tròn quanh sân chùa ca hát những bài về cha mẹ. Các anh chị lớn sẽ là người dẫn trò chơi và bắt nhịp bài hát. Một lúc sau thì đến phần cài hoa lên ngực áo, có các bác lớn tuổi cùng tham dự.

Bắt đầu chương trình cài hoa, anh huynh trưởng gia đình Phật tử đọc tản văn về ngày lễ vu lan của thầy Nhất Hạnh. Tất cả lắng nghe chăm chú với niềm xúc động bồi hồi. Rồi chị trưởng ngành nữ lên ngâm bài thơ “Mất Mẹ”. Bài thơ ngân lên trong đêm vu lan khiến nhiều người chảy nước mắt.

Ngày xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi.

Hoàng hôn buông xuống mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời.

 

Trên kia, cây hoa đã được chuẩn bị sẵn từ chiều. Lấy một nhánh cây khô cắm vào chậu cát; các chị dùng vải xếp thành những bông hoa hồng và nơ rồi buộc lên đó. Đứa nào ngồi dưới cũng nhắm cho mình một cái bông đẹp nhất để lát nữa lên nhận. Các anh chị giải thích cho cách nhận hoa. Những ai còn cha còn mẹ thì nhận bông hồng và nơ xanh; ai mất cha còn mẹ thì cài nơ trắng và bông hồng; ai mất mẹ còn cha thì bông trắng nơ xanh và ai đã mất cả cha lẫn mẹ thì cài bông trắng nơ trắng. Những đôi tay lần qua cành cây tìm một bông hoa cùng chiếc nơ xinh xắn phù hợp với mình. Thường sau mỗi lần cài hoa thì trên cây còn lại toàn bông hồng và nơ xanh. Các chị làm thừa ra rất nhiều hoa nhưng không ngờ số người mất cha mất mẹ nhiều đến thế! Người ta hái hết tất cả những bông hoa trắng và chiếc nơ màu trắng.

Tôi và em Cảm may mắn năm nào cũng được cài bông hồng nơ xanh. Cài lên và cảm thấy hạnh phúc thật sự vì mình còn cha mẹ. Những đứa trẻ mất cha mất mẹ được tặng một món quà an ủi do chính tay bác chủ lễ trao. Những món quà nhỏ nhưng chứa biết bao ý nghĩa của sự san sẻ yêu thương. Tôi đã nhìn thấy nước mắt nơi những bà những chị mỗi khi chứng kiến cảnh trao quà cho các bạn không may mắn. Tôi và cả em Cảm thì không thế, chúng tôi vẫn còn cha mẹ nên không biết cảm giác buồn thương nó thế nào.

Con bé nhà ở cuối làng mất cha từ năm lên ba nên dịp Vu Lan nào cũng được nhận quà, thằng cu ở sau lưng chùa cũng mất mẹ năm ngoái nên được lãnh một món. Tôi nhìn thấy hai đứa nó tay đưa ra nhận mà mắt buồn buồn. Có những món quà không làm cho người ta vui!

Em Cảm đứng bên tôi, khẽ nói:

- Anh ơi! Mấy đứa mất cha mất mẹ sướng thật đấy! Được nhận cả quà nữa.

Tôi chả biết trả lời với em thế nào. Cảm còn nhỏ lắm! Chưa hiểu được hết ý nghĩa của những gì cho nhận đâu. Trong thâm tâm tôi cũng chả muốn giải thích điều đó làm gì. Cả tôi và em Cảm đều đang sống trong hạnh phúc, may mắn hơn những đứa bạn khác. Tôi không nên giải thích vì trong suy nghĩ của em Cảm vốn đã không chứa những hình ảnh của sự mất mát và cảnh mồ côi.

*

Chú thím tôi đi rừng, em Cảm qua nhà tôi ở. Xong mùa màng, người nông thôn chỉ biết đi rừng đốn củi về bán kiếm tiền mua thức ăn. Làng tôi nghèo, cũng dễ đến gần một nửa ra đi khỏi làng sau ngày mùa. Mỗi người một nghề đi tứ phía chứ chả nhẽ ở nhà chui ra chui vào suốt bốn tháng trời? Cái nghèo khiến người dân quê tự đi tìm lấy nghề nghiệp mưu sinh kiếm cái bỏ vào mồm.

Người làng kéo nhau đi cả, còn lại ở nhà chỉ con nít và người già giữ nhà chăm nom vườn tược. Chú thím tôi đi, sáng ấy đùm cơm gạo và cái nồi méo mó. Chú bảo đi rừng không nói trước được mấy ngày. Gặp khi có củi thì chặt nhanh rồi về, không thì phải đi xa mất cũng đến nửa tháng. Rồi còn phải thuê xe lên chở về dưới này bán. Nghề này kể ra vì nghèo đói mà làm chứ cũng không phải tốt đẹp gì. Gặp kiểm lâm họ bắt thì cũng mệt chuyện. Nhưng mà ở đời túng quá sinh liều, nghèo rồi còn gì nữa đâu mà sợ bị phạt. Bắt bớ người thì kiểm lâm họ không nỡ, nghĩ thế nên chú thím cũng chả sợ. Mà người ta cũng đi đầy ra đấy! Lo gì.

Chú thím gửi gắm em Cảm lại cho nhà tôi, nhờ tôi ở nhà chơi với em và bảo ban nó học hành giúp. Chuyến này là lần đầu tiên chú thím đi củi nên cũng thấy lo lo. Em Cảm khóc đòi đi theo, từ nhỏ đến giờ nó chưa xa cha mẹ lần nào.

Ngày nào Cảm cũng ra trước nhà ngồi ngóng. Nó nhìn xa xa về phía tây, nơi ấy có dãy núi mờ mờ chạy nhấp nhô phía chân trời. Tôi ngồi bên em, mường tượng ở trên đó chắc chú thím tôi đang vung tay chặt cây rừng. Ban đêm thấy thương cho chú thím ở giữa rừng giá rét không biết có bị sên rết cắn hay thú rừng gì không.

Những người đi rừng đầu tiên của làng đã về, họ cũng kiếm được kha khá tiền từ việc bán củi. Thường sau mỗi chuyến đi phải nghỉ ngơi nửa tháng cho lại sức mới đi tiếp chuyến khác. Có tiền, họ cũng sắm được cho con cái bộ áo quần mới đến trường. Nhìn thấy mấy đứa con nít trong xóm bận đồ mới, em Cảm cũng thèm lắm! Tôi an ủi nó: “Vài hôm nữa cha mẹ Cảm về cũng mua cho Cảm đồ mới! Đừng buồn!”.

Đúng nửa tháng từ ngày chú thím đùm cơm gạo đi rừng thì có người đi cùng chuyến về báo tin dữ. Chú thím tôi đụng phải bom, nổ tan xác - đấy là nỗi đau hậu chiến trên mảnh đất Quảng Trị. Nhà tôi làm tang cho chú thím, đám tang nhẹ nhàng không có áo quan vì xác chú thím đã tan tành hết cả. Người làng đi rừng vốc lấy hai nắm đất ở chỗ bom nổ về. Cha tôi đặt hai nắm đất vào hai cái lu sành, đem chôn và cũng đắp thành hai ngôi mộ.

 

*

Rằm tháng bảy năm đó, tôi lại dắt em Cảm lên chùa dự lễ Vu Lan và cầu nguyện cho hương hồn chú thím. Cây hoa năm nay trông có vẻ buồn, hoa hồng vẫn nhiều hơn nhưng sao trông những bông trắng cứ nổi bật lên.

Em Cảm đi lên hái hoa cài ngực. Mọi người im lặng nhìn nó, nhiều người chảy nước mắt. Cảm đưa tay lên, nó lướt qua rất vội bông hoa hồng và chiếc nơ xanh nhưng rồi chợt nhớ ra, thế là đưa tay ngắt bông trắng và nơ trắng. Em cài lên ngực mình, tôi thấy xót xa ngậm ngùi. Bác chủ lễ trao món quà to nhất cho Cảm. Em đưa hai tay ra nhận và không một biểu hiện vui buồn.

Còn tôi đứng phía dưới, chỉ biết thương cái “niềm vui” ngày xưa của em.

 

HOÀNG CÔNG DANH