Thái độ cởi mở

Khi tôi sang Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 1970, tôi đi bằng đường bộ qua Âu châu, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, AfghanistanPakistan trước khi tới Ấn Độ. Vào lúc ấy tôi mới có 18 tuổi và chưa bao giờ đi đâu xa quá vài trăm dặm khỏi căn nhà của tôi tại thành phố New York.

Tôi còn nhớ lúc đến bên bờ của eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cách Âu châu với Á châu. Tôi đứng bên đây bờ, nhìn sang mặt nước về phía bên kia là Á châu, tự hỏi không biết nơi ấy ra sao, và thấy trong lòng dâng lên một cảm giác phiêu lưu đầy sợ hãi. Ngày ấy đứng bên bờ con sông, tôi đâu ngờ rồi có một ngày, những con người, văn hóa và truyền thống tâm linh của Á châu lại sẽ trở thành trung tâm điểm của đời tôi. Tôi chỉ biết rằng mình muốn đi tìm một hạnh phúc, và sẵn sàng mở rộng tiếp nhận những gì sẽ đến với tôi mà thôi.

Cảm giác cởi mở và thắc mắc đó cũng là một thái độ mà chúng ta cần có trong sự tu tập. Thái độ muốn học hỏi sẽ đem lại cho ta một sự can đảm, giúp ta buông bỏ những gì mình đã biết, dám bước chân vào những nơi chốn xa lạ. Cũng như thế giới của sự thinh lặng và trực giác trong thiền tập có lẽ là những nơi chốn mà ta chưa từng bao giờ bước chân tới. Nơi ấy không có những mảnh vụn kiến thức kiên cố để ta có thể bị dính mắc vào, hoặc ngăn trở không cho ta tiếp xúc trọn vẹn với sự sống.

Và cũng giống như những hành trình khác, thiền tập không phải là một tiến trình đường thẳng, đi lên từng bước một. Chúng ta không phải lúc nào cũng biết mình sẽ đi về đâu hoặc ngay cả việc mà ta theo đuổi là gì. Ở Miến Điện tôi có nghe kể truyện ngụ ngôn về một người thợ săn vào rừng để tìm bắt một con chim quý. Anh ta lang thang trong rừng suốt một thời gian dài, và cuối cùng không hề bắt được con chim quý ấy. Nhưng việc đó không quan trọng, vì trong hành trình đi tìm, anh đã học được hết mọi ngõ ngách của khu rừng. Trong sự tu tập của ta cũng thế. Có thể chúng ta mang một ý tưởng là mình phải đạt được một cái gì, một cái gì mà ta có thể đem ra phô trương được. Nhưng thật ra, bất cứ một kinh nghiệm nào cũng tốt hết. Vì điều quan trọng là ở chỗ ta biết cởi mở để học hỏi tiến trình của thân và tâm. Điều quan trọng là phương cách tu học của ta, làm cách nào để hành trình khai phá này hòa hợp với sự liên kết giữa ta và mọi sự sống khác của muôn loài.

Khi chúng ta có thể nhìn xuyên qua những quan điểm thông thường của mình về sự vật, lúc đầu có lẽ ta chỉ ý thức được những gì mình bị mất mát hơn là những gì mình thu được. Có lần, tôi đi về miền Đông Hoa Kỳ từ New Mexico với vài người bạn và đứa con gái bốn tuổi của họ. Ở phi trường St. Louis, đứa bé lang thang đi một mình không ai hay và bị lạc mất. Chúng tôi cuống cuồng chia nhau ra đi tìm cháu. Cuối cùng, trên máy phóng thanh của phi trường có lời công bố: “Xin quý vị vui lòng đến nhận con gái của quý vị tại cổng số hai.” Khi chúng tôi đến nơi thì cháu rất là bất an và sợ hãi. Nó trách má nó: “Má không có ở chỗ của má!” Thật ra, thì má nó vẫn ở nguyên chỗ cũ, và chính nó mới lang thang bỏ đi nơi khác.

Câu chuyện đó khiến tôi nhớ đến những cảm giác sợ hãi và bị phản bội mà ta đôi khi thường gặp trong cuộc đời, khi ta khám phá ra rằng hạnh phúc không hề có mặt ở nơi mà ta tìm kiếm. Xã hội dạy ta là hạnh phúc chắc chắn sẽ được tìm thấy trong những sự quan hệ, trong sự nghiệp, trong tiền bạc, trong địa vị, hoặc trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Và vì vậy, khi ta không tìm thấy hạnh phúc, ta nghĩ có lẽ mình đã bị lạc. Chúng ta cho rằng vì mình đã làm một việc gì sai trật, chứ không phải bởi con đường mình đang theo là không đúng.

Trong thiền tập, ta sẽ khám phá ra còn có nhiều nơi khác nữa, mà không ai nói cho ta biết là hạnh phúc và an lạc đang có mặt. Và chúng ta có thể bỏ lại phía sau những khuôn mẫu và thói quen xưa cũ để bước vào vùng đất mới này.

Khi chúng ta biết đối diện với cuộc đời bằng một thái độ học hỏi, điều đó sẽ đem lại cho ta sự can đảm để mở rộng con tim mình ra. Từ đó, ta sẽ tìm thấy được một hạnh phúc lớn mà ta chưa bao giờ biết tới. Thật là nhiệm mầu biết bao khi ta biết nhìn với đôi mắt ngạc nhiên, khi ta biết làm bạn với sự thinh lặng, với khoảng không gian giữa hai hơi thở, khi ta thấy được tặng phẩm kỳ diệu của một sự sống nối liền. Qua thiền tập ta sẽ khám phá ra những bí mật huyền diệu này, và tìm lại được những bảo vật xưa mà ta vô tình đánh mất.

Ngôn ngữ không phải lúc nào cũng có thể diễn tả được những gì xảy đến với ta trong thiền tập. Mà điều đó cũng hay, vì đôi khi ngôn ngữ chỉ làm khô cứng, hạn chế những gì biến đổi và sinh động mà thôi. Vũ sư Isadora Duncan có lần nói: “Nếu tôi có thể nói cho anh biết ý nghĩa của nó thì tôi đâu có nhảy múa làm gì nữa!” Chúng ta không thể nào bắt giữ sự tự do như là một chiến lợi phẩm cá nhân, chúng ta chỉ có thể tự do mà thôi. Chúng ta không thể nào giảng nghĩa nó, ta chỉ có thể nhảy múa nó. Mỗi khi ta đi tìm ý nghĩa cho một kinh nghiệm nào, khi ta muốn tìm hiểu và giải thích nó, là ta vô tình tạo nên một khoảng cách và dùng kiến thức để ngăn chặn sự tiếp xúc trực tiếp của mình.

Mang thái độ cởi mở này vào cuộc sống qua thiền tập, ta sẽ có thể nhảy múa với bất cứ một kinh nghiệm nào xảy đến cho mình, khi ta bước vào một chốn xa lạ và chưa từng biết. Trong Đạo Đức Kinh, Lão tử có viết:

Nghinh chi bất kiến kì thủ

Tùy chi bất kiến kì hậu...

Tri giả bất ngôn,

Ngôn giả bất tri.

(Đón nó thì không thấy đầu

Theo nó thì không thấy đuôi...

Người biết thì không nói,

Người nói thì không biết.)

 

Nguyễn Duy Nhiên