Ngôi chùa 'đoản mệnh' nhất Việt Nam

Ai một lần đến với Hồ Gươm (Hà Nội) hẳn còn giữ ấn tượng với cây tháp cổ nằm trên bờ hồ phía đường Đinh Tiên Hoàng. Nhưng rất ít người biết rằng, nó là dấu tích duy nhất còn lại của một ngôi chùa bề thế nhất Hà thành thế kỷ 19 - chùa Báo Ân.

Chùa Báo Ân được xây dựng năm 1846 do Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai đứng ra chủ trì và cũng là ngôi chùa có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử các ngôi chùa Việt Nam.

 

alt
Chùa Báo Ân và Tháp Hòa Phong hồi thế kỷ 19.

Nguyễn Đăng Giai xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học nhưng cũng chuộng mộ Phật pháp. Cha ông là thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, thày học của vua Thiệu Trị. Việc ông đứng ra chủ trì việc xây dựng chùa Báo Ân với quy mô to lớn làm cho “tổn bắc hao đoài” sau này bị Quốc Sử Quán triều Nguyễn phê là: “Tiếc vì Đăng Giai tôn chuộng đạo Thích, dựng chùa thờ Phật, luôn mê hoặc người, phí của thật nhiều vào việc dâng chùa, chưa khỏi làm lụy cho thịnh đức”.

Chùa được đặt tên là Báo Ân hàm ý nhắc nhở mọi người sống trên đời nhớ tới tứ ân (ân Tổ quốc, ân cha mẹ, ân tam bảo, ân chúng sanh). Nhưng chùa còn có nhiều tên khác như Liên Trì, Quan Thượng, Thụ Hình… Có tên Liên Trì là do chùa được xây dựng giữa một hồ sen. Còn tên Quan Thượng liên quan đến chuyện Nguyễn Đăng Giai là người chủ trì xây chùa. Nguyễn Đăng Giai làm quan tổng đốc, phẩm hàm ngang với thượng thư trong triều nên dân chúng quen gọi là chùa Quan Thượng. Họ truyền tụng nhau câu ví ca ngợi cảnh trí chùa Báo Ân như động tiên: "Gần Xa nô nức tưng bừng/Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên".

alt
Cận cảnh tháp Hòa Phong xưa. Ảnh: Tư liệu.

Trong các văn bản của người Pháp, chàu lại được gọi là chùa Thụ Hình vì trên vách chùa có đắp nổi cảnh cảnh xét xử dưới âm phủ. Những cảnh trừng phạt đối với người mắc nhiều tội lỗi trên dương gian đã vượt xa sự tưởng tượng của người phương tây về địa ngục cho nên họ gọi đó là chùa Thụ Hình.

Chùa Báo Ân trong thế kỷ 19 là một ngôi chùa có quy mô vào loại lớn nhất đất Hà thành. Theo tác giả Trần Đình Sơn (trong bài viết về chùa Báo Ân đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo tháng 5/2006), chùa có đến 36 tòa nhà với trên 150 gian, là ngôi chùa lớn vào loại nhất nhì thành Hà Nội thế kỷ 19. Quanh chùa người ta lại đào đất thành hồ và trồng sen vào trong đó. Trước cổng có một tòa tháp 3 tầng tên là tháp Hòa Phong. Ngày nay, tháp này nằm giữa vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng phía Đông hồ Gươm. Cảnh trí của chùa Báo Ân còn được biết đến qua những ghi chép của ký giả Trương Vĩnh Ký trong Chuyến Đi Bắc Kỳ năm 1876: “Cảnh chùa ấy thật đã nên tốt, vô cửa hai bên có tháp cao. Vào trong có hố đi quanh co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa. Hai bên mép xây gạch, xây đá cả. Cầu bắt tứ phía qua chùa cũng xây đá gạch hết hẳn hoi…”.

alt
Tháp Hòa Phong hôm nay.

Nhưng đáng tiếc, một đại danh lam được xây dựng kỳ công như thế chỉ tồn tại được mấy chục năm. Năm 1898, chùa Báo Ân bị người Pháp phá bỏ để xây phủ Thống Sứ và tòa nhà Bưu Điện (nay tòa nhà Bưu Điện hãy còn và phủ Thống Sứ thì trở thành nhà khách chính phủ). Ba mươi sáu tòa ngang dãy dọc của chùa Báo Ân bị san bằng chỉ còn sót lại cây tháp Hòa Phong nhỏ bé ở cổng chùa.

Chùa Báo Ân bị phá bỏ nhưng tháp Hòa Phong, hơn 100 năm qua vẫn hiên ngang bên hồ Gươm như chứng tỏ ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam nói chung, của người dân Hà thành nói riêng. Mỗi người đi qua tháp Hòa Phong hôm nay, nếu chưa hiểu lai lịch của nó, xin hãy tìm hiểu để tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông và nhắc nhở mình luôn có trách nhiệm với những gì cha ông phải gian khổ đấu tranh mới có đến hôm nay.

 

Trần Vũ