Tưới tẩm hạt giống chánh kiến

Làm thế nào để đạt được chánh kiến? Trước hết chúng ta phải học. Quá trình văn, tư, tu (nghe- suy nghiệm- thực tập) bắt đầu bằng văn, nghĩa là phải học, phải tập lắng nghe. Chánh kiến có thể trao truyền được không, hay là tự mình phải đạt lấy? Ta nhớ rằng chánh kiến đã có sẵn hạt giống ở trong mỗi người.

ự Thầy giỏi và bạn giỏi là những người có thể khơi động được hạt giống của chánh kiến ở trong ta. Người dạy ta có chánh kiến không, và đã chứng đạt tới mức nào? Chánh kiến của người ấy đã vững chãi chưa hay chỉ là một số khái niệm học được từ các thầy khác hay trong Kinh sách? Học không phải là thâu thập kiến thức. Học lý thuyết mà không chứng nghiệm thì cũng như con tằm ăn lá dâu mà không làm được tơ, không có ích lợi gì cả.

 

Chánh kiến có thể thụ nhận, có thể trao truyền. Nhưng việc trao và nhận cần nhiều điều kiện. Người dạy ta về chánh kiến, cuốn sách ta đọc, cuốn Kinh ta tụng phải có khả năng thức động những hạt giống chánh kiến trong ta. Hạt giống chánh kiến có sẵn. Bụt dạy tất cả mọi người đều có hạt giống của tuệ giác. Cho nên khi được nghe, được tiếp xúc với những dấu hiệu của chánh kiến thì tự nhiên ta sẽ hiểu. Những kinh nghiệm khổ đau của ta cũng giúp ta tiếp nhận chánh kiến. Chánh kiến chỉ có thể trao truyền trong những thời gian và địa điểm thích hợp, bằng ngôn ngữ từ ái, khế cơ, những ngôn ngữ có khả năng đánh thức được hạt giống chánh kiến có sẵn trong người nghe. Người nghe lúc đầu có thể chỉ hiểu bằng trí óc thôi, điều nghe chưa thấm vào tâm thức hoặc chưa thể nghiệm được, vì còn thiếu kinh nghiệm sống. Nhưng hạt giống chánh kiến chứa sẵn trong tâm một ngày kia sẽ nẩy mầm. Khi kinh nghiệm đau khổ đã chín mùi thì chỉ cần nghe một câu nói hay một bài pháp thoại là người ấy đã có thể chuyển hóa. Cho nên tạo ra những điều kiện giúp ta tiếp nhận chánh kiến là điều rất quan trọng.

 

Nhiều người thấy mình đã sẵn sàng để tiếp nhận chánh pháp, nhưng vẫn phải chuẩn bị một thái độ thích đáng. Nghe một bài pháp, phải để cho giáo pháp có cơ hội thấm sâu trong tâm thức để tiếp xúc, đánh thức và tưới tẩm những hạt giống chánh kiến ở trong mình. Nếu chỉ dùng trí năng để tiếp nhận chánh kiến thì sẽ không có kết quả bao nhiêu. Tôi thường nói với thiền sinh là nghe pháp thoại (văn) là một phép thực tập mà việc thực tập thì không phải chỉ cần đến trí năng. Phải thực tập với thân, tâm và cả tàng thức của mình. Tàng thức như mặt đất, gọi là đất tâm (tâm địa). Trong đất tâm của ta có những hạt giống của chánh kiến. Khi nghe pháp đừng dựng lên những bức tường trí xảo. Không suy đoán, không so sánh, không bình luận.

 

Trong giai đoạn văn ta chưa cần tư. Khi nghe pháp thoại hãy khoan dùng trí năng phân biệt, mà phải đưa cả thân tâm ra. Khi nghe pháp, ta phải để mặt đất tâm mở rộng thênh thang cho mưa pháp thấm nhuần. Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt, hạt đậu năm xưa hé miệng cười. Đất tâm thấm ướt thì hạt giống tuệ giác ở trong ta mới nẩy mầm được. Cho nên ngồi nghe pháp thoại phải như ngồi thiền, phải ngồi cho chững chạc, thanh thản, và chỉ lắng nghe thôi. Mở rộng tấm lòng không thành kiến để tiếp nhận lời pháp thoại. Nghe mà đã có định kiến rồi thì không tiếp nhận được nữa. Lúc nghe chúng ta đừng đem so sánh những lời đang nghe với ý kiến có sẵn của mình. Đừng vừa nghe vừa phê phán: giống, khác, đúng, sai và lấy các định kiến của mình làm tiêu chuẩn. Bị bức tường trí não và thành kiến ngăn chặn, những điều ta nghe không thấm vào lòng ta được nữa. Cho nên bí quyết của nghe (văn) là lòng trống, là không tâm. Nghe, tiếp nhận và thấu hiểu rồi, sau đó mới tư và tu, nghĩa là mới suy ngẫm, chiêm nghiệm và đem vào cuộc sống.

 

Vào thời Bụt còn tại thế, nhiều người tới nghe Bụt giảng lần đầu, trong khi nghe đã tỉnh thức ngay. Họ giác ngộ tức thời trong khi nghe Bụt nói, nhờ họ đã từng đau khổ và đã dầy công tu tập. Chỉ văn thôi là đã chứng. Ba việc văn, tư và tu diễn ra trong cùng một khoảnh khắc. Vì ở trong con người của những kẻ ấy những cơ năng của giác ngộ đã đầy đủ rồi, chỉ còn một chỗ nào đó còn bị kẹt mà thôi. Bây giờ nghe một bài pháp thoại thì tự nhiên chỗ bị kẹt đó được tháo gỡ, và sự thật bung ra.

 

Chánh kiến có thể được nói tới như là nhân hay là quả. Chánh kiến tiếp nhận vào là nhân. Tư và tu lại mang chánh kiến tới như kết quả của sự thực tập. Khi tiếp thụ chánh kiến như là nhân, thì phần ý niệm và danh từ còn quan trọng. Khi thành tựu kết quả thì chánh kiến là tuệ giác, vượt khỏi danh từ và khái niệm, chánh kiến tức là giác ngộ, là bồ đề.

 

Vào buổi khuya thành đạo, Bụt đạt tới cái thấy hoàn toàn, vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì cái thấy của Ngài là tuệ giác xuất thế gian. Nhưng khi bắt đầu giảng cho các thầy về tứ diệu đế là Bụt bắt đầu phải dùng ý niệm và ngôn từ. Ý niệm về khổ, về tập, về diệt, về đạo. Đọc trong Kinh chúng ta thấy rằng sau khi Bụt thành đạo Ngài đã ở lại bờ sông Ni Liên Thuyền 49 ngày. Trong 49 ngày đó, Ngài sống trong vô ngôn và vô niệm, nhưng đồng thời Ngài cũng bắt đầu thiết lập các ngôn từ và ý niệm để chuẩn bị giảng dạy. Chúng ta thấy bài thuyết pháp đầu tiên về tứ đế và bát chánh đạo đã được xây dựng một cách rất kỹ lưỡng, rất đẹp đẽ và rất thích hợp với năm người đệ tử đầu. Nhưng đó chỉ là cái bình để đựng nước thôi. Nước chánh kiến đã có sẵn rồi. Muốn hiến nước cho người, phải đem tặng trong một cái bình. Và tứ diệu đế, bát chánh đạo là bình nước tuệ giác đầu tiên mà Bụt đem chia sẻ cùng nhân loại.

 

Thầy Thái Hư, sống đầu thế kỷ này bên Trung Quốc đã dùng các danh từ giáo lý bản chất và giáo lý ảnh tượng. Giáo lý ảnh tượng là giáo lý được trình bày qua ngôn từ và khái niệm, còn cái giáo lý mà ta sống là giáo lý bản chất. Thầy dùng hình ảnh của một thân cây. Trời nắng, cây chiếu bóng trên mặt đất. Chỉ cho người kia cái bóng cây: đây là bóng cây, nếu anh tìm tới gốc và nhìn lên anh sẽ thấy cây. Giáo lý ảnh tượng như bóng cây, giáo lý bản chất là cây. Cây là tuệ giác chân thật, bóng cây là khái niệm và ngôn từ diễn tả tuệ giác. Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ, tất cả giáo lý trong các kinh điển đều là ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng nhưng nếu không có ngón tay chỉ thì ta không biết phương hướng nhìn về mặt trăng. Khi nương vào giáo lý ảnh tượng để tu tập, một ngày kia ta thấy được giáo lý bản chất.

 

Duy Biểu Học (thường gọi là Duy Thức Học) nói về các phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi và kiến. Không cần dùng chữ tà kiến, vì kiến đã có nghĩa là cái thấy sai lầm rồi. Kiến nghĩa là một cái thấy phiến diện, thấy một mặt. Đứng về phương diện thế gian mà nói thì có chánh kiến, có tà kiến, chánh kiến đối lập với tà kiến. Nhưng khi đạt trình độ xuất thế gian thì tất cả mọi kiến đều là tà kiến. Ví dụ như vô thường là chánh kiến, thường là tà kiến; ngã là tà kiến, vô ngã là chánh kiến. Nhưng đứng về phương diện xuất thế gian thì thường là tà kiến mà vô thường cũng trở thành tà kiến. Vô thường là thứ thuốc trị bệnh giúp ta khỏi vướng mắc vào cái thấy về thế giới mà ta nghĩ là trường tồn. Nhưng nếu ta lại vướng mắc vào ý niệm vô thường thì vô thường cũng là một cái thấy (kiến) sai lầm. Vô thường là cái ta chứng nghiệm trong đời sống, không phải chỉ là một khái niệm. Học Phật, chúng ta hay bị vướng vào những ý niệm vô thường và vô ngã. Với tuệ giác siêu việt thì ý niệm về thường phải được vượt qua mà ý niệm về vô thường cũng phải được vượt qua. Ý niệm về ngã phải vượt mà ý niệm vô ngã cũng phải vượt. Cũng như trong Kinh Bảo Tích nói: ‘‘thà rằng bị kẹt vào ý niệm hữu, còn hơn là bị kẹt vào ý niệm khôngì. Không là một thứ thuốc để trị bệnh hữu nhưng nếu ta bị bệnh không thì không còn thuốc nào để chữa. Tóm lại, tu tập chánh kiến trước hết là học hỏi và tiếp nhận những ngôn từ và những khái niệm chuyên chở tuệ giác. Rồi nhờ quá trình văn, tư và tu mà tuệ giác đó lớn lên dần dần. Và khi đã đạt được tuệ giác thì không những tất cả các khái niệm về tà kiến mà cả những khái niệm về chánh kiến cũng được thắng vượt. Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mula pariyaya, Trung bộ 1) nói rất rõ về sự vượt thắng ý niệm và tà kiến, đứng trên lập trường xuất thế. Không những ý niệm ‘‘ta có tự ngãì là một tà kiến mà cả ý niệm ‘‘ta không có tự ngãì cũng là một tà kiến.

 

Tuệ giác đạt được nhờ chánh kiến càng lớn thì hành động của chúng ta càng sáng. Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh định v.v.. , tất cả đều tùy theo chánh kiến. Phẩm chất của bảy phần kia trong bát chánh đạo đều tùy thuộc phẩm chất của chánh kiến. Cho nên Kinh Tạp A Hàm 785 cũng như trong Kinh Thánh Đạo, Majjhima Nikaya 117, đều nói rằng chánh kiến đứng hàng đầu. Việc tu tập chánh kiến lúc đầu giúp ta phân biệt chánh kiến và tà kiến. Cuối cùng nhờ chánh kiến ta biết rằng tất cả các kiến đều là tà kiến. Cho nên chánh kiến tức là vốn liếng tu học, vốn liếng hành trì của chúng ta. Nếu vốn liếng đó phong phú thì tất cả những sự hành trì trong các lãnh vực chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định cũng sẽ giàu có. Học hỏi như thế nào để cho những hạt giống chánh kiến trong tâm được đánh thức, được nẩy mầm, thì lúc đó những điều chúng ta học hỏi mới thật sự là chánh kiến.

 

Thiền sư Nhất Hạnh