Tâm Hổ Thẹn Cao Qúy

Tâm hổ thẹn là suối nguồn quan trọng của phẩm đức cao thượng, một con người không biết tàm quý, kiểm nghiệm lại phẩm đức của mình, phải chăng sự cao thượng đó chẳng được bao nhiêu.

Trong buổi hội đàm kỷ niệm tròn mười năm lão Thiền sư Tịnh Nghiêm viên tịch, người chủ trì mời một Ni cô phát biểu. Ni cô đứng dậy, nhưng một hồi lâu vẫn không nói được lời nào, nước mắt lưng tròng.

Sau đó, cô nói câu đầu tiên: “Tôi rất hổ thẹn”. Bằng giọng ngắt quãng, cô kể lại những lời dạy dỗ và ân giáo dưỡng của lão Thiền sư đối với cô; kể về sự phụng hiến vô tư của lão Thiền sư đối với Phật giáo, đối với thế nhân; kể về phẩm đức sáng chói rực rỡ, không sợ ma nạn của lão Thiền sư. Trong lúc cô đang kể, cô không ngừng kiểm điểm, phản tỉnh bản thân. Cô nói bản thân mình còn kém xa những yêu cầu mà lão Thiền sư đặt ra, những việc làm được cũng rất ít, những báo đáp đối với ân sư cũng quá ít ỏi. Trong toàn cuộc phát biểu bốn chữ: “Tôi rất hổ thẹn” đã xuyên suốt từ đầu đến cuối. Mọi người trong hội trường đều yên lặng lắng nghe, tôi thấy vài vị nữ cư sĩ không ngừng lấy tay lau nước mắt, theo dõi những giọt nước mắt chân thành của cô.

Vị Ni cô này chính là đệ tử của lão Thiền sư Tịnh Nghiêm, là Thiền sư Tâm Không Tháp Viện chùa Bạch Mã ở Lạc Dương.

Tâm hổ thẹn là suối nguồn quan trọng của phẩm đức cao thượng, một con người không biết tàm quý, kiểm nghiệm lại phẩm đức của mình, phải chăng sự cao thượng đó chẳng được bao nhiêu.

Bởi vì làm con người, bất luận là đệ tử của Phật hay là chúng sanh phàm tục thì dường như không ai là không mắc phải tội lỗi sai lầm. Nhưng có tội lỗi và sai lầm phải chăng cũng có thể nhận ra được, nhận ra rồi nên biết xử lý như thế nào, và mỗi người khác nhau sẽ có cách xử lý khác nhau.

Trên thực tế, một người có tâm hổ thẹn hoàn toàn không phải bị người khác coi thường, bởi vì người có tâm hổ thẹn thực ra là một người cao thượng.

Liên Hải Dịch