Cao thủ phái Nga Mi luyện tuyệt kỹ bằng… ván trượt?

Bức ảnh một nhà sư đang chơi ván trượt được phát đi trên các diễn đàn đã gây ra phản ứng mạnh trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

Bức ảnh gây dư luận trên diễn đàn.

Sẽ không gây shock đến vậy nếu đó không phải là một hòa thượng phái Nga Mi – một trong bảy môn phái võ công có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc hiện nay.

Tất nhiên, hiệu ứng kèm theo đó là đã làm dấy lên làn sóng hiếu kì của thế giới mạng đối với những “thâm cung bí sử” của các môn phái lớn trong thời hiện đại.

Từ 10/12/2009, cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu xôn xao về chùm ảnh trên diễn đàn Nhạc Sơn: “Cao thủ ván trượt tuyệt thế phái Nga Mi ẩn trong Đại Phật thiền viện”, chụp lại cảnh một hòa thượng áo xám đang “phiêu diêu” với ván trượt trên sân chùa.

Theo đánh giá của dân chơi, thì trình độ “lướt” của đại sư này đã ở mức… thượng thừa. Tác giả của chùm ảnh, một cư dân mạng có nick Hải Thượng Cương Cầm Sư (Nghệ sĩ piano trên biển) cho biết, những bức ảnh này mới được chụp ở Đại Phật Thiền viện trên núi Nga Mi, và chú thêm: “Bái phục!

Những bức ảnh có liên quan đến một trong những môn phái lớn nhất và gây tò mò nhất Trung Quốc hiện nay đã nhanh chóng dấy lên phản ứng mạnh trong cư dân mạng.

Giới trẻ tỏ ra thích thú với sự “nhập thế” và “sành điệu”của giới tu hành hiện đại. Các fan võ hiệp thậm chí còn cho rằng, trình độ chơi ván trượt đẳng cấp của hòa thượng này chắc chắn có liên quan đến những bí kíp võ công của phái Nga Mi vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong thời gian tới ở Trung Quốc rộ lên trào lưu “kungfu ván trượt”.

Tuy nhiên, một luồng dư luận khác tỏ ra bức xúc, bởi điều này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh tôn nghiêm không chỉ của Nga Mi mà của cả Thiếu Lâm, Võ Đang - những môn phái tu hành vốn được coi như “Thái Sơn bắc đẩu” của võ lâm Trung Quốc và đang là “con cưng” của giới truyền thông trong việc truyền bá hình ảnh võ học Trung Quốc ra thế giới.

Chưa kể rằng, trong quan niệm truyền thống, đạo đức của người tu hành phải được đánh giá bằng mức độ “vô vi xuất thế”, chuyên tâm tu hành, không bị cám dỗ bởi những ham muốn đời thường.

Không thể để ảnh hưởng đến một “danh môn chính phái” như Nga Mi, giới kí giả Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.

Qua tiếp xúc với những người làm việc cho Phật viện, được biết chuyện các tăng sinh ở đây chơi ván trượt là “chuyện thường ngày ở huyện”, không có gì đáng ngạc nhiên.

Một vị chức trách trong Phật viện phát biểu: “Người ngoài trước nay luôn có một cái nhìn sai lầm về đời sống của sư sãi. Chịu ảnh hưởng quá nhiều từ phim ảnh, người ta cho rằng đã là người tu hành thì chỉ biết ngồi thiền tụng kinh.

Nhưng trên thực tế, cùng với sự tiến bộ của thời đại, nhà tu hành ngoài lúc học hỏi tu rèn phật pháp, cũng có thể tham gia các hoạt động thể thao như chơi cầu lông, đánh bóng bàn để rèn luyện thân thể. Chơi ván trượt cũng không phải là ngoại lệ. Để làm cho Phật pháp lớn mạnh thêm, tại sao không thể dùng điện thoại di động, máy vi tính, học tiếng Anh, để cho tăng sinh trở thành những người giỏi về nhiều mặt?

 Xã hội hiện đại càng phát triển, con đường để Phật pháp lớn mạnh hơn cũng ngày càng rộng mở, đòi hỏi tăng chúng phải nắm bắt được khoa học kĩ thuật hiện đại, tận dụng mọi con đường để hoành dương Phật pháp. Tại Nga Mi thiền viện (học viện Phật giáo duy nhất tại Tứ Xuyên – TG), ngoài học các môn như lịch sử Phật giáo, Phật pháp, v.v…, tăng sinh còn được học tổ chức sự kiện, quản lí, vi tính, Anh văn…”

 Vị cao tăng này cũng cho biết, không có gì mâu thuẫn giữa việc giữ giáo lí truyền thống của đạo Phật và tiến lên cùng thời đại, bởi xét cho cùng, những điều này cũng chẳng đi ngược lại với hình ảnh “ăn chay, mặc áo cà sa, không con không vợ” của các nhà sư.

 Sẽ là một cuộc tranh luận không có hồi kết, để nói rằng sư sãi “tiến cùng thời đại” là đúng hay sai, có hợp với giáo lí đạo Phật hay không. Nhưng điều chắc chắn là đối với giới truyền thông Trung Quốc, sau sự kiện này, đời sống thường ngày và những “thâm cung bí sử” của các môn phái như Nga Mi, Thiếu Lâm thời hiện đại sẽ lại trở thành tiêu điểm, bởi họ không muốn bị những cư dân mạng vô danh “qua mặt” trên chính mảnh đất thiêng sở trường mà họ đã góp phần tạo ra.

 Dù có phủ lên đó một bức màn thần bí, tôn nghiêm, thì Thiếu Lâm, Không Động của năm 2009 cũng sẽ khác với Thiếu Lâm, Không Động trong tiểu thuyết Kim Dung. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Minh Tư (VTC News)