DẤU CHÂN VOI

II. NỘI DUNG KINH DẤU CHÂN VOI

Một số quan điểm tán thán Như Lai và trí tuệ giải thoát của Như Lai mà kinh ngắn Dấu Chân Voi ghi lại, tiêu biểu là:

1. Du sĩ Vacchàyana tán thán: “Này Tôn giả (Jànussoni) tôi là ai mà có thể tán thán Sa môn Gotama, Bậc Tối thượng được tán thán trong các Bậc được tán thán, Bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người”.

Du sĩ Vacchàyana chỉ có thể tán thán Thế Tôn gián tiểp qua sự chứng kiến các nhà bác học lạc thuộc hàng quý tộc, lãnh đạo và dân dã quy ngưỡng Thế Tôn, như chỉ phỏng đoán có một con voi lớn đi qua khi thấy các dấu chân voi để lại.

2. Một số nhà bác học gia chủ sau khi nghe Đức Thế Tôn giảng Pháp, đã chân chính xuất gia, tinh cần tu tập và thành tựu phạm hạnh. Các vị này khi chứng ngộ giải thoát đã thốt lên: “Thực sự chúng ta gần bại vong, hoại diệt. Xưa kía chúng ta không phảí là Sa môn lại tự xem là Sa môn, không phải là hàng Bà la môn lại tự xem là Bà la môn, không phải là A la hán lại tự xem là A la hán. Nay chúng ta mới thực sự là Sa môn. Nay chúng ta mới thực sự là Bà la môn. Nay chúng ta mới thực sự là A la hán”.

Và  “Thế Tôn là Bậc Chánh Đẳng Giác”.

Đức Thế Tôn dạy Bà la môn Jànussoni về sự việc như thế nào là phán đoán chính xác về sự có mặt của một con voi đực lớn, qua dấu chân voi được mục kích: qua dấu chân để lại trên mặt đất, cộng với sự kết hợp của ngà voi lớn để lại trên các thân cây, cành, lá men theo các dấu vết ấy cho đến khi thật sự trông thấy con voi đực lớn xuất hiện trước mắt. Cũng thế, qua kết quả thành tựu Giới học, Định học, Tuệ học của hàng Tỷ kheo, vẫn chưa nhận ra sự xuất hiện của Như Lai, cho đến khi tự mình đoạn tận lậu hoặc, thấy rõ con đường đưa đến sự đoạn tận lậu hoặc, lúc đó mới có thể nhận ra các dấu vết để lại của Như Lai. Như Lai là Bậc Chánh Đẳng Giác...

III. BÀN THÊM

1. Về giá trị thiết thực, trí tuệ và giải thoát của giáo lý Phật giáo, người đời, các nhà nghiên cứu, ... chỉ có thể thể nhận được một phần nhỏ qua sự nghe một bậc đệ tử Phật có trí tuệ thuyết giảng, qua sự đọc một số công trình Phật học được biên khảo có giá trị, qua các buổi thảo luận của các nhà Phật học và qua sự trầm tư của cá nhân, hoặc qua sự  chứng kiến có nhiều nhà khoa học, bác học thời danh tán thán Phật giáo.

Sự thể nhận, đánh giá này tương tự nhận xét, đánh giá của du sĩ Vacchàyana trong kinh ngắn Dấu Chân Voi.

2. Sự nhận định, đánh giá giá trị của giáo lý Phật giáo trở nên sâu sắc hơn, thiết thực hơn và chính xác hơn qua sự thể nghiệm của chính tự thân của người tu tập thành tựu Giới học, Định học, Hiện tại lạc trú và Tịch tịnh trú. Càng sâu sắc và chính xác hơn qua sự tu tập thành tựu Tuệ học. Sự đánh giá đúng hơn nữa là sau khi tự mình đoạn trừ xong hết thảy dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đắc quả A la hán.

3. Sự đánh giá chân thật và chính xác, như thật chỉ xảy ra với vị chứng đắc Vô thủ trước Niết bàn, chứng đắc quả vị giác ngộ tối thượng: Chánh Đẳng Chánh Giác.

4. Đối với trí tuệ toàn giác của Đức Thế Tôn cũng thế, chỉ có Phật mới hiểu được Phật,   hiểu được thực chất của trí tuệ toàn giác. Do vậy các nhà nghiên cứu Phật học nên biết tự giới hạn công tác khảo cứu của mình trong lĩnh vực kinh nghiệm giới hạn của tự thân, không nên đi xa vào việc khảo cứu, bàn luận về Niết bàn, chân như, Phật trí khi mà tâm mình còn đầy lậu hoặc và khi mà ngôn ngữ khái nìệm không thể chuyên chở được thực tại như thật vốn siêu lý luận, siêu ngôn ngữ.

Đây là một số cảm nhận khi đọc kình ngắn Dấu Chân Voi.

Phật giáo là một nếp sống, con đuờng sống đến để thể nghiệm, mà không phải đến để bàn luận.

B. Kinh dài: DẤU CHÂN VOI
(Kinh số 28: Mahàhatthipadopamasuttam–
Greater Discourse On The Simile Of The Elephant’s Footprint)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Các từ ngữ đã được cắt nghĩa)

II. NỘI DUNG KINH DẤU CHÂN VOI

1. Trong các dấu chân của loài thú rừng, dấu chân voi là lớn nhất. Tương tự, giáo lý Tứ Thánh đế là giáo lý nền tảng, hàm chứa tất cả thiện pháp. Nói khác đi, các giáo lý khác của Phật giáo chỉ là triển khai Thánh đế qua các thể cách khác nhau, giới thiệu nhiều  khía cạnh khác nhau, bằng ngôn ngữ, thi thiết khác nhau. Bản kinh dài Dấu Chân Voi là một trong nhiều hình thức trình bày ấy.

2 . Bát khổ thuộc Khổ Thánh đế được nhiếp vào “Ngũ thủ uẩn” qua lời dạy “nói tóm lại, năm uẩn là khổ” . Bản kinh 28 này trình bày “Năm uẩn là khổ” nhiếp vào Sắc uẩn, bởi năm uẩn không tách rời nhau.

Sắc uẩn thì có nội sắc là thân con ngườí, ngoại sắc là thân thế giới vật lý, bao gồm nội tứ đại và ngoại tứ đại. Ngoại tứ đại biểu hiện rất rõ tánh vô thường,  biến hoại, biến dịch của chúng: Các đại ở trong thân cũng vậy. Do đó, đối với Sắc uẩn, không có gì để có thể nói là tôi, của tôi hay tôi là. Giác sát như thế,  khi nội sắc gặp gỡ ngoại sắc, hay căn trần gặp gỡ. Bấy giờ thức hiện khởi. Sự gặp gỡ của căn, trần và thức gọi  là xúc; do xúc mà có cảm thọ;  do có cảm thọ mà tưởng, tư, ái, thủ hiện khởi. Đó là dòng chảy của tập hợp các duyên. Tuệ tri như thế thì thấy rõ trong “Ngũ thủ uẩn” không có gì có thể nói là Tôi, của Tôi hay Tôi là .

Thấy như vậy thì tâm sẽ không tham ái hay phẫn nộ trước bất cứ gì xảy đến với thân, dù là cái cưa hai lưỡi đang cắt xẻ thân chân tay. An trú tâm như thế là làm đúng lời Đức Phật dạy, niệm sẽ dần dần ổn định, không dao động, xả và nhất tâm hiện khởi. Đến đây là hành giả đã làm được nhiều.

3. Quan sát như thế khi sáu căn lành mạnh tiếp xúc với sáu trần. Bấy giờ sáu thức hiện khởi; xúc, thọ, tưởng, tư hiện khởi. Tất cả các sắc hiện khởi đều thuộc Sắc uẩn; tất cả thọ hiện khởi đều thuộc Thọ uẩn; tất cả các tưởng hiện khởi đều thuộc Tưởng uẩn; tất cả các tư hiện khời đều thuộc Hành uẩn; tất cả các thức hiện khởi đều thuộc Thức uẩn.

Tham ái năm uẩn khởi lên là Khổ tập; giác tỉnh từ bỏ tham ái là Khổ diệt. Thực hiện được tâm từ bỏ là đã làm được rất nhiều.

4 . Quan sát như thế với trí tuệ thì hiện rõ Tứ Thánh đế trong “Ngũ thủ uẩn”, hay Ngũ thủ uẩn là nhiếp vào Tứ Thánh đế và là sự vận hành của chính Duyên khởi. Tại đây, hiện rõ lời Đức Phật dạy: “Ai thấy lý Duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy lý Duyên khởi”.

III. BÀN THÊM

1. Khổ đau của mỗi người trên thực tế chỉ hiện khởi trong sự vận hành của “Ngũ thủ uẩn”, hay trong sự vận hành của sự xúc tiếp giữa sáu căn và sáu trần. Sự vận hành được điều động bởi “tập khí” chấp thủ ngã hay vô minh, như bản kinh số 1 hiển thị. Nếu công phu quan sát giác tỉnh mạnh về sự thật Duyên khởi, thì khả năng điều động của vô minh yếu dần đi, kéo theo sự nguội dần đi của lòng tham ái. Tăng cường liên tục công phu quan sát và giác tỉnh này thì tham ái sẽ đi đến muội lược và tắt hẳn, ly tham và từ bỏ sẽ hiện khởi.

2. Tập khí chấp thủ ngã là do nghiệp ái, thủ từ quá khứ để lại và được nuôi dưỡng, phát triển qua ảnh hưởng của nền văn hóa hữu ngã của gia đình, xã hội tác động. Do đó, con đường dập tắt tập khí ấy là con đường thực hành Văn, Tư, Tu về sự thật Duyên khởi, Vô ngã. Đây chỉ là điểm cương yếu của nhận thức về con đường rút ra từ những lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất qua kinh dài Dấu Chân Voi ./.

HT Thích Chơn Thiện