Hội nghi ni giới và nữ Phật tử Phật giáo

Hội nghi ni giới và nữ Phật tử Phật giáoChiều ngày 27/12/09, tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, nhộn nhịp chuẩn bị ra mắt Hội Nghị nữ giới Phật giáo Thế giới lấn thứ 11, được Phân ban đặc trách ni giới Việt Nam đăng cai tổ chức. Khuôn viên chùa Phổ Quang còn bề bộn vôi hồ vữa trong công trình xây dựng một góc sân, phần còn lại vẫn tiến hành theo chương trình hoạch định mà 12 tháng qua đã chấp nhận cho Ni sư Tsomo, chủ tịch hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới (Sakyadhita), được phép luân phiên tổ chức hai năm một lần trong những quốc gia có Phật giáo.

Đại hội Nữ giới Phật giáo Thế giới lần đầu tiên ra mắt tại Bodhgaya, Ấn độ, năm 1986, do Ni sư Tsomo, Tiến sĩ Triết kiêm phó giáo sư phân khoa tôn giáo học và Thần học của đại học San Diego, làm chủ tịch, mục đích xiển dương gương sáng đạo hạnh và tài năng của những người nữ tại gia cũng như xuất gia, được gọi là những người con gái lỗi lạc của Đức Phật; Để từ đó, những người con Phật thuộc giới nữ lưu gắn bó, liên kết đến sự phát triển xã hội.

Kiều Đàm Di Mẫu, một tấm gương của Ni giới trong Phật giáo, thể hiện trọn vẹn Tài Đức và Hạnh, vượt qua nhiều chướng ngại của cổ tục xã hội giai cấp kỳ thị mà Ấn Độ trãi qua hàng ngàn năm, để trở thành một nữ tu đầu tiên chứng tỏ khả năng chuyển hóa tự thân và trí tuệ bình đẳng không bị hạn chế bởi giới tính. Làm rạng danh Ni giới song song với các bậc Thánh Tăng đương thời, từ đó, giành cho Phật giáo một vị thế có một không hai trong xã hội Ấn độ. Dĩ nhiên, sau Kiều Đàm Di Mẫu, vẫn còn những thế hệ kế thừa mà kinh tạng Nikaya lẫn Bắc truyền thường nhắc đến.

Trong những quốc gia Phật giáo mà Ni giới được một vị trí tương xứng, hẳn phải có một sự truyền thừa chính thống để từ đó, hạt giống ưu việt có môi trường sanh sôi nẩy nở. Nhất là các quốc gia Phật giáo Bắc Truyền, ni giới không là chiếc bóng của chư Tăng, mà họ là con đường song hành chứng tỏ ánh sáng mặt trăng có một giá trị chuyên biệt như ánh sáng mặt trời. Tại H àn Quốc, Ni giới từng đóng vai trò truyền bá Phật pháp trong giai đoạn khởi nguyên. Sunim Sa Morye là Tỳ kheo ni đầu tiên hổ trợ cho HT Ado truyền bá Phật Pháp vào kinh đo Silla. Hoàng hậu vua Jingheung cũng xuất gia làm tỳ kheo ni hiệu Bopun, bà độ cho nhiều phu nhân cùng theo xuất gia tu tập.Cũng có Tỳ kheo ni là lương y từng chữa bệnh cho quốc sư trong triều đại Sin Mun. Năm thứ 12, triều vua Jinheung đã ban sắc cho Tỳ kheo ni Ani làm ni trưởng Ni bộ. Trong các thời đại Tam kinh, Goryeo, joseon , ni giới đã đóng góp cho xã hội đương đại không những về hạnh đức, kiến thức mà còn y học và từ thiện. Ngày nay, ni giới Hàn quốc đã hòa nhập xã hội qua con đường giáo dục, từ thiện, hoằng pháp. Ni giới có một thành tích lớn truyền bá và phát triển Phật giáo vào Hàn Quốc cũng như truyền sang Nhật Bản. Trình độ ni chúng Hàn quốc hiện nay đại học hoặc trên đại học, tham gia vào các chương trình giảng dạy Phật pháp và thế học. Ni giới cũng quản lý 30 trung tâm thiền học hiện nay tại Hàn quốc. Ni bộ Hàn quốc được biết đến ba ni sư danh tiếng, đạo cao đức trọng như sư bà Guemryong,Hyeoak và Sueak. Năm 2003, ni viện Beob Ryong Sa được thành lập giúp ni giới có điều kiện tham cứu Phật pháp áp dụng vào xã hội bằng tinh thần từ bi.

Tại Hoa kỳ, một sự lý thú, cô Joyce Adele Pettingill, một gia đình Tin Lành ngoan đạo, nhân dịp ghi danh phân khoa Phật học, cô được HT Thiên Ân, viện trưởng viện Đại Học Đông Phương khai thị thâm hiểu Phật pháp, sau đó cô đã hợp tác cùng HT sáng lập Thiền viện quốc tế và trở thành nữ viện trưởng sau khi HT viên tịch. Cô xuất gia năm 1976, pháp danh là Ni sư Karuna; được HT Thiên Ân đặt cho pháp tự là Thích nữ Ân Từ. Ni sư cũng từng tham dự Hội nghị Ni giới quốc tế tại Kulalampur.Malaysia, và cùng được mời làm hội trưởng với Ni sư Tsomo cùng thời điểm 1986 tại Bodhgaya, cô đóng góp không nhỏ trong việc phổ biến giáo lý trong xã hội Mỹ.

Tại Việt Nam, từ thế kỷ đầu du nhập, Phật giáo cũng xuất hiện những bậc anh lưu kiệt xuất, cho đến Hai bà Trưng từng là Phật tử, nhiều nữ tu và nữ tín đồ từng tham gia chống giặc ngoại xâm. Trong lúc ổn định xã hội, ,Việt Nam từng có một Sư bà Diệu Không, sư bà Như Chí, Sư bà Như Thanh..ni sư Huỳnh liên một thời vang danh trong ni giới. Nữ tu gần đây nhất, thuộc giòng dỏi trâm anh thế phiệt, có một trình độ phật pháp uyên thâm và kiến thức thế học ưu lãm, đóng góp cho kho tàng văn học VN qua nhiều dịch phẩm, đó là Ni sư Trí Hải. Sau 1990, phong trào du học đã đào tạo rất nhiều ni cô có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ cả hai hệ phái Bắc tông và Khất sĩ tạo một sắc thái mới cho ni giới Việt Nam. Nhất là phía Nam, ni giới chứng tỏ khả năng qua đại lễ Vesak, và bây giờ là Hội nghị ni giới, do chư ni đứng ra tổ chức, điều hành.

Cái thao lược về trí tuệ như một Trí Hải, cái dung nạp về trí thức như các ni trẻ đã và đang bảo vệ tiền sĩ, đều nói lên khả năng của nữ lưu tương phùng với nam giới mà không vì giới tính bị hạn chế.
Ngày xưa, qua Trưởng lão Ni kệ cho ta thấy một Mahàpajàpàti Gotami đã dùng nội chứng để chuyển hóa các học nữ xuất gia, các bậc xuất sĩ ni giới từng tuyên xưng những kệ tán của tâm chứng, thì ngày nay, thay vì hướng nội chuyển hóa nhân cách, các nữ lưu lỗi lạc của đức Thế Tôn góp tay đem lại an lành cho xã hội mà một số sư cô, hoặc là bác sĩ, hoặc là điều dưỡng, thâm thậm chí là bảo mẫu trong các viện mồ côi giúp cho người dân an lòng trước bệnh tật đói nghèo.

Tuy gần 30 năm, Ni chúng không có một vị trí chính thức trong cơ cấu hành chánh giáo hội, nhưng truyền thống sinh hoạt bình đẳng ni giới của các quốc gia Bắc truyền, giúp chư ni có một quyền hạn nhất định trong phạm vi chuyên biệt, làm giềng mối tồn tại và phát triển mà chỉ có các ni chúng Bắc truyền mới nuôi dưỡng được sinh lực đó. Tuy Bát kỉnh pháp có là tấm bình phong xác định vị trí lưỡng cực, nhưng không là rào cản tiến bộ tâm linh và trí thức; Ngược lại một số nữ tu của Nam truyền, tự an phận với vị thế cách biệt, đã không làm nổi bậc được khả năng tiềm ẩn của một người con gái Phật trong các thời đại.
Chính vì thế, Hội nghị nữ giới Phật giáo Thế giới không chỉ nêu lên tấm gương sáng của quần lưu, khả năng sẵn có của thân nữ, còn muốn gắn kết tất cả những người con gái đức Phật có một ý thức tự tồn, đoàn kết và tiến hóa để giúp cho xã hội nhiều hoàn thiện hơn cả lĩnh vực xã hội lẫn văn học và đạo đức.

Phân Ban Đặc trách Ni giới Việt Nam, tuy vừa hình thành chưa tới nửa năm, do nhu cầu Hội nghị quốc tế, cũng đã chứng tỏ khả năng tiềm ẩn từ lâu chưa có dịp phát tiết. Qua chuẩn bị Hội nghị,, các khâu triển lãm, họp báo và điều hành, phải xác nhận các ni trẻ tạo được niềm tin cho một ni giới Việt Nam trong tương lai. Giá mà, Ni giới được sớm xác lập là một trong những thành phần cốt lỏi trong ngôi nhà PGVN để phát triển từ khi thành lập Giáo Hội, san sẻ bớt gánh nặng cho chư tôn đức Tăng đang kiêm nhiệm quá nhiều Phật sự, thì guồng máy Giáo Hội sẽ sinh hoạt nhẹ nhàng hơn, khởi sắc hơn. Gần 30 năm mà Hiến chương PGVN vẫn chưa có một điều khoản xứng đáng để ni giới là một cơ phận quan yếu trong Phật giáo ngày nay. Qua Hội Nghị Nữ Giới Phật Giáo thế Giới lần thứ 11 nầy, liệu PGVN rút ra được một quan tâm về vai trò nữ giới nói chung và ni giới nói riêng trong cơ chế PGVN, khả dĩ đóng góp cho xã hội cũng như Giáo hội một sắc thái hòa hợp mà Phật giáo từng đồng hành cùng dân tộc???

MINH MẪN
27/12/09

Thứ sáu, ngày 18 tháng mười hai năm 2009

ĐẤT NƯỚC CUỐI NĂM


Hơn một tháng nữa, chúng ta đón Xuân dân tộc, hai tuần nữa, đất nước đón tết Dương lịch. Mọi sinh hoạt trong xã hội chạy đua nước rút, vừa kiếm thành quả cho những trang báo cáo, vừa tạo nguồn vật chất tối thiểu cho mọi gia đình ăn trong ba ngày tết.
*
Năm nay, sinh hoạt xã hội có khác hơn những năm trước, vật giá leo thang bất ngờ, kinh tế tài chánh khủng hoảng theo cường triều chung trên thế giới. Ngoại tệ và quý kim giao động từng ngày; một số công ty xí nghiệp khựng lại; các nhà đầu tư nước ngoài tạm hoãn. Báo động khẩn cấp là thay đổi khí hậu toàn cầu, VN được cảnh báo vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bị nước ngập mặn đe dọa đến lúa gạo. Nhất là đồng bằng miền Tây Nam bộ được dự báo sẽ mất hơn phân nửa trong nước biển dâng cao. Ngành giáo dục cũng đang báo động, trẻ thất học, bỏ trường khá nhiều, lễ giáo học đường xuống cấp đến mức đe dọa; Một số trường cai nghiện, cải tạo không đủ lương thực chu cấp, cho xuất trại sớm những phạm nhân xã hội như ở Lê Minh Xuân, chính quyền phải thông báo cho các khu nhà trọ và người dân cảnh giác về của cải tài sản cá nhân…Thiên tai bão lũ tàn phá miền Trung và xóa sạch hai ngôi làng ở Tây nguyên, phá hỏng trôi sập cầu đường, cuốn đi tài sản, sinh mạng người dân;
*
Thiên tai là hậu quả tất yếu của biến đổi khí hậu toàn cầu, các quốc gia đang lớn tiếng về vấn nạn nầy, nhưng chưa quốc gia nào áp dụng giải pháp triệt để để cứu vãn. Riêng Đan Mạch, sẽ tuyển chọn một trong những băng video góp phần giải quyết môi sinh và biến đổi khí hậu tại Copenhagen trong tháng nầy.
*
Đối đầu với bao khó khăn của đất nước, người dân xem như chuyện thường ngày, họ vẫn sống, vẫn vui vẻ theo dõi Seagame, tham dự các Festival, vẫn đua đòi mua sắm; phố phường khoe sắc đèn màu; xe cộ đua nhau lấn đường; trẻ choi choi tóc màu áo kiểu; Các bác phu xe nằm bật ngữa xem báo chờ khách. Quán ăn quán nhậu vẫn không vắng người ngày đêm.
*
Các tôn giáo cũng tìm cách tồn tại và phát triển. Một số giáo phái đã được công nhận cho phép sinh hoạt; Riêng Công giáo và đạo Phật, cơ sở vật chất phát triển rõ nét; Trong khi các chùa kiến trúc lai tạp tân cổ thì nhà thờ tôn vinh nét kiến trúc Đông phương, có nơi cứ ngỡ là nhà chùa với mái cong ngói đỏ. Từ miền Trung du vào đến Tây nguyên Nam bộ, mức độ phát triển của Tin Lành, các chi Hội chánh thức và các Hội không chính thức, sinh hoạt rất năng động, lượng số tín đồ như nấm mọc sau cơn mưa. Công giáo tuy có chậm hơn Tin Lành, nhưng phẩm chất sâu đậm vững chắc hơn. Trong năm 2009, Công giáo rửa tội trên 10.000 đồng bào sắc tộc Tây nguyên, thì Tin Lành đã có trên 20.000 người theo đạo các vùng sâu vùng xa. Trong lúc đó, Phật giáo Kontum tổ chức quy y cho 4.000 người sắc tộc, thực tế độ 500 người, mà số đó, đức tin của họ tồn tại tùy thuộc vào sự giúp đỡ vật chất theo thời gian; Nhà nguyện, nhà thờ có mặt rất đều tại buôn làng thì đến nay, Tây nguyên hầu như chưa có ngôi chùa hay Niệm Phật đường nào có mặt để đồng bào khỏi vượt hàng chục km ra phố dự lễ. Tổ Đình Vĩnh Nghiêm dự trù tài trợ cho mỗi Niệm Phật đường 500 triệu, nhưng đến nay, BTS Kontum vẫn chưa có người thực hiện công tác đó. Đaknong là vùng vừa thành lập, 10 buôn sóc thì hết 8 buôn thuộc Tin Lành và công giáo chăm sóc tinh thần cho họ. BTS ít người, các tu sĩ chưa đủ kinh nghiệm hoằng hóa. Riêng Đaklak có vài buôn là Phật giáo sinh hoạt tương đối nề nếp đều đặn nhưng sự hiểu biết giáo lý, am tường giá trị tâm linh và tín ngưỡng còn hời hợt.

Ngay cả miền Tây Nam bộ, các vùng người Khmer cũng được các mục sư đến chuyển hóa cải đạo cạnh chùa Miên; Các ông Lục đứng nhìn những con cháu tín đồ của mình ra đi một cách dứt khoát, họ trả lời khi các sư hỏi tại sao bỏ đạo Phật, họ đáp: Chúng tôi nghèo quá, Phật giáo không giúp được gì cho chúng tôi. Mà chúng tôi còn có bổn phận cúng dường nuôi lại các sư năm nầy qua tháng nọ…( đó là tinh thần cúng dường Tam Bảo của xa xưa, ngày nay, Hội Từ Tế và Phật giáo Viên ở Đài Loan thực hiện phương châm: Tam Bảo cúng dường, trước lo cuộc sống cho tín đồ sau đó mới nói đến việc dạy đạo cho họ)
*
Ban Hoằng pháp trên 20 năm vẫn không thể hiện đúng chức năng sáng tạo và chủ động, thuyết giảng những nơi có sẵn tín đồ mà không vào những nơi chưa phải là tín đồ có sẵn. Đáng ra Ban Hoằng Pháp phải có chỉ tiêu của mỗi quý để đo lường khả năng và thành quả của chức nghiệp. Ban Hoằng pháp từ lâu thuộc loại câu cá không mồi. Phật giáo tự nhận đồng hành cùng dân tộc qua 2500 năm, nhưng mỗi năm dân tộc đã có vài chục ngàn người bỏ Phật giáo theo tôn giáo bạn. Trách nhiệm nầy do ai???Phần lớn quý thầy tự an phận và ru ngũ chính mình giữa nhóm Phật tử sủng ái, mà không chịu nhìn cái tổng thể. Chẳng những thế, một chức sắc Trung ương, từng là Trưởng Ban Hoằng pháp, thuyết giảng lệch lạc, xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam, phủ nhận công lao đấu tranh cho sự tồn tại của Đạo Phật để ngày nay các ngài được hưởng phú quý vinh hoa.

Các Ban ngành như Hoằng Pháp, Văn Hóa có tổ chức Hội thảo cũng chỉ nặng phần trình diễn hơn là thâu đạt kinh nghiệm để có kế hoạch hoạt động sâu rộng.

Tăng ni sinh viên Vạn Hạnh một nhóm độ 30 vị trẻ tự nguyện thành lập Hoằmg Pháp lưu động và linh động, với tinh thần trẻ, năng động của quý thầy, có đi sát với quần chúng, nhưng chưa được kinh qua bài bản và không có ngân khoản thường xuyên để làm việc, phần lớn họ đi vào lớp trẻ hoặc tổ chức các khóa tu mà quần chúng là tín đồ có sẵn. Xã hội ngày nay đang cần những lực lượng tu sĩ, cư sĩ giúp cho họ về kiến thức sống, vệ sinh môi trường, nông nghiệp, hạnh phúc hôn nhân, kinh tế gia đình, giáo dục tuổi trẻ…song hành với việc học đạo tu tập. Sinh viên vụ Vạn Hạnh cũng thành lập nhóm Tăng ni sinh truyền đạt và chăm sóc Hiv/Aid cho quần chúng, dĩ nhiên tu sĩ cũng khó mà nói đến vấn đề không chuyên như vậy, thay vì để cho cư sĩ. Mọi cố gắng của Phật giáo có tính đơn lẻ, thiếu nhất quán đồng bộ , không có sách lược rõ ràng.
*
Trong năm 2009, nổi bật của Phật giáo là các Đại trai đàn ở Quảng Trị, Côn đảo, Phú Quốc, Tây ninh sắp tới và Tây nguyên vào tháng ba sang năm, song hành với việc ủy lạo Thiên tai vừa qua. Phật giáo thường làm theo vụ mùa, tiếp tay khi sự cố đã có mặt, trong khi đó, Caritas Việt Nam đã ý thức được rằng, cần phải giúp dân ứng phó trước khi thiên tai xẩy đến, và kinh nghiệm đối phó thiên tai.họ đã tổ chức khóa học tập tại Thủ Đức cho 36 thành viên của 18 giáo xứ tham dự.
*
28/12/09, PGVN đăng cai tổ chức Đại Hội Ni giới quốc tế.
Kito giáo V.N cũng đã tổ chức năm Thánh tại Nha Trang có trên 10.000 người, mặc dù một số địa phương vẫn còn trở ngại về vấn đề giải quyết tài sản mà gọi là của Giáo Hội.
Công giáo cũng thể hiện được nhiều việc tích cực mà đáng ra Phật giáo cần phải làm, Tại Phú Thọ, đền Hùng, Công giáo đã tổ chức sinh hoạt văn hóa tưởng nhớ đến quốc tổ , chứng tỏ Kitô giáo đang đồng hành cùng dân tộc về phương diện văn hóa.
*
Phật giáo Hòa Hảo chuyên về Từ thiện, thành lập nhiều bếp cơm cung ứng hàng ngàn phần mỗi ngày cho các bệnh viện; tại TP HCM, chi hội từ thiện Bảo Hòa tại Đinh Tiên Hoàng Q.1 và Nhân Hòa tại Hốc Môn đã gắn bó với dân nghèo, bệnh nhân nghèo qua những công tác y tế, ma chay và y dược; làm cầu, đóng giếng, mổ mắt, trợ cấp học bổng…Đây là tôn giáo đi vào thực tế cuộc sống của người dân như Đức Phật Thầy Tây An đã từng thành lập Trại Ruộng giúp đồng bào an cư lạc nghiệp trong thời Pháp đô hộ.
*
Nhìn chung, các tôn giáo có mặt tại Việt Nam, vượt khó để phát triển, một sự phát triển của các tôn giáo về vật chất cũng như lượng số và đức tin có tăng rõ nét. Và góp phần vào an sinh xã hội. Tuy nhiên vẫn còn một số phương án giải quyết các tình trạng riêng lẻ, gặp những khó khăn trên một số mặt về bất động sản hay pháp lý như Bát Nhã Lâm Đồng, thậm chí vô lý và tai tiếng; khi đồng nạn, họ có khuynh hướng tìm đến nhau, như ngày 12/12/09, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong và L.M Nguyễn Thể Hiện dòng Chúa Cứu Thế, đến thăm chùa Phước Huệ và Tăng Thân Bát Nhã mà cách đây hơn tháng, họ cũng lên tiếng mời các tu sĩ trẻ nầy về tạm trú tại giáo phận của họ. Nói để thể hiện tấm lòng đồng cam cộng khổ hay để thể hiện tính liên kết, thực tế khó mà thực hiện khi cộng đồng Phật giáo còn đó, làm sao để con em mình cho người khác giúp đỡ lúc lâm nạn! Sự vụng về trong cung cách giải quyết đưa đến lắm đau khổ và tiếng tai không cần thiết trong lúc nầy.
*
Một thoáng nhìn về nội tình Tăng Thân Bát Nhã cứ như một cuộc phá thai bất đắc dĩ khi cuộc hôn nhân bán chính thức hình thành. Nếu cuộc hôn nhân lén lút thì lỗi của Bát Nhã và Làng Mai, nhưng đã có sự đồng tình vượt nguyên tắc pháp lý từ phía nhà nước, sự hình thành những đứa con như thế, buộc phải truy bức là chuyện lỗi không của riêng ai, đó là nghiệp vận của môt dân tộc. Một bào thai phá đi là một đau lòng của bà mẹ, một cộng đồng tu sĩ triệt hạ là nỗi đau chung của người có lương tâm. Tội phạm xã hội có quyền phát triển, tại sao tập thể chân tu không có quyền tồn tại? Nhà nước cần có phương hướng giải quyết tránh đau lòng dân tộc mà không tai tiếng với bên ngoài! Triệt hạ TS Nhất Hạnh không cần phải triệt hạ những đứa con tinh thần như thế, vì đó là hạt giống tốt của xã hội.
*
Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam cũng có mặt trên nhiều lĩnh vực quốc tế. Gần đây nhất, ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến Vatican tiếp kiến Giáo Hoàng, thời gian 40 phút gấp đôi với dự trù mà hầu hết ít có đoàn nào được lâu như vậy. Tuy đôi bên còn e dè, nhưng thẳng thắn; Vatican cũng đã chấp nhận những gì Giáo Hội Công giáo từng gây đau thương cho dân tộc và bất an cho đất nước; Đây chỉ là giao tế đối ngoại để làm nền móng cho việc bang giao mà thời gian và tình thế sẽ quyết định, dĩ nhiên mong muốn bang giao vẫn là từ phía Vatican.

Tuy chuyến đi của các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam qua một số nước không có gì khả quan nhưng cũng thắt chặt tình hữu nghị để xác định vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế. Một điều trong năm 2009, Việt Nam chưa giải quyết được sự an nguy cho những ngư dân sống bằng nghề đánh băt trến biển Đông thuộc hải phận của mình, và tiếng nói của bà phát ngôn viên bộ ngoại giao Phương Nga về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hai quân đảo Hoàng- Trường sa cũng chỉ là tiếng chim lãnh lót trong bụi tre gai, chưa đủ sức mạnh lấn át tiếng gầm thét hải triêu Thái Bìnhg Dương.
*
Thành phố Sài gòn cũng như những thị tứ lớn, cây thông nhân tạo, ông già tuyết cởi tuần lộc được trình bày trong các cửa hàng. Những đường phố lớn quận nhất giăng nhiều đèn nhện, hơn 10 cổng vòm bằng kim loại trang trí đèn sao để đón tết dương lịch. Tuy cây thông và ông già Noel không còn là của tôn giáo, chúng biến thành nét văn hóa phương Tây, nhưng trong tâm khảm con người, nó xuất hiện vào dịp cuối năm, đúng vào mùa Giáng sinh, việc trang trí nơi công cộng làm cho người dân có cảm tưởng nhà nước đón mừng giáng sinh hơn là tết Tây. Cũng thế, Hoa Hồng không phải của Phật giáo, nhưng mỗi độ Vu Lan về, lễ cài hoa biến thành nét văn hóa của PGVN. Đất nước đang du nhập nhiều nét văn hóa lạ khi hòa nhập, để phong phú thêm văn hóa nước nhà, nhưng nhạc Noel được phát ra rả trong quán cơm chay Thuyền Viên 2 ở chợ Cây Quéo, Bình Thạnh, không phải là làm phong phú thêm văn hóa Phật giáo, mà là một sự lạm dụng thô thiển kịch cởm của chủ quán thiếu trình độ nghệ thuật. Cũng thế,dịp Noel là lúc các thương nghiệp kinh doanh phát triển chứ không phải để hưởng ứng niềm vui, một số tư gia không có đạo, cũng làm hang đá, chưng đèn màu thể hiện mode thời đại; và chạy xe tràn đường lúc nửa đêm trong các thành phố lớn, họ cũng không biết đi như thế để làm gì, như ma đuổi!!!du nhập văn hóa như nhạc trẻ, các vũ điệu minh họa không nói lên được điều gì để nâng giá trị nhạc bản, ngược lại làm người xem chóng mặt bởi những động tác mắc phong co giật như thế.
*
Đất nước còn quá nhiều việc để làm khi hội nhập toàn cầu, có quá nhiều vấn đề đối nội, nhất là giao thông ách tắc trung bình mỗi ngày một người dân mất hết 30 phút cho nạn kẹt xe, phân nửa của 86 triệu dân sẽ mất hết 20 ngàn giờ mỗi ngày, sẽ thiệt hại về kinh tế rất lớn; chưa nói đến hạ tầng cơ sở cầu đường không đạt chuẩn, đào lên lấp xuống liên tu bất tận. Hàng lậu, hàng giả, tội phạm xã hội và những bất an về thiên tai. Về đối ngoại cũng khó khăn không kém. chỉ có một ưu việt là an ninh quốc phòng. Còn mọi ngành đều cần chỉnh đốn để đưa đất nước đi lên, trong những ngành đó, quan trọng là ngành giáo dục học đường, phải dạy trẻ em yêu nước truyền thống chứ không chỉ yêu nước theo kiểu 1954. Phải thuộc lịch sử các anh hùng dân tộc chứ không chỉ có Bác. Các em phải biết lịch sử chống ngoại xâm từ thời lập quốc đến nay chứ không chỉ hai thời Pháp Mỹ. Thế hệ trẻ phải biết khởi nguyên của dân tộc từ Động Đình Hồ chứ không chỉ từ hang Pac Pó…
Phải ưu tiên cho việc giáo dục văn hóa, kiến thức và tâm linh, phát triển kinh tế để dân trí song hành với tiện nghi mới tránh những khủng hoảng như các nước phương Tây đã có.

Tai hại lớn nhất của một dân tộc không phải thiếu tiện nghi vật chất khoa học mà là khủng hoảng niềm tin. Chì số hạnh phúc của những quốc gia cao nhất, Bhutan không dồi dào về vật chất, nhưng họ đã sung mãn về tâm linh. Những dân tộc sống trên lò thuốc súng, thừa mứa cái ăn cái mặc, họ không thể có hạnh phúc nếu không được an lành về tâm linh. Bước vào năm mới trong kỷ nguyên hủy diệt bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam cần chỉnh đốn niềm tin vả đạo đức xã hội, chọn lựa lối sống mới bảo vệ thiên nhiên, để đời sống người dân ổn định tinh thần mỚi mong vượt thoát cơn khủng hoảng thiên tai thời đại.
Các tôn giáo cũng cần chuẩn bị cho tin đồ một lối sống mới thích hợp với nhu cầu mới để bảo vệ mẹ Tinh cầu, trong đó, môi trường, môi sinh, và mọi sinh mạng phải được bảo vệ như bảo vệ chính bản thân mình, đó là sự tương tác theo tinh thần cộng hưởng.

MINH MẪN