Vài điều khuyên : Sơ tâm xuất gia

Chánh pháp không thể nào tồn tại nếu không có những vị tăng ni tài đức, thành tâm quay lòng trước thế tục, đầy lòng từ bi và trí huệ, được tất cả mọi người kính trọng. Những vị này chính là những “chuyên viên” Phật gia, dâng hiến trọn đời cho pháp học và pháp hành để tự độ và hoằng dương Phật đạo để độ sanh.

Khi mà một nhóm Phật gia nào đó không đủ những biểu trưng tốt về hành vi không vị kỷ của mình, khi ấy nhóm của họ không thể nào phát triển được, bởi chuyện thế gian thì đầy dẫy và hỗn độn, mà nếp sống cư sĩ tại gia thì lại khó mà có thể có nhiều thì giờ để tập thiền định và học hỏi giáo pháp. Cho nên chỉ có đời sống của người đã lìa bỏ ngôi nhà phiền não, những người xuất gia, làm tăng hay ni, ở trong đoàn thể Tăng già, mới có nhiều thì giờ để mà ứng dụng pháp hành và học tập phương cách an định dần dần những cơn phiền não thuộc tâm thần và tình cảm để đạt được giác kiến về Chân Lý của chánh pháp.

1. TRỞ THÀNH NGƯỜI PHẬT TỬ:

Có người nghĩ rằng đâu cần gì phải bắt đầu từ điểm này, vì một người nào đó muốn xuất gia thì quyết nhiên phải là một Phật tử rồi. Thật ra, không phải trường hợp nào cũng như thế cả. Bởi vì có nhiều người vẫn còn chấp giữ tà kiến của họ, chưa thật sự là một Phật tử chân chánh mà vẫn muốn được thọ giới. Vì vậy, vấn đề là, thế nào là một Phật tử? Phật tử là người nương tựa hoàn toàn tâm ý nơi Tam Bảo là ba ngôi cao quý nhất trong thế gian này.
- Phật Bảo: Đức Phật là bậc Thầy Giác Ngộ.

- Pháp Bảo: là con đường thực hành đưa đến Giác Ngộ.

- Tăng Bảo: là những bậc đã đạt được Giác Ngộ do tu tập đúng con đường ấy. Một Phật tử chánh tâm thành ý quy y ba ngôi Tam bảo để làm nơi nương tựa an lành không gì sánh bằng được trước những khổ đau triền miên vô cùng tận của thế gian; trước những khổ đau dồn dập và những sợ hãi về cuộc đời lẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi của sanh, hoại, bệnh, chết; những đổi thay và không an toàn. Người Phật tử tìm về quy y nơi Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo là ba biểu hiện của Giác Ngộ để rồi, cuối cùng qua lòng chánh thành tu tập, sẽ tự mình cũng đạt được Giác Ngộ như thế. Nếu không học hiểu rõ ràng ý nghĩa thế nào là Tam bảo, thì không ai có thể quy y một cách chân thành. Và nếu không có được niềm tin vững chắc dựa trên sự thông hiểu thấu đáo này, thì không ai có thể thực hành đúng Chánh Pháp được và cũng không có thể tìm thấy được yếu chỉ cần thiết để nuôi dòng tâm chí cho hành giả trong cuộc đời xuất gia của mình.

Do đó mà không một chút luyến tiếc tất cả mọi tà kiến cá nhân của mình, những khái niệm thuộc tôn giáo hay thần linh không đúng cách, để phát nguyện rằng:

a. Con nguyện quay về nương tựa Phật Bảo, bậc Thầy Giác Ngộ.

b. Con nguyện quay về nương tựa Pháp Bảo, con đường thực hành đưa đến Giác Ngộ.

c. Con nguyện quay về nương tựa Tăng Bảo, đoàn thể những bậc đã đạt được Giác Ngộ do tu tập đúng theo con đường Chánh Pháp.

2. NHẬN THỨC RÕ RÀNG: TẠI SAO TÔI MUỐN XUẤT GIA?.

Sau khi đã quy y để trở thành một Phật tử (chơn chánh), người muốn xuất gia lại cần phải tự hỏi mình câu hỏi này (Tại sao tôi muốn xuất gia?), để nhận thức rõ ràng duyên cớ muốn được thọ giới của mình có chánh đáng hay không. Có nhiều nguời muốn xuất gia với những lý do sai lạc như: muốn học pháp thuật hay muốn có những bùa chú; muốn sống cuộc đời ăn không ngồi rồi; chạy trốn không dám gánh chịu những khó khăn trong đời sống cá nhân hay những trách nhiệm gia đình; muốn có danh lợi; tưởng đâu sẽ trở thành một bậc thầy giảng sư chỉ sau một vài tháng thọ giới; tưởng sẽ được cư sĩ Phật kính trọng như những bậc chơn tu lâu đời. Duyên cớ chơn chánh để được xuất gia là: muốn được sống một cuộc đời thanh tịnh đạo đức là con đường vượt thoát khỏi mọi phiền não thế gian, không phải bận rộn việc trần tục nữa để được có hoàn cảnh thuận tiện tu tập chánh pháp, dâng hiến trọn đời cho ba ngôi Tam Bảo.

Lý do bất chánh trốn những xáo trộn tâm lý như tham lam, kiêu mạn, sợ hãi. Còn lý do chơn chánh xuất phát từ những đặc tánh tốt đẹp như khước từ những danh lợi thế gian, ý thức được rằng đạo Phật là chơn lý, lòng mộ đạo và tánh khiêm cung. Đời sống xuất gia đòi hỏi phải học hiểu và tu tập không ngừng trong nhiều năm theo sự hướng dẫn của vị thầy tài đức. Chỉ khi nào người xuất gia đạt được kinh nghiệm thực chứng cho bản thân về chánh pháp, khi ấy mới có thể bắt đầu dạy dẫn cho kẻ khác được.

3. TỰ XÉT: TÔI CÓ THỂ SỐNG ĐỜI SỐNG TỊNH THÁNH MỘT CÁCH DANH DỰ KHÔNG?

Khi đã quyết chí nhất tâm xuất gia với những lý do chơn chánh rồi, ta lại còn phải tự hỏi mình có đủ khả năng để trì giữ giới luật hay không? Bất kỳ là giới nào mà mình đã thọ, cụ túc 250 giới, sa di 10 giới. Còn tu nữ phải thọ tới 348 giới và Bát Kỉnh Pháp nữa; đã thọ rồi thì phải gìn giữ giới luật cho trong sạch. Giới luật này là để giúp hành giả thực tập Chánh pháp: Tỳ nại da (Vinàya: giới luật) có nghĩa là những gì dẫn dắt hành giả ra khỏi những khổ đau của thế gian để đưa đến tâm an lạc và lòng thanh tịnh. Do đó, hành giả có thái độ đúng khi kiên quyết trì giữ một cách nghiêm cẩn những giới luật đã thọ, không phạm phá những điều luật khiến hành giả không được an tịnh trên bước đường tu hành.

Tự nỗ lực trì giữ cho trong sạch những giới luật này, hành giả trở nên vô cùng cẩn mật trong những hành vi thuộc ý nghĩ, lời nói và thân thể. Sự chú tâm hay tỉnh thức giữ giới cho thân khẩu ý được trong sạch này là điểm căn bản thiết yếu trong tiến trình tu hành, nếu mà điểm này không được hát triển trong cuộc đời xuất gia, hành giả sẽ bỏ cuộc trên đường tìm cầu chánh pháp. Người nào có thái độ đúng như trên đã nói thì thấu rõ giá trị của sự tỉnh thức này và luôn luôn tinh tấn thực hành trì giữ giới luật, nhưng mà dầu sao cũng không thể tránh khỏi lầm lỗi và sơ xuất. Khi hành giả phạm giới, thì cần phải sám hối ngay để cho tâm ý được an lạc, không còn mặc cảm tội lỗi nữa và thân khẩu ý nghiệp được thanh tịnh lại. Sau khi thọ giới, hành giả được đắp y là biểu trưng cho sự tinh tấn trong cuộc đời tịnh thánh và hoàn toàn quy y nơi Tam bảo. Người chơn chánh lúc nào cũng quyết tâm được xứng đáng với biểu trưng này.

4. QUYẾT ĐỊNH: SỬ DỤNG THÌ GIỜ RA SAO SAU KHI ĐÃ XUẤT GIA?

Một vị tỳ kheo được các Phật tử thuần tín chu cấp cúng dường tứ sự, và không phải đi làm việc với mục đích kiếm tiền. Do đó, người tu có trọn thì giờ cho chánh pháp, tu học và thực tập để xứng đáng được người thế cúng dường, chứ không phải ăn không ngồi rồi, phí uổng thì giờ. Để sống một cuộc đời có ích trong Tăng Đoàn, hành giả cần phải có căn rễ tốt trong chánh pháp.

Khi mà rễ yếu thì thân cây bị gió thổi gãy; cũng thế vị tỳ kheo nếu không có căn rễ tốt sẽ dễ mau giải y và hoàn tục. Căn rễ mà một hành giả cần phải có là học đi theo con đường pháp học (học giáo lý) và trì giữ giới luật trong một ngôi tự viện tại thành phố; hoặc là đi theo con đường pháp hành, tu tập thiền định trong rừng, sống cuộc đời đầu đà khổ hạnh, giới luật nghiêm minh và thực tập thiền quán. Hai con đường này, hành giả tùy căn cơ mà chọn một. Đường tu thứ nhứt (pháp học), hành giả cần phải có đủ khả năng để sắp xếp chương trình tu học cho riêng mình. Tại các nước Phật Giáo Nguyên Thủy Á Châu như Thái Lan, Tích Lan nay đã có các lớp dành riêng cho các tỳ kheo ngoại quốc.

Tuy nhiên, hành giả cũng cần phải giao tiếp thẳng với những vị Thầy bản xứ của mình. Ngoài tiếng nước đó, lại còn phải biết tiếng Phạn ngữ là ngôn ngữ truyền thống của Ngài. Mặc dù hiện nay đã có nhiều bản dịch bằng tiếng Anh ngữ về giáo pháp của Đức Phật nhưng những bản cũ thường không đáng tin cậy và có nhiều sai lạc. Bao giờ ta cũng có thể dịch lại cho đúng hơn những bản kinh này. Còn nếu mục đích của hành giả là hành thiền, thì chỉ cần biết tiếng nước đó và những thuật ngữ căn bản dùng trong Phật pháp là đủ.

Một vị tỳ kheo mới chắc sẽ được các bậc thầy chỉ dạy nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều thì giờ để tự học. Lại nữa, không có thời khoá biểu cứng đọng, do đó, hành giả phải biết tự kỷ luật lấy mình là điều rất quan trọng. Một vài Phật sự ấn định cho tỳ kheo phải làm trong một ngày là đi trì bát khất thực, một hay hai ba bữa ăn chấm dứt trước giờ ngọ buổi trưa, tụng kinh Pàli ngày một hay hai lần, lau quét nhà, làm vệ sinh và có thể là có lớp học Phật pháp hoặc nghe thầy giảng pháp vào buổi chiều hay buổi tối. Do vì giới đàn và thọ giới là một điều ít khi được có, người nam hay nữ nào mà có được nhân duyên vượt khỏi mọi chướng nạn để thọ giới phải nên xử dụng thì giờ của mình để tu học hay hành thiền một cách tinh tấn để đạt được nhiều lợi lạc.

5. Đoạn này hướng dẫn những người ngoại quốc muốn xuất gia tại Thái Lan. (Không cần thiết trong trường hợp người Việt Nam nên không chuyển ngữ)

6. NHỮNG ĐỨC TÁNH CẦN THIẾT CỦA MỘT VỊ TỲ KHEO.

Hành giả có thể thành công trong cuộc sống tịnh thánh nếu đã có sẵn, hoặc cố gắng phát triển, một vài đức tánh tốt. Ta đã đề cập đến lòng tín thành nơi Tam Bảo ở đoạn trên, thế nhưng, tuy là hành giả đã có đức tính này rồi, nhưng mà vẫn chưa đủ, vì nếu còn khắt khe dữ tợn, thì không trông mong gì được nơi y. Cho nên, đức từ bi trong hành động và lời nói là rất quan trọng. Người con Phật là một người hiền hòa và quan tâm không làm hại mọi sinh vật khác; nhất là người tu phải thể hiện sắc thái này. Cùng với lòng từ bi là tánh khiêm cung; bản chất dịu hiền của đức tánh này dễ được người chỉ dạy. Nếu hành giả cứ nghĩ là ta nay biết tất cả rồi - đấy chỉ là ngã mạn và cao ngạo - thì sẽ không bao giờ muốn được ai chỉ dạy điều gì cả. Lòng khiêm cung mở cửa tâm trí của hành giả để tiếp nhận thêm kiến thức, còn tánh ngã mạn thì đóng kín cửa đó lại. Đi đôi với khiêm cung là kiên nhẫn. Bởi vì chắc chắn là ta không thể thành tựu được những mục đích trong đời sống Tịnh Thánh trong một sớm một chiều, cho nên kiên nhẫn rất cần thiết cho đời sống này. Tâm trí ta đã bị ô nhiễm quá lâu rồi, ta cần rất nhiều thời gian để mà gội rửa và làm cho nó trong sạch trở lại. Mặc dầu là trong các bản kinh cổ xưa có ghi rằng nhiều người khi nghe đức Phật thuyết pháp rồi không bao lâu thì chứng quả A la hán. Nhưng ta cũng phải nhớ rằng các bản luận giải đã chú thích rằng thời gian không bao lâu đó có thể là dài đến mười hai năm! Kiên nhẫn cũng cần thiết để đối phó với những chướng ngại làm xáo trộn sự an hòa trên con đường Tịnh Thánh. Đức Phật rất thường hay tán thán đức tánh nào là cao thượng nhất.

Tinh tấn gắn liền với nhẫn nại. Nhẫn nại không thôi chưa đủ; tinh tấn cũng rất cần thiết, một sự tinh tấn trường kỳ chứ không phải từng cơn nhảy vọt với những lúc lui sụt biếng nhác chen vào giữa. Tinh tấn cần thiết để mà tự mình tu trì mọi phương diện của Phật đạo, để tự mình thay đổi từ những thể hiện tầm thường của thế gian để cho mọi hành động về thân, miệng và ý đều trở nên phù hợp với chánh pháp. Những đức tánh này đối lập với những tánh xấu tương đương; các tánh xấu chỉ đưa đến thêm nhiều khổ lụy trong lúc những đức tánh trước là căn bản để trưởng thành vững chắc trong chánh pháp.

7. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG TỊNH THÁNH.

Ta có thể chia làm mục đích cấp thời và mục đích tối hậu. Mục đích cấp thời đúng theo Chánh pháp là để được trở thành một người tốt hơn do đóng mình vào khuôn khổ, lấy giới luật làm nơi nương tựa, hay là để tăng trưởng trí huệ, học hiểu chánh pháp là giáo lý của Đức Phật. Dẹp bỏ những rắm rối và khó khăn trong bản tánh của hành giả cũng là một mục đích mà ta có thể đạt được khi có tiến triển trên đường thiền tập. Dựa trên những mục đích cấp thời này và trình độ thực chứng, là sự chứng đắc Niết Bàn, tức mục đích tối hậu. Đức Phật thường hay nhắc nhở hành giả đã xuất gia không nên bao giờ bằng lòng với những mục đích thấp, mà phải luôn luôn tinh tấn để đạt được những mục đích cao thượng cho đến khi nào chứng đắc Niết Bàn mới thôi. Mục đích tối hậu này, ta không nên bao giờ quên lãng trong lúc còn tu tập hay đã ra hành đạo, bởi vì là lâu ngày rồi những căn trần rất dễ làm cho chúng ta quên đi. Mặc dù đã có con đường trực tiếp đưa đến Niết Bàn mau chóng, ta vẫn rất dễ dàng từ bỏ con đường đó để đi theo một ngõ ngách khác không đòi hỏi cần phải có sự cố gắng gì cả. Cố gắng đây là để chinh phục tánh dã dượi lười biếng và những tình trạng tâm lý uể oải biếng nhác khác; cố gắng cần thiết để chế ngự và gìn giữ những hành vi thuộc ba nghiệp của mình không cho rơi lọt vào những hoạt động xấu xa, từ đó mang đến an lạc cho những ai sống cuộc đời Tịnh Thánh, như là đức Phật đã dạy:

Tự mình khuyến khích mình

Tự mình chế ngự mình

Chánh niệm, tự hộ trì

Tỳ kheo sống an lạc.

(Kinh Pháp Cú- Phẩm Tỳ Kheo, kệ 379)

 

Nguyên tác: Sa môn Khantipalo

Việt dịch: Tắc Quy