Hội Khánh - Ngôi chùa cổ trên đất Bình Dương

Là một công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của miền Đông Nam Bộ. Chùa được xây dựng năm 1741 (đời vua Lê Hiển Tông) trên một gò cao ở trung tâm thị xã Thủ Dầu Một. Đến năm 1868 chùa được dựng lại lui xuống dưới triền đồi trong một khuôn viên khá rộng có nhiều cây cổ thụ. Đây là một công trình kiến trúc nhà gỗ lớn nhất tỉnh với hơn 1.200m2 nhà. Cụm kiến trúc chùa Hội Khánh được bố trí mặt bằng với nhiều căng nhà lớn nhỏ khác nhau theo kiểu nội định - ngoại quốc gồm: chính điện có 2 căn mỗi căn có 3 gian 2 chái. Tiền đường là căn nhà ngoài, lòng căn hẹp, hai bên đặt tượng thờ Ông Thiện, Ông Ác...

Chùa Hội Khánh

Căn nhà gỗ thứ hai lớn hơn. Gian giữa nửa ngoài là Thiên Hương - nơi dùng để đốt hương, gõ mõ tụng kinh của các sư khi làm lễ; còn nửa phía trong là Thượng Điện. Ở đây có nhiều tượng Phật được đặt trên tòa Tam Bảo. Tượng lớn nhất là Phật Tổ ở chính giữa điện, gian bên trái của chính điện thờ 18 vị La Hán, còn bên phải thờ 8 vị Phật “Ngũ hiền”.

Đằng sau chính điện là căn nhà gỗ lớn 5 gian 2 chái được nối bằng mái “Thữa Hữu” (Trùng thiềm điệp ốc). Nhà này vừa là giảng đường vừa là nơi để các thiện nam tín nữ tụ tập dâng hương thờ Phật. Bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bài vị của các vị sư chủ trì chùa đã quá cố được đặt tại các vị trí trang trọng trong căn nhà.

Ngoài trung tâm nói trên chùa còn được dựng hành lang 2 bên (đông lang, tây lang) để làm nơi tạm trú cho khách thập phương đến vãn cảnh chùa hay làm nơi chuẩn bị cỗ chay cho những ngày lễ hội. Chùa còn 1 dãy nhà tăng (nhà tổ) là nơi sinh hoạt của các nhà sư trụ trì.

Như vậy, tổ chức không gian bên trong và bên ngoài của chùa có sự mở rộng và phát triển tương xứng. Sân, cổng chùa, hành lang Tả Vu, Hữu Vu rất hài hòa. Hiện tại chùa đang xây thêm một tháp chuông 7 tầng, cao hơn 20 mét. Đây cũng có thể coi như một tổng thể kiến trúc phối hợp với cảnh thiên nhiên khiến những người hành hương cảm thấy Phật giáo đã dẫn dắt thế nhân thoát nơi trần tục để lên cõi Niết bàn.

Nghệ thuật kiến trúc cũng như điêu khắc trang trí ở chùa Hội Khánh mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ cổ ở miền Đông Nam Bộ. Những nghệ nhân xây dựng chùa đã tạo được kỹ thuật đẽo trến, kèo, xiên và tạo ra các kiểu mộng khóa, mộng thắt, mộng kìm để các kết cấu dễ tháo lắp tạo dáng khỏe, vững chắc.

Những nghệ nhân xây dựng chùa cũng đã khéo léo trang trí chùa đơn giản song tinh xảo làm cho các phiến gỗ nặng nề bỗng trở nên nhẹ nhàng, bay bổng có giá trị nghệ thuật cao. Bức chạm nào cũng vậy, đều được bố trí các hình khối cân đối, đầy đặn. Bố cục của các phân đoạn chạm trổ trên các bức lam, diềm mạch lạc. Chủ đề chính về tôn giáo nhà Phật nổi bật trong bố cục tổng thể. Những họa tiết hoa văn như long, lân, qui, phụng hoặc những mây, nước, hoa, lá... làm cho những người chiêm ngưỡng một cảm giác khôn cùng, rất đa dạng mang đậm đặc trưng của phong cách điêu khắc Nam Bộ. Ngoài giá trị kiến trúc, điêu khắc, những nghệ nhân tạc tượng gỗ của chùa cũng để lại những dấu ấn đặc sắc. Bằng những bàn tay khéo léo, với những đôi mắt tinh tế của những nghệ nhân, tượng 18 vị La Hán của chùa là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo. Những nghệ nhân tạc tượng 18 vị La Hán ở chùa Hội Khánh đã không bị những công thức giáo điều của nghệ thuật tôn giáo ràng buộc khi khắc họa hình ảnh của các vị thần linh, ngoài việc thể hiện những hình ảnh của họ trong kinh sách đã nói mà đã tạo ra những hình tượng theo cảm xúc của mình mang đậm tâm linh thuần Việt. Đây có lẽ cũng là những pho tượng La Hán quí, đẹp nhất còn lại nguyên vẹn ở chùa Hội Khánh.

T. Hưng