Truyền thống nhập thế của Phật giáo tại Việt Nam, Miến Điện, Lào và Cam Bốt

image

Nhân dịp đầu năm Dương lịch, chuyên san du lịch Ulysse của Pháp số tháng 01 và 02/2010, đã dành hơn 50 trang để giới thiệu một ''Châu Á Phật giáo khác'', tựa trên trang bìa.

Với hàm ý là đạo Phật không chỉ giới hạn tại Ấn Độ hay Thái Lan, Ulysse đã lần lượt đưa độc giả đi từ Việt Nam qua Cam Bốt, rồi ngược lên Lào và Miến Điện để tìm hiểu thêm về những khiá cạnh vừa tâm linh, vừa nhập thế của Phật giáo tại 4 nước này.

Chuyên san Pháp đã dành một vị trí đáng kể cho Việt Nam, với bốn bài viết. Bài đầu tiên giới thiệu Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã lập ra Làng Mai tại vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp và là bậc thầy giảng dạy phép tu dưỡng nhằm mang lại an bình cho bản thân và hòa bình cho thế giới.

Bài thứ hai đưa độc giả sang Việt Nam, đi từ Bắc xuống Nam qua ba trung tâm chính là Hà Nội, Huế, Sài Gòn để nêu bật sự khởi sắc của đạo Phật trong nước, đặc biệt là trong một thập niên gần đây.

Tại mỗi nơi, tác giả bài phóng sự, Nicolas Cornet, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ đời sống tâm linh. Tại Hà Nội, tạp san Ulysse đưa độc giả đến chùa Quán Sứ, với lễ ngày đầu tháng âm lịch, cảnh chùa như một ngày hội, hay là đi viếng những ngôi chùa chung quanh thủ đô, không vắng người đến dâng hoa quả.

Xuống Huế, bạn đọc cùng tác giả đến chùa Thiên Mụ. Cảnh thu hút sự chú ý Nicolas Cornet, là các chú tiểu nhặt rau chuẩn bị cho bữa ăn tại một dãy nhà bên cạnh chùa. Theo bài báo, hiện nay có xu hướng là các gia đình trở lại với việc đưa con vào học ở chùa, giáo dục ngoài xã hội quá tốn kém và họ cũng muốn rèn luyện mặt đạo đức cho con em mình.

Đến thành phố Hồ Chí Minh, điều mà tác giả ghi nhận đầu tiên là tại đây, chùa người Hoa thu hút đông đảo khách thập phương. Bên cạnh đó, là hoạt động xã hội của Phật tử và các chùa. Theo bài báo, ngày càng có nhiều ngôi chùa, tăng ni cũng như nhà tu khác, hoạt động giúp đỡ quần chúng, trong các lãnh vực y tế, hổ trợ cho những bệnh nhận Sida, bên cạnh việc trợ giúp những người nghèo, các trẻ em mồ côi hay bị gia đình bỏ rơi.

Tác giả bài báo kể lại việc một Phật tử ở quận 3 phân phát cơm chay 4 ngày trong tuần cho hàng trăm người nghèo. Tuy nhiên những hoạt động xã hội này được làm một cách kín đáo. Đây là điều kiện đề được phép ngầm của chính quyền tại chỗ.

Quan hệ giữa Phật giáo với quyền lực chính trị tại Việt Nam

Nói đến Phật giáo Việt Nam, lẽ dĩ nhiên không thể không nói đến quan hệ giữa Phật giáo và chính trị trong lịch sử. Trong bài viết mang tựa đề ''Đạo Phật và Quyền lực tại Việt Nam'', tạp chí Ulysse đã nhắc lại vai trò quan trọng của Phật giáo xuyên qua các triều đại xưa như Lý Trần, rồi đến phong trào đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 1960. Trong giai đoạn này, Ulysse ghi nhận hai sự kiện quan trọng còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Trước hết là việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1964 ở miền Nam, và kế đến là sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập Trường Thanh Niên Phụng sự Xã Hội để giúp đỡ dân chúng bị bom đạn chiến tranh, sau đó qua Hoa Kỳ học tập và bị cấm về nước. Năm 1972, thiền sư Nhất Hạnh đến Pháp thành lập Làng Hồng, sau này cải tên thành Làng Mai.

Bài viết cuối cùng về Việt Nam đăng trên chuyên san Ulysse mang tính chất thuần túy văn hoá, giới thiệu nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam, mà theo tác giả bài báo, là một loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đã biết phát triển để không bị mai một.

Theo: rfi.fr