Sư thầy từ tâm ở chùa Phật Tích

Nằm ở sườn Nam núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ngoài việc được biết đến như một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, chùa Phật Tích còn là nơi có truyền thống từ thiện xã hội, giúp đỡ những đồng bào khó khăn.

Người khởi xướng, duy trì và phát triển công tác này, được biết đến nhiều nhất là Đại đức trụ trì-Tiến sĩ Thích Đức Thiện.
Đừng làm từ thiện lấy danh!

Trong bộ cà sa màu nâu, đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm đầy cuốn hút, Đại đức Thích Đức Thiện kể về những số phận bất hạnh mà mình đã chứng kiến khi đi làm từ thiện. Đó là những em nhỏ nhiễm chất độc da cam ở Ba Vì - Hà Nội, là những gia đình mất người thân trong trận lũ lụt ở Thanh Hóa, là cuộc sống vất vả của những đồng bào nghèo vùng núi phía Bắc... Vào các dịp lũ lụt hay Ngày thương binh liệt sĩ, Tết Nguyên đán, thầy và các tăng ni, Phật tử còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các vùng gặp nhiều khó khăn ở những huyện nghèo của các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên... Hơn 5 năm làm công tác từ thiện, mỗi năm thầy và nhà chùa đã xuất ra khoảng 200 - 300 triệu đồng hỗ trợ đồng bào nghèo, cho con trẻ có cái chữ, tạo công ăn việc làm cho những thân phận lang thang, cơ nhỡ.

Để hoạt động từ thiện diễn ra hiệu quả, Đại đức Thích Đức Thiện thường xuyên liên lạc với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền ở các tỉnh. Thầy lên kế hoạch cho chương trình hoạt động rồi vận động bà con Phật tử tham gia trước khoảng 1 tháng, đặc biệt là các doanh nghiệp. Đầu tiên là các buổi gặp gỡ, kêu gọi, vận động nhằm giáo dục lòng từ bi, khơi dậy tình yêu thương con người. Đại đức tâm sự: “Công tác từ thiện phải xuất phát từ thiện tâm của con người. Phật đã dạy, bố thí mà không thu bồi pháp bố thí mới gọi là bố thí. Có nghĩa là làm việc không để tâm tới thành tích vào trong đó, mới là làm từ thiện”.

Rất nhiều các Phật tử của sư thầy làm công tác từ thiện không màng đến thành tích. Chị Minh Đức - Giám đốc công ty Xây dựng Tổng hợp Minh Đức ở Lào Cai, một đệ tử của nhà chùa, biết được có một cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh không có tiền chữa trị, đã tự nguyện bỏ kinh phí ra đưa cháu vào bệnh viện trong TP Hồ Chí Minh điều trị. Hiện giờ, cháu bé đang sống rất khỏe mạnh. Chị Đức chia sẻ: “Học gương sư thầy, với tôi, làm từ thiện cũng là ở tâm, thật lòng muốn gánh vác, chia sẻ với những nỗi đau của con người”. Sư thầy cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho các Phật tử của mình về lòng từ bi của đạo Phật, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kinh doanh, trong các buổi thuyết giảng tại doanh nghiệp. Thầy nói: “Trong quá trình làm kinh doanh, có cái tâm sáng thì mới tồn tại lâu dài được”. Chị Thủy – chủ một doanh nghiệp sản xuất gạch ở Từ Sơn - Bắc Ninh, cũng là đệ tử của nhà chùa tâm sự: “Mỗi người hãy giữ cho mình một tấm lòng thiện tâm đối với người khác. Tôi thấy, hoạt động từ thiện của nhà chùa rất có ý nghĩa”.

Cho “cá”, cho cả “cần câu”

Trai phòng của chùa cũng là nơi các em học sinh tới học. Ảnh: TG

Gần chục năm lăn lộn ở nước ngoài để học tập, làm việc, Đại đức Thích Đức Thiện hiểu hơn ai hết câu chuyện “con cá và cái cần câu”. Cho con cá, người ta ăn hết rồi lại đói nhưng cho người ta cái cần câu, hướng dẫn người ta cách câu cá thì sẽ giúp đỡ được lâu dài. Sư thầy cho rằng: “Làm từ thiện chỉ là hoạt động mang tính chất tạm thời, nó phụ thuộc vào tấm lòng của Phật tử. Từ thiện không chỉ đơn thuần là cho và nhận, mang đến cho đồng bào gói quà hay là vài trăm nghìn đồng. Từ thiện cũng có thể là góp phần đưa người dân mình giàu hơn, hạnh phúc hơn trong tương lai lâu dài. Muốn thế thì cần tạo cho họ một nền tảng bằng nghề nghiệp ổn định. Tôi nghĩ, cần phải hướng nghiệp, nâng cao trình độ cho người dân của mình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”.

Vốn có “nhân duyên” với Trường đại học Kinh tế Quốc dân (Đại đức Thích Đức Thiện từng là sinh viên Trường đại học KTQD khóa 1984-1988) nên từ năm 2005 thầy đã kết hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức sinh viên tình nguyện về phổ cập tin học, ngoại ngữ cho học sinh, thanh niên trong xã tại chùa Phật Tích. Nhà chùa đã bỏ tiền đầu tư 10 máy vi tính và Trường Kinh tế Quốc dân đã ủng hộ thêm 5 chiếc. Hoạt động này đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều học sinh trong xã.

Với tâm nguyện giúp đỡ người nghèo, tạo dựng một cuộc sống mới tươi sáng hơn cho thanh niên trên địa bàn, Đại đức Thích Đức Thiện cùng với các tăng ni ở chùa Phật Tích tạo điều kiện giúp đỡ con em gia đình khó khăn trong xã đi học nghề: dệt len, may mặc... và xin việc cho các em vào làm trong các khu công nghiệp. Đã có hơn 30 em được đi làm ở trong các khu công nghiệp, kiếm được tiền nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Đại đức cũng đã vận động sự tài trợ của công ty Vincom và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đồng ý phê duyệt dự án 13 ha nằm ngay cạnh chùa Phật Tích. Theo dự án này, sẽ có 2 trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi và một trung tâm dạy nghề cho thanh niên. Đại đức cũng đã đề xuất với Học viện y dược học cổ truyền, Viện Y học dân tộc Nguyễn Bỉnh Khiêm để mở lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt, chăm sóc người mắc bệnh... Đối tượng là thanh niên ở nông thôn không đỗ đại học, gia đình khó khăn, để tạo cho họ một nghề nghiệp giúp ích cho bản thân và xã hội.

Hiện các lớp học vi tính và ngoại ngữ đang tạm dừng lại để chùa trùng tu đón chào đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng Đại đức Thích Đức Thiện khẳng định chỉ vài năm nữa thôi, khi Trung tâm giáo dục 13 ha được hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành nơi khởi đầu một cuộc sống mới đầy niềm tin và hạnh phúc của rất nhiều người.
Chu Mai
Giadinh.net - Từ 1/1/2010, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chính thức được áp dụng. Mẫu thẻ mới, quyền lợi mới, mức đóng phí cũng mới, mọi thứ đã ổn định và đưa...