Hồi kết vụ tăng thân Làng Mai ở VN

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lần về Việt Nam hồi năm 2007

Hàng trăm người theo phương pháp tu tập của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã buộc phải giải tán

Cuối cùng toàn bộ những người theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh muốn được tu tập số đông, vốn lên tới hàng trăm, đã buộc phải ly tán.

Thượng tọa Thích Thái Thuận từ Bảo Lộc Lâm Đồng khẳng định với BBC hôm 6/1/2010 rằng tất cả tăng thân Làng Mai đã rời đi và nói:

"Họ chào hỏi và tôi cũng có hỏi qua vấn đề tâm tư như thế nào... thì họ có trả lời là 'chúng con thì chỉ sắp đặt để thoát ra khỏi chùa Phước Huệ để khỏi phiền phức ông thôi.

"Trên tinh thần đi thì chúng con sắp đặt."

"Và khi sắp đặt thì họ có về nhà cũng có, về chùa cũng có, về địa phương cũng có."

Còn Thầy Pháp Cầu, một trong những người theo pháp môn Làng Mai nói: "Các vị tu sĩ đã về lại địa phương rồi vì không biết về đâu.

"Một số về lại nhà, một số về địa phương của mình và đang tìm chỗ để ở tạm thôi, không còn ở chung được nữa.

"Ở Việt Nam họ vẫn có quyết định địa phương nào về địa phương đấy cho nên khi các tỉnh khác muốn cùng về một chùa thì khó đăng ký ở chung với nhau được."

Thượng tọa Thích Thái Thuận nói với BBC ông được biết một số người đang xin để được sang Pháp nhưng hiện chưa rõ liệu có ai đi được không.

Thượng tọa nói tăng thân Làng Mai đều lo lắng trong thời gian ở chùa Phước Huệ và bản thân ông cũng thấy "có áp lực bên ngoài nhiều."

"Nhưng tôi cảm thấy rằng thôi thì cái chuyện đó tùy duyên, chỉ duyên đến đây thôi...tùy họ để tu sinh họ tự giải quyết lấy thôi.

"Thỉnh thoảng họ có gọi điện thoại về thăm tôi thôi, hỏi thăm sức khỏe thôi.

"Tôi có hỏi 'hiện giờ mấy con ở đâu' thì họ nói ở nhà cũng có, tại địa phương các tỉnh cũng có, về chùa cũng có."

'Khiêu khích'

Chùa Phước Huệ và toàn bộ tăng thân Làng Mai đã phải chịu những lời lăng mạ và cả những hành vi côn đồ của những người nói rằng họ có đóng góp cho chùa Phước Huệ và có quyền can thiệp.

Mặc dù vậy, Thầy Pháp Cầu nói các tu sĩ đều cố gắng giữ đúng những nguyên tắc của pháp môn Làng Mai.

Bằng cách hành xử như vậy mình cũng có thể ... đóng góp sự thực tập của mình là đóng góp sự bình an và hòa bình cho cộng đồng và mọi người.

Thầy Pháp Cầu về phương thức bất bạo động

"Khi các thầy, các sư cô, các vị tu sĩ của Làng Mai gặp những khó khăn, gặp những bạo động, khiêu khích như vậy thì cách thực tập của họ là làm sao mình vẫn giữ được cái sự bình an trong nội tâm của mình.

"Cái đó không phải là mình thụ động chịu đựng mà là không có thái độ tiêu cực, không có thái độ chẳng hạn là thù ghét hoặc là muốn trả thù người kia, hoặc muốn người kia, đối tượng gây khó khăn cho mình gặp khó khăn.

"Mình phải giữ được sự bình an trong nội tâm, cũng như là cái tấm lòng.

"Các thầy, các sư cô, tu sĩ Làng Mai đã cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ họ một cách bất bạo động như vậy trên tình thần thực tập cầu nguyện."

Thầy Pháp Cầu cũng nói tăng thân Làng Mai coi những gì vừa xảy ra là thử thách đối với sự tu tập của họ:

"Vấn đề không phải tự mình tạo khó khăn cho mình hoặc là tự mình đưa mình vào khó khăn mà cái khó khăn nó đến với mình và có thể đó là một cơ hội nó đến và mình phải vận dụng những gì hay nhất để đối xử với cái khó khăn đó, và trên tình thần của đạo Phật, của Làng Mai là tinh thần bất bạo động, tinh thần từ bi của đạo Phật làm sao mình nhìn nhận cái vấn đề thâm sâu rõ ràng nhất của nó và đối xử bằng sự bao dung và tình thương của mình,"

"Đó là cơ hội để mình có thể rèn luyện, học hỏi."

"Bằng cách hành xử như vậy mình cũng có thể ... đóng góp sự thực tập của mình là đóng góp sự bình an và hòa bình cho cộng đồng và mọi người. Cho dù hoàn cảnh nào thì cũng cố gắng."

'Thụt lùi'

Trong khi đó Phật tử theo pháp môn Làng Mai, Nguyễn Đình Liên nói với BBC về chuyện tăng thân phải ly tán:

Đệ tử Làng Mai

Các môn sinh Làng Mai đã duy trì phương thức bất bạo động trong các tình huống căng thẳng

"Thứ nhất tôi cảm thấy một bước lùi về nhân quyền của Hà Nội.

"Làng Mai đem lại rất nhiều lợi ích cho phật tử ở Việt Nam, cho giới trẻ và vì sự kiện này không còn nhiều người có thể có được những kinh nghiệm, những cách sống, tu tập của Thiền sư và của Làng Mai truyền lại và đây là một điều đáng tiết cho thế hệ trẻ của Việt Nam.

"Tất cả những người đã từng được dạy dỗ của Thiền sư đều rất nghiêm ngặt trong việc tập luyện. Đây là một cái mà mình biến trở thành thói quen sống hàng ngày cho mình cho nên bọn tôi vẫn thực hiện được.

"Đó là những thói quen rất tốt, những kỹ năng mới của cuộc sống như là phải biết lắng nghe, phải biết thương yêu, phải biết giúp đỡ, phải biết nói những lời yêu thương, phải sống chan hòa hơn và làm sao trong cuộc sống để nó giảm thiểu căng thẳng, loại bỏ lo âu và những cái không tốt trong cuộc sống."

Cư sĩ Liên cũng nói nhiều người vẫn trung thành với Làng Mai cho dù không còn điều kiện tu tập như trước đây.

"Những người như Liên và những người mà theo tập những cách tu tập đấy thì bọn Liên đều trở thành những người khác hẳn. Bọn Liên có dáng đi rất là thong thả và cách sống rất là thảnh thơi và biết được cái cân bằng trong cuộc sống là như thế nào,"

"Liên là một trong những người đã được đến Làng Mai, được Thiền sư chỉ dạy, được tất cả các sư thầy, sư cô với lại chỉ cho từ cách ăn như thế nào, nhai như thế nào cho đến cách đi, cách đứng, cách ngồi... để giảm thiểu căng thẳng, cái suy nghĩ tư duy đối với cuộc sống, đối với mọi người như thế nào."

"Liên cũng có theo những tu tập của những tăng thân của Làng Mai nữa nên bọn này vẫn gặp nhau để sinh hoạt và tu tập liên tục. Mọi người giữ cho nhau những điều cần làm, những thái độ cần có trong cuộc sống,"

"Bọn Liên thì rất thong thả thôi, ngồi chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Rồi Liên tổ chức ngồi thiền chung, đi thiền hành, rồi tụng kinh. Cũng chính nhờ những pháp môn của Sư Ông mà cách đây hai năm Liên cũng đã bớt đi được những căng thẳng, có được quân bình trong cuộc sống."

"Hai năm trước thì Liên gặp rất nhiều khó khăn tâm lý, căng thẳng, trầm cảm liên tục."

'Gần gũi'

Thượng tọa Thích Thái Thuận nói với BBC cách tu tập của Thiền sư Thích Nhật Hạnh, người có uy tín trên thế giới, "gần gũi với cuộc sống" và Thiền sư đã có cách chuyển tải thông điệp nhằm thu hút các tầng lớp trong xã hội.

"Cái điểm quan trọng là cách chuyển ngữ của phật pháp làm cho họ dễ thu nhập hơn, cái thứ hai nữa là cách hết sức thoải mái để họ gần với pháp môn của họ.

Cách mình thực tập hơi thở, điều phục hơi thở nó liên quan tới cách mình điều phục thân và tâm của mình để chế tác ra một chữ bình an trong đời sống nội tâm và tâm linh.

Thầy Pháp Cầu

"Cái việc nữa, trong cái tinh thần đó họ có những phần sinh hoạt có tính cách là nó làm cho những người già, người trẻ, hay người nhỏ, bất kỳ lứa tuổi nào, trình độ nào có thể cộng với họ trong pháp môn đó."

Còn Thầy Pháp Cầu cho biết: "Cách tu tập của Làng Mai thì thật ra cũng là sự thực tập của đạo Phật thôi, nhưng mà vì Làng Mai tu học chung với nhau như vậy thì có thể giúp đỡ, bảo vệ , nâng đỡ trợ cho nhau nhiều hơn vì trong xã hội cũng như hiện nay có rất nhiều tệ nạn có thể đi vào trong chùa và ảnh hưởng đến người tu sĩ rất là dễ và người tu sĩ có thể rất là khó bảo vệ được đời sống tâm linh và đạo đức của mình.

"Một đời sống tập thể như vậy có thể làm được nhiều việc hơn.

"Pháp môn của Làng Mai mình có thể gọi là thiền. Có những phương pháp rất cụ thể, chẳng hạn phương pháp thực tập hơi thở chằng hạn,"

"Cách mình thực tập hơi thở, điều phục hơi thở nó liên quan tới cách mình điều phục thân và tâm của mình để chế tác ra một chữ bình an trong đời sống nội tâm và tâm linh của mình để có thể đi xa hơn về đời sống nội tâm và tháo gỡ cái bế tắc trong tâm của mình."

"Sự bình an cũng là cái mà chúng tôi có thể chia sẻ và đóng góp với mọi người."

Thầy Pháp Cầu dường như cho rằng chuyện chia ly của các sư thầy, sư cô Làng Mai là vĩnh viễn và khó có thể trợ giúp cho những người theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhật Hạnh.

"Bây giờ cũng không biết phải giúp như thế nào tại Từ Hiếu là chùa tổ, là chùa gốc ngày xưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất thân từ đó và những người thấy hoàn cảnh khó khăn, không thể tìm được một chỗ nào để nương náu tu học được thì mong muốn có thể về lại đó nhưng chính quyền địa phương tại Huế, tại chùa Từ Hiếu cũng không có yểm trợ cho các địa phương khác trở về."

 

Nguyễn Hùng

Theo: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100106_langmai_aftermath...