Gió thoảng hương tùng

Ảnh hưởng giáo pháp Đạo Phật biểu lộ rất rõ trong thi hào Nguyễn Du qua đoạn cuối thi phẩm bất hủ mà chúng ta thường biết đến bằng tựa đề mộc mạc là Truyện Kiều. Sau mười lăm năm gian truân giữa đắng cay, khổ nhục kiếp người, Thúy Kiều đã được sư Giác Duyên cứu độ khi nàng toan kết liễu khổ đau bằng sự yếm thế là trầm mình tự vẫn dưới dòng sông chảy xiết! Nàng đã được khai ngộ để nhận diện bản chất đích thực của mỗi chúng sinh vẫn trong sáng, như nhiên, chẳng hề hoen ố bởi những khổ lụy trải qua, vì mọi khổ lụy đó chỉ là vô thường, chỉ là sự vay trả tiếp nối của luân hồi. Trong khi bản chất vẫn sẵn đó, đồng nhất như nhau, không sinh không diệt, không đến không đi. Bản chất đó giúp ta nhận diện những Vô Thường để chuyển hóa thành Thường, nhận diện khổ đau để thành an lạc …

Thi hào nhìn rõ như thế mà từng thú nhận là đã đọc tụng Kinh Kim Cương cả ngàn lần, vẫn chẳng hiểu được gì:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh
Cập đáo phần kinh Thạch đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh (*)

Xin tạm dịch:

Ngàn lần tụng đọc Kim Cương
Vẫn như mờ ảo khói sương tơ trời
Trước đài gương, bỗng tỏ ngời
Là: Chân kinh vốn không lời mà thôi. 

Thế nên, từ năm ba mươi tuổi, thi hào đã ao ước tìm về bản thể vốn trong suốt, qua trợ lực của thiên nhiên:

Hà năng lạc phát quy lâm khứ
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân (*)

Âm hưởng Hán-ngữ hai câu thơ, đọc lên rất hay, tôi cố gắng chuyển sang lục bát mà không diễn tả nổi hết chủ ý. Thi hào có đọc tới, xin tha tội. Hậu bối chỉ có thể chuyển được thế này:

Làm sao xuống tóc về rừng
Nằm nghe gió thoảng hương tùng quyện mây.

Hai câu thơ này bỗng nhiên bật lên trong trí tưởng, khi tôi thoải mái thả dài chân bên bờ hồ sen Xóm Mới vào Ngày Làm Biếng trong dịp về An Cư Kiết Đông.

Ông mặt trời dễ thương quá, đã có mặt với chúng tôi từ sáng sớm để ngày nghỉ ngơi được khô ráo, ấm áp. Áo quần đã được bay lượn trên những giây phơi, thơm tho và hạnh phúc. Các cửa sổ mở tung, mời nắng và gió vào chơi, mang theo không khí trong lành tới từng hành lang, từng phòng ốc. Mùa đông ở đây, chúng tôi rất trân quý những ngày nắng ấm như thế này.

 

alt



Riêng tôi, sáng nay linh cảm mặt trời sẽ lên, bèn thức dậy, giặt giũ từ 6 giờ sáng để thảnh thơi thiền hành khi trời còn mờ sương. Tôi rất thích được một mình chậm bước thong dong trên lối sỏi dẫn tới thiền đường Trăng Rằm khi mặt trời chưa lên. Tôi có cảm tưởng rặng thông xanh mướt hai bên thì thầm với bụi trúc la đà, cùng quán sát xem bước chân tôi có an lạc hay không. À, đừng làm khó tôi nhé, mời thông và trúc thử cùng bước với tôi xem nào!

Mới khởi nghĩ thế, đã nghe ngay tiếng cười khúc khích của những viên sỏi nhỏ đang reo vui theo từng bước chân. Nhìn sâu, nghe rõ, ta có thể thấy và nghe được vạn hữu quanh ta truyện trò. Đó chính là tinh thần kinh A Di Đà mà Đức Thế Tôn đã vô vấn tự thuyết cho ngài Xá Lợi Phất về chim thuyết pháp, gió đưa hương. Chúng ta sẽ giầu có lắm, khi nghe được bằng Tánh Nghe, thấy được bằng Tánh Thấy; vì với sự nhận biết trong sáng, ta luôn an lạc, thảnh thơi với những gì quanh ta, bởi ta và vạn hữu là một, dù ta là hạt cải, ta vẫn có mặt trời trong hạt cải, dù ta là vỏ ốc, ta vẫn chứa đựng cả đại dương trong vỏ ốc. Đó cũng là lời dạy “Nhất tức thị đa. Đa tức thị nhất” của Đức Thế Tôn tự ngàn xưa mà ngày nay khoa học mới chứng minh được khi khẳng định rằng, mỗi tế bào li ti đều chứa đựng đầy đủ bản chất của mọi tế bào.

Ngày đẹp quá, ông mặt trời không thể ngủ nướng hơn nên đã lấp ló phương đông, tỏa những tia nắng đầu ngày xuống rừng mai, đồi cỏ. Những cây hồng chĩu trái chin, vàng ửng trên cành đã rụng hết lá xanh. Đồi tiếp đồi, rừng nối rừng, mây đan mây … Ôi, mênh mông vạn hữu đang mở tung mọi chân trời, giúp tháo gỡ những cửa ngõ thế gian còn hẹp hòi, đóng kín! Hãy mời gọi thiên nhiên về cùng ta, phiền não sẽ bị đẩy lui vì không giôt lệ nào không được lau khô dưới nắng ấm thế này, và mây xanh thế kia.

Có phải vì tin như thế mà thi hào Nguyễn Du chỉ ao ước một điều đơn giản là “Làm sao xuống tóc về rừng. Nằm nghe gió thoảng hương tùng quyện mây”.

Khi còn phải ao ước có nghĩa là chưa đạt được, chưa có được. May mắn thay, nơi đây, chúng tôi đang có trọn vẹn điều ước ao đó. Chúng tôi được xuống tóc, làm con Đức Thế Tôn, buông bỏ mọi hành trang tham dục cồng kềnh để được thở nhẹ như gió, được bước thong dong như mây. Ba y, một bát và những bữa cơm rau, chúng tôi có quá nhiều thảnh thơi để quay nhìn vào bản tâm, làm Kẻ Cùng Tử tiếp nhận gia tài châu báu của cha mình. 

Nói như thế, không phải nơi đây khổ đau không có mặt, nhưng khác là, những khổ đau nơi đây không phải như những khổ đau u uất của thế gian. Dù thế, khi khổ đau vừa được nhận diện thì năng lượng xung quanh sẽ hoan hỷ tưới tẩm để những hạt mầm khổ đau được nhanh chóng chuyển hóa thành chồi non hạnh phúc. Khổ đau là một thực thể . Có khổ đau mới có hạnh phúc. Có bùn mới có bông sen. Có rác mới có hoa. Nhìn thẳng vào từng bản chất ta sẽ xây dựng được một hải đảo tự thân vững vàng, để không còn qụy ngã trước hệ lụy.

Thưa tiên sinh Nguyễn Du, hậu bối nghĩ rằng tiên sinh không cần phải xuống tóc, cũng không cần phải về rừng, mà chỉ cần nhìn qua một khung cửa nhỏ, thấy từng đám mây bay ngang như từng chặng đường khổ nhục của Thúy Kiều bằng cái nhìn của người chủ nhà, nhìn những khách trọ đến rồi đi, thì Đoạn Trường Tân Thanh kia đã chẳng tầm tã lệ rơi! Hậu bối nhớ không lầm thì tiên sinh từng viết trong bài “La thùy giang thủy cát độc tọa” những câu như thế này:

Mây đổi hình hài, hôm sớm đổi
Nước trôi cuồn cuộn, cổ kim trôi
Mở đôi mắt mộng, trăm năm hỡi,
Nén nỗi lòng đau, cố lý ơi! (*)

Thưa tiên sinh, nếu trăm năm là mộng, mà ta để “Mộng trung ngộ mộng trùng mê mộng”, là những giấc mộng lại chồng lên giấc mộng, thì bao giờ mộng mới tan! Nhưng Phật dạy, chỉ một sát na tỉnh giác thì mộng kia sẽ tan ngay. Như lời kinh Pháp Cú, chỉ một ánh nến thắp lên, cả căn phòng tối tăm sẽ bừng sáng, hay trong Chứng Đạo Ca, hậu bối từng được học:

Trong mộng lao xao bày sáu nẻo
Tỉnh ra bằn bặt chẳng ba nghìn!

Trời mùa đông nơi đây mưa nhiều. Nhưng mưa lại có bao hạnh phúc của ngày mưa. Tọa thiền trong thiền đường Trăng Rằm lung linh ánh nến tại Xóm Mới, hay trong thiền đường Hội Ngàn Sao ấm áp bên Xóm Hạ, mới thấy hạnh phúc nhường bao, khi trong này có Thầy, có tăng thân và đại chúng cùng đang ngồi cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ; cùng đang thở cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ; cùng mang tâm về với thân để nhìn thấy qua khung kính, cảm nhận sự tươi mát chan hòa của rừng trúc, của ngọn thông, của những lối sỏi nhỏ đang được tắm gội sạch sẽ, ngoài mưa kia!   

Nắng có cái vui của nắng, mưa có cái đẹp của mưa, khổ đau có hạt mầm của hạnh phúc, xum hợp đã bàng bạc ly tan. Sự luân chuyển đó không ngừng, không chờ ai, đợi ai, nếu ta không tìm về hơi thở để nhận diện giá trị của phút giây hiện tại. Hơi thở và phút giây hiện tại này sẽ thế nào, do chính ta chế tác và cũng chính phút giây này sẽ trở thành quá khứ, vị lai.  Những bài học chúng tôi cùng học, những thực tập chúng tôi cùng hành trì đã cho tôi chứng nghiệm sự thực tiễn và quan trọng của phút giây hiện tại, được chế tác bằng những tâm hành lành thiện. Xin đừng chồng chất những cơn huyễn mộng vào trăm năm đời ta.

Phút giây này chúng tôi đang cùng được thở chánh niệm để biết mỉm cười với hiện tại. Một lần, giờ pháp thoại ở Xóm Hạ, khi giảng về Hiện Pháp Lạc Trú, Thầy nhắn với các con của Thầy ở phương xa một câu thật cảm động là “Thầy chỉ mong, ở hoàn cảnh nào, các con vẫn có thể nhìn nhau, và mỉm cười. Thế thôi, là chúng ta đủ hạnh phúc. Thầy không đòi hỏi các con gì hơn”

Một áng mây xanh bay ngang, chợt dừng lại, nhìn xuống đoàn thiền hành đang thong thả “Từng bước nở hoa sen”.
Áng mây? Hay chính là thi hào Nguyễn Du? Vừa khởi nghĩ thế, tôi đã thấy áng mây mỉm cười. Quả thật, không cần xuống tóc, thi hào cũng đã về, đã tới, để “nghe gió thoảng hương tùng quyện mây” vì Bát Nhã Tâm Kinh đã tỏ tự ngàn xưa qua linh chú:
Đã về,
Đã tới,
Bây giờ,
Ở đây.

 

Sư cô Huệ Trân

Làng Mai, Xóm Mới, ngày-làm-biếng Dec 6/09

(*) Nhật Chiêu dịch từ nguyên bản Hán-tự của thi hào Nguyễn Du