GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT LÀ MỤC TIÊU GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Đức Phật sinh ra như một con ngừơi, sống như một con người và kết thúc cuộc đời như một con người, nhưng lại là con người có toàn năng, toàn trí, toàn giác. Ngài luôn luôn sống trong trí tuệ thấy biết mọi sự vật hiện tượng đúng như thật, do Ngài đã trải qua quá trình tu tập chuyển hóa thân tâm, loại bỏ phiền não tham, sân, si chiến thắng được những dục vọng của tự thân, đưa đến phát minh trí tuệ và chứng ngộ chân lý. Đức Phật có nói: “Chiến thắng vạn quân binh không bằng tự thắng mình, tự thắng mình mới là một chiến công oanh liệt.”

Bằng kinh nghiệm bản thân, đức Phật thấy con người có khả năng thành đạt trí tuệ, chứng ngộ chân lý và là chủ nhân của chính mình, hoàn toàn không phụ thuộc vào ân huệ của một quyền năng siêu nhiên nào bên ngoài. Chính nơi con người tiềm ẩn một năng lực phát triển vô hạn, đó là nguồn sống bao la của vũ trụ, sở dĩ chưa trực nhận và khai triển được vì còn bị vô minh che khuất.

Đức Phật đã mở bài cho chúng ta thấy tính nhân bản, tức khả năng siêu việt của con người, cũng nhằm khơi dậy trong ta ý thức tự nơi thân, tâm, ngũ uẩn này có khả năng giải quyết vấn đề luân hồi sinh tử, tức là biết được sự sinh khởi của thế giới, con đường đưa đến chấm dứt khổ đau của thế giới. Mục tiêu của Đức Phật nhắm đến là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật như Ngài. Sự xuất hiện của Ngài đánh dấu một sự kiện vô cùng quan trọng, Ngài đã tìm ra con đường giải thoát cho tất cả chúng sanh. Ngài luôn luôn quan tâm đến con người và mọi vấn đề liên quan đến an sinh xã hôi loài người. Ngài muốn xây dựng một xã hội công bằng, mọi người đều bình đẳng, ai cũng được ấm no hạnh phúc, nhân phẩm của con người phải được tôn trọng triệt để. Không chỉ dừng ở mức độ đó, Ngài còn muốn cho tất cả chúng sanh đều thoát được đau khổ, hạnh phúc an lạc trong thế giới vĩnh hằng, bất sinh, bất diệt. Ngài xét thấy chỉ có con ngườimới thực hiện được chân lý giải thoát khổ đau, nên Đức Phật lấy sự cứu khổ làm đầu, nhắm con người làm trọng. Mục tiêu giáo dục của Đức Phật là phát triển tri thức và đạo đức cho nhân loại, đồng thời đạt đến hạnh phúc tuyệt đối, giải thoát tối hậu.

Pháp kinh ghi rằng, sau khi thành đạo Đức Phật liền khẳng định, Ngài đã biết người xây dựng ngôi nhà ngũ uẩn, đó chính là do nghiệp mà chúng ta tạo nên thân tâm này, con người tốt hay xấu cũng do chúng ta tạo, không có thần linh nào tạo người đẹp, người thông minh, người đức hạnh rồi lại tạo ra người xấu, người ngu đần, người tật nguyền, người hung ác…Đức Phật không bao giờ nhận Ngài là một vị thần hay đấng siêu linh có quyền thưởng phạt, ban phước giáng họa cho ai. Lời giáo huấn của Ngài nhằm đánh thức tâm ý của mọi người quay trở về giác ngộ tự tâm, bởi tâm ý là phần chủ động của cuộc sống, cho nên pháp tu của Phật giáo thường được xem là phương pháp tu tâm, nghĩa là phải gạn lọc, làm cho tâm ý phát triển sáng suốt để thấu hiểu chân lý.

Kinh Pháp Cú nói:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo.

Và:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình.

Đức Phật không đưa ra một giáo điều mặc khải nào bắt buộc mọi người phải tuân thủ, phương pháp giáo dục của Ngài luôn luôn đứng trên lập trường nhân bản Ngài đã thực hiện trong suốt cuộc đời, tại nhân gian này.

Căn cứ vào tính nhân bản nên Đức Phật dạy chúng ta phải tin vào tự lực, không chấp nhận có một đấng thần linh sáng tạo và cai quản vũ trụ. Mọi sự sinh, lão, bệnh, tử, thọ, yểu của con người đều do quy luật nhân quả chi phối, còn đối với mọi sự vật hiện tượng sinh, diệt, biến đổi trong vũ trụ thì Đức Phật nói, các pháp do nhân duyên sinh rồi cũng do nhân duyên duyệt. Trên cơ sở duyên khởi ấy, Đức Phật đưa ra công thức:

Cái này có, cái kia có

Cái này không, cái kia không

Cái này sinh, cái kia sinh

Cái này diệt, cái kia diệt.

Các pháp duyên sinh trùng trùng điệp điệp, không có btắ đầu cũng không có chung cuộc.

Đức Phật đã thành tựu viên mãn việc xây dựng và hoàn thiện năng lực của con người. Nhờ năng lực ấy con người có thể chuyển đổi hoàn cảnh bên ngoài trở thành tốt đẹp, chiến thắng được nhục vọng nội tâm, triển khai tiềm năng chủng tánh Phật và phát triển chủng tánh đó đến cứu cánh hoàn thiện.

Bằng kinh nghiệm bản thân Đức Phật dạy mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ngài chỉ là vị đạo sư dẫn đường, chân lý ở ngay tự thân của mỗi người. “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Trên lộ trình giác ngộ các người hãy tự thấp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ dạy con đường giác ngộ chớ không hề giác ngộ thế cho một ai. Trong đại dương luân hồi các ngươi hãy tữ lội vào bờ giải thoát, các người là hải đảo của chính mình, hãy nương tựa nơi chính mình đừng tìm nơi nương tựa nào khác, Như Lai chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc”.

“Phương châm hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình…là phương châm sống động nhất, thiết thực nhất để cải tạo xã hội… và xây dựng Niết-bàn ngay trên thới gian này.” (HT Thích Minh Châu – Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi).

Đức Phật cũng dạy hàng đệ tử đừng tin những truyền thuyết từ xa xưa lưu lại hay vì theo một lập trường, vì đánh giá hời hợt các dữ kiện hay vì phù hợp với các định kiến, hoặc vì điều đó phát xuất từ nơi có uy quyền và cũng đừng tin ta vì ta là đạo sư…Ngài khuyên chúng ta hỹa đến để thấy cho rõ rồi suy nghĩ đúng đắn, nếu thấy đều đó là xấu ác thì lập tức bỏ ngay, việc đó là lành tốt, tức khắc áp dụng vào đời sống hằng ngày, như lời kinh Kalama sau đây:

“Đừng tin ở lời ngươi nghe rồi nói lại hay ở sự truyền tụng, đừng tin ở những gì từ xa xưa lưu lại, ở tiếng tăm, ở nghị luận hợp lý, ở bóng dáng bề ngoài, ở những quan Niệm được đời ái mộ, ở những ức đoán và cũng đừng tin ta vì ta là thầy của các người. Nhưng nếu nhờ kinh nghiệm riêng mà các ngươi nhận thấy việc nào đó là thiện và không thể tránh được, nó đưa đến chỗ sung sướng và tự cứu, thì tức khắc phải đem ra thực hành”.

Đức Phật là bậc hướng đạo dẫn đường cho chúng sanh, Ngài dùng mọi phương pháp dạy dỗ, giáo hóa cho học trò tùy theo sở thích, như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, ông Trửơng giả dụ dẫn các người con ra khỏi nhà lửa bằng cách cho ba loại xe (xe dê, xe hươu, xe trâu) tùy theo sở thích, cuối cùng ông chỉ cho một loại xe lớn tốt đẹp bậc nhất. Ông Trưởng giả chỉ cho Đức Phật, các người con chỉ cho chúng sanh, ba loại xe chỉ cho các pháp môn tu tập, chứng đặng thánh quả trong tiến trình đi đến giải thoát hoàn toàn. Mỗi chúng sanh tùy trình độ căn cơ mà tiếp thu giáo pháp của Ngài rồi hành trì tu tập để khai triển, phát huy tiềm năng trí giác sẵn có, đạt đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo Dụ, Đức Phật nói:

“Như một đám mây lành đem lại cơn mưa lớn, làm cho các loại cây cỏ tươi mát, hết nóng bức, hết khô khan. Cũng vậy Như Lai xuất hiện nơi đời là vì đại chúng mà nơi pháp cam lồ thanh tịnh, pháp ấy chỉ thuần một vị là giải thoát, Niết-bàn, mỗi chúng sanh tùy trình độ căn cơ, tiếp thu đều được an lạc, như nước mưa chỉ thuần một vị cũng bủa khắp tất cả loài thảo mộc đều được thuấm nhuần”.

Kinh điển Phật giáo giáo luôn đề cao tư tưởng giáo dục nhân bản luôn phản ảnh hiện thực một cách khách quan, giá trị con người được tôn vinh, giúp cho người hiểu nhau, mở rộng lòng thương yêu và trân trọng tình người với người như lời nói của một bậc cao nhân thạc đức sau đây:

“Khi sự trung thực hướng về con người mô tả, phát hiện, soi sáng bao tình cảm khát vọng chính đáng của con người, giúp con người hiểu thêm về con người, về cuộc sống để mà mến yêu, trân trọng thì đó chính là nhân vản” (Đào Nguyên Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, Tập văn Phật Đản – PL: 2544).

Căn cứ vào giá trị nhân bản, Đức Phật giáo dục con người từng bước chuyển hóa thân tâm để trở thành hiền Thánh và chứng đắc pháp thân vĩnh hằng bất tử trên cơ sở Giới – Định –Tuệ.

Mục đích của giới luật là giúp cho con người ngăn ngừa, giữ gìn không phạm các hành vi xấu ác do thân, khẩu, ý gây ra, đồng thời phát triển các hạnh lành, thân tâm tăng trưởng năng lực giác ngộ giải thoát. Giới điều không phải để ràng buộc con người mà chính là những chỉ dẫn về nghệ thuật sống, nghĩa là Đức Phật dạy chúng ta điều nào nên làm để có hạnh phúc an vui, việc nào đưa đến khổ đau thì nên tránh. Người giữ giới là người có đức hạnh, sống là thực hiện theo nội dung bài kệ Đức Phật dạy sau đây:

Đừng làm các điều ác

Hãy làm các việc lành

Gạn lọc tâm ý mình

Đó là lời Chư Phật dạy.

Giới giúp cho con người có đời sống chánh Niệm, tự chủ, tỉnh thức, an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị quá khứ và tương lai chi phối, như lời kinh Nhất Dạ Hiền:

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng đến tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây.

Giới luật là nền tảng tu lập của Phật tử tại gia và xuất gia. Tại gia thì nương vào giới luật mà có đời sống vui lạc, hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội. Đối với người xuất gia, giới là bậc thang bước lên địa vị thánh nhân siêu thoát. Nhờ có giới mới đưa đến định tĩnh, là sự nhất tâm, quán chiếu để loại trừ phiền não nhiễm ô do vô minh vọng tưởng tạo nên, rời bỏ mọi duyên, không còn bị vướng mắc và hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc đời làm cho chúng ta đam mê, đau khổ. Khi tâm chúng ta an tịnh hoàn toàn thì có đời sống giải thoát.

Tâm ý định tĩnh đưa đến trí tuệ bừng sáng, có cái nhìn sáng suốt về thực tại, nhìn mọi sự vật hiện tượng đúng như thật, không còn bị ngoại giới chi phối, tâm được an nhiên tự tai. Khi trí tuệ phát sinh thì vượt ra ngoài vọng thức mê mờ. Nói thấu đạt các pháp như thật, không còn bị sai sử, ràng buộc bởi nhận thức sai lầm, rồi thì được giác ngộ giải thoát. Trí tuệ này là kết quả của sự thực hành giới luật về thiền định, không phải là kết quả của kiến thức do học hỏi hay nghiên cứu trong kinh điển, sách vở. Vậy giới định tuệ là nội dung cũng đồng thời là nền tảng giáo dục của Đức Phật.

Giáo dục Phật Giáo nhằm kiện toàn tri thức và đạo đức của con người có đầy đủ tâm đức, hạnh đức, trí đức trở nên bậc hiền Thánh giải thoát hoàn toàn, dựa trên tính nhân bản, giúp cho con người giao tiếp với thực tại, với bản chất người thật là người đang hiện tại đây và ngay bây giờ, tức cái hiện đang lả, để nói lên giá trị của sự sống trong hiện tại, an trú trong hiện tại. Muốn đạt tâm thái này chúng ta phải nhận cho được sự thật cuộc đời khổ đau, rồi xa lìa nó, đó là đời sống tâm linh của con người hiện tại, chính là đương Niệm hiện tiền, cũng gọi là thực tại tuệ giác, mà Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ như Lai, ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành."

SC Thích Nữ Diệu Nghĩa

Phó Phân Ban Đặc trách Ni giới Phật giáo Bạc Liêu

(Trích tham luân Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hô Chí Minh, Viêt Nam)