CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Bài giảng của thầy ở Từ Tân lần này là lần cuối của năm này. Qua tới tháng giêng, mình lại tổ chức khóa thiền ngoài biển, đi ra biển mình vừa tu, vừa chơi, vừa tắm biển. Tới tháng 2, ta mới có bài giảng trở lại. Pháp Cú nhiều bài cũng hay, có những chuyện tích rất lý thú, qua những chuyện tích đó ta học được nhiều điều bổ ích.
Hôm nay, ta nghe bài Pháp Cú có sự tích câu chuyện cực kỳ lạ lùng. Hai bài kệ là như thế này:
“Dẫu nói trăm câu kệ
Mà không lợi ích gì
Tốt hơn chỉ một câu
Nghe xong được an lạc”

• “Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng muôn ngàn quân địch
Sao bằng tự thắng mình
Là chiến thắng tối thượng”

Sở dĩ mà Phật nói 2 bài kệ liên tiếp vì liên quan đến câu chuyện như thế này:
Có một cô con gái tên là Kundalakesì = Bhadda Kundalakess. Có hai tài liệu ghi hai cái tên khác nhau một chút, nhưng cùng là một câu chuyện. Trưởng lão Ni Kệ nói đến tên bà là Bhadda Kundalakess, còn trong truyện tích Pháp Cú, cũng nhắc đến bà với tên là Kundalakesì. Bà là con gái duy nhất của một thương gia rất là giàu có. Bố mẹ thương cho con gái mình chỉ cho ở trên lầu cao.
Lần đó, cô đứng trên lầu nhìn qua cửa sổ, thấy dưới đường phố xôn xao. Cô mới ghé ngang cửa sổ xem, thấy mấy người lính đang áp tải một tên cướp đi. Tên cướp vừa bị bắt này mặt trông rất ngầu, có râu quai nón, mặt trông lầm lầm lì lì, không nói tiếng nào, tỉnh queo, mặt không sợ hãi.
Bỗng nhiên trong giây phút đó, một tiếng sét ái tình đánh trúng cô gái một cái ầm… Cô tê tái lặng người, run rẩy toàn thân. Cô yêu tên cướp Satthuka đang bị bắt dưới đường, đang bị lôi đi. Chuyện thật khó tưởng tượng nổi. Đây cũng là một kỷ lục thế giới, một tình yêu ngu nhất thế giới, kỷ lục từ xưa tới nay.
Một tên cướp cướp ngay trước mặt mình, mới vừa bị bắt, cả đường phố ai cũng xôn xao hết, thế mà cô lại bị tiếng sét ái tình đánh, đem lòng yêu tên cướp đó. Đây là kỷ lục từ xưa đến nay ta chưa nghe chuyện này lập lại về việc một cô tiểu thư yêu một tên cướp vừa bị bắt. Tình yêu đến thật chớp nhoáng, và quả là một mối tình ngu nhất thế giới.
Tên cướp bị bắt xong, người ta xét xử rồi chuẩn bị đem ra pháp trường xử tội, chém luôn. Trong thời gian tên cướp bị bắt đem ra pháp trường, cô gái kia ở nhà đòi nhảy lầu tự tử, nếu không cho cô lấy tên cướp đó. Cô không chịu ăn uống nữa, bây giờ chỉ xin cho cô lấy được tên cướp mà thôi. Nếu không, cô dọa leo cửa sổ nhảy xuống lầu, chết theo tên cướp luôn.
Bố mẹ cô không biết tính sao, quá thương con mà không ngờ con gái mình nó ngu quá, nhưng cũng không biết làm sao vì chỉ có một đứa con gái duy nhất. Ở đây đừng ai là con gái duy nhất mà bắt chước kiểu này nha, tiêu cha mẹ mình hết.
Không biết sao, cuối cùng vì ông bố là một thương gia khôn ngoan, nên ông bí mật liên lạc với người coi ngục, trả hối lộ một số tiền rất lớn để tráo người. Tức là bữa đem ra pháp trường là người khác, một tử tội khác thế vô, che mặt cho khuất cho đừng ai thấy để đem ra chém luôn. Còn tên cướp thật sự thì lén đem đưa về nhà để làm chồng cô gái này. Chuyện rất là éo le.
Như vậy tên cướp có thương cô này không? Không, tất nhiên là đâu có thương. Tên cướp rất may mắn, vừa thoát chết vừa lấy được một cô gái đẹp, xinh và hưởng được một gia tài nữa. Không biết phước đây có từ đời nào, không hiểu nổi anh ta đã làm cái phước gì ngày xưa nữa.
Nhưng máu của anh ta là máu ác độc và tham lam. Bố mẹ vợ sợ người ta thấy mặt, không cho ra đường, cứ ở trong nhà yên đó với cô con gái. Tên cướp thầm nghĩ là tự nhiên sao mình chỉ sống quanh quẩn như vậy. Còn cô con gái thì rất hạnh phúc. Thấy con gái mình hạnh phúc, hai ông bà cũng chiều con. Chồng cô lại có máu giang hồ tứ chiến, rày đây mai đó, nay ăn nằm với cô này mốt ăn nằm với cô kia làm sao mà ở với một người được. Máu giang hồ nổi lên, hơn một tháng sau, anh ta chịu hết nổi. Một con người dong ruổi yên cương gặp đâu chém đó, gặp cô nào lấy cô đó, nay cứ ở một nhà, chung thủy với một cô gái, dù giàu đến đâu cũng không chịu nổi. Anh ta mới nảy ra một ý nghĩ rất là ác là phải giết cô này lấy gia tài, lấy gia sản rồi đi luôn. Nhưng trong nhà, nhiều gia nhân quá nên không thuận tiện ra tay. Anh ta mới nghĩ ra một kế, nói với vợ: “Hồi lúc bị bắt, anh có khấn với một ông thần ở một cái vực. Nếu thoát chết, anh sẽ tới cái vực đó để cúng. Hôm nay, em nên đi với anh tới đó để tạ lễ, mà em nhớ ăn mặc cho đẹp, mang nhiều nữ trang để trang nghiêm”. Cô vợ cũng “mê trai” rồi nên đâu có biết, đâu có suy xét gì, sai gia nhân lấy xe, đưa đến chân núi.
(Có những loại hành hình có khi là người ta chém bêu đầu giữa chợ, có khi người ta mang tử tội đến vực thẳm, xô tên cướp đó rớt xuống dưới chết, còn nếu sống thì thôi tha. Vực đó gọi là Vực Kẻ Trộm)
Vì phải leo lên dốc nên bỏ gia nhân ở lại hết, kêu gia nhân đứng đấy, anh ta dìu vợ lên. Đến nơi, anh ta trở mặt ngay, đổi thái độ khác liền. Người vợ liền nhận ra thái độ chồng bắt đầu biến đổi, sắc mặt từ từ trở nên lạnh lung. Bất cứ con người bình thường nào, từ chỗ thân thiện cho tới khi ra tay giết hại người khác, phải có một giai đoạn biến chuyển thái độ. Thật ra, cô gái không ngu, cô chỉ si tình thôi chứ cực kỳ thông minh. Cô bắt đầu nhận ra thái độ của anh ta vì trên đường đi, khi cô hỏi chồng những điều âu yếm, anh ta không còn nói những điều âu yếm nữa mà trở nên lạnh lùng, từ từ lộ mặt sát nhân ra.
Khi lên tới đỉnh vực rồi, anh ta ngoắc cô lại gần. Vì anh ta nghĩ mạng sống cô gái trong tay mình rồi, chẳng cần giấu diếm chi nữa. Anh ta ra lệnh: “Cởi đồ nữ trang ra đây”. Với bộ mặt tên cướp ra, anh ta nói “Chẳng tình nghĩa vợ chồng gì nữa. Nói thật hôm nay, ta giết ngươi, bởi vì ta không thể sống trong một gia đình hoài được. Máu ta là máu giang hồ tứ chiến”.
Cô gái kia ngỡ ngàng, nhưng cũng không ngạc nhiên lắm, vì trên đường đi, cô đã bắt đầu nhận thấy có cái gì lạ lạ, và bây giờ hiểu ngay cái lạ đó là đây: Người mà mình thương yêu, từng cứu mạng là người không hề thương yêu mình, chẳng hề biết ơn mình, bản chất chỉ là một tên cướp vô loại mà thôi”.
Ngay trong thoáng chốc, cô nghĩ ra một kế. Cô mới nói “Thôi thì đã lỡ là vợ chồng, một ngày cũng là vợ chồng, trước khi chết cho em được một lần bày tỏ tình thương đối với người chồng của mình trong một tháng qua”. Anh ta chấp thuận. Cô này mới từ từ cởi nữ trang ra rồi đi chung quanh, cũng giả vờ âu yếm nhưng rồi khi đi ngang tới lưng, cô mới xô mạnh một cái thì tên kia rớt xuống vực chứ không phải cô.
Khi xô tên kia rớt xuống vực rồi, cô mới gom hết nữ trang chạy xuống. Nhưng khi đang chạy xuống để gặp những gia nhân đang chờ mình, cô chợt nghĩ lại. Cô nghĩ “Bây giờ ăn làm sao nói làm sao đây vì cái ngu của mình với cha mẹ. Tự nhiên bây giờ làm cho cha mẹ mình khốn đốn khổ, sở lấy chồng về giờ chồng mình nó giết mình rồi bây giờ mình giết nó, không biết ăn sao nói sao”. Cô bỏ nữ trang giữa đường, rẽ con đường khác đi luôn. Cô đi tu.
Khi xuất gia cô gặp nhóm Ni Kiền Tử là nhóm khổ hạnh lõa thể. Nhóm khổ hạnh lõa thể này họ có lý luận rất là cao siêu. Thời đó giáo chủ của nhóm Ni Kiền Tử là Niganthaputta cũng gần như kẻ đắc đạo, chỉ thua Đức Phật thôi chứ khả năng nhập định, thần thông cũng rất là cao, lý luận cũng rất là dữ dội, và họ không hề mặc quần áo. Họ xem việc không mặc quần áo như là một sự tự tại. Mùa nắng họ không cần che mát. Mùa đông họ không cần giữ ấm. Và xem như việc mình bày cơ thể là một việc tự tại giữa cuộc đời, bất chấp dư luận. Họ xem đó là triết lý, đạo lý của họ. Họ cũng thuyết phục được khá nhiều người tin theo họ.
Không hiểu duyên như thế nào mà cô gái gia nhập vào, xin xuất gia theo nhóm đó. Mình không có tài liệu ghi rõ trong nhóm đó người nữ ăn mặc như thế nào mà chỉ biết rằng người nam của đạo lõa thể này thường ở trần ở truồng. Ví dụ như ở mức độ thấp nhất thì họ che một cái khố, che vừa đủ, còn lúc sống với nhau, họ chỉ ở truồng thôi.
Cô gái gia nhập nhóm này, cô tu hành tinh tấn, trí tuệ cô phát ra. Con người ngu nhất thế giới, si tình nhất thế giới không ngờ lại ẩn chứa một trí tuệ nhất nhì thế giới, nên đã chuyển tình huống bại thành thắng, rồi bây giờ vào đạo, trí tuệ phát ra. Cô ngồi thiền, học lý luận, trở thành người biện luận của giáo phái Ni Kiền Tử không ai qua nổi. Lúc đó cũng giống như có sự khuyến khích, vừa là niềm tự hào về mình, cô đi khắp nơi để thách thức mọi người biện luận đạo lý.
Theo phong tục của những người Ấn Độ thời xưa, khi muốn tranh luận họ sẽ đến một cổng thành hay một cổng làng, họ sẽ dựng lên một cái cây, một cái cành, một cái cây như một cây tre cao, trên đó họ treo một miếng vải hay một biểu tượng gì đó chứ thời đó chưa có chữ viết. Thời đó không có in hi-flex giống như mình bây giờ công bố: “Hôm nay có cuộc tranh luận của người nào, tên gì, ở đâu đó, mời mọi người đến tham dự”. Hồi đó không có chữ viết. Chữ viết chỉ dành cho những người rất quý tộc của Bà La Môn nên họ dùng biểu tượng cho người ta hiểu. Theo tập quán, họ thường cắm một cây nêu rất cao và treo trên đó một mảnh vải. Cô này thì không có vải vóc, cô chỉ đến cô đắp một đụn cát rồi bẻ một cành cây hơi dài dài cắm lên đó, ngay chính con đường đi vào, nghĩa là ai đi qua phải tránh né. Dấu hiệu đó người Ấn Độ họ hiểu là có một người thách thức tranh luận với tất cả mọi người trong làng này, trong thành này.
Và cô đi nhiều nơi như vậy cũng chưa ai biện luận nổi với cô về đạo lý. Khả năng cô thực đáng nể.
Một lần nọ, cô đến Xá Vệ. Xá Vệ là một kinh đô lớn nhất nhì của Ấn Độ thời đó. Thành Xá Vệ là lớn nhất đất nước Kosala, còn thành Vương Xá lớn nhất đất nước Ma Kiệt Đà. Cô dám đến thành Xá Vệ đắp một đụn cát, cắm một cành cây lên trên ngay giữa cổng thành như vậy, thách thức cả thành luôn dù nơi đó có biết bao giáo sư, học sĩ. Cô thách thức tất cả người trong thành, vì đi khắp nước, không ai tranh luận lại cô.
Không ngờ, hôm đó ngài Xá Lợi Phất đến đó. Ngài thấy cành cây, bèn sai người đạp lên cành cây đó. Bên Ấn Độ, người nào nhổ cái cành cây đó đi, bẻ cành cây đó đi hay đạp bỏ cành cây đó đi có nghĩa là người này chấp nhận lời thách thức tranh luận của mình. Thế là cô ra mặt và mời rất đông người đến chứng kiến buổi tranh biện này, với ý đồ cho thấy đây là lần đầu tiên thấy một người nữ của phái Ni Kiền Tử sẽ tranh biện, thắng một đại đệ tử của Sa môn Cồ Đàm.
Khi mọi người đến tập họp đông, ngồi nghe hai người tranh biện. Đầu tiên, tuy thời xưa người ta trọng nam khinh nữ, ngài Xá Lợi Phất lại lịch sự mời cô hỏi trước. Thế là cô hỏi, hỏi từ sáng cho tới chiều, hỏi câu nào ngài trả lời xong, cô hỏi tiếp câu khác ngay, hỏi dồn dập để dí ngài Xá Lợi Phất vào chỗ bí. Nhưng ngài không bí, nghe hỏi và trả lời các câu hỏi thong suốt từ sáng tới chiều.
Đến chiều, cô hết hỏi nổi nữa, ngài mới bắt đầu hỏi lại.
- “Bây giờ ta hỏi lại cô”.
Cô đành phải nói:
- “Dạ, xin ngài”
- “What is the One? – Một là cái gì?”.
Một câu đơn giản, câu nổi tiếng nhất thế giới, đơn giản nhất thế giới và khó nhất thế giới. “Một là cái gì?”
Hồi sáng, cô hỏi ngài câu hỏi rất dài, đủ thứ chuyện Niết Bàn, an lạc, giải thoát, tu tập,… đủ thứ chuyện trên đời câu nào câu nấy dài thòong. Bây giờ, ngài hỏi lại một câu ngắn gọn: “Một là cái gì?”
Ở đây, lần nữa, ta thấy trí tuệ của ngài Xá Lợi Phất. Cô hỏi câu nào câu nấy phức tạp, ngài đều trả lời được hết, tới chừng ngài hỏi lại một câu cực kỳ ngắn gọn, cô bí liền, rời khỏi tòa, quỳ xuống đảnh lễ ngài:
- “Xin ngài dạy con “Một là cái gì?””
Đây là câu trả lời của ngài Xá Lợi Phất:
- “Niết Bàn là duy nhất, đỉnh cao duy nhất của sự giải thoát, bình an tự tại không gì có thể so sánh được”.
Nghe xong, cô thán phục liền vì chỉ có người chứng được Niết Bàn thì mới nhìn thấy rõ, trả lời rất nhanh. Cô lạy một lạy.
Ngài mới nói tiếp:
- “Thế Tôn là duy nhất. Giữa Chư Thiên và loài người chỉ có một đấng Thánh cao nhất, không có người thứ hai có thể so sánh được”.
Cô quỳ xuống, lạy thêm một lạy. Ngài mới nói tiếp:
- “Sự hòa hợp của những vị Thánh tăng đệ tử theo Đức Phật là duy nhất, không ai có thể phá vỡ được tình thương yêu đoàn kết của Thánh tăng đệ tử theo Phật, bởi vì tất cả là Vô ngã, là một cái duy nhất”.
Cô quỳ xuống, lạy một lạy tiếp theo nữa.
Chúng ta nghe, mình không biết Một là cái gì, trong khi Ngài kể ra chừng 100 cái Một, không gì có thể so sánh được, cái nào cũng tuyệt đẹp, cũng cao cả như vậy.
- “Tứ Diệu Đế là Chân lý duy nhất, muôn đời và mãi mãi. Muôn đời trước và muôn đời sau, không có gì có thể cao hơn giáo lý Tứ Diệu Đế này, để đưa chúng sinh đạt được sự giác ngộ”.
Sau đó ngài mới đưa cô về đảnh lễ Phật xin cho cô được xuất gia. Lúc nghe kể lại câu chuyện tranh luận giữa hai người, Đức Phật mới nói bài kệ là:
Dẫu nói trăm câu kệ
Mà không lợi ích gì
Tốt hơn chỉ một câu
Nghe xong được an lạc”

Ám chỉ rằng cô hỏi ngài Xá Lợi Phất từ sáng tới chiều cả trăm câu nhưng mà rỗng, chẳng bằng ngài Xá Lợi Phất nói một câu là cô thay đổi liền, được lợi ích liền. Lúc đó, người biết chuyện của cô, mới kể cho Phật nghe chuyện của cô đã chuyển bại thành thắng, đã giết được tên cướp là chồng để thoát thân được. Đức Phật nói tiếp bài kệ thứ hai:
“Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng muôn ngàn quân địch
Sao bằng tự thắng mình
Là chiến thắng tối thượng”

Phật vừa nói xong câu kệ đó, cô chứng A La Hán, và được ghi tên vào trong Trưởng Lão Ni Kệ luôn. Trong Tiểu Bộ Kinh, Trưởng Lão Ni Kệ ghi lại những vị Ni chứng A La Hán, trong đó, có tên cô này, là Baddha Kundalakess, với chuyện tích rất nổi tiếng này.
Ngày nay, học về lịch sử của Đức Phật mà ta không biết về những vị Thánh Tăng chung quanh Đức Phật vào thời đó thì quả là thiếu sót. Ta cứ tưởng rằng cuộc đời Đức Phật bình thường, chứ nếu ta biết có rất nhiều người rất đặc biệt, chung quanh Đức Phật vào thời điểm đó, ta mới thấy cuộc đời Đức Phật cực kỳ phong phú, cực kỳ đẹp.
Bây giờ ta phân tích một chút.
Ta nhắc lại kỷ lục mà cô đạt được đầu tiên là một tình yêu ngu nhất thế giới, yêu một tên cướp sắp bị đem ra chém. Có một lần, thầy đọc một câu chuyện, kể chuyện tình yêu của một cô gái. Cô gái đi trên đường, bị một đám cướp giật tấn công, có một người võ nghệ cao cường xuất hiện, đánh bay hết bọn kia cứu cô. Thế là cô đem lòng yêu thương người đó, yêu rất là si mê. Cho đến một ngày, cô mới vở lẽ ra người cứu mình cũng là một tên cướp. Lúc đó, anh ta nổi máu anh hùng, cứu một cô gái thôi, chứ bản chất anh ta cũng là một tên cướp, cũng du đãng, du côn chẳng ra gì. Nhà văn Vũ Hạnh đã viết câu chuyện đó, tựa là “Yêu nhầm”. Yêu xong rồi, mới biết đó là cướp! Còn ở đây, cô này đặc biệt hơn, biết cướp mà vẫn yêu. Rất là lạ! Tại sao như vậy? Ta có thể nói vì hai điều:
• Điều thứ nhất là trên yếu tố tâm lý học: Tình cảm thường thắng lý trí. Dù ta biết rất nhiều điều hay lẽ phải nhưng một khi tình cảm thương ghét nổi lên, ta vẫn bị tình cảm thương ghét sai khiến, còn những hiểu biết trước kia, dường như trở thành bất lực. Ví dụ ta thương một người, mà nhiều người biết họ là xấu, chính ta cũng biết họ là xấu nhưng mà tình yêu thương gì bí mật bên trong sai khiến, ta vẫn yêu thương vẫn bảo vệ, vẫn bênh vực mặc dù tận trong lý trí mình vẫn biết người này không tốt.
Hoặc là ta ghét ai cũng vậy. Ta ghét ai rồi, mọi người chứng minh cho ta biết rằng người đó là tốt mà ta vẫn không nghe, cứ luôn luôn tìm cách chứng minh người đó là xấu. Ta chỉ nói điều xấu, không nói điều tốt người đó ra mặc dù người đó vẫn có điểm xấu có điểm tốt, đâu phải hoàn toàn xấu. Nhưng mình cứ chửi và chỉ moi móc điểm xấu, gán điểm xấu, bóp méo sự thật để nói điều xấu, không bao giờ công nhận một điểm tốt nào của người ta. Đây cũng là một loại tình cảm thắng lý trí.
Ta thấy tâm lý con người ta như vậy: tình cảm thắng lý trí. Người ta hay bị như vậy.
• Điều thứ hai là nguyên nhân của nghiệp duyên từ quá khứ. Ta thương yêu ai vì ta mắc cái nợ gì từ kiếp xưa, mắc cái nợ gì đó. Nợ này có mấy trường hợp:
Trường hợp ta mắc nợ vì ân nghĩa. Trường hợp thứ hai là ta có lần nói dối như thế này.
Thí dụ như có một anh chàng đó tán tỉnh một cô gái vì cô đó giàu. Thật ra, anh ta cũng chẳng thương lắm, nhưng ngày đêm, cứ viết thư qua. Thời đó, chưa có nhắn tin thư điện tử, chưa có nhắn tin điện thoại, chỉ có viết thư hay gặp nhau nói: “Anh yêu em, anh yêu em mãi mãi, anh yêu em suốt đời, dù biển cạn non mòn tình yêu của anh đối với em không bao giờ thay đổi,…”. Nói dóc như thế thành cái nhân khiến cho đời sau, gặp lại, yêu si mê luôn mà không biết lý do gì.
Chỉ vì ta nói dối nên đã thành cái nhân, bắt ta phải thực hiện lời nói dối đó. Ai đã từng nói dối, qua kiếp sau sẽ gặp một người rồi thương si, thương mê chính vì lời nói dối này. Bởi vậy ta không nên bừa bãi, gặp ai, ta cũng nói “Anh thương em ghê!”.
Lời nói dối đó sẽ thành món nợ buộc ta phải thực hiện điều đó. Ai lỡ nói câu đó rồi, hãy kiếm gặp người ta, rút lại lời. Nói rằng: “Hồi tháng trước, em có nói là em thương anh đó, nhưng sự thật là em nói dối. Nay, em nghe giảng rồi em sợ, em xin rút lại, em hổng có thương anh”.
Còn trường hợp cô này si mê tên cướp một cách kỳ lạ như vậy, vì đời xưa, được người này có sức mạnh đứng ra cứu mạng cô trong lúc mình gặp nguy hiểm, như vô rừng bị cọp rượt hay bị cướp bao vây. Người ta cứu một lần rồi bỏ đi mất, nhưng cô chịu ơn này, cứ tơ tưởng suốt cả đời, mong được dịp mà đền ơn. Người đã cứu mình một lần chẳng phải là người tốt. Tình cờ, thấy ai gặp nạn rồi ra tay cứu một lần nên chưa chắc người đó là người tốt. Kiếp sau người này làm ăn cướp nhưng mà khi gặp lại, cô này do nợ xưa bùng khởi lên. Ơn cứu mạng ngày xưa khiến hôm nay cô nhất quyết cứu lại mạng người này. Vì vậy, bằng mọi giá cô thương yêu và cứu mạng người này. Cha mẹ do thương con, nghe lời con, giúp con cứu người này, chẳng qua để cô đền được ơn cứu mạng cô ngày xưa.
Nhưng rồi chính cô lại là người giết người này. Vì sao? Vì người này cứu cổ xong, lúc nào đó có chuyện gây gổ, rồi giết chết cô. Ai tốt với mình một lần cũng chưa bảo đảm. Cũng giống như kiếp xưa, tên cướp này cũng từng cứu cổ mà không yêu thương rồi quay lại giết cô. Và bây giờ cô gái cứu tên cướp xong, chính cô lại giết tên cướp đó. Nhân quả là như thế.
Nhân quả kỳ lạ chi phối tình cảm con người, nên ta phải hiểu một điều là tình cảm thương yêu trên đời không có thật lắm, chỉ do ân nghĩa mà thành. Ta sống với nhau có tình có nghĩa, có đạo đức thì tình thương mới được bồi đắp dần dần, rồi trở thành thiêng liêng, bền bỉ, trở thành đẹp như huyền thoại. Chứ sự thật tình thương không là gì hết. Con người thương nhau mà không vun đắp tình thương, chỉ sống giả dối hoặc không đối xử tốt với nhau, ân nghĩa xưa cũng tàn dần, tình cảm kia cũng phai nhạt dần. Cho nên tình yêu không phải là tuyệt đối như nhiều người đã tưởng. Ta phải hiểu tình thương chỉ là tương đối.
Nhân quả khiến cho cô gái xuất gia bên Ni Kiền Tử thì ta không hiểu. Nhưng việc chọn phái tu đều có nhân duyên. Trước khi tìm được một vị Minh sư, nhiều khi ta cũng phải đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bậc thầy khác, nhiều phái tu khác cho đến khi cuối cùng ta gặp một phái tu thích hợp nhất với mình, một đường lối thích hợp nhất với mình, mới làm cho ta tiến đạo được. Còn trước đó, mọi điều chỉ là sự chuẩn bị. Hiểu được điều này rồi, ta sẽ không công kích ai nữa.
Ví dụ như có một người trước đây theo đạo Kitô, sau này gặp được đạo Phật, họ mến đạo rồi đi theo. Ta chớ nên nghĩ rằng trước kia, họ đi sai đường, về sau mới biết đi con đúng đường. Vì nhiều khi cái duyên của họ là trong bối cảnh đó, đạo Ki tô cho họ được một số điều thiện nào đó, giúp họ giữ mình trong điều thiện, không bị sa lầy, không vấp ngã trước khi họ gặp được đạo Phật. Khi gặp được đạo Phật, họ được thăng tiến tâm linh nhiều hơn nên theo. Ta nên nghĩ như vậy.
Hoặc có người tu Thiền, nhưng trước khi đến với tu Thiền, họ đã gặp pháp môn Tịnh độ, chuyên tâm niệm Phật. Mới ban đầu, họ nghĩ chuyên tâm niệm Phật là một pháp môn hiệu quả nhất. Cho đến bước sang Tu thiền, họ buông câu niệm Phật mà tìm được tâm linh chứng ngộ từng giờ, từng phút trong cuộc sống, chứ không muốn tìm sự hứa hẹn vào một cuộc sống nào đó sau khi chết. Dẫu cho người này nghĩ là qua tu Thiền hay hơn, ta cũng đừng cho rằng Tịnh độ là thấp. Ta phải nghĩ rằng, Tịnh độ là một giai đoạn. Chính vì nhờ người đó có một thời gian dài nhiếp tâm niệm Phật, mà nghiệp được tẩy rửa, tâm linh được nuôi dưỡng để chờ đợi, để chuẩn bị cho ngày gặp được Thiền, rồi đi sâu vào định luôn. Hiểu như vậy, ta sẽ dễ bao dung khi nhìn mọi điều trên đời này.
Bhadda Kundalakess cũng vậy. Triết lý phái Ni Kiền Tử cũng cao siêu, giáo chủ cũng vĩ đại lắm, cũng ảnh hưởng sâu rộng lắm, tồn tại mấy mươi thế kỷ qua bên Ấn Độ, cho tới bây giờ. Chỉ có điều giáo lý không rốt ráo lắm như đạo Phật. Vì giáo phái đó cũng không phải là dở, và cô gái đây là người có trí tuệ, không phải là người tầm thường, chọn đi theo giáo phái Ni Kiền Tử nên cô trở thành người biện luận đệ nhất của giáo phái đó, đi khắp nơi tranh biện mà không ai qua nổi. Chỉ đến khi cô gặp ngài Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ tướng quân, một người trí tuệ đệ nhất, ngài đã nhiếp phục được cô. Trong kinh, không ghi lại cô có gặp một vị tỳ kheo nào của Phật trước đó hay không, nhưng ta có thể giả định rằng, cô đã từng gặp một số tỳ kheo đệ tử của Phật mà cũng chưa ai tranh biện lại với cô. Mãi đến ngày cô đến thành Xá Vệ, lúc đó nhân duyên gặp ngài Xá Lợi Phất rồi, cô mới bị nhiếp phục.
Phong cách ngài Xá Lợi Phất nhiếp phục một người giỏi lý luận và ngoại đạo làm cho ta phải ngạc nhiên và thán phục. Đầu tiên, ngài có thái độ rất trầm tĩnh, không vội vàng, không cần hơn thua, và nhường nhịn đối phương, nhường cho cô hỏi trước.
Khi cô hỏi, ngài trả lời từng điểm. Tiếc là kinh điển không ghi lại toàn bộ cuộc tranh luận đó. Nếu có phương tiện nào ghi lại hết câu chuyện hỏi – đáp thì thật là thú vị, ta sẽ biết cô nêu từng điểm nào, ngài Xá Lợi Phất trả lời từng điểm như thế nào để đưa cô dần đến gần chánh pháp.
Có một số điều thấp thấp ban đầu của Đạo Phật và giáo phái Ni Kiền Tử rất giống nhau, nên khi ngài trả lời, cô đồng ý ngay. Cô càng hỏi tiếp, ngài trả lời càng sâu dần, đưa cô đến càng gần Chánh Pháp. Tới buổi chiều, khi mà cô thỏa mãn hết mọi điều mà ngài trả lời, không còn gì để hỏi nữa, tâm cô đã mềm lắm rồi. Bản ngã đã xuống rất nhiều. Lần đầu tiên gặp một người ung dung, bình thản tự tại giải đáp hết mọi điều, mọi câu hỏi chất vấn của mình, mà trả lời cực kỳ sâu sắc, trả lời cực kỳ mới lạ, chứ không phải trả lời cái điều mà mình đã đoán trước, đã biết trước.
Ví dụ như bây giờ mình gặp một người, mình hỏi “2 với 2 là mấy?”. Mình đoán trước câu trả lời là mấy? Mình đoán trước là 4. Nhưng có một người không trả lời điều mà mình đã đoán trước. Người đó trả lời thế này: “Khi ta nhìn thấy 2 số 2 đặt gần nhau thì ta đừng nghĩ rằng đó là 2 cộng với 2 để thành 4. Ta cũng đừng nghĩ đó là 2 nhân với 2 để thành 4. Ta cũng đừng vội nghĩ rằng đó là con số 22, cũng đừng nghĩ rằng đó là con số 2 lũy thừa 2. Biết đâu rằng con số 22 nằm phía trước giấu đằng sau nó một con số khác, tạo thành một công thức toán học mới. Một con số ẩn sau lưng đó là gốc, con số 22 đó là con số mũ lũy thừa, tạo thành một con số lớn khủng khiếp không thể tưởng tượng được trong trời đất này”. Người mà dám trả lời một câu mà ta không lường trước được, đó là một con người làm cho ta thán phục. Chứ còn ai đưa con số 2 với 2, người kia trả lời là 4, và chính ta cũng đã biết trước câu trả lời là 4, nên câu hỏi này không có gì đặc biệt.
Cái hay của ngài Xá Lợi Phất là ngài không trả lời như cô này đoán trước, mà ngài trả lời theo cách rất đặc biệt, rất sâu sắc và rất mới lạ, làm cho cô thán phục.
Đến buổi chiều, cô mềm lòng, ngài mới nói rằng “Bây giờ cô không còn gì để hỏi thì ta bắt đầu hỏi nhé. Cô phải trả lời “Dạ, thỉnh ngài”.
Ngài chỉ hỏi một câu đơn giản ngắn ngắn thôi: “Một là gì?”. Cô đành im. Vì sao vậy? Vì chưa có tâm chứng. Khác nhau giữa một người giỏi biện luận và một người có tâm chứng là đây. Người có tâm chứng nhìn thấy rõ chuyện, như nắm hẵn vấn đề trong lòng bàn tay. Còn người không có tâm chứng mà chỉ giỏi biện luận là chỉ suy luận bằng đầu óc, qua tư tưởng, qua trung gian những sự kiện chứ không nhìn thẳng được vấn đề.
Ví dụ như có một thiền sư hỏi đáp với một đệ tử. Người đệ tử trả lời xong, ông thiền sư nói một câu: “Nửa đêm đi thả gà đen”. Người ngoài nghe không biết ông thiền sư ổng nói gì. Cuộc hỏi đáp giữa hai thầy trò ông thiền sư với thiền sinh hết. Chấm dứt, sau khi ông thiền sư ổng phê bình một câu “Nửa đêm đi thả gà đen – Bán dạ phóng kim ô”. Người ta nghe người ta không hiểu. Nhưng mà người có chứng ngộ họ nghe câu đối đáp trước kia họ biết người thiền sinh đã trả lời đúng toàn bộ câu hỏi của ông thầy, đúng hết rồi nên cuối cùng chắc chắn phải là câu khen ngợi. Khen ngợi kiểu gì mà “Nửa đêm thả gà đen”?
Nếu mà ta không tin chắc người học trò đúng thì sẽ không giải thích được câu “Nửa đêm thả gà đen”.
Nhưng nếu thiền sư chứng ngộ, ta cũng là người chứng ngộ, lắng nghe từ đầu tới cuối cuộc đối đáp giữa hai người mà ta biết người đệ tử đã đối đáp đúng hết rồi, ta biết rằng người học trò là người chứng ngộ. Vì từng câu người học trò đối đáp đúng hết, hợp hết, tâm chứng đúng hết. Người ngoài nghe không hiểu nhưng ta nghe ta biết là họ đúng hết. Ông thầy phán rằng “Nửa đêm thả gà đen”, ta biết ngay là một câu khen mà người ngoài không biết đó là một câu khen.
Khen ở chỗ nào? Thường, khen thì phải mặt trời sáng, hào quang chiếu. “Nửa đêm thả gà đen”. Ta nghe ta biết câu khen liền. Khen nghĩa là gì?
Màu của ban đêm là màu gì? Màu đen.
Con gà màu đen luôn nghĩa là sao? Hợp nhau.
Ý nói rằng tâm của người học trò này hợp với tâm của ông thầy. Vì ông thầy chơi chữ “nửa đêm thả gà đen”, ta chẳng biết lời khen hay lời chê. Thiền sư khen mà nghe tưởng như chê, nhưng sự thật đó là một lời khen.
Tại sao ta biết đó là lời khen? Bởi vì ta đã quan sát cuộc nói chuyện ta biết được.
Ở đây, ta phải hiểu là cô đó dù biện luận giỏi đến đâu nhưng chưa phải là người chứng ngộ nên không thấy được vấn đề. Còn ngài Xá Lợi Phất là người chứng ngộ nên ngài thấy vấn đề như nắm trái xoài trong lòng bàn tay.
Hỏi “Một là gì?” cô kia chịu thua liền vì cô không phải là người chứng. Vì mình không phải là người chứng nên trong đầu mình có 1000 chuyện trong đó, còn người chứng, trong đầu chỉ có duy nhất cái Một thôi: Niết Bàn, chứ không có gì khác nữa. Khi nghe hỏi “Một là gì?”, lấy cái Một duy nhất đó ra trả lời liền.
Còn mình bây giờ hỏi “Một là gì?”, mình không biết, vì trong đầu mình không hề có cái gì là Một cả. Trong đầu mình có cái gì ở trong đó? - Có một triệu thứ ở trong đầu mình.
Thứ nhất là gì? Tết sắp tới.
Thứ hai là gì? Tiền đang mất giá.
Thứ ba là gì? Ngân hàng sắp đáo hạn tới nơi. v.v.
Một triệu vấn đề trong đầu mình, nào là kinh tế thì khủng hoảng, mưa gió bão bùng, model đời này… Ta có một triệu vấn đề, nên khi hỏi cái gì là Một, ta không thấy. Còn người chứng đạo, trong tâm họ chỉ có duy nhất cái Một, nên hỏi “Một là gì?”, họ đã có sẵn câu trả lời.
Cũng vậy, đến khi cô Baddha Kundalakess quỳ xuống, xin ngài giải đáp, ngài nói Một là Niết Bàn; bởi vì trong tâm ngài, ngài thấy chỉ có Niết Bàn, một thứ duy nhất trong tâm. Và muốn hỏi nữa thì từ trí tuệ về Một trong Niết Bàn trong tâm ngài, ngài nói tiếp cho cô nghe: Phật là Một, một bậc Thánh duy nhất trên đời không ai có thể so sánh được, cả cõi trời và cõi người…
Cứ như vậy, ngài nói cả trăm điều Một, đều đẹp giữa đời này, trong đó có một điều làm ta cảm động: Tình thương yêu hòa hợp giữa những Thánh tăng đệ tử của Phật là duy nhất. Sự đoàn kết là một, không ai có thể chia rẽ hoặc phá vỡ được. Vì sao vậy? Vì các ngài là vô ngã.
Khi ta có bản ngã, mỗi người một ý, tình thương yêu đoàn kết có vấn đề. Người nào đến rỉ tai ta một chút xíu, ta nghe lời chút xíu, lòng của ta bớt yêu thương Tăng đoàn của mình, ta bớt yêu thương thầy mình. Bây giờ, ngay khi mình xuất gia, mình đi tu theo thầy mình, mình nguyện lòng thương yêu thầy mình cả đời nhưng vì bản ngã mình còn, ngày nào đó có người đến rỉ bên tai mình, nói “Ông thầy này ổng hổng có hay, ổng xấu, ổng bệnh, ở trên mạng người ta chửi ổng hoài…”. Nói một lát, mình nghe có lý, lòng mình phai nhạt liền, bị lung lay liền, vì mình chưa phải là Thánh tăng đệ tử. Còn những bậc Thánh đệ tử của Phật, tâm các ngài vô ngã không còn tư chấp riêng của mình nên không có ai thủ thỉ, vận động hành lang, nói gì mà làm các ngài lung lay được nữa. Nên ngài nói : Tình yêu thương hòa hợp đoàn kết của các vị Thánh tăng đệ tử Phật là duy nhất, không gì có thể phá vỡ được. Câu trả lời này của ngài cũng là bài học cho tất cả chúng ta.
Hiện nay, chúng ta ngồi ở đây, chúng ta đều là con của Phật. Nếu ta chưa thể yêu thương nhau bằng tình yêu thương duy nhất như là ngài Xá Lợi Phất nói, phải biết rằng việc tu của ta còn rất là kém. Từ hôm nay, trước Tam bảo, ta nguyện lòng sẽ tu thế nào để tất cả chúng ta trên trần gian này cùng hướng đến một tình thương yêu duy nhất như ngài Xá Lợi Phất đã ca ngợi tình thương yêu của chúng Tăng, đệ tử của Đức Thế Tôn là duy nhất. Được không? Ráng phấn đấu như vậy.
Bây giờ, câu hỏi “Thế nào là Một?” nghe khó quá, vậy ta hỏi “Thế nào là Hai?” cho dễ trả lời một chút.
Cái gì là Hai? Hai là cái gì? - Ta và người là Hai. Ta thấy ta khác với mọi người. Ta và người là Hai.
Chính vì có hai cái đối đãi này mà trần gian đã sinh ra lắm chuyện phiền não, thương đau, rắc rối, cho nên ta nguyện là sẽ vượt qua cái Hai này, cái Ta và Người thế này.
Cái gì là Hai nữa? - Động và Tĩnh là Hai. Tâm ta lúc nào cũng xao động, mà tâm của bậc Thánh lúc nào cũng yên tĩnh, cho nên ta phải ráng tu để vượt qua được cái này, để làm sao tâm ta, tâm chúng sinh thật sự là tĩnh lặng, nhất như.
Cái gì là Hai? - Phàm và Thánh là Hai. Chánh và Tà là Hai.
Nhiều lắm, nếu ta có thì giờ ta suy nghiệm. Ngài hỏi cái gì là Một, ta đùa ta đặt câu hỏi cái gì là Hai để ta biết rằng trên đời có nhiều đạo lý lắm.
Bây giờ, ta trở lại bài giảng. Học Pháp cú mấy năm nay ta mới gặp ở bài kệ với câu nói của Đức Phật rất nổi tiếng này: “Tự chiến thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất”. Vì sao? Vì “kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình”. Tại sao?
Tại sao “kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”? Nghe câu đó mình có thấy hay không? Có cái gì đó mình cảm thấy rất là hay phải không?
Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Vì ước mơ lớn nhất của người tu là vô ngã. Hạnh nguyện lớn nhất của người tu là sống một đời vị tha, nên để đạt được vô ngã, để sống được một đời vị tha, ta phải chiến thắng với những cái gì đó ở trong lòng mình. Chứ không phải nói kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình, rồi mình cầm dao mình đâm ngược vào mình, gọi là thắng mình. Không phải như vậy. Mà kẻ thù là những cái gì ở trong mình sai sử mình.
- Thứ nhất là gì? Ích kỷ. Chỉ nghĩ xem mình là quan trọng nhất. Cái gì mình cũng chú ý mình phục vụ mình trước hết. Mọi điều trên đời này là mình ưu tiên mình lo cho mình hơn cả.
Bây giờ trong đời sống ta tập xoay ngược lại. Thí dụ ta bước vào trong Chánh điện lễ Phật, thay vì tìm một vị trí ngon nhất, một chỗ chính giữa, mình nhìn qua nhìn lại chung quanh xem có ai không, nếu không có ai, mình hãy vào, quỳ ở giữa, lễ Phật. Nếu có ai thì mình xin ngồi nép sang một bên, mình nhường cho người ta trước. Trước một việc rất nhỏ, mình đã nghĩ đến người chung quanh.
Khi bước vào một phòng ăn, thay vì mình ngồi xuống, ăn liền, hãy nhìn chung quanh xem còn có ai chưa ăn, họ ngại ngùng, họ là người lạ mới đến họ chưa ngồi được, mình hãy mời họ trước… Tập trong đời sống hằng ngày là vậy, biết từng chút từng chút nghĩ đến người chung quanh mình. Được như vậy, ta diệt được tâm ích kỷ của mình, sống một đời vị tha, lo cho người khác từng chút một. Và đó là chiến thắng chính mình. Cuộc đấu tranh để chiến thắng chính mình này chừng mấy tháng sẽ xong? Mấy tháng?
- Cả đời này và những đời sau. Đó là một cuộc đấu tranh rất là đẹp.
Ví dụ như vô chùa, ông thầy hỏi: “Trời, ai làm đổ nước đây?” mà mình không có làm đổ. Nếu mình nhận: “Thưa thầy con làm đổ” tức là mình nói dối. Thực ra, mình biết có một người huynh đệ đã làm đổ. Ta có 2 cách giải quyết thế này. Hoặc là mình im lặng, không nhận tội, vì mình không có làm đổ. Hai là mình nhận mình làm đổ, để người huynh đệ mình đừng bị la, chấp nhận thầy cứ la mình cho xong chuyện, rồi mình đi lau. Nhưng như vậy là mình nói dối. Vậy làm sao? Bài toán này khó đó vì là bài toán của lòng vị tha.
Nhiều điều trong cuộc sống này phức tạp. Nếu muốn xử lý được để có được một đời sống đạo đức vị tha, ta xử lý rất khó, chứ không phải dễ.
Thầy nêu một bài giải mẫu như thế này. Khi ông thầy hỏi ai làm bể cái ly làm nước chảy tràn đầy trên bàn Tổ như thế này, mà mình không phải là người làm đổ, và mình biết người kia làm đổ đang đứng nép mình sợ thầy la không dám nói, nói ra sợ thầy hết thương. Mình thì muốn nhận để thay cho bạn mình vì mình tập đời sống vị tha mà. Nhưng nếu nhận, là mình nói dối nên mình sẽ xử lý cách này.
Mình nghĩ trong đầu thế này: Thật ra việc mà người kia làm đổ bể có liên quan tới mình, vì lúc đó mình cũng đứng gần đó, mà mình đã sơ ý không nhích cái ly đó vô một chút. Mình đã hơi thờ ơ nên trách nhiệm này có phần của mình ở trong đó chứ không phải không. Thôi thì một phần trách nhiệm đó mình nhận được, mới thưa thầy: “Thưa thầy, con có làm bể cái ly này”. Tức là mình nói mình có phần đó. “Con có làm bể cái ly này”, thế là ông thầy ổng đập cho vài cây, la cho vài câu xong là mình đi dọn cái ly. Thế là mình nhận cái tội cho bạn mình mà không mắc tội nói dối, vì mình nghĩ rằng mình có liên đới trong đó. Không nói dối, mà nhận được tội thay cho bạn mình.
Với từng chút từng chút trong cuộc sống như vậy, trước nhiều điều phức tạp mà ta tập sống đời vị tha quả là không đơn giản. Những lúc khó như vậy, ta phải hết sức khôn khéo mới giữ cho được vẹn toàn nhiều mặt.
Hoặc là mình chiến thắng sự lười biếng. Tuy lười biếng không thành tội lắm nhưng làm cho mọi thứ đều trì trệ, đen tối và suy tàn. Mình không gắng đi chùa, không gắng lễ Phật, công đức mình mất dần. Không gắng ngồi thiền, tâm linh mình không tăng tiến. Không siêng giúp người, phước mình từ từ hết sạch. Không ráng đem giáo lý đến với người, thì Phật Pháp từ từ suy tàn. Lười biếng thoạt nghe không làm thành một cái tội nhưng mà là tội, nên cần phải quyết tâm chiến thắng cái lười biếng trong lòng mình.
Mình đang đạp xe qua đường, thấy có cục gạch, mình lách cục gạch mình đi luôn. Đó là lười biếng. Lát nữa sẽ có người u đầu sứt trán vì cục đá mình không chịu lượm trước đó. Thấy là không tội mà làm thành cái tội. Chiến thắng lười biếng mình dễ không? Khó đó.
Rồi chiến thắng những tâm lý đố kỵ, thấy ai thành công mình ghét. Chiến thắng tâm lý tham vọng, lúc nào cũng muốn làm cha thiên hạ. Chiến thắng tâm lý thù dai, ai làm gì mình mích lòng, ghét người ta suốt đời. Chiến thắng cái tật hay nói xấu người khác. Chiến thắng cái tật kiêu ngạo thấy mình hơn người. Chiến thắng cái tật khoe khoang, làm gì được chút nổ rân trời rân đất hơn pháo tết nữa. Chiến thắng cái tật tự mãn nửa chừng, mới vừa tốt tốt cái thấy mình ngon lành trong khi biết đường đi còn rất là xa, sự thành công trọn vẹn còn rất là khó…
Chiến thắng những tâm lý thầy vừa nói như ích kỷ, đố kỵ, tham vọng, thù dai, nói xấu, kiêu ngạo, khoe khoang, tự mãn không dễ chút nào. Đó mới là những kẻ thù nguy hiểm của ta.
Ví dụ bây giờ, người ta nói mình thế này: “Ủa, sao lúc này sao chị xấu quá vậy?”, thì lúc đó mình mới trả lời một câu: “Tại em giống chị”, tức là mình nói lại người kia cũng xấu. Mình nói một câu vậy là mình thắng người ta phải không? Đó là thắng người đó. Thắng người. Mà Đức Phật nói thắng người không ngon bằng thắng mình. Làm sao mà người ta nói mình “xấu quá vậy”, mình không giận, không phản ứng lại, không chê lại, không nói xỏ lại mà vui vẻ nhận lời nói xấu của người ta để mình thắng cái tâm giận của mình, tâm nhỏ nhặt của mình. Cái thắng đó mới ngon lành. Mỉm cười nói: “Dạ, lúc này chắc em tu dở. Cám ơn chị, em sẽ ráng tu”. Nói được câu đó là mình thắng mình, còn mình nói xỏ người ta lại một câu “Tại em giống chị” thì mình thắng người ta, nhưng chiến thắng đó không oanh liệt.
Rồi trong khi ngồi thiền, vọng tưởng cứ chập chùng, chập chùng cho ta không tu tốt được mà một ngày nào đó, với sự kiên trì ta vượt thắng được vọng tưởng, đó cũng là chiến công oanh liệt. Khi vọng tưởng lắng rồi thì ảo giác bắt đầu xuất hiện, ta thấy hào quang, ta thấy Chư Thiên và ta cũng phải vượt qua điều đó vì điều đó rất hấp dẫn trong thiền định. Rồi đến khi thần thông hiện ra, ta vứt bỏ thần thông không dùng đến luôn vì dùng thần thong, bản ngã tái trở lại làm ta ngã xuống liền, bỏ thần thông cũng là một chiến công cực kỳ oanh liệt, vì khi có thần thông thì thường ai cũng dùng đến, ai cũng đem ra khoe. Vì vậy, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.
Tuy nhiên, câu nói này cũng mang tính chất tương đối, vì nếu ngày nào đó, đất nước ta lâm nguy, đạo pháp ta lâm nguy, mà ta cứ nghĩ “Thôi ta cứ chiến thắng mình đã”, không lo bảo vệ đất nước mình, đạo pháp mình thì ta lại mang tội. Lúc này, cần phải bảo vệ đất nước, bảo vệ đạo pháp.
Giờ ta nghe một bài kệ khác:
“Thắng mình và thắng người
Thắng mình tốt đẹp hơn
Ai chiến thắng chính mình
Nội tâm luôn an tịnh”

Câu này rất giống bài trước nhưng chuyện tích thì hơi khác
“Dù Thiên Thần, Thát Bà
Ma vương hay Phạm Thiên
Không thể làm gì được
Người tự thắng như thế”

Người tự chiến thắng mình rồi thì không ai có thể chiến thắng mình được nữa.
Bài kệ này có chuyện tích ngắn ngắn thế này: Ở gần Kỳ Viên, có vị Bà la môn, ông này có tật hay triết lý. Khi nghe mọi người khen Phật, ông cũng hay đi dò nghe Phật nói những gì. Phật nói: “Người tu tốt sẽ được đạo quả thế này, được đạo quả thế kia, được bao nhiêu là điều lợi ích”. Ông ngồi suy nghĩ “Phật chỉ nói toàn những điều lợi ích, nhưng trên cuộc đời này còn nhiều thứ bất lợi mà không nghe Phật nói, hay ta đến ta hỏi thử, có thể Phật nói những điều có lợi để dụ người ta đến với đạo nên không biết những điều bất lợi”. Ông đã chủ quan thôi vì việc gì mà Phật không biết được! Ông đến hỏi Phật: “Thưa Ngài! Tôi nghĩ rằng Ngài chỉ nói những điều có lợi, tu được lợi này, lợi kia, tôi không nghĩ rằng Ngài nói những điều bất lợi, trên đời này còn nhiều điều bất lợi”. Đức Phật nói: “Có những điều bất lợi thế này:
“Thứ nhất là ngủ dậy muộn
Thứ hai là lười biếng
Thứ ba là ánh trăng soi
Thứ tư là giàu sang mãi
Thứ năm là thích đi du lịch hoài
Và thứ sáu là ngoại tình”

Những cái như ngủ dậy muộn, lười biếng và ngoại tình thì mình dễ hiểu, nhưng có 3 cái làm mình hơi thắc mắc mà Phật nói bất lợi đó là ánh trăng soi, giàu sang mãi, và thích đi du lịch.
Tại sao nói ánh trăng soi là bất lợi? Vì người Ấn Độ thời xưa không có đèn điện như mình bây giờ, đêm xuống, người ta đi ngủ để dành sức khỏe hôm sau ra đồng áng làm việc tiếp. Khi đêm xuống, cuộc sống dừng lại hết, người ta đi ngủ sớm thì ánh trăng soi không có lợi cho ai hết.
Còn về giàu sang mãi? Điều độc đáo mà Phật nói giàu sang mãi là một điều bất lợi. Điều này cực kỳ hay. Người mà giàu hoài, giàu từ đời cha sang đời sang đời con, đời cháu thì rõ ràng là một bất lợi lớn, bởi vì mình không hiểu rõ nỗi khổ của người nghèo, bản ngã mình sẽ tăng lên cao, coi thường mọi người. Và chính vì bản ngã tăng lên cao, xem thường người khác là điều khủng khiếp, nhanh chóng đưa mình xuống địa ngục. Vì vậy giàu sang mãi là một điều bất lợi! Cho nên ai là giàu sang thì xin hãy cư xử như một người nghèo, mới giữ được cái Đức của mình bền bỉ, còn mình giàu sang rồi mà cứ cư xử như một người giàu sang, ăn cơm phải có người cung phụng, bước ra là phải có xe hơi, ăn trên ngồi trước, mặc đồ đẹp… Đức của mình sẽ sớm mất đi. Cho nên khôn ngoan nhất là nếu mình có được Nghiệp giàu sang thì hãy cư xử như một người nghèo. Nghĩa là mình tìm việc tay chân gì mà làm, như quét đường, nhặt rác, đi về miền quê đắp đường,… làm những điều như một người hèn mọn, mặc đồ bình thường, không mặc đồ hàng hiệu, gặp ai cũng tôn trọng, cũng cung kính dù là với một người nghèo trong xóm.
Ví dụ có bà già trong làng rất nghèo, lâu lâu con cháu mới mang tiền về cho bà, nhưng khi gặp bà ấy, mình cũng phải khoanh tay, cúi chào cung kính như mình là con cháu của bà. Nếu mình cư xử được như vậy, Đức của mình lớn hoài và không bị mắc lỗi.
Một điều bất lợi nữa Phật nói là thích đi du lịch hoài! Vì sao? Vì đi du lịch nhiều, mất thời gian, nên mình cũng bị mất phước, chứ không phải “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đâu, đi hoài mất phước hết.
Ông khen Phật nói sáu điều bất lợi hay, Phật mới hỏi ông làm nghề gì, ông mới nói ông làm nghề đánh bài. Đọc bài này, ta mới phát hiện ngày xưa bên Ấn độ cũng có đánh bài, mà ông này là giai cấp Bà la môn mà làm nghề đánh bài. Vậy ta hiểu thế này: giai cấp là một chuyện mà nghề nghiệp là một chuyện khác. Ông này sinh ra trong giai cấp Bà la môn, nhưng không phải tất cả những người Bà la môn đều làm giáo sĩ, họ cũng làm đủ thứ nghề trong đời này kể cả nghề đánh bạc như ông này.
Đức Phật mới hỏi: “Với nghề đánh bạc này ông luôn luôn thắng hay sao?”. Ổng mới trả lời rằng: “Thưa Ngài, với nghề đánh bạc này có khi tôi thắng, có khi tôi thua, người khác thắng”. Đức Phật mới nói: “Khi ông thắng thì ông vui, người khác thắng thì người đó vui. Việc mình thắng người không hay, nếu mình chiến thắng chính mình, mới là hay”. Người thắng được mình mới là người vĩ đại, người đã chiến thắng mình rồi, từ trên trời đến cõi ma, không ai xâm phạm đến mình được nữa. Từ chuyện tích này mà có bài kệ như vậy.
Qua bài này, thầy nhắc lại hai điều làm ta yếu đuối: điều thứ 1 là cái ta muốn, điều thứ 2 là cái ta sợ.
Một người nào đó muốn khống chế ta họ thường điều tra xem ta sợ điều gì, tâm lý ta muốn điều gì. Họ điều tra biết ta như thế nào, họ tấn công vào 2 điều đó làm cho ta chịu thua liền. Vì vậy, là đệ tử Phật, tuy sống trong đời mình không cần phải làm anh hung, nhưng tu làm sao để không còn muốn điều gì và không còn sợ điều gì. Được như vậy, không còn ai thắng nổi mình nữa, vì mình đã chiến thắng chính cái ngã của mình, vượt qua cái muốn, vượt qua cái sợ.
Ở đây, mình muốn điều gì? - Muốn đẹp, muốn giàu.
Họ sẽ lấy những thứ đó ra dụ mình. Chẳng hạn, họ nói “tu theo họ, trong 3 tháng, họ sẽ làm cho mình đẹp lên” hoặc “nghe lời họ ra lệnh, họ sẽ giúp cho mình giàu lên”. Đánh đúng vào cái muốn của mình rồi, mình sẽ nghe theo liền!
Và mình sợ điều gì? - Mình sợ chết! Khi người ta kề dao vào cổ mình, nói: “không theo họ thì sẽ phải chết” nhưng nếu mình không sợ và nói: “có giết thì cứ giết đi”, sẽ không ai xâm phạm mình được nữa, mình mới nói tiếp “ai muốn nói chuyện gì với mình, chỉ được đem chính nghĩa đạo lý ra mà nói, đừng bày đặt hù dọa”, mình không sợ.
Ta nghe bài kệ khác:
“Mỗi tháng tốn nghìn vàng
Hoặc tế lễ trăm năm
Chẳng bằng có một lần
Cúng dường bậc tự thắng”

Hoặc 1 bài kệ khác:
“Dù suốt cả trăm năm
Thờ lửa trong rừng sâu
Chẳng bằng có một lần
Cúng dường bậc tự thắng”

Sở dĩ Phật nói hai bài kệ này là vì có hai câu chuyện về hai người, một là chú của Ngài Xá Lợi Phất, người còn lại là cháu của Ngài Xá Lợi Phất.
Ngài Xá Lợi Phất có cái hay là Ngài Phật hóa gia đình rất là quyết liệt. Khi Ngài đắc đạo rồi, Ngài cứ về nhà kéo từng người, từng người theo Phật. Ngài có một người chú rất giàu. Ông chú này theo giáo phái Ni kiền tử, mỗi tháng ông chú bỏ rất nhiều tiền cúng dường những vị bên giáo phái đó. Ngài Xá Lợi Phất biết chú mình làm một điều không phải, nhưng ở cương vị một người cháu mà nói ra thì không hay, nên Ngài rủ chú mình đi đến gặp Đức Phật.
Đức Phật hỏi: “Thường thường ông làm hạnh nghiệp gì?”. Ông này trả lời: “Thưa Ngài, mỗi tháng con bỏ ra rất nhiều tiền để cúng dường cho những vị tu hành bên Ni kiền tử”. Đức Phật mới nói bài kệ:
“Mỗi tháng tốn nghìn vàng
Hoặc tế lễ trăm năm
Chẳng bằng có một lần
Cúng dường bậc tự thắng”

Các bậc tự thắng là đệ tử Phật, là những người vô ngã, những bậc đó mới đáng cho ta cúng dường. Nếu ta tốn tiền cho những người không phải tự thắng mình, phước đó không nhiều.
Khi ta nghe câu chuyện ta sẽ hiểu thế này: nếu giáo phái kia nghe được, họ sẽ rất tức giận vì lời khuyên này giống như Ngài phá bỏ nồi cơm của họ, chặn đứng nguồn kinh phí tài trợ của họ. Vì vậy, Đức Phật thời đó bị công kích rất dữ dội. Bây giờ, trong kinh điển ghi lại, ta chỉ còn nghe một số trường hợp công kích Đức Phật. Ví dụ như: có một bà độn bụng, phao tin có bầu với Đức Phật hoặc có xác chết một cô gái chôn trong Kỳ Viên được đào lên và Đức Phật bị vu khống là đã dan díu với cô gái này rồi giết cô để thủ tiêu…
Ông chú của Ngài Xá Lợi Phất sau khi nghe Đức Phật thuyết phục, không còn cúng dường bên Ni kiền tử nữa. Và bên kia rất tức giận, cho nên phong trào công kích, nói xấu Đức Phật tràn ngập và kéo dài.
Còn người cháu của Ngài Xá Lợi Phất lại có một tín ngưỡng khác là đốt lửa trong rừng sâu. Vì nói trong rừng sâu không một bóng người nào mới linh thiêng, và nơi ngọn lửa đang bùng cháy đó, người này đổ dầu thơm vào để cho dầu thơm đó mang hương thơm lên cõi trời, mang theo ước nguyện thế này, thế kia. Ngài Xá Lợi Phất cũng đưa người cháu này về gặp Đức Phật và Phật cũng nói như vậy:
“Dù suốt cả trăm năm
Thờ lửa trong rừng sâu
Chẳng bằng có một lần
Cúng dường bậc tự thắng”
Qua câu chuyện, ta mới thấy một điều như thế này: tôn giáo nào cũng giống nhau là đều hứa hẹn một cái gì cao đẹp ở phía sau và cũng yêu cầu sự hiến cúng. Tôn giáo nào cũng bảo nếu theo tôn giáo tôi, bạn sẽ được cái này, cái kia, trong thời gian được cái này, cái kia, bạn cúng cho tôi cái này…
Người làm chính trị cũng nói: Khi tôi lên làm tổng thống, tôi sẽ làm thế này, thế kia hay thậm chí còn hứa riêng “tôi lên làm tổng thống, sẽ cho ông làm bộ trưởng liền; nhưng trước khi tôi làm tổng thống, anh lo tiền cho tui để ứng cử, bầu cử”…
Chính trị và tôn giáo đều giống nhau ở sự hứa hẹn và sự đóng góp cũng giống hệt! Bây giờ, giữa những tôn giáo giống nhau như vậy, ta phải chắt lọc ra được những gì được xem là chân chính để ta đem cả cuộc đời mình đi theo, mà không lầm đường, không uổng phí, chứ tôn giáo nào cũng giống nhau, cũng hứa hẹn cả!
Khi ta theo đạo Phật, ta cũng được hứa hẹn sẽ giải thoát giác ngộ, nhưng cái hứa trong đạo Phật là hứa mà không hứa. Vì sao? Vì hứa giải thoát giác ngộ là gì, có ai biết không? Nên đạo Phật hứa rất kỳ lạ, hứa mà như không hứa! Hoặc trong đạo Phật nói cái gọi là Vô Ngã, ta đau khổ vì ta có bản ngã, ta gây tạo tội lỗi vì ta có bản ngã, ta tu theo đạo Phật, ta không còn bản ngã nữa. Như vậy, đạo Phật hứa ta một điều không có gì trong khi các tôn giáo khác đều hứa một cái gì có!
Ví dụ như bên Hồi giáo hứa “khi một chiến binh Hồi giáo ra trận không trở về được mà chết vì đạo thì Ala sẽ giữ cho các ngươi một chỗ trên thiên đường, nơi đó có sẵn 74 trinh nữ chưa có người đàn ông nào đụng đến da thịt, đang chờ người đó”. Điều này dễ hiểu, vì đó là điều của trần gian được đem lên trên thiên đường để ở đó, nên người ta dễ cảm nhận, chấp nhận mang bom lao vô chỗ đông người, chịu chết, mà không cần biết mình kéo theo bao nhiêu người khác cùng chết theo mình. Có phải họ lên cõi trời có 74 trinh nữ có chờ ở trên đó hay không, điều này, ta không biết nhưng ta chỉ biết một điều là sau đó, có rất nhiều tiếng khóc than, những người vô tội đã chết đầy, cơ thể tan nát, máu me tung tóe… Vậy tại sao đạo Phật hứa với ta một cái không có gì, không còn là ta mà ta lại đi theo?
“Không còn là chính mình
Người đã là tất cả”

Vì sao? Ta đi theo đạo mà hứa với ta không có gì bởi vì ta thuộc một trong hai hạng người.
Một, ta là người cực kỳ trí tuệ, ta tin rằng nơi cái không còn là ta nữa, mới thật sự là bến bờ hạnh phúc, an vui, giải thoát. Ta tin điều đó, trong từng giờ từng phút ta đi trên con đường đó, ta thấy cái đúng hiện ra trong từng bước chân ta đi, mỗi một lời ta nói đúng, ta thấy an lành, mỗi một việc ta làm ta thấy an lành, và ta đi dần đến chỗ không còn là ta nữa, ta thấy đây là lẽ phải, là chân lý.
Còn nếu ta không thấy những điều đó mà ta vẫn đi theo thì ta thuộc dạng khùng khùng, vì hứa cái không có gì mà cũng đi theo.
Đó là điều khác nhau giữa đạo Phật và các tôn giáo khác!
Ở đây, Đức Phật nói với bà con những người Xá Lợi Phất là cúng chỗ đó không nên, mà cúng dường những bậc tự thắng như đệ tử của Ngài mới là đáng quý. Thoạt nghe, mình tưởng như Phật cũng hơn thua với các đạo khác, nhưng tâm ý của Phật là khen ngợi ngài Xá Lợi Phất với thân quyến ngài Xá Lợi Phất, tức là những người này có được một người bà con vĩ đại như vậy mà không biết, cứ đi cúng ở đâu mà không quan tâm đến vị Thánh bậc nhất trong hàng đệ tử Phật. Ý của Phật nói là để tôn vinh Ngài Xá Lợi Phất trước bà con của ngài để những người này trở về, sẽ nói lại “trong bà con chúng ta có một bậc thượng thủ tướng quân siêu việt”. Chúng ta nên hiểu như vậy.
Ta nghe bài kệ cuối của kỳ này:
“Suốt năm cúng tế vật
Để cầu phước ở đời
Không bằng một phần nhỏ
Kính lễ bậc chính trực”

Bài kệ này cũng giống bài kệ trên, nhưng câu chuyện hơi khác một chút. Lần này ngài Xá Lợi Phất, sau khi độ hết bà con rồi, chuyển sang độ bạn bè của mình. Người bạn này cứ mỗi tháng giết một con vật để cúng tế thần linh. Ngài Xá Lợi Phất cũng đưa bạn của ngài đến gặp Phật, sau khi nghe ông khoe công đức là mỗi tháng cắt cổ một con vật cho đổ máu ra để cúng lên trên thần linh. Đức Phật nghe vậy mới rầy:
“Suốt năm cúng tế vật
Để cầu phước ở đời
Không bằng một phần nhỏ
Kính lễ bậc chính trực”
Điều này ta nghe cũng dễ hiểu, cũng giống như lúc nãy thầy vừa nói, có một loại tôn giáo xem sự giết hại như là một điều tốt, họ tạo nên một tà kiến nguy hiểm vào trong lòng chúng sinh. Nếu ai nghe như vậy, bị nhiễm ác kiến đó, rồi đi giết hại chúng sinh lại tự cho là điều tốt. Đây là điều hoàn toàn ngược với chân lý. Đây là Tà đạo, làm chúng sinh đau khổ lại tự cho là điều tốt.
Nhân Quả không cho phép ta làm điều này! Đây chính là điểm khác nhau giữa Đạo Phật và các tôn giáo khác. Khi nào ta đem an vui, lợi ích lại cho chúng sinh, ta sẽ được an vui, hạnh phúc trở lại; còn nếu ta đem đau khổ đến cho chúng sinh thì chắc chắn rằng chỉ có đau khổ chờ đợi ta mà thôi. Đó là điều khẳng định!
Tuy nhiên, cũng có những giáo sĩ, những giáo lý dám lật ngược vấn đề, họ nói gây đau khổ cho chúng sinh nhưng làm đẹp lòng thần thánh vẫn được phước lành. Đây là một điều gian dối trắng trợn, bẻ ngược vấn đề!
Là đệ tử Phật, ta phải giải thích cho bạn ta nghe khi bạn ta lỡ theo một tà đạo. Ta bắt chước như ngài Xá Lợi Phất giúp bạn thoát khỏi tà kiến khi biết bạn mình rơi vào ác kiến.
Chính vì bạn của ngài Xá Lợi Phất, nghe sự xúi giục của một giáo sĩ nào đó, giết, cắt cổ con vật mỗi tháng để cúng thần thánh mà cho rằng đây mới là phước lành nên Ngài mới đem người kia về, nhờ uy đức Phật hóa độ. Cho nên ngày hôm nay, ta nghe được lời Phật hóa độ này, ta phải trang bị cho chính mình lý luận này để ta giải thích cho bạn bè ta: “Sống trên đời là có Nhân có Quả, ta không thể mong cầu thần thánh bởi một ít lễ vật mọn, một con vịt quay, một nải chuối mà cầu về trúng số bao nhiêu triệu, làm ăn khấm khá quanh năm,… nó không công bằng, không có Nhân Quả”.
Ta kính trọng những bậc thần thánh nhưng ta chỉ cúng tế những vị đó với lòng kính trọng, vì ta tin chắc, ta biết chắc vị này cũng có hiện thực. Ví dụ nói có bà mẫu. Hỏi bà mẫu này lý lịch ở đâu, sinh năm nào, mất năm nào, làm được công hạnh gì ở đời? Ta không biết, chỉ nghe nói bà này ở trên trời, không được sinh ra ở dưới trần gian nhưng thấy nhiều người tin quá nên ta lỡ dại cũng tin theo. Cho nên, trong đạo Phật, khi ta bày tỏ sự kính trọng đối với một vị Thần Thánh, vị đó phải có lý lịch rõ ràng, tức là trong lịch sử người đó đã sinh ra năm nào, mất năm nào, khi còn sống đã làm được điều gì có ích lợi cho quốc gia, cho xã hội, cho dân tộc, cho thế giới thì mới là người cho ta kính trọng. Ta biết rõ, mới tin vị đó với công đức như thế, sau khi chết an trú trong cõi thần linh, và tiếp tục sự linh thiêng, huyền nhiệm, đáng nhận được sự kính trọng của mọi người. Nếu ta không biết lý lịch người đó, ta chỉ tin là người đó linh lắm, chỉ là một niềm tin đầy mê tín, điều đó không phải đúng đạo Phật, phi Nhân Quả, là một ác kiến, tà kiến. Nếu ta cứ đi trên con đường đó, ta dễ gây nên nhiều tội lỗi.
Ví dụ bây giờ có một ông giáo sĩ nào đó đến nói với ta:
- Ngươi hãy giết đủ 10 người ta sẽ phong cho ngươi chức này, và khi chết, ngươi sẽ được lên cõi trời.
Mình ngạc nhiên, mới hỏi:
- Ủa sao kỳ vậy?
Ông giáo sĩ mới nói rằng:
- Tối hôm qua ổng ngủ thấy ông trời xuống nói với ổng như thế”
Và như vậy là mình tin theo và đi giết 10 người.
Hành động như vậy có đúng không? - Sai hoàn toàn! Vì mình có trực tiếp nghe ông trời dạy như thế không? - Không ai trực tiếp nghe ông trời nói hết. Chỉ có ông giáo sĩ đó nói mà thôi. Ông nói lời bậy bạ, xúi giết người, xúi làm hại nhân loại. Khi mình làm như vậy, mình chỉ phục vụ theo ý đồ, sắp xếp của tay giáo sĩ đó, chứ không có ông trời nào trực tiếp dạy mình làm điều xấu xa, ác độc ấy cả.
Nếu như ta điểm lại giáo lý của các tôn giáo từ xưa tới nay, không hề có ai được trực tiếp nghe ông trời nói cái gì, toàn là nghe trung gian giáo sĩ thôi, và qua trung gian các tay giáo sĩ thế này, bao nhiêu điều ác độc đã xảy ra nơi chốn trần gian. Tay giáo sĩ như thế, với ác kiến của mình, với tư kiến riêng tư của mình, với thành kiến méo mó của mình, dám mệnh danh là nghe từ Thượng đế, đã đem đến cho loài người biết bao là giáo điều, bao nhiêu là tín điều cực kỳ độc ác.
Vừa rồi, ở Mumbai Ấn Độ, một nhóm chiến binh nào đó thản nhiên cầm súng xả thẳng vào người ta, cầm súng ria ria ria ria, nhóm người vô tội ngã gục xuống. Họ đặt bom, làm chết mấy trăm người, bị thương cả nghìn người. Người ta là những người hiền lành vô tội, không hề bị tòa án tuyên án về bất cứ tội gì. Người ta đang đi mua sắm, sống cuộc đời bình yên lặng lẽ và hạnh phúc, vì quyền của con người là được hạnh phúc như vậy, được sống như vậy.
Vì vâng lời một giáo sĩ nào đó, cầm súng bắn xối xả cho người ta ngã xuống, thật là phi lý. Chỉ có tay giáo sĩ nào đó nói chứ chẳng ai nghe Thượng Đế sai sử chuyện tàn ác như thế bao giờ.
Sau này, khi ta có gặp bạn bè ta thì hãy nói như thế này “Bạn chỉ nghe lời từ tu sĩ, giáo sĩ của bạn nói. Chưa bao giờ bạn trực tiếp nghe thần thánh. Bạn có bảo đảm là giáo sĩ này nói đúng lời của Thượng Đế nói hay không?”.
Các vị thầy theo đạo Phật không nghe lời Đức Phật nói nhưng cùng nói giống như nhau “Không bao giờ gây đau khổ chúng sinh mà mình gặt hái hạnh phúc được. Chúng ta chỉ đem hạnh phúc đến cho chúng sinh, rồi nhân quả sẽ đem hạnh phúc đến cho ta.”
Những lời công bằng như thế, tốt đẹp như thế, dù chúng ta không được nghe trực tiếp từ Đức Phật, chúng ta cũng biết rằng đây là lẽ phải, là chân lý.
Từ lâu ta thường nghe câu này “Đạo nào cũng dạy ăn hiền ở lành”. Nhưng từ nay câu đó xưa rồi vì không phải là đạo nào cũng tốt.
Hôm trước, cách đây không bao lâu, có một ông người Đức lên trên núi chơi. Hôm đó, thầy có nói chuyện với ông người Đức này. Ông nói rằng, ông đi nghiên cứu qua nhiều tôn giáo, làm ăn qua nhiều quốc gia, bây giờ về Việt Nam đầu tư một ngành gì đó. Ông cho biết ông không tin nhiều vào tôn giáo lắm, vì ông chỉ tin vào những gì mắt thấy, tai nghe. Ví dụ như đạo Phật nói nhân quả, luân hồi, ông không tin, vì không thấy. Cũng giống như một số đạo nói Thượng Đế, ông không tin, vì ông không thấy.
Lúc đó thầy mới nói thế này: “Có những điều anh không thể nhìn bằng mắt nhưng mà nó vẫn có mặt, vẫn hiện hữu. Ví dụ như sóng điện từ trong không gian. Mở ti vi lên ta thấy là nhờ sóng điện từ lan trong không gian mà ta bắt được. Mắt anh đâu có thấy, nhưng mà nó hiện hữu. Hoặc là những hoạt động của một microchip trong máy tính điện tử, hoạt động đó cực kỳ phức tạp, anh không thấy được nhưng nó tạo thành bao nhiêu điều kỳ diệu cho cuộc đời ngày hôm nay. Nó là trí tuệ nhân tạo. Nên có những điều anh chỉ nhìn bằng trí tuệ, chứ không thể nhìn bằng mắt được. You must see by your wisdom, not by your eyes”.
Ông ngồi, gật gù một chút. Mình đem khoa học ứng dụng vào trong đạo học, sẽ thuyết phục được những người đi vào cực đoan không tin gì hết.
Có hai cực đoan: không tin gì hết và cái gì cũng tin không cần suy xét.
May mắn giữa hai cực đoan đó, đạo Phật cho ta một trung đạo, một trung đạo là ta tin. Chữ tin ở đây chúng ta không dùng chữ tin – believe – tin một cách không suy xét, mà chữ tin ở đây là accept – sự chấp nhận. Ta chấp nhận một điều gì sau khi ta đã suy xét thấy rất là hợp lý, ta đã kiểm nghiệm bằng tất cả lương tâm, ta thấy điều đó hợp lý, chứ không phải ta believe without wisdom, tin không có trí tuệ. Ta chỉ chấp nhận một giáo điều sau khi ta đã suy xét rất kỹ.
Ví dụ như luật Nhân Quả là sự công bằng, đem lại đạo đức cho con người, làm cho loài người ổn định, ta chấp nhận. Phật cho ta một giáo lý mà ta được quyền suy xét kỷ lưỡng trước khi ta chấp nhận. Vì vậy ta yên tâm đi theo con đường mà Phật đã dạy, cũng giống như ta đã cho rằng mình may mắn khi ta được làm đệ tử của Đức Phật. Giữa thế giới rối ren nhiễu nhương, phức tạp, hỗn loạn, mê mờ này, bao nhiêu tín điều, giáo điều cạnh tranh như thế này, ta có một nơi chốn bình yên, có một con đường sáng để ta vững chân ta bước đi từng ngày, ta an lòng sống cuộc sống hạnh phúc này. Dù phải đi qua rất nhiều khó khăn vất vả nhưng ta có ánh sáng, có trí tuệ trong tim ta, ta có Đức Phật trên đầu ta, trong lòng ta. Đức Phật cho ta một giáo lý đi đến một nơi không còn ta nữa. Ta đi trên con đường mà ta biết đó là con đường của nhân quả, của sự công bằng.
Hôm nay, ta có một câu hỏi để ta hỏi các bạn của ta: “Bạn nghe những điều này trực tiếp từ thượng đế hay qua trung gian giáo sĩ?” Và một lời khuyên các bạn của ta: “Hãy suy nghĩ lại (think over) trước khi bạn đem đau khổ đến cho nhiều người khác.” Vì hôm nay, sau vụ thảm sát ở Mumbai, đã đến lúc thế giới bị đặt trước một thử thách khốc liệt, một câu hỏi khốc liệt: “Tôn giáo nào là chân chính nhất?”.
Thầy cảm ơn mọi người đã lắng nghe. Xin chúc cho mọi người một mùa xuân hạnh phúc, an vui và thăng tiến.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TT Thích Chân Quang