Nghe Pháp

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajji,làng Bhanda.Tại đấy,Thế Tôn gọi các Tỳ kheo:
Có bốn hạng người,này các Tỳ kheo,hiện hữu ở đời.Thế nào là bốn? Nghe ít,điều đã nghe không được khởi lên; Nghe ít,điều đã nghe được khởi lên;nghe nhiều,điều đã nghe không được khởi lên;nghe nhiều,điều đã nghe được khởi lên.

Ở đây,này các Tỳ kheo,có hạng người được nghe ít về kinh pháp.Với những điều đã nghe ít ỏi này,người ấy không biết nghĩa,không thực hành pháp.

Này các Tỳ kheo,ở đây,có hạng người được nghe ít về kinh pháp.Với những điều đã nghe ít ỏi này,người ấy biết nghĩa,thực hành pháp.

Ở đây,này các Tỳ kheo,có hạng người được nghe nhiều về kinh pháp.Với những điều đã nghe nhiều này,người ấy không biết nghĩa,không thực hành pháp.

Này các Tỳ kheo,ở đấy,có hạng người được nghe nhiều về kinh pháp.Với những điều đã nghe nhiều này,người ấy biết nghĩa,thực hành pháp.

Này các Tỳ kheo,có bốn hạng người này hiện hữu ở đời.

(ĐTKVN,Tăng Chi Bộ I,chương 4,phẩm Bhandagàma,phần Học hỏi ít,VNCPHVN ấn hành,1996,tr560)

LỜI BÀN:

Nghe pháp là một trong những phương thức tu học của người con Phật.Muốn tu học thành công tất phải học tập,nghe pháp để hiểu và hành trì đúng Chánh pháp.Tuy nhiên,tùy theo khả năng mà mỗi người trong quá trình nghe pháp nhận thức giaó pháp khác biệt nhau.

Trước hết,có hạng người ít nghe đồng thời với cơ duyên nghe pháp ít ỏi ấy cũng không hiểu pháp.Đây là một giới hạn lớn,vì không hiểu pháp sẽ đưa đến nhiều tai hại,hành trì sai lạc,nhất là vấn đề “tin mà không hiểu Ta chính là phỉ báng”.

Đối với hạng người ít nghe pháp nhưng hiểu được và thực hành những vấn đề đã nghe,điều này thật qúy giá,đáng trân trọng.Chỉ cần hiểu pháp dù không nhiều nhưng đảm bảo sẽ nhận thức và hành trì đúng pháp và chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích.

Trường hợp của hạng người nghe nhiều nhưng hiểu và hành trì chẳng bao nhiêu khá phổ biến.Thực tế cho thấy hiện nay người học pháp rất nhiều nhưng cốt tủy và tinh hoa của giaó pháp mà người học lãnh hội được không mấy khả quan.Nhất là phương diện hành trì pháp,nền tảng của chuyển hoá không được ứng dụng nên đa phần không vượt thoát khổ đau.

Cuối cùng,hạng người nghe pháp nhiều,hiểu và thực hành đầy đủ những điều đã được nghe là những hạt giống tốt trong Chánh pháp.Bởi hạng người này là những bậc chân nhân,chắc chắn sẽ tìm ra hạnh phúc,an lạc trong đời sống đồng thời nỗ lực đem kinh nghiệm giải thoát đó truyền bá cho mọi người cùng được lợi ích,an vui.

Người con Phật chân chính là hiểu và thực hành Chánh pháp để từng bước chuyển hoá khổ đau,thiết lập hạnh phúc trong đời sống hiện tại.Vì thế,nghe pháp để hiểu,hiểu pháp để thực hành,thực hành pháp để thoát khổ là phương châm tu học của tất cả những người con Phật.

 

QUẢNG TÁNH