Thăm "Lạc viên Cửu Phẩm"

Chúng tôi đến chiêm bái “Lạc viên Cửu Phẩm”   tại Đại Tòng Lâm, huyện Tân Thành, tỉnh       Bà Rịa-Vũng Tàu, trong tiết chuyển mùa từ Đông sang Xuân, một ngày đẹp trời với không khí tươi mát đã làm vơi đi nỗi nhọc nhằn suốt chặng đường dài hơn 70km.

 

Đại Tòng Lâm còn gọi là “Vạn Phật Đại Tòng Lâm” - tên gọi ấy gợi lên trong tôi một nỗi niềm thiêng liêng về vùng đất đã được nhiều Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước biết đến, một trong những nơi đào tạo Tăng tài từ những năm đầu của thế kỷ trước. Đông hay Xuân, dù mưa hay nắng, Đại Tòng Lâm vẫn đem lại nhiều cảm xúc thi vị cho bao người khi đến viếng chùa. Một không gian mênh mông, chan hòa với sắc màu tâm linh Phật giáo.

cupham--1.jpg

Tham quan quần thể kiến trúc của Đại Tòng Lâm,  du khách dễ dàng cảm nhận lối kiến trúc Phật giáo đương đại phảng phất nét văn hóa dân tộc. Từ ngôi chánh điện ta có thể buông tầm mắt nhìn ra bốn hướng đều thấy mênh mông cây cối với những không gian xanh ngát, tuyệt đẹp. Phía trên các mái ngói uốn cong là những con rồng được bàn tay các nghệ nhân tạo dựng rất công phu như đang uốn lượn giữa mây trời lồng lộng. Một điều hấp dẫn du khách khi đến viếng “Vạn Phật Đại Tòng Lâm, đó là Cửu phẩm Cực lạc, nằm ở phía trái khu đại tự, một trong những công trình của “Lạc viên Cửu Phẩm”. Có thể nói đây là điểm nhấn trong quần thể kiến trúc Đại Tòng Lâm.

Cửu phẩm Cực lạc thiết trí 48 pho tượng A Di Đà được tạc bằng đá hoa cương, mỗi tượng cao 3,3m, nặng 3,5 tấn do nhóm thợ đá thuộc Công ty Hoàng Hữu, tỉnh Bình Dương chế tác trong suốt 3 năm liền. Đặc biệt, 48 pho tượng đều có nét tạo hình giống nhau. Chính giữa 48 pho tượng bằng đá là tượng Phật A Di Đà bằng xi-măng cao 14,5m, được xem là pho tượng chủ đạo trong “Lạc viên Cửu Phẩm”.

cuupham-2.jpg

Chánh điện Đại Tòng Lâm

Tất cả các pho tượng được tôn trí thành một đường thẳng, mặt hướng về phía Tây. Bên dưới có lối đi lát bằng gạch men láng bóng như thể làm mát dịu phần nào cho du khách đến chiêm bái. HT.Thích Quảng Hiển, Viện chủ, Trưởng ban Kiến thiết “Vạn Phật Đại Tòng Lâm” cho biết, công trình “Cửu phẩm Cực lạc” là một trong quần thể kiến trúc của “Lạc viên Cửu Phẩm”, bao gồm hồ Liên Trì, Tam thế Phật, Cửu phẩm Cực lạc và Bảo tháp Xá lợi Phật. Công trình Cửu phẩm Cực lạc được kiến thiết đầu tiên, khởi công từ năm 2004, đến năm 2006 mới hoàn thành. “Lạc viên Cửu Phẩm” được thiết kế dựa theo mẫu truyện “Thế giới Cực lạc du ký” hay còn gọi “Tây phương du ký” của Pháp sư Khoan Tịnh, trong đó Cửu phẩm Cực lạc là công trình trọng điểm của “Lạc viên Cửu Phẩm”. 48 pho tượng biểu trưng cho 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Mỗi bức tượng tuy có nét tạo hình giống nhau nhưng lại toát lên một vẻ đẹp uy nghiêm của từng pho tượng.

cuupham.jpg

Nói về nghệ thuật tạo hình của 48 pho tượng trên, ông Huỳnh Văn Mười (HS.Uyên Huy) đánh giá: “Tôi thật sự thán phục trước vẻ đẹp của 48 pho tượng Phật A Di Đà tôn trí tại Đại Tòng Lâm. Xét về nghệ thuật tạo hình thì đây là mẫu tượng có tỷ lệ tạo hình cân đối. Các nét chạm khắc trên mỗi pho tượng cũng thật sống động và mềm mại. Đặc biệt, nét mặt pho tượng mang dáng dấp của người Á Đông, nói đúng hơn là người Việt Nam. Đây là điều mà hiện nay những chùa ở Việt Nam khi tạc tượng đều ít chú ý đến. Tôi thường đến xem các ngôi chùa ở Việt Nam, nhất là ở miền Nam khi tạc tượng đều sử dụng mẫu tượng có xuất xứ từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ... Chiêm ngưỡng các pho tượng Di Đà tại chùa Đại Tòng Lâm, tôi có cảm giác gần gũi và thiêng liêng bởi những hình tượng rất Việt…”.

HT.Thích Quảng Hiển cho biết, hiện nay, tại Vạn Phật Đại Tòng Lâm đang tiến hành thi công giai đoạn II, công trình “Lạc viên Cửu Phẩm”: Hồ Liên Trì với diện tích hàng 1.000m2, trong lòng hồ đặt 3 pho tượng A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí được làm bằng đá, mỗi pho tượng có chiều cao 18m (biểu trưng 18 phép bất động), nặng 140 tấn. Hiện nay, hồ Liên Trì đang trong giai đoạn hoàn tất.

Rời “Lạc viên Cửu Phẩm”, chúng tôi hòa mình trong phố thị mà ký ức về “Lạc viên Cửu Phẩm” luôn chan chứa từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Trên con đường trở về thành phố, tiếng gió thì thầm bởi những tàng cây cổ thụ bên đường, tiếng gió lao xao vọng từ núi thiêng Thị Vải...

 

Bài, ảnh Giang Phong