Các bình luận quanh vụ Bát Nhã

Sư ông Thích Nhất Hạnh tại Tại lễ khai mạc Thuỷ Lục Bình Đẳng Cứu Bạt Đại Trai Đàn ở Sài Gòn tháng 3/2007

Sư ông Thích Nhất Hạnh tại Tại lễ khai mạc Thủy Lục Bình Đẳng Cứu Bạt Đại Trai Đàn ở Sài Gòn tháng 3/2007

Các trang mạng ở nước ngoài nhận định về vụ tu viện Bát Nhã cho rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam bị kiểm soát.

Trong bài trên trang The Christian Science Monitor, Simon Montlake viết vụ đuổi tăng thân Làng Mai khỏi Bảo Lộc chưa rõ có cùng cách thức với đợt trấn áp tại Việt Nam gần đây.

Tác giả, người từng thăm Bát Nhã tháng 5/2007 cũng muốn biết có hay không mâu thuẫn nội bộ Phật giáo Việt Nam.

Nhắc lại sau 1975, Phật tử bị buộc vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu không sẽ bị trừng phạt, ông Montlake viết tu viện Bát Nhã thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giữ khoảng cách đối với “tổ chức Phật giáo bị cấm, có thành viên liên tục bị chính quyền bắt”.

Đây là cách nói gián tiếp Làng Mai không đứng về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vốn không được nhà nước công nhận.

Kiểm soát tôn giáo

Theo Simon Montlake, sau các chuyến về nước của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, phái Làng Mai “bắt đầu lớn mạnh, thu hút những thanh niên có học ở Việt Nam vì nêu cao tinh thần giản dị và công tác xã hội”.

Ngoài ra, việc Thiền sư phê phán chính sách kiểm soát tôn giáo của nhà nước đã khiến chính quyền đổi thái độ.

Đám côn đồ được chính quyền hậu thuẫn đã tống cổ gần 400 tăng ni khỏi tu viện

John Ruwitch, Reuters Blog

Còn John Ruwitch trong bài trên Reuters Blog, mục Tôn giáo mô tả vụ Bát Nhã như sau:

“Đám côn đồ được chính quyền hậu thuẫn đã tống cổ gần 400 tăng ni khỏi tu viện” và vụ việc đặt câu hỏi về “cam kết của đảng cộng sản cầm quyền đối với tự do tôn giáo”.

Nhưng tác giả cũng viết đây không đơn giản là chuyện “chính thể độc đoán ra tay đối với các tín đồ tôn giáo”.

Nhìn lại các đợt thuyết pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, John Ruwitch nói trong chuyến thăm cuối 2007, Thiền sư đã đề nghị Chủ tịch Nguyễn Minh Triết “bỏ công an tôn giáo và Ban Tôn giáo Chính phủ”.

Sang đầu 2008, tài liệu của Làng Mai đề nghị chính phủ bỏ chủ nghĩa cộng sản và chữ “Xã hội chủ nghĩa” khỏi tên nước.

Điều này đã khiến lực lượng an ninh phản đối và từ đó, họ theo dõi kỹ Thiền sư và các đệ tử.

Ngoài ra là vai trò của Hòa thượng Thích Đức Nghi, phụ trách tu viện Bát Nhã, người ban đầu hoan nghênh phái Làng Mai, nhưng sau đó đã không còn muốn tiếp tục nữa.

John Ruwitch trích lại từ nguồn của Làng Mai nói Hoà thượng này thôi xuất hiện công khai và đã “hợp tác với công an”.

Bài đăng 5/10/2009 cũng chú ý đến chi tiết Chủ tịch Triết ở thăm Cuba vào lúc xảy ra vụ đuổi tăng thân Làng Mai ra khỏi Bát Nhã.

Trước đó, khi ông Triết xuất hiện tại New Yok dự họp Liên hiệp quốc thì “hai vụ xử án được hoãn lại, có thể vì các chúng gây ra điều khó chịu cho ông khi đang ở trên đất Mỹ”.

Theo lịch trình, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có chuyến thăm đến Mỹ, Cuba và Chile từ 23/09 đến 3/10.

Cùng lúc, các mạng tiếng Việt ở hải ngoại bắt đầu có các những bình luận về vụ Bát Nhã.

Sự có mặt của các tăng ni ngoại quốc trong pháp ngôn Làng Mai thu hút dư luận Việt Nam

Tác giả Lữ Giang trên Diễn đàn Làng Văn nói năm 2005, Thượng tọa Thích Viên Định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã có thư cảnh báo Thiền sư Nhất Hạnh:

“Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng, nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy”.

Theo bài viết, chính quyền chỉ “giả vờ” cho Thiền sư Thích Nhất Hánh truyền bá pháp môn Làng Mai “với điều kiện ông phải thuyết phục được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chịu sát nhập vào Giáo Hội Nhà Nước. Ông đã thất bại, nên nhà cầm quyền đã trục xuất pháp môn của ông.“

Biện pháp tương tự

Báo Người Việt tại California thì nhận xét cách công an vây quanh chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, tìm cách đuổi các tăng thân Làng Mai diễn ra “theo cách thức tương tự như cách nhà cầm quyền Ðồng Hới và Hà Nội đối phó với giáo dân Công giáo trước đây.”

Đó là dùng loa phóng thanh gọi vào chùa, huy động các đại diện đoàn thể thuyết phục và “gọi tên từng tăng sinh và thúc ép họ trở về quê quán” và có cả “những tên côn đồ được sử dụng để đối phó với tu sinh,” theo bài trên Người Việt 02/10.

Trang Công giáo VietCatholic.Net cũng có các bài tiếng Anh, Pháp và tiếng Việt về vụ tăng thân Làng Mai bị đuổi khỏi Bát Nhã.

Trên trang Talawas.Blog tại Đức Nguyễn Mai Sơn nói chính quyền Lâm Đồng đã “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ghi trong Pháp lệnh Tôn giáo”, theo đó “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”.

Cây bút này nêu ý kiến “Qua những vụ bắt bớ, sa thải nhà báo, thay đổi lãnh đạo của nhiều tờ báo lớn, có thể nói vụ đàn áp Bát Nhã đã cộng hưởng như một giọt nước tràn ly, làm cho không ít người vốn đứng giữa quan sát và ngay cả những người lâu nay gắn bó với ‘lề phải’ cũng đã thay đổi nhận thức mà không ngần ngại tránh xa nó.”

Các trang Talawas, Diễn Đàn Forum đang đăng tải Thỉnh nguyện thư kêu gọi trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước ký tên phản đối cách chính quyền đối xử với pháp môn Làng Mai.