Tình nghĩa

altSư Tử tìm con

Đức Thế Tôn kể chuyện: Có một con sư tử đang mang thai một em bé sư tử. Đã gần đến ngày sinh, nhưng sư tử mẹ vẫn phải đi kiếm mồi. Sư tử cha phải làm công việc che chở bảo vệ, không cho những gia đình sư tử khác xâm chiếm vùng gia đình nó đang sinh sống. Sư tử cha xây dựng hàng rào lãnh địa của mình bằng cách đi tiểu xung quanh. Cái hàng rào được làm bằng mùi nước tiểu. Và bất kỳ con sư tử nào, dù lớn hay nhỏ, nếu bước vào lãnh địa này, sư tử cha liền tìm cách cản lại.


Hôm đó, trong khi săn mồi, sư tử mẹ đuổi theo một con nai. Bụng sư tử mẹ đã lớn nên nó rất mệt, lại vì đang đói nên không thể nào chạy nhanh được. Đến gần một thung lũng, con nai nhẹ nhàng nhún mình nhảy qua. Sư tử mẹ phải dùng hết sức lực rướn mình nhảy theo. Trong khi nhảy từ bên này qua bên kia sườn núi thì sư tử mẹ sảy thai. Sư tử con rơi từ trong lòng sư tử mẹ, rớt xuống thung lũng. Mất con, sư tử mẹ đau buồn, tuyệt vọng, không muốn đuổi theo con nai nữa. Nó nghĩ rằng: “Con ta rớt xuống thung lũng chắc chắn đã tan xương nát thịt rồi”.

Hơn một năm sau, đang đi trong rừng, sư tử mẹ thoáng thấy một con sư tử con. Con sư tử con này có điệu bộ của một con khỉ. Nó cũng leo cây, cũng kêu chét chét, cũng ăn trái cây. Thường thì sư tử không ăn trái cây, nó không ăn chay. Nhưng con sư tử con này không những leo cây và nói tiếng khỉ giỏi mà ăn trái cây cũng rất giỏi. Sư tử mẹ nhận ra ngay đứa con của mình. Biết con mình còn sống, nó mừng lắm. Nhưng sư tử con không có cảm giác gì hết khi nhìn thấy sư tử mẹ. Nó không thấy sư tử mẹ có dính líu gì tới nó và nó còn muốn lẩn trốn sư tử mẹ nữa. Nó nghĩ: “Bà này buổi sáng đi ngang qua đây không biết tại sao cứ nhìn mình quá trời! Mình không thích!” Sư tử con chơi với bầy khỉ, leo lên cây, nói chuyện chét chét bằng ngôn ngữ khỉ, và làm đủ mọi trò giống hệt như khỉ. Cách nó nhìn, cách nó chơi, cách nó nói, cách nó hái và nhai trái cây đều giống hệt như khỉ.

Sư tử mẹ nghĩ rằng mình nên kiên nhẫn một chút, nên đi lại vùng này thường xuyên, chọn những lúc sư tử con không bị bao bọc bởi những con khỉ khác để tới làm quen. Một hôm, sư tử mẹ thấy sư tử con một mình đi tới, nó nói: “Con của mẹ ơi, đi chơi với mẹ đi!” Sư tử con nghĩ: “Cái bà này vô duyên thiệt, mình là con của bà hồi nào! Mẹ mình là khỉ. Mẹ rất dễ thương. Mẹ kể rằng: Hơn một năm cách đây, mẹ đang hái trái cây trong một cái thung lũng thì tự nhiên có một cục gì từ trên trời rơi xuống. Sẵn tay mẹ hứng lấy thì thấy đó là một sinh vật rất mềm, dễ bị thương tích. Mẹ mình đem mình về nuôi và cho mình bú, cho học nói tiếng khỉ, cho ăn trái cây và tập cho leo cây. Mẹ mình dễ thương chứ cái bà này vô duyên quá! Bà có dính líu gì tới mình mà dám gọi mình bằng con, xưng là mẹ và còn rủ mình đi theo nữa. Thật là vô duyên”.

Sư tử con có vẻ giận. Nó nói: “Thôi đi bà! Bà đi ngay đi, đừng nói nữa. Tôi ghét bà lắm!” Sư tử mẹ học được một bài học. Nó biết rằng nó phải kiên nhẫn nhiều. Đứa con của mình không biết nó là sư tử, cứ tưởng nó là khỉ. Nó đã tưởng như vậy bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Bây giờ, mình nói nó không phải là khỉ, nó là sư tử, nó sẽ không chấp nhận, và như vậy mình không bao giờ khôi phục lại được đứa con này.

Một lần khác sư tử mẹ gặp lại sư tử con. Nó nói: “Cô ơi, tôi xin lỗi cô nhé! Hôm trước tôi khờ dại quá! Tôi lầm, tôi tưởng cô là con của tôi, tôi tưởng cô là sư tử, ai dè tôi nhìn lại, tôi thấy cô là khỉ. Tại sao mà tôi lại nói cô là con của tôi được! Cho tôi xin lỗi nghe, từ rày về sau tôi sẽ không làm như vậy nữa” Sư tử con đáp: “Đúng! Tôi là khỉ mà bà kêu tôi là sư tử, là con của bà, như thế là sai. Nhưng bà đã biết lỗi thì tôi tha lỗi cho bà”. Sư tử mẹ hỏi: “Vậy thì mình đi chơi với nhau được không?” Sư tử con đáp “Ừa”. Hai mẹ con đi chơi. Tới một bờ suối, chỗ đó nước trong và lắng, có thể soi bóng được, sư tử mẹ cúi xuống soi mình vào. Sư tử con thấy bạn mình soi bóng ở trong nước cũng lại gần và soi, nó rất ngạc nhiên thấy ở dưới nước có bóng một con sư tử lớn bên cạnh một con sư tử con. Sư tử mẹ le cái lưỡi ra, ở trong nước con sư tử lớn cũng le cái lưỡi. Sư tử mẹ đưa chân trước ra, sư tử lớn trong nước cũng đưa chân trước ra. Người bạn mới cũng bắt chước làm theo và con sư tử nhỏ trong nước cũng le lưỡi, cũng đưa chân ra. Nó bắt đầu nghi ngờ rằng, có thể sư tử mẹ đã nói đúng. Sư tử con còn đang trong tâm trạng như vậy, thì sư tử mẹ gầm lên một tiếng vang dội. Tự nhiên sư tử con cũng ngứa cổ và cũng bắt chước gầm lên. Lạ thay miệng nó không phát ra âm thanh chét chét của khỉ nữa mà phát ra tiếng gầm của loài sư tử, mãnh liệt vô cùng. Sư tử mẹ nhìn sư tử con mỉm cười. Nó nhảy một cái qua bên suối, đi vào rừng. Sư tử con cũng mỉm cười lại, rồi nhảy một cái vượt qua suối, theo sư tử mẹ vào rừng. Nó giác ngộ rằng, nó không phải là loài khỉ mà là loài sư tử. Từ đó, hai mẹ con được đoàn tụ, hạnh phúc lâu dài.

Sau khi kể câu chuyện này, Đức Thế Tôn nói rằng con người chúng ta cũng như vậy. Mình có Phật tính, mình là con của Bụt mà mình không biết. Mình tưởng rằng mình là con của ma. Mình có mặc cảm mình thấp kém, xấu xa, tội lỗi, hư hỏng, yếu đuối. Mình không đáng giá một đồng xu. Mình đã đánh mất niềm tin nơi chính bản thân. Trong khi đó mình có Phật tánh. Nếu nhìn cho kỹ thì thấy rằng trong mình có những hạt giống của từ, bi, hỷ, xả, hạnh phúc, niềm tin, hiểu biết và tuệ giác. Vì vậy ta đừng nghĩ rằng Phật là một cái gì ở ngoài mình, còn ở trong ta không có gì hết, chỉ có khổ đau thôi. Giống như sư tử con nghĩ nó không phải là sư tử. Do đó, nó đã từ chối khi mẹ nó tới kêu nó, gọi nó là con. Trong những ngày đầu của mùa hè năm nay, chúng ta đã được học: chúng ta thuộc về truyền thống thiền của Tổ Lâm Tế. Tổ Lâm Tế đã dạy chúng ta nhiều lần: đừng có đi tìm Phật ở bên ngoài, Phật đang nằm ở ngay trong tâm của mình, mình chính là Phật, mình chính là con Phật. Mình có thể là Phật được nếu mình muốn. Phật là gì, Bụt là gì? Bụt là khả năng tha thứ, khả năng thương yêu, khả năng hiểu biết, khả năng từ bi, khả năng trí tuệ. Con người có những hạt giống đó. Con người có khả năng làm được chuyện đó. Ngày xưa Đức Thế Tôn cũng là một con người, nhờ có niềm tin rằng con người có thể giác ngộ được mà Đức Thế Tôn đã thực tập phát triển được Phật tánh trong người của Ngài, phá tan tất cả mọi mặc cảm. Đức Thế Tôn không đi tìm cái Chân, Thiện, Mỹ ở ngoài, mà tìm ngay trong lòng mình. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh:“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”.
Nếu mỗi ngày chúng ta tưới tẩm được những hạt giống tha thứ, bao dung, thương yêu và hiểu biết thì càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng chúng ta thuộc về dòng giống Phật, chúng ta không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Chúng ta sẽ không đi kiếm Phật ở ngoài nữa, chúng ta có thể tiếp xúc với Phật ngay ở trong lòng của chúng ta.
Bụt thở cho con

Ngày xưa khi mới đi xuất gia, lúc mười sáu tuổi, tôi có học bài kệ thỉnh chuông: “Văn chung thanh, phiền não khinh. Trí tuệ trưởng, bồ đề sanh. Ly địa ngục, xuất hỏa khanh. Nguyện thành Phật, độ chúng sanh”. Nghĩa là: Nghe tiếng chuông thì cảm thấy những phiền não trong lòng mình trở nên vơi nhẹ, trí tuệ trong mình phát triển, lìa khỏi những khổ đau của địa ngục, tức là những ngọn lửa thiêu đốt của tham dục, sợ hãi và hận thù. Con nguyện sẽ trở thành một vị Phật để độ cho chúng sanh. Và sau mỗi thời công phu, tôi cũng được đọc câu: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đang đau khổ số lượng đông đảo không thể đếm được, con muốn cứu độ tất cả, không bỏ sót một ai. Phiền não nhiều vô tận, con nguyện chuyển hóa hết. Những lời dạy thâm sâu của đức Phật và những pháp môn Ngài đưa ra nhiều không thể đo lường hết được, con nguyện tu tập hết. Con đường thành Phật cao viễn tột cùng, con nguyện đi tới tận cùng để thành Phật. Những bài kệ đó cho thấy rõ ràng mục đích của người tu là được thành Phật. Thành Phật là chuyện có thể làm được. Lý tưởng của người tu là để thành Phật, chứ không phải để làm những chuyện khác như là làm chùa lớn, hay lập hội để làm chủ tịch, làm hòa thượng pháp chủ, hay làm trụ trì. Mục đích tu là để trở thành Phật thôi, đâu có thể nào khác được. Hồi mười sáu tuổi mình đã được học rất rõ ràng như vậy rồi. Nhưng lúc đó, mình còn nghĩ rằng thành Phật chắc lâu lắm mới được, phải từ kiếp này sang kiếp khác, đời này qua đời khác. Nếu có người tự xưng tôi là Phật Di Lặc giáng sinh, tôi là Phật Thích Ca, hay tôi là Bồ tát Quán Thế Âm đây, thì mình nghĩ: Ông này chắc là điên rồi. Mình còn là chúng sanh sờ sờ, tham, sân, si còn nhiều, tự ái còn nhiều, xưng là Phật thì ai mà tin được.

Nhưng có một hôm, đang đi thiền hành, đi rất hay, sự nhất tâm rất cao, có niệm, có định, và có tuệ, hạnh phúc rất lớn, tự nhiên tôi có cảm tưởng rằng đây đâu phải là một chúng sanh đang đi, đây là một đức Phật đang đi. Trong con người mình lúc đó có một người đang đi thiền hành và một người đang quán sát. Người quán sát đó nói rằng: “Đây đâu phải là một chúng sanh đang đi, đây là một vị Phật đang đi”, tại vì mình thấy rõ ràng mỗi bước đều có niệm, có định, có tuệ, có hạnh phúc và có giải thoát, không luyến tiếc quá khứ, không mơ ước tương lai. Trong con người của mình có một quán sát viên và một diễn viên. Diễn viên này không có ý muốn trình diễn để cho người ta coi, mà thực sự đang đi với tất cả hạnh phúc. Đi không với mục đích để dạy người ta, để làm mẫu cho người ta đi theo, mà đi giống như một đức Phật đang đi vậy.

Nhớ lại năm đó, tôi và một số các vị xuất gia ở Làng Mai qua hoằng pháp ở Đại Hàn. Hôm đó, cảnh sát đã chặn đường một đại lộ lớn tại Hán Thành để cho mấy ngàn người đi thiền hành. Khởi đầu buổi thiền hành, tôi đứng trên cái bục cao để hướng dẫn mọi người thiền hành làm sao cho có an lạc trong từng bước chân. Sau khi hướng dẫn xong, bước xuống bục để bắt đầu đi thì tôi không có lối để đi. Thiên hạ bao quanh rất đông. Hàng trăm ống kính của máy chụp hình, máy quay phim bao quanh tôi. Không chỉ có những nhà báo mà thôi, người thường cũng có máy ảnh và máy quay phim rất nhiều. Lúc đó, tôi thấy khó quá! Đi thiền hành như vậy làm sao đi được! Tôi tự nhủ rằng mình chịu thua thôi, mình để Bụt đi giùm mình. “Bụt ơi, con chịu thua rồi! Xin Ngài đi giùm con!” Tự nhiên trong tôi Bụt hiện ra, Bụt bước xuống, Bụt đi một bước, hai bước rất chánh niệm, rất vững chãi. Rừng người từ từ rẽ ra, nhường lối cho Bụt đi. Thật hay. Mình không yêu cầu quý đạo hữu rẽ ra để có đường cho mình đi, mình không phải nói với ai như vậy hết. Bụt ở trong mình lãnh trách nhiệm này. Ngài chỉ cần bước một bước, hai bước là tự nhiên hoàn cảnh trở nên rất thuận lợi. Nhìn cho kỹ thì đức Bụt đó không phải ở ngoài mình, đức Bụt đó ở trong mình. Mình đã tập luyện lâu ngày rồi. Khi Bụt đi thiền hành thì ngài không có cố gắng gì hết, Bụt đi thật tự nhiên, thảnh thơi, thật giải thoát.

Trong mỗi người của chúng ta có Bụt và có ma. Ma nói rằng: “Đi thiền hành mệt quá! Bây giờ mình muốn về nằm trên cái giường của mình cho khỏe”. Mình trốn đi thiền hành, đó là do ma ở trong con người mình xúi. Nhưng trong con người mình cũng có Bụt. Tại vì khi đi thiền hành, Bụt đi rất hay, rất hạnh phúc, đầy năng lượng. Mỗi bước chân đem tới an lạc, thảnh thơi, chuyển hóa, trị liệu, nuôi dưỡng. Trong con người mình có hai yếu tố: một là yếu tố Bụt, hai là yếu tố ma. Ma này cũng hiền thôi. Đó là ma làm biếng, ma nghi ngờ, ma mặc cảm cho rằng mình không giỏi, ma trốn đi công phu, ngủ nướng thêm mười lăm phút nữa… Ma đó cũng dễ thương thôi. Bụt đối với ma không hề có khiển trách, không đánh đập, không trừng phạt. Bụt rất dễ thương, Bụt luôn luôn nói: “Thôi mà! Dậy đi cho rồi, ma!” Bụt cư xử với ma như một người anh với người em của mình. Trong những tuần của khóa hè này, các thiền sinh của chúng ta đã được học rằng trong con người mình, Bụt luôn ôm lấy ma như một người anh ôm lấy đứa em vậy.

Làng Mai có nhiều thầy giỏi về máy tính, trong đó có thầy Pháp Ấn, hễ thấy sư em nào có khó khăn về máy vi tính thì sư anh Pháp Ấn tới giúp và giải quyết rất nhanh. Mình loay hoay với cái máy vi tính hơn một giờ đồng hồ rồi mà không làm gì được. Thấy sư anh đi ngang qua, mình mừng quá! Sư anh nói xích qua bên kia một chút. Sư anh ngồi vô mới có một hai phút đã xong. Rất hay. Sư anh đó tức là Bụt trong người của mình. Mỗi khi mình làm biếng, mình mệt nhọc, mình nghi ngờ, mình thấy khó khăn, thì mình nói: “Sư anh ơi, làm giùm em đi!” Sư anh giúp đỡ đó tức là Bụt ở trong mình. Nếu mình thực tập khôn khéo thì mình để cho Bụt làm hết mấy chuyện mà mình làm biếng làm. Và tôi đã thực tập như vậy. Cho nên trong khóa này quí vị có một bài kệ mới để sử dụng trong khi đi thiền hành: “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Mà Bụt luôn luôn thở rất hay và đi rất hay. Trong khi Bụt thở, trong khi Bụt đi thì mình có thể làm biếng được. Bụt như một người anh luôn luôn ôm lấy em mình, thở và đi cho em mình. Trong khi Bụt thở, Bụt đi thì mình được hưởng cái thở và cái đi. Câu đầu là: “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Mầu nhiệm quá!

Sau khi thực tập được chừng vài ba phút, mình thực tập đoạn kệ thứ hai: “Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi”. Trong mình có phần làm biếng và có phần siêng năng. Phần siêng năng ôm lấy phần làm biếng để đi giùm, và phần làm biếng được thừa hưởng. Quý vị cứ thực tập đi rồi biết. Khi nào thấy khó khăn, chán nản, làm biếng thì mình nói: “Thôi Bụt ơi, Bụt làm giùm con đi!” Bụt sẽ chấp nhận làm liền. Bụt làm rất hay.

“Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Sướng lắm, mình đâu có cần làm gì đâu, Bụt làm hết. Công nhận là Ngài đi thiền hành rất là hay! Và Ngài ở trong mình chứ không phải ngoài mình. Hạnh phúc lắm, được đi với Bụt và được Bụt làm cho hết, mình chỉ hưởng thụ thôi. “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Kế tới là: “Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi”. Sau một ngày học hỏi hoặc làm việc mệt nhọc, mình được tắt đèn đi ngủ, nằm trên giường có nệm êm, chăn ấm, mình phải hưởng cái đó. Mình có thể nói: “Bụt nằm thở, Bụt nghỉ ngơi, mình được nằm thở, mình được nghỉ ngơi”. Nằm xuống, đừng suy nghĩ vớ vẩn, ý thức là mình đang có dịp được nghỉ ngơi, được nằm trên giường của mình, khỏi phải làm gì hết, chỉ thở cho nhẹ để hơi thở đưa mình vào giấc ngủ. Mình cũng mời Bụt thở, mời Bụt nghỉ ngơi, và mình cũng thở theo, nghỉ ngơi theo. Mình sẽ đi vào giấc ngủ rất dễ dàng.

Hôm ấy đi thiền hành, tôi đã đi thật hay, tại vì tôi đã mời Bụt đi và Bụt đã đi quá hay. Mình nhờ Bụt làm cái gì Bụt cũng làm hay cả. Có nhiều lúc tôi đánh răng, tôi mời Bụt đánh răng, thì Bụt đánh răng rất hay, đánh răng rất chánh niệm, rất hạnh phúc. Có một bữa, tôi viết thư pháp, vẽ vòng tròn - vẽ vòng tròn thì mình muốn vẽ cho thật tròn và cho tự nhiên - bữa đó tôi nói: “Thôi để Bụt vẽ, mình vẽ làm chi cho mệt”. Bụt vẽ rất hay. Mình vẽ thì mình còn sợ đẹp hay không đẹp, còn Bụt vẽ, Bụt chẳng sợ gì hết. Và vì không sợ cho nên rất đẹp. Mình cứ thử đi. Mầu nhiệm lắm. Bụt luôn luôn có mặt hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày cho mình. Vậy mà mình cứ đi kiếm Bụt ở đâu đâu. Kiếm ở trên trời, kiếm ở bên Tây phương, kiếm ở trên bàn thờ, kiếm ở trong chùa. Không phải. Bụt ở trong chùa là Bụt bằng đồng, Bụt bằng xi măng, còn Bụt ở trong mình là thật, là trí tuệ, từ bi, giải thoát, tha thứ, bao dung. Khi gặp một người khó chịu, mình thấy mệt quá, mình chịu thua. “Bụt nói chuyện gì với người này đi cho con khỏi nói”. Thì Bụt sẽ nói và sẽ nói rất hay, rất từ bi. Quý vị nên nương tựa vào Bụt ở trong mình. Bụt ở trong mình hay lắm. Mỗi lần mình nương tựa như vậy, mình giao phó cho Bụt làm thì Bụt càng ngày càng sáng, càng rõ trong mình. Đó là thực tập quy y Phật một cách rất thực tế. Nói con về nương tựa Phật, đó chỉ là nói thôi, chưa phải là quy y thật. Quy y thật là phải để cho Bụt có mặt trong mỗi giờ phút của đời sống hàng ngày.

Tôi đã quyết định rồi, đến giờ tôi chết thì tôi sẽ nói: “Bụt ơi chết giùm con”. Và Bụt sẽ chết một cách rất an nhiên, hạnh phúc. Mình được chết theo cái kiểu đó thì rất khỏe. Vấn đề thành Phật không phải là vấn đề xa xôi, kiếp sau hay là ngàn muôn kiếp sau. Vấn đề thành Phật là vấn đề bây giờ, ở đây. Mình thành Phật trong mỗi giây phút. Khi mình nương tựa Phật là mình để cho Bụt làm, để cho Bụt thở, để cho Bụt đi. Mình đang từ từ thành Phật đó. Và khi mình nói rằng mình là Phật, thì không phải là mình điên đâu. Trước đây, mình thấy ai tự xưng là Phật thì mình nghĩ người đó điên rồi. Nhưng theo đúng pháp môn này thì thành Phật là vấn đề mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.

(Phần giảng cho thiếu nhi)

 

Trích từ Lá Thư Làng Mai 31

HT Thích Nhất Hạnh