Chữ thầy viết như nếp thầy sống


Xem hình

Mọi người đều nhắc đến thầy như nhắc về một huyền thoại. Huyền thoại
làm thầy. Thầy là giáo viên dạy toán giỏi có tiếng của tỉnh Quảng Bình
- thầy giáo Đoàn Viết Trình, người đã được biết bao thế hệ học trò biết
đến, ngưỡng mộ bởi đức bởi tài.
Thầy giáo tôi cùng gia đình chuyển về từ Cồn Chùa về Cộn từ nǎm 1974. Cǎn nhà bằng gỗ đơn xơ được dựng lên trong một ngõ hẻm sâu hun hút, ngoằn ngoèo những đường là đường. Nghe thầy tôi kể, hồi ở Cồn Chùa, rú rừng rậm rạm, bom đạn ì ùng, cái sự học, sự dạy vất vả lắm. Nhiều khi đang giảng bài say sưa có kẻng báo động, thầy trò lại kéo nhau xuống hầm. Thầy cũng tiếc mà trò cũng tiếc cái định lý đang chứng minh dở dang. Vậy mà học trò ham học lắm, học say sưa, quên ǎn quên ngủ, quên mọi chết chóc đang rình rập, đe dọa.

Hoà bình lập lại, thầy chuyển từ trường cấp III Đồng Hới sang dạy toán trường Cao Đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Bình. Rồi nhập tỉnh, trường Cao Đẳng sư phạm dời vào Huế, đồng nghiệp, bạn bè thầy cũng lục tục chuyển vào Huế. Bao nhiêu người dục thầy đi, nhưng thầy vẫn giữ quan điểm: dạy đâu cũng là dạy, miễn sao dạy thật tốt, đừng phụ lòng tin mọi người. Từ trường Cao Đẳng sư phạm, thầy chuyển sang làm hiệu phó trường dân chính rồi hiệu phó trường Bồi dưỡng. Thầy như người lái đò cần mẫn, say sưa đưa hết lớp khách này sang sông đến lớp khách khác. Thầy ham mê đắm mình trong công việc, quên mất cái tuổi gần sáu mươi của mình. 5 nǎm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, thầy vẫn chân tình, mộc mạc với đồng nghiệp, tận tuỵ với học sinh. Những nǎm 1990-1991, sức khoẻ thầy ngày một sút. Thầy nghỉ hưu nhưng vẫn lưu luyến với nghề, với nghiệp.

Có lẽ tôi có cái may, hơn hẳn những đứa trẻ khác, là tôi được học với thầy từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành. Không những thầy cho tôi kiến thức học tập mà còn dạy tôi cách sống, cách làm người. Chính thầy là niềm tin, là niềm kiêu hãnh của tôi.

Thầy rèn tôi từ cách viết chữ cho đến cách tư duy để giải một bài toán nhanh, gọn và chặt chẽ. Chữ thầy viết bảng cũng như viết vở: đẹp và chân phương. Mỗi lần thầy giảng bài xong, tôi không muốn xoá bảng một chút nào. Chữ thầy viết như nếp thầy sống: thanh bạch đơn giản mà tình cảm vô cùng. Thầy chưa bao giờ nghĩ đến mình cần phải được ưu đãi như thế này, hay như thế kia. Hình như tất cả, tất cả thầy đều dành cho sự nghiệp giáo dục. Nǎm tôi 18 tuổi, thầy hướng tôi đi vào ngành sư phạm. Thú thực lúc đầu nhìn vào đồng lương trơn, không "bổng", không "lộc", cũng không "lậu", tôi đâm ngán. Nhưng khi lật từng trang giáo án thầy soạn từ những nǎm 1968-1969, tôi lại đâm mê.

Bây giờ tôi đã là một giáo viên, một giáo viên cấp tiểu học. Thầy cười và bảo: "Không hề chi làm giáo viên cấp tiểu học khó lắm con ạ. Dạy không khéo hỏng con người ta xót lắm".

Đồng hành với sự ra đi của thời gian là những thành đạt của học trò. Nhiều khi ngồi trước truyền hình, mắt thầy lại ánh lên niềm vui khi bất chợt gặp lại một gường học trò cũ của mình đang báo cáo cái này hay được phỏng vấn cái kia. Có những chú mà thầy kể ngày xưa nghịch đổ trời, nghịch đến mức không một thầy cô nào chịu làm chủ nhiệm lớp có học trò đó. Vậy mà thầy vẫn nhận, vẫn dạy. Bây giờ thành đạt về thǎm thầy giáo, chú cứ ôm riết lấy thầy: "Tất tật học trò tụi em phục thầy về kiến thức đã đành, nhưng cách sống của thầy, tình cảm mà thầy dành cho học trò làm em day dứt mãi, muốn làm một cái gì để đền đáp công ơn trời biển của thầy".

20-11 nǎm nào, ngôi nhà bé nhỏ của thầy cũng nhộn nhịp, già có, trẻ có, xe cộ sang trọng lẫn lộn với những chiếc xe đạp cà tàng. Những lúc như vậy hình như tôi thấy thầy trẻ ra. Tụi trẻ sau này nghe người lớn kháo nhau: "Vǎn thầy Cán - toán thầy Trình" không hiểu đầu cua tai nheo nào lại bắt giải thích. Số là tỉnh Quảng Bình có hai giáo viên dạy giỏi hai bộ môn vǎn và toán. Đó là thầy Lương Duy Cán dạy vǎn đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh từ lâu và thầy Đoàn Viết Trình dậy toán. Tôi chưa có dịp may nào học vǎn thầy Cán, thỉnh thoảng chỉ được đọc một số bài viết của thầy trên báo. Mãi đến nǎm ngoái, thầy Cán có về Đồng Hới, chú Thúc Hà (ở Hội Vǎn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình) chở lên thǎm thầy. Hai ông bạn già gặp nhau mừng mừng tủi tủi, kể không biết bao là chuyện trong những nǎm tháng nǎm kẻ Nam người trung. Lần đó, thầy tôi đãi thầy Lương Duy Cán và chú Thúc Hà một bữa bánh bèo nhân tôm với thứ nước mắm thứ thiệt trộn với ớt quả cay xé lưỡi. Thầy Cán tấm tắc khen đặc sản Đồng Hới ngon và chê thầy tôi..."lười", không chịu làm nhà mới, ở chi cǎn nhà nhỏ mãi hoài vậy.

Những nǎm gần đây, phong trào họp lớp rộ lên. Học trò hồi ở Cồn Chùa, ở Cộn từ Bắc chí Nam lại kéo về. Hơn 20 nǎm trôi qua, có cô chú còn không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ngôi nhà từ nǎm 1974, ngôi nhà đúng y với số tuổi cô con gái út của thầy. Nhiều cô chú đã không cầm được nước mắt: bao nhiêu nǎm qua đi rồi, thầy cống hiến cho sự nghiệp biết bao nhiêu rồi mà thầy vẫn sống nghèo thế này ư? Thầy bảo" "Bậy, ai bảo với các em là thầy nghèo? Các em, sự thành đạt của các em và tình nghĩa của các em khiến thầy giáo có phải ai cũng được như thế đâu".

 

Lệ Anh