HỒI KẾT CỦA PHÁP MÔN LÀNG MAI TẠI VIỆT NAM?


Trong buổi gặp mặt đầu năm, thầy Thích Thanh Thắng đã dành cho Sen Việt cuộc trò chuyện tiếp theo về vụ việc Bát Nhã, sau khi toàn bộ tu sinh Làng Mai đã bị giải tán. Câu chuyện vẫn là những suy nghĩ luôn luôn mới, gợi mở và nhiều trăn trở…
Thưa thầy, sau khi các tu sinh rời khỏi chùa Phước Huệ, phải chăng sự việc tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) đã đi đến hồi kết?
Vâng, tôi theo dõi tin tức thì thấy nhiều nơi báo chí cũng đã đưa tin về “hồi kết” của Pháp môn Làng Mai.
Cá nhân thầy có nghĩ như vậy không?
Dĩ nhiên, những người quán sát bên ngoài đều ít nhiều nhận ra “hồi kết” của Pháp môn Làng Mai tại Việt Nam kể từ khi ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban tôn giáo ra công văn từ chối đơn đề nghị bảo lãnh tu sinh Làng Mai do Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký. Mặc dù trước đó ông Xuân có nói trên báo chí, tự viện nào muốn bảo lãnh tu sinh Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành theo trình tự thủ tục. “Hồi kết” này sẽ là 5 năm, 10 năm, hay lâu hơn nữa thì không có gì đảm bảo. Nói chung, nhà Phật không có cái nhìn “hồi kết”.
Người Phật tử nào yêu quý Làng Mai thì cũng không có phải buồn gì với hai từ “hồi kết” này. Trước khi Hoà thượng Nhất Hạnh trở về Việt Nam năm 2005, chưa có cuộc đón rước nào mà Chính phủ và Giáo hội tổ chức lại quy mô đến như thế trên cả khắp ba miền Nam - Trung - Bắc. Lúc đó, mọi người nghĩ rằng đây là “hồi mở đầu” rực rỡ của Làng Mai tại Việt Nam, nhưng bây giờ, sự việc lại bất ngờ trở thành “hồi kết”. Biến động xã hội khôn lường, không riêng gì trong tôn giáo mà trong mọi lĩnh vực cuộc sống, cái gọi là “hồi mở đầu” hay “hồi kết” đều chỉ là giả tạm. Người Phật tử nhận thức cuộc sống như vậy để hiểu rõ hơn về cảm thọ yêu ghét, vui buồn của chính mình.
Thầy có cảm thấy buồn khi sự việc tu viện Làng Mai diễn biến theo chiều hướng như hiện nay không?
Tôi nghĩ rằng, ngoài những “khúc mắc” nào đó của Thiền sư Nhất Hạnh với Nhà nước, cụ thể với Ban tôn giáo Chính phủ, những gì mà Tăng thân Làng Mai thể hiện trong mấy năm hiện diện vừa qua ở Việt Nam đã đón nhận được nhiều tình cảm của người Phật tử dù theo hay không theo Pháp môn Làng Mai. Vì vậy, tôi tin sự việc diễn ra như hôm nay làm cho nhiều Phật tử và cả những người trí thức có cảm tình với Phật giáo cảm thấy buồn lòng. Nhưng nỗi buồn lớn hơn cả là Giáo hội đã không thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Có lẽ nào người Phật tử của thời nay lại thiếu văn minh mà tranh giành, xô xát nhau vì lợi như thế. Nếu sự việc xảy ra ở những tổ chức xã hội khác, nhiều người đã phải hổ thẹn mà từ chức. Tôi nghĩ Giáo hội tồn tại nhờ niềm tin, công sức của người Phật tử, vì thế để xảy ra vu việc, Giáo hội nên công khai xin lỗi người Phật tử trên báo chí. Đó cũng chính là văn hóa tự chịu trách nhiệm mà con người trong mọi xã hội văn minh đề cao.
Thầy nhận xét gì về bốn vấn đề chính được nêu ra trong buổi họp báo tại Hà Nội?
Cho đến lúc không còn nhiều khả năng “đối thoại” như hiện nay, tôi không nói thêm gì về bốn vấn đề chính này, bởi rõ ràng đó là những điều mà Làng Mai đã từng phủ bác. Nhưng tôi cho rằng cuộc họp báo đó nhẽ ra phải có đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia thì sẽ khách quan hơn. Vì sao? Vì từ trước đến nay mọi thông tin đều khẳng định đó là “mâu thuẫn nội bộ” trong Phật giáo, cụ thể là giữa thầy Đức Nghi và Thiền sư Nhất Hạnh. Nếu là “mâu thuẫn nội bộ” thì vai trò giải quyết và tư cách phát ngôn của Giáo hội càng phải lớn hơn nữa. Vì với “bốn vấn đề chính” đó, Giáo hội hoàn toàn có đủ thẩm quyền để xử lý. Chẳng lẽ vấn đề “mâu thuẫn nội bộ” của tôi mà anh lại phát ngôn và xử lý thay tôi hay sao? Đó chính là “thế tay thợ đẽo”, mà người xưa nói thế tay thợ đẽo thì không tránh khỏi bị đứt tay.
Thầy có thể nói rõ hơn được không?
Đơn giản thôi, bạn không thể vừa đá bóng vừa thổi còi phải không nào? Vì khi bạn làm như vậy là bạn đã làm thay phần việc vốn thuộc về người khác mà xã hội đã phân công. Vì không phải công việc của mình, nên trong cuộc họp báo, người nọ nói mâu thuẫn với người kia. Ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: “Đây là va chạm giữa các môn phái tôn giáo và chưa có xô xát, xung đột gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản. Chưa có dấu hiệu hình sự nên không xử lý hình sự. Chưa có bất kỳ điều tra tư pháp nào liên quan đến sự việc xảy ra tại tu viện Bát Nhã”. Điều này khác rất xa với hai bản tường trình và tố cáo của Chư Tôn đức trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, khác xa với chính những thông tin trước đó từ phía nhà nước trước đó khi đẩy việc xô xát cho “mâu thuẫn nội bộ” và không đúng với thực tế vụ việc, gây cười cho những người tiếp nhận thông tin.
Khi dư luận đã biết rõ vụ việc qua rất nhiều tư liệu, bằng chứng, mà người gây ra tội không bị xử lý theo đúng pháp luật, thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những ứng xử xã hội khác, dẫn đến tình trạng vô luật, bất công, đảo lộn trắng đen.
Nội dung buổi họp báo còn đề cập: “Để giải quyết mâu thuẫn trên tại Tu viện Bát Nhã, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong chuyến thăm Pháp cuối tháng 9/2009, có đề nghị gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh (đã được thông báo trước một tháng) để bàn cách giải quyết vụ việc nhưng Thiền sư từ chối không gặp, lấy lý do là đã có chương trình sang Mỹ”. Điều đó, chứng tỏ nhà nước họ cũng muốn đối thoại?
Khách quan mà nói, dù hơi muộn so với những phản ứng từ Làng Mai, nhưng đây là một động thái tích cực nhất của nhà nước với Làng Mai sau những sự cố đáng tiếc đã diễn ra tại tu viện Bát Nhã. Nếu họ hẹn gặp trùng vào ngày thiền sư Nhất Hạnh sang Mỹ, tôi nghĩ lời từ chối của thiền sư là bình thường. Nếu không có sự trùng hợp như vậy, phải chăng thiền sư Nhất Hạnh đã có dụng ý nào đó? Thực tế, thiền sư Nhất Hạnh cũng ít nhiều từng kiên nhẫn kêu gọi chính quyền và Giáo hội đoái thương đến những hạt giống lành của đất nước và xem họ như con cháu mà thương tưởng đến, nhưng cũng không sớm có hồi đáp, thậm chí khi giới trí thức cùng vào cuộc ký thỉnh nguyện thư mà sự việc vẫn rơi vào vô vọng. Nhà nước có quyền hiểu khác đi về sự từ chối thành ý này của thiền sư Nhất Hạnh, còn chúng ta hoàn toàn chưa rõ nguyên nhân vì sao thiền sư từ chối cuộc gặp đó.
Vậy thầy có nghĩ rằng đó chính là nguyên nhân chính của “hồi kết”?
Tôi không nghĩ như vậy, vì đó chỉ là những nguyên nhân phát sinh sau những gì đã xảy ra. Trong đối thoại không có “hồi kết”, nếu các bên còn có thể lắng nghe nhau và biết đặt lợi ích dân tộc cũng như lợi ích của mỗi bên vào bàn đối thoại.
Cũng có ý kiến cho rằng thiền sư Nhất Hạnh có những từ ngữ kích động tu sinh?
Xin lỗi, chúng ta nên sử dụng từ “kích động” này một cách thận trọng. Thiền sư Nhất Hạnh là người Thầy, Thiền sư phải bảo vệ đệ tử của mình khi bị xúc phạm nặng nề như vậy. Một công dân Việt Nam bị đánh đập ở nước ngoài, nhà nước cũng lên án hành động đó cơ mà. Lên án không thể đồng nhất với kích động. Đó là quyền tự vệ chính đáng. Nếu có thể “kích động” đệ tử của mình bất bạo động một cách triệt để, thậm chí biết tha thứ cho cả những người đánh đập và xỉ nhục mình, thì người Phật tử chúng ta nên tự hào vì phương pháp giáo dục đó. Bởi nếu thiền sư không thường xuyên “kích động” đệ tử của mình “ngồi yên như núi”, nhẫn, cảm thông và thương yêu thì sự việc sẽ còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng bạo động leo thang. Những lời lẽ nào đó của thiền sư nếu có bị hiểu khác, hay suy diễn theo góc nhìn chủ quan thì cũng là điều rất đỗi bình thường. Trong cuộc sống, điều đáng sợ nhất là thái độ vô cảm trước nỗi khổ đau, nguy nàn của người khác. Cuộc sống còn có phản ứng thì còn nhìn ra được những vấn đề tích cực hay tiêu cực mà điều chỉnh, nhưng khi đã vô cảm rồi thì mạnh ai nấy sống. Một nhà nước văn minh thì công dân của mình không phân biệt tôn giáo, thành phần đều phải được che chở, không thể để tình trạng mạnh ai nấy sống
Thầy nghĩ sao khi Thiền sư Nhất Hạnh nói Giáo hội đã không bảo vệ được chính con em của mình?
Thiền sư đặt đệ tử của mình vào vị trí con em của Giáo hội, chứng tỏ thiền sư không xem mình như người khách “xa lạ” ghé thăm. Nói thế không có nghĩa rằng thiền sư Nhất Hạnh “ký thác” hết cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng vì sao thiền sư không nhận được sự nhiệt tình yểm trợ của Giáo hội? Đơn giản thôi vì người ta hiểu rõ Làng Mai bị “đánh” từ “nguồn lực” nào, nhất là khi khoảng cách trong “hội nhập” và cách thức vận dụng phương tiện chưa uyển chuyển “tuỳ xứ”, “tuỳ thời” của Làng Mai trước đó.
Chẳng nhẽ Phật giáo cũng rơi vào cảnh “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”?
Thấy rõ chứ! Thấy người bảo vệ cái ghế của mình, chỉ là không thấy được người mà mình phải có trách nhiệm bảo vệ mà thôi. 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nay còn cái gì là thuần tuý và chân phương nhất? Đó không phải hình bóng của người tu sĩ với cái đầu tròn áo vuông thì là gì. Nhưng chúng ta đã thấy di sản sống động nhất ấy của 1.000 năm văn hiến đã bị đánh đập và nhục mạ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa công luận. vậy thử hỏi tinh thần sáng ngời của các vị quốc sư, cư sĩ của Phật giáo Việt Nam đâu rồi? Những ngôn quan, gián quan của lịch sử dân tộc đâu rồi?
Xin lưu ý, Giáo hội đang vận hành hoàn toàn với cơ chế “xin - cho”, phấn đấu lấy “thành tích” để vững cái ghế của mình, nên không ít người đưa ra lý do này lý do kia bằng cách im lặng để “bảo toàn lực lượng”. Có thể nói, đạo tình là điều mà người Phật tử chúng ta hiện nay còn thiếu. Nếu có đạo tình thì sự việc tu viện Bát Nhã đã có thể hàn gắn được trước bất cứ mâu thuẫn nào. Bởi vốn dĩ người Phật tử chúng ta không bao giờ cho phép mình móng tâm sự xung đột. Để Làng Mai xảy ra mâu thuẫn ngày càng khó hàn gắn với nhà nước đó là cái tội của những người đang nắm giữ trọng trách Giáo hội. Bởi cả hình ảnh của nhà nước và của giáo hội đều bị tổn hại, đáng lo ngại hơn là đánh mất rất nhiều niềm tin yêu của người Phật tử.
Có dư luận cho rằng, vụ việc tu viện Bát Nhã là “pháp nạn Phật giáo Việt Nam”, thầy có nghĩ như vậy không?
Sau Đức Phật nhập Niết bàn 1000 năm là thời Mạt pháp, sẽ sinh ra nhiều tệ đoan rối ren. Quan điểm này vẫn tồn tại trong Phật giáo cho đến ngày nay. Ở vụ việc tu viện Bát Nhã, từ dùng “pháp nạn” có thể bị suy diễn theo những chiều hướng chính trị khác nhau. Thực chất, ngay từ khi Đức Phật còn tại thế, Tăng đoàn cũng từng xảy ra những vần đề chia rẽ và gặp những pháp nạn lớn. Điều này cần có cái nhìn lịch sử khách quan.
Đạo Phật muốn làm hộ pháp thực sự cho dân tộc, cho đất nước thì đó phải là một đạo Phật mạnh về nội lực tu hành và vững trong bản lĩnh nhập thế, vì từ trong truyền thống của tinh thần Hộ quốc an dân, đạo Phật Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó và chưa từng làm bất cứ điều gì có lỗi với dân tộc.
Đạo Phật Việt Nam là đạo Phật nhập thế, vậy mà tiếng nói Giáo hội không có năng lực thuyết phục, không bảo vệ được hình ảnh tôn nghiêm của chính mình, thì không cần dùng đến từ “pháp nạn”, những bất ổn lớn rõ ràng là đang hiện diện. Xin chúng ta đừng tiếp tục hiểu sai về từ “làm chính trị” mà mắc tội miệt thị tiền nhân. Các thiền sư của chúng ta đã từng “làm chính trị” đúng nghĩa trước nhiều vấn đề quân quốc quan trọng của đất nước. Tại sao làm văn hoá, tôn giáo cho tốt để nâng cấp đời sống tinh thần cho mọi người lại không phải là “làm chính trị” cho dân tộc?
Tôi nghĩ, với vụ việc Bát Nhã, khi Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng viết bản tường trình, tố cáo những “phật tử” hành hung, nhục mạ hàng Giáo phẩm, tu sinh Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ, Giáo hội nhẽ ra phải tiến hành một cuộc họp bất thường, triệu tập các vị trưởng lão của cả hai hội đồng (Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự) để tìm cách tháo gỡ, hàn gắn mọi mâu thuẫn và đề nghị xử lý theo pháp luật đối với những phần tử quá khích, nhưng đáng tiếc điều đó đã không diễn ra. Một đốm lửa nhỏ không lo đề phòng, để đến khi cháy cả khu rừng rồi mới lo chữa lửa thì nhọc công và vô tích sự.
“Hồi kết” của Làng Mai tại Việt Nam có phải là một thách thức cho đường hướng hoạt động của các tông phái Phật giáo?
Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng có những cơ hội và thách thức, không riêng gì các tông phái Phật giáo. Vấn đề Làng Mai là một bài học thấm thía cho không chỉ riêng ai. Như tôi từng nói, thực trạng Phật giáo Việt Nam thà bộc lộ sớm, hơn bộc lộ muộn. Vì sao tôi nói “sớm”, vì nó bộc lộ ngay lúc mà người ta đang ồn ào về hình thức huy hoàng của chính nó, điều này sẽ cho ra những hình ảnh chân thực hơn, để người Phật tử hiểu rõ bài học “con trùng sư tử mới giết chết con sử tử” hay mối nguy “xây lâu đài trên cát”.
Với cái nhìn biện chứng về “hoạ phúc” của tư tưởng phương Đông, người Phật tử chắc chắn sẽ có cơ hội nhận thức nhiều hơn về vụ việc Làng Mai. Pháp môn Làng Mai nếu không hiện diện ở trong nước thì vốn dĩ theo đà phát triển và hội nhập quốc tế của nó, mô hình Làng Mai có thể vẫn thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng “hồi kết” Làng Mai đã làm bộc lộ một khoảng trống chưa thể lấp đầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ.
Dù tạm thời không còn Pháp môn Làng Mai ở trong nước nữa thì Thiền sư Nhất Hạnh vẫn có thể coi như mình chưa từng có chuyến trở về Việt Nam. Vấn đề là các thế hệ đi sau của Làng Mai có “truyền thông” được với trong nước không, hay sau vụ việc này họ càng đi sâu vào định kiến? Mặt khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại đang rất cần một hình ảnh khác để thể hiện ở bên ngoài. Cơ hội điều chỉnh ở ngay trước mặt, nếu biết nắm lấy nó thì không có mâu thuẫn nào là không thể giải quyết. Người nhà với nhau mà không thể bao dung, thương yêu được nhau thì đó là một nỗi bất hạnh lớn.
Cảm ơn vụ việc Bát Nhã bởi nó đã kéo một Giáo hội đang lơ lửng ở trên mây xuống mặt đất với đầy những hiện thực ngổn ngang, đó cũng là gián tiếp mở ra sinh lộ cho đạo Phật Việt Nam. Nỗi lo nhất hiện nay là sau vụ việc Bát Nhã, Giáo hội sẽ có những bước điều chỉnh tích cực như thế nào để lấy lại niềm tin của người Phật tử và giới trí thức mà thôi.
Thầy nghĩ gì về tương lai của pháp môn Làng Mai tại Việt Nam?
Ai cũng nhận ra ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Tôn giáo mâu thuẫn trong những phát biểu của mình về việc bảo lãnh tu sinh, nhưng trong cuộc họp báo quốc tế vừa qua tại Hà Nội, ông vẫn còn đủ tự tin để nói: “Trước hết, chính quyền địa phương đã kêu gọi, trên tinh thần lục hòa, để các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã và những người theo pháp môn Làng Mai đối thoại và hòa giải mâu thuẫn”.
Có thể đối thoại và hoà giải mâu thuẫn được hay không, điều này nằm ở nhận thức của mỗi bên: Giáo hội, Thiền sư Nhất Hạnh và Ban Tôn giáo Chính phủ. Nếu Làng Mai được xem là đối tác dài hạn để mở rộng “sức mạnh mềm” của người Việt ở phương Tây thì vấn đề “hoà giải mâu thuẫn” chắc chắn sẽ không khó khăn gì. Lá rụng về cội đó là niềm tin bao đời của người Việt. Vận dụng sức mạnh nội lực của người Việt trên nhiều lĩnh vực thì cần phải có trí tuệ, có tinh thần đoàn kết và lòng bao dung. Không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích lâu dài và bền vững. Đó là chính sách đúng đắn của ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Tôi nghĩ, năm 2010 là năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, một lời mời thiền sư và tăng thân Làng Mai về dự lễ sẽ nói lên được tinh thần khoan dung và đoàn kết của 1.000 năm Thăng Long -  Hà Nội, xoá đi những mặc cảm, định kiến. Đó không chỉ là bản lĩnh cầm quyền của nhà nước mà còn là tinh thần mà người Việt từ nghìn đời nay vẫn hướng tới vì lợi ích lâu dài cho dân tộc Việt Nam.
Đó là lý do tôi nói không có “hồi kết” nào là vĩnh viễn.

Xin chân thành cảm ơn thầy đã dành cho Sen Việt cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

Theo: Sen Việt