THỬ SUY NGHIỆM ÐÔI ÐIỀU VỀ MỤC ÐÍCH RA ÐỜI CỦA BÁT KỈNH PHÁP

Trong bối cảnh văn hóa và xã hội của Ấn Ðộ thời cổ, con người được phân chia thành bốn giai cấp, trong đó giai cấp Thủ-đà-la bị xem như hạng nô lệ suốt đời của giới quý tộc. Riêng phụ nữ ngoài ảnh hưởng của giai cấp còn phải hứng chịu nhýng tập tục khắt khe của thời phong kiến và hầu như không được sống độc lập cho riêng mình. Những tập tục đó không những là một ước lệ ngầm trong xã hội, mà nó còn được quy định thành văn, đđển hình là bộ luật Manu - chính ðiều 148 chương V nói rõ “Phụ nữ khi còn bé phải theo cha, lấy chồng rồi phải theo chồng, chồng chết thì theo con, phụ nữ không được sống độc lập” (theo Giác Dũng, Phật Việt Nam Dân tộc Việt Nam).

Qua văn bản của bộ luật Manu vừa nêu, bộ luật không những cho ta thấy rõ bối cảnh văn hóa xã hội của Ấn Ðộ thời cổ mà còn nêu rõ vị trí thấp kém của phụ nữ đương thời. Thử hỏi, suốt cuộc đời hết phục tùng cha rồi chồng, rồi con, như vậy người phụ nữ có còn là mình nữa không? Có chăng chỉ duy nhất là một công cụ để truyền giống. Chính nỗi thống khổ tột cùng của một xã hội đó là nguyên nhân Ðức Phật đã ra đời, để lập lại cái trật tự xã hội hỗn độn gần như mất hẳn tính nhân văn, và đặt dấu ấn xoá tan 4 giai cấp bằng câu nói lừng danh: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.

Kiều Ðàm Di Mẫu được sanh ra và lớn lên trong giai cấp quý tộc, dù Ngài sống trong nhung gấm lụa là nơi cung son gác tía, cai quản cả tam cung lục viện, quyền lực chỉ đứng sau vua, nhưng vẫn ray rức trong lòng nỗi khổ tử sanh miên viễn, tệ hơn là phải sanh trong phận nữ lưu, dưới ách phong kiến khắt khe, với biết bao điều bất xứng ý buộc ràng thân phận, một thân phận coi như là rẻ hơn bèo, bởi “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

Thế rồi, chính ý muốn tự do bình đẳng trong đối xử, chính lòng cảm bội Phật pháp nhiệm mầu, nhất là niềm khát khao muốn giải phóng phụ nữ khỏi những tập tục nghiệt ngã bất công của giai cấp Ấn Ðộ đưõng thời, Kiều Ðàm Di Mẫu ðã cùng 500 chị em dòng họ Xá-di làm nên điều kỳ diệu bằng chính lòng nhiệt thành cầu đạo tha thiết của mình, đó là rũ bỏ hết trang sức phấn son, tự cạo tóc, đắp y, đầu trần, chân đất, khởi hành từ Xá Vệ đến Vaisali bằng chính gót chân trần rướm máu dặm xa. Nhờ lòng tha thiết cầu đạo đó, qua ba phen trần thỉnh đầy sức thuyết phục của Tôn giả A-Nan, đức Thế Tôn đã cho phép ngýời nữ xuất gia.

Thế là, Ðàm Di Ni phái hình thành sau 14 năm kể từ khi Ðức Thế Tôn thành đạo. Nếu cường điệu một chút có thể nói đây là một cuộc cách mạng tư tưởng đã thành công và Bát Kỉnh Pháp một nền tảng vững chắc, một bờ đê phòng hộ, một ranh giới ắt có và đủ để bảo vệ Ni lưu, và Ni lưu cũng từ đó ra đời.

Chúng ta ai cũng biết, Ðức Như Lai là bậc Nhất thiết trí, Ngài hiểu rõ tất cả các căn cơ của chúng sanh. Thế nên, người nào được hóa độ, thì khế cơ và khế thời là nguyên lý tất yếu phải được quán triệt đầu tiên. Cũng không phải ngẫu nhiên Ðức Như Lai chế định ra giới luật mà chính vì căn, trần, thức của chúng sanh. Cũng thế, Bát Kỉnh Pháp không thể tùy tiện mà Ðức Phật chuẩn định cho Ni giới tuân hành, bởi nếu giáo đoàn chỉ có Ni không hay chỉ có Tăng không thôi thì Ni đâu cần phải “tận hình thọ bất khả quá” đối với 8 điều quy định đó. Sự tình này nếu được hiểu theo lý duyên khởi thì “dĩ thử sinh cố, bỉ sinh. Dĩ thử diệt cố bỉ diệt. Dĩ thử hữu cố bỉ hữu. Dĩ thử vô cố bỉ vô”. (Vì cái này sinh nên cái kia sinh, vì cái này diệt nên cái kia diệt, vì cái này có nên cái kia có, vì cái này không nên cái kia không). Chính tương quan chủ khách và tương quan nhân quả của nguyên lý duyên khởi là mấu chốt trong toàn bộ hệ thống giáo pháp của Phật-Ðà.

Trong Bát Kỉnh Pháp rõ ràng Ðức Phật dạy Tỳ-kheo Ni phải giữ đúng khuôn phép với Tỳ-kheo Tăng (ở đây xin thưa cho rõ, Sa Di thì chưa được gọi là Tăng) và Tăng không phải là một vị Tỳ-kheo, mà theo bộ Hành Sự Sao thì “Bốn người trở lên hòa hiệp giữ Thánh pháp mới gọi là Tăng”. Nếu đọc kỹ và hiểu đúng đắn ý tứ Phật dạy thì Tỳ-kheo Ni phải tôn trọng trân kính Tỳ-kheo như đấng cha lành, mà phụ đã từ thì tử phải hiếu, đó là trách nhiệm và quan hệ hỗ tương. Ðiều đó cũng được dạy rõ trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới. Ðó là “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta, từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy, nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta” (Ðiều 20 - giới không sát sanh). Một khi đã xem chúng sanh lục đạo đều là cha mẹ ta thì ta có dám bất kính với cha mẹ ta không? Lời Phật dạy quả là thậm thâm vi diệu, thế thì tại sao có một số lại đòi hỏi bỏ Bát Kỉnh Pháp làm gì? Thử hỏi, khi Ni giới không còn đấng cha lành là Ðại Tăng bảo hộ thì sẽ ra sao? Ðành rằng, về bản thể tuyệt đối thì Phật tính không hai, nhưng chúng ta phải tìm hiểu rõ ràng, để thấy rằng trong Tứ tất đàn hay còn gọi là bốn tiêu chuẩn để trình bày sự thật đó, thì tùy theo căn cơ và thời điểm, Ðức Như Lai đã chế ra Bát Kỉnh Pháp theo tiêu chuẩn tất đàn nào? Khi đã thấu tình đạt lý rằng giữ giới là được tự do, giữ giới là được bảo vệ thì giữ Bát Kỉnh Pháp không còn là trường hợp ngoại lệ nữa, bởi “pháp nhĩ như thị” đó thôi.

- NI ÐOÀN ẤN ÐỘ:

Lịch sử đã ghi rõ, khi được thành lập Ni đoàn thì Di Mẫu đã có sẵn 500 thành viên tùy tùng. Và sau đó, từ các mệnh phụ, các vương phi cho đến thứ dân đều mạnh dạn xuất gia hay làm cận sự nữ trong Giáo hội Ni dưới sự lãnh đạo của Tỳ kheo Ni Gautami. Có thể nói, Ni giới thời Phật phần do căn cơbén nhạy, phần do tâm lý của hội chúng vừa mới hình thành và để chứng minh rằng Nữ giới cũng có thể chứng quả, thế nên công phu tu tập của Ni giới thật khởi sắc. Ðiều đó cho ta thấy rõ qua hình ảnh và hành trạng của 73 trưởng lão Ni được Ðức Phật ấn chứng quả vị A-la-hán (Trưởng Lão Ni Kệ - Hòa thượng Minh Châu dịch). Nếu bảo rằng thời Phật bên Tăng có Thập đại đệ tử tuyệt vời thì bên Ni có các trưởng lão lừng danh về quả vị tu chứng. Ðức Mahpajpati Gautami được Ðức Phật ấn chứng là vị Ni kinh nghiệm đệ nhất, Khema tôn giả: thiền quán đệ nhất, Upalavana: thần thông đệ nhất, Késagotami: khổ hạnh đệ nhất, Sona: tinh cần đệ nhất, Dhammadina: thuyết pháp đệ nhất, Sakula: thiên nhãn đệ nhất và Bhadà: tri quá khứ đệ nhất….

- NI GIỚI VIỆT NAM:

Theo tư liệu các sử gia cận đại thì Phật giáo truyền vào Việt Nam khá sớm qua Chử Ðồng Tử dưới thời Hùng Vương, tức là vào những thế kỷ trước Tây lịch và người Phật tử nam đầu tiên tiếp thu tư tưởng Phật giáo đó là Chử Ðồng Tử, mà người truyền thọ là nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên, tại cửa Nam giới hay cửa Sót (Giáo sư Lê Mạnh Thác, Lịch Sử Phật giáo Việt Nam III).

Tư liệu trên còn cho ta biết sư Phật Quang có thể là người Thiên Trúc và truyền thống Phật giáo mà Chử Ðồng Tử tiếp thu là Phật giáo quyền năng. Tiếp theo sau là những Phật tử Việt Nam dưới thời Hai Bà Trưng như Phương Dung, Thiều Hoa và Bát Nàn. Trong đó ta lại biết thêm phu nhân Bát Nàn là một nữ tướng của Hai Bà Trưng, đã xuất gia sau khi bại trận dưới tay Mã Viện, một viên tướng già dặn kinh nghiệm chiến trường. Ðiều này chúng ta cũng thường gặp đối với các quan lại, các nhân sĩ khi bất đắc chí ở quan trường hay chính trường thì lối thoát hiểm an toàn nhất là nương náu cửa Phật. Nói thế, không có nghĩa đạo Phật là bi quan là yếm thế nhưng cửa Phật là cửa từ bi, là nơi chuyển hóa tâm thức khổ đau cho chúng sanh.

Có lẽ một phần do đất nước bị chiến tranh liên miên, phần vì tư liệu sử sách của nước ta bị thiêu hủy và trưng thu trong các cuộc chiến tranh ác liệt. Nhưng cũng có thể là quan điểm “nam tôn nữ ti” của thời phong kiến quá khắt nghiệt, thế nên tuy Phật giáo Việt Nam đã có những thời đại vàng son với các thiền Tăng kỳ vỹ mà vai trò và ảnh hưởng của các Ngài đã đóng góp không ít cho đất nước trong công cuộc vệ quốc an dân nhưng hoàn toàn vắng bóng Ni lưu. Mãi đến thời nhà Lý mới xuất hiện một nữ tu sĩ Phật giáo có pháp hiệu là Ni sư Diệu Nhân (1042 - 1113). Theo Thiền Uyển Tập Anh của Giáo sư Lê Mạnh Thác thì thân thế của Ni sư như sau: Ni sư người huyện Hương Hải, làng Phù Ðổng, Tiên Du, tên Ngọc Kiều, con gái của Phụng Yết Vương, bẩm tính hiền thục, ngôn hạnh có phép, được vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung. Ðến tuổi cập kê vua gã cho Châu Mục Chân Ðăng họ Lê. Họ Lê mất, tự thệ như vậy, giữ nghĩa không tái giá.

Cũng theo Thiền Uyển Tập Anh ngày 01/06 nãm Hội Tường đại khánh tý (1113), Ni sư cáo bệnh và nói kệ:

"Sanh già bệnh chết

Từ xưa thường vậy

Muốn cầu thoát ly

Cởi trói thêm buộc

Mê mới tìm Phật

Lầm mới cầu thiền

Thiền Phật chẳng tìm

Ngậm miệng không nói".

Qua tiểu sử và bài thơ thị tịch của Ni sư Diệu Nhân, chúng ta thấy phảng phất đâu đây hình bóng của Kiều Ðàm Di Mẫu - một bậc xuất trần thượng sĩ. Thật vậy cũng là một mệnh phụ phu nhân, cũng gác tía lầu hồng, cũng danh gia vọng tộc, nhưng khi giác ngộ lý vô thường, biết rõ sanh già bệnh chết xưa nay vẫn là một định luật thì cần gì phải tìm cách thoát ly, vì Niết Bàn không ngoài sanh tử và như vậy chỉ là cách cởi trói thêm buộc, tựa như: “Ngộ trung mộng ngộ tùng mê mộng” mà thôi. Theo Ni sư thì mê mới tìm Phật, vì Phật đâu có ở ngoài mà nhọc công tìm kiếm. Lầm mới cầu thiền, vì Thiền ở ngay trong cuộc sống, như đói thì ăn, khát thì uống, và “bình thường tâm thị đạo” còn lầm chi nữa tìm cầu?. Ở đây ta thấy không phải vì Ni sư là con vua cháu chúa mà được Thiền Uyển Tập Anh liệt kê theo thế thứ truyền thừa, mà rõ ràng Ni sư là một nữ Thiền sư chính hiệu. Ðiều này lại cho ta thấy rõ nam hay nữ, Ni hay Tăng đều có khả năng thành Phật, vì Ðức Phật không dạy: “Nhất thiết nam giới giai hữu Phật tánh”. Bởi thân nào thì cũng là “giả chúng duyên nhi cộng thành”. Tư tưởng này, chúng ta lại thấy rõ nét trong kinh Ðắc Vô Cấu Nữ: Khi biết công chúa Ðắc Vô Cấu Nữ, con vua Ba Tư Nặc nhiều đời, nhiều kiếp đến nay tu hành đạo Bồ tát cầu quả Vô thượng Bồ đề, ngài Mục Liên nói:

- Tu hành lâu xa như vậy, sao không chuyển thân nữ thành nam?

Công chúa Ðắc Vô Cấu trả lời:

- Sự giác ngộ không liên quan đến thân người nam hay thân người nữ.(Phật VN Dân Tộc VN, trang 52 – Giác Dũng)

Từ những quan điểm trên thì không những tư tưởng, hành trạng của Ni sư là một bài học mà cả một hệ thống giáo dục về triết học tánh không, đáng cho Ni giới học tập và huân tu để không hổ là hậu duệ của Diệu Nhân, không thẹn là đồ chúng của Ðàm Di.

Có thể nói, tư tưởng của Ni sư Diệu Nhân đã thoát ngoài vòng của nhị nguyên đối đãi, đã đưa hành giả Ni giới chúng ta về một khung trời mới, nơi đó Phật tánh bình đẳng, giới tính không hai. Lúc này hành giả sẽ thong dong tự tại mà “thùy thủ nhập triền” vì khi bệnh đã hết thì đâu cần đến thuốc, cho dù đó là tiên dược. Cũng vậy, khi ngã đã không thì pháp cũng không, đã hết chấp trước tức là tâm không còn vướng mắc vào sáu trần cảnh, nghĩa là khi tâm vô trụ mà cảnh là vô sở trụ thì chân tâm hiển lộ. Ðiều này cũng chính là Lục Tổ đã thể nhập rằng: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Ðiểm qua các thông tin đại chúng và các tư liệu chúng ta có được về hành trạng chư trưởng lão Ni Việt Nam nói riêng và các nước nói chung, chúng ta thấy quý Ni trưởng tuy thác chất mỗi người một vẻ, hành đạo mỗi người một hạnh, chứng ngộ mỗi người một môn, trụ xứ mỗi người một nước nhýng quý Ngài đều có chung một tâm nguyện, một hoài bão đó là noi theo tư tưởng và đạo hạnh của Ðức tổ Kiều Ðàm Di, của Phật tử Ðắc Vô Cấu và của Ni sư Diệu Nhân, bỏ đi thói nhi nữ thường tình, lòng tự ti mặc cảm, tự kỷ ám thị mà nêu cao ý thức “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”. Tuy luôn cổ vũ chư Ni thiện xảo về ngũ minh, làm phương tiện để truyền thừa chánh pháp trên con đường hoằng pháp lợi sanh nhưng mục đích đạt được của Thích chủng nữ thì hoàn toàn không phải là một học vị mà là một quả vị tu chứng, vì học là điều kiện cần nhưng tu mới là điều kiện đủ. Bởi học chỉ là để mở rộng tri thức nhưng chính Tam vô lậu học mới là căn bản để giải quyết tử sanh.

Nói tóm lại, Ðức Thế Tôn chế định ra Bát Kỉnh Pháp là để ngăn ngừa bệnh chấp ngã của Ðức bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề, một đệ nhất phu nhân lại là người có công lớn nuôi dưỡng thái tử Tất-đạt-đa, đây cũng là một phương pháp khích tướng đầy lòng từ bi mẫn Ðức Phật, để bà cùng 500 chị em Xá-di luôn cảnh giác với thân tâm cao độ để không rõi vào hệ lụy đáng tiếc. Quả đúng như tiên liệu của Ðức Thế Tôn, Bà cùng các chị em Xá-di và các Tỳ-kheo Ni, ở thời điểm đó đã đạt được các quả vị tu chứng rất cao trong tiến trình tu tập của mình.

Hội nghị những người con gái của Ðức Thế Tôn lần thứ 11 được tổ chức tại Việt Nam hôm nay cũng là một dấu ấn vô cùng quan trọng cho Ni giới Việt Nam. Ðã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của những người con gái Ðức Thích Ca được phát triển khả năng và trình độ tu tập của mình để phụng sự đạo pháp và nhân sinh trong thời kỳ hội nhập giữa vô vàn thách thức. Rất mong ngày càng đông hơn những hành giả cùng một mục đích, cùng lý tưởng để làm giàu thêm kho báu yêu thương, để ban vui, để cứu khổ đến muôn loài./.

 

Tỳ kheo Ni Thích nữ Nhật Khương

(Trích tham luân Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Viêt Nam)