Nuôi dưỡng chất liệu Hỷ Lạc

Tại Làng Mai, chúng tôi thực tập để có được cái hỷ và cái lạc ngay trong đời sống hằng ngày. Tại vì chúng ta rất cần được nuôi dưỡng bởi niềm vui và hạnh phúc của người tu, dù là tu tại gia hay tu xuất gia. Chúng ta đi tìm hạnh phúc, người tu là người đi tìm hạnh phúc, nhưng không phải là về phía đối tượng của dục, tức là giàu sang, quyền hành, thế lực, danh vọng, sắc dục… mà chúng ta tìm hạnh phúc về hướng hỷ và lạc do hiểu biết và thương yêu đem tới.

Một người tu thành công là một người có đủ chất liệu hỷ lạc, và có thể hiến tặng niềm hỷ lạc ấy cho người khác trong đời sống hằng ngày. Nhưng trong ánh sáng của đạo đức học Phật giáo thì hỷ và lạc có liên hệ tới khổ đau. Nhìn vào trong chất hỷ và chất lạc mình cũng có thể thấy chất liệu của khổ đau. Nếu chưa bao giờ biết đói thì chẳng thể nào thấy được sự quý giá của giờ phút mà mình có một bát cơm ở trên tay. Khi đã biết đói là cái gì rồi thì lúc nâng một bát cơm trên tay mới thấy có một bát cơm là một niềm hạnh phúc, lúc đó mình mới quý trọng và ăn một cách hết lòng. Cũng như khi bơ vơ đói lạnh, không cửa không nhà, ta mới biết thế nào là hạnh phúc khi có một căn nhà, mới thấy nâng niu khi được một chiếc áo ấm.


Đầu năm 2009, tại miền Tây Nam nước Pháp xảy ra một cơn bão lớn, người dân nước Pháp nói rằng đây là một cơn bão lớn tương đương với một trận bão cách đây hơn mười năm. Thiệt hại rất nặng nề, hệ thống điện, hệ thống giao thông, viễn thông, nước… bị hư hại nặng nề. Gần 1,5 triệu người không có điện và nước để sử dụng trong nhiều ngày trong mùa đông giá lạnh, có rất nhiều người lâm bệnh vì khí hậu mùa đông ở Pháp rất lạnh nhiệt độ luôn dưới không độ C, nếu không có sưởi thì nhiều người không thể chịu nổi. Lúc ấy, người ta mới thấy rõ ràng có điện, có nước là một niềm hạnh phúc. Cho nên phải gặp khốn đốn thì chúng ta mới có giác ngộ là vậy. Trước đây, chúng ta thấy có điện, có nước là điều đương nhiên, chúng ta nghĩ rằng điện, nước là thứ tầm thường, chẳng đáng đem lại chất liệu hỷ lạc cho mình, nhưng sự thật thì trong mấy ngày có bão đó, các thầy, các sư cô, các Phật tử ở Làng Mai đã chứng thực được rằng điện, nước là những điều kiện tạo nên hạnh phúc.

Cái ngày hệ thống điện và nước được thiết lập lại thì mọi người ai cũng reo hò, sung sướng, mọi người hạnh phúc lắm, hạnh phúc vì có điện. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, chừng khoảng một tuần thì niềm vui đó biến mất, vì lúc đó mình đã quen rồi, mình lại thấy điện nước là cái gì đó không quan trọng mấy. Vì vậy, hạnh phúc hay không hạnh phúc nó liên hệ tới cái tâm của mình, liên hệ tới sự giác ngộ của mình, tới ý thức chánh niệm của mình. Vì vậy cho nên, người tu là người biết sử dụng cái tâm, sử dụng ý thức chánh niệm của mình để đón nhận hạnh phúc. Do đó, nếu muốn có hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ có mặt ngay lập tức bây giờ. Hay vậy đó!

Có những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn. Và mình chỉ cần nhớ tới thôi là hạnh phúc liền lập tức, mau hơn cả mì ăn liền. Là một người tu mình phải biết chế tác hỷ lạc bằng cái tâm của mình. Khi được nuôi dưỡng bằng hỷ và lạc thì mình sẽ nuôi dưỡng được những người khác xung quanh mình. Và điều mình cần nhớ là trong cái hỷ, cái lạc đó nó có bối cảnh của sự khổ đau. Vì vậy, nếu không có khổ đau, không có thiếu thốn, thì mình không nhận diện ra được cái hạnh phúc mà hiện bây giờ mình đang có. Nếu mình từng có khổ đau thì bây giờ nó không phải là xấu, tại vì nhờ nền tảng khổ đau trong quá khứ cho nên bây giờ mình mới nhận diện được những hạnh phúc đang có. Khi sống trong niệm và định, mình có thể có những giây phút của hỷ và lạc. Mỗi khi khổ đau tới, thì mình có khả năng nhận diện, ôm ấp và trị liệu.

Tuần trước, có một cô thiền sinh viết thư cho tôi nói rằng: Con đang thực tập phương pháp nhận diện và ôm ấp mà Thầy dạy cho con. Con bị mắc chứng trầm cảm, mỗi khi trầm cảm tới thì con đi tắm, con tắm rất chánh niệm, con mời chứng trầm cảm tắm chung với con. Con không công phá hay xua đuổi nó mà ôm lấy nó bằng ánh sáng chánh niệm.

Cô nói tiếp: Khi con cho cái trầm cảm của con tắm thì con thấy nó là một phái đoàn chứ không phải là một cá nhân. Con nhận diện trong nỗi trầm cảm của mình có những điều tiêu cực. Ví dụ như có sự sợ hãi, có sự lo lắng, có cái mặc cảm rằng mình yếu kém, mình không có giá trị gì hết, con tự lên án, phê phán mình và nghĩ rằng người khác cũng nhìn con bằng ánh mắt lên án phê phán như vậy. Trầm cảm tới với con như một phái đoàn, có mặc cảm này rồi mặc cảm kia, nỗi buồn này cộng với nỗi buồn kia. Con nhận diện từng nhân viên của phái đoàn và cười với nó, sau đó thì con thấy khỏe, con không còn là nạn nhân của nó nữa. Bây giờ, mỗi khi phái đoàn trầm cảm tìm tới thì con không còn sợ nữa, con mời nó vào và đối xử rất đàng hoàng, con sẵn sàng có mặt để nhận diện và ôm ấp nó.

Một người hành giả cư sĩ làm được như vậy cũng là rất giỏi.


Chúng ta có thể đặt tên cho phương pháp này là thiền tắm. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, khi bước vào nhà tắm chúng ta hãy tắm một cách thật chánh niệm đừng có vội vã tắm cho nhanh để đi ăn tối hoặc đi làm cái khác. Chúng ta phải biến nhà tắm thành thiền đường và hai mươi hay ba mươi phút ấy là những giờ phút rất thiêng liêng. Chúng ta buông thư tất cả những căng thẳng trong thân và trong tâm, mỉm cười để cho những tia nước mát hoặc những tia nước ấm phả vào người mình, gột sạch đi những bụi bặm trên thân và những lao xao trong tâm. Sau khi bước ra khỏi nhà tắm mình sẽ trở nên tươi mát, sảng khóai vì trong lúc tắm những trị liệu đã xảy ra.

Chánh niệm là một năng lượng mình có thể chế tác ra được trong mỗi giây phút, trong khi đi, khi ngồi, khi ăn cơm, khi làm việc... Có chánh niệm rồi thì mình mới có khả năng nhận diện, chăm sóc, chữa trị cho những nỗi khổ niềm đau. Tại vì những nỗi khổ niềm đau đó chính là mình. Trong khi ôm nỗi khổ niềm đau của mình vào lòng thì mình cảm thấy mình gần mình hơn ai hết, mình thấy ấm áp hơn. Còn ngoài ra những thời giờ khác là mình tìm cách trốn chạy chính mình. Mà trốn chạy chính mình thì làm sao mình hiểu được mình. Cho nên tu tập là để trở về với chính mình, để có cơ hội biết mình là ai.

Trong Đại giới Mùa Sen Mới có một sư cô từ Viện Phật Học Ứng Dụng ở Đức về để thọ giới lớn. Tôi nhìn sư cô và hỏi: "Ai mà trông quen vậy? Con là ai? Con là ai mà thầy thấy quen quen." Cố nhiên là tôi biết rất rõ cô học trò của mình là ai, tên gì, tu được mấy năm, nhưng mà tôi vẫn hỏi: "Con là ai ?" Sư cô đó trả lời: "Dạ, con cũng không biết con là ai nữa". Rất là hay! Đúng là một cặp thầy trò với nhau. Một cặp thầy trò nói giọng thiền với nhau. "Dạ, bạch Thầy con cũng không biết con là ai nữa", có nghĩa là chính con cũng đang đi tìm con đây mà. Cái đó không phải là phô bày bên ngoài, cái đó rất là thật. Mỗi người trong chúng ta đều đang trên hành trình đi tìm chính mình. Mình chưa biết mình là ai đâu. Chừng nào mình còn chưa biết mình là ai thì chừng ấy còn khổ đau. Sau khi sư cô đó thọ giới xong, ở lại mấy tuần, trước khi về Đức lại lên chào tôi, lần này tôi nói: "Hình như bữa nay Thầy biết con là ai rồi".

Khi nhìn vào trong tự thân, ta thấy mình có hình hài, có cảm thọ, có tri giác, có tâm hành, có nhận thức. Nhưng nhìn sâu vào năm uẩn đó, thì lại không thấy có một cái ta riêng biệt. Mà thấy có cha, có mẹ, có ông bà tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống, thấy xã hội, thấy văn hóa của nơi mình sinh sống ở trong đó một cách rất rõ ràng. Mình cố tìm một cái ngã riêng biệt mà tìm không ra. Có cơ hội, thời gian để đi tìm lại mình, chúng ta bắt đầu thóat ra khỏi ý niệm mình là một thực thể cô đơn, riêng biệt. Chính vì mang ý niệm mình là một thực thể cô đơn, riêng lẻ nên mới có sợ hãi, buồn phiền, khổ đau. Cho nên hành giả là người đang đi trên con đường tìm hiểu chính mình, đang tìm cách trả lời câu hỏi: “Ta là ai?”

Mình có khả năng chuyển hóa những tiêu cực thành tích cực cũng như sử dụng rác làm phân xanh nuôi cho cây tốt tươi. Nếu không có bùn thì không có sen, bùn rất cần thiết cho sen. Những khổ đau của mình có một sứ mạng nào đó, nó cũng có những lợi ích riêng. Vì vậy, mình phải thực tập làm quen với khổ đau của mình, làm bạn với khổ đau của mình, ôm lấy niềm đau của mình. Khi thực tập được điều này rồi thì mình có thể chế tác ra hỷ và lạc từ trong chính niềm đau, nỗi khổ kia.

Tới Làng Mai, chúng tôi chỉ yêu cầu các bạn thiền sinh là có hai việc. Việc thứ nhất là: phải tập thở, tập đi, tập ngồi, tập ăn cơm sao cho có ý thức, có bình an. Nếu tới đây mà bạn chưa chế tác được giây phút bình an, hỷ lạc thì bạn tới Làng Mai rất uổng. Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: "Sức mấy mà tôi có hỷ lạc? Ở trong tôi có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau nó chặn đường không cho tôi chạm tới hỷ lạc". Câu trả lời cũng là điều thứ hai mà chúng tôi yêu cầu ở các bạn thiền sinh, đó là trong trường hợp ấy bạn hãy cho nỗi khổ niềm đau của bạn đi tắm, nó tắm bằng năng lượng của chánh niệm. Tại vì sự thực tập thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm chánh niệm là để chế tác năng lượng chánh niệm. Mà năng lượng chánh niệm có rồi thì khổ đau không còn đáng sợ nữa. Khổ đau tới, mình không xua đuổi, trốn chạy mà mời vào tắm cho vui. Tu thì phải có khả năng làm cái đó, phải chế tác hỷ và lạc, phải có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa khổ đau.

Người tu giỏi là một nghệ sỹ, nghệ sỹ có khả năng chế tác hỷ lạc, nghệ sỹ có khả năng ốm ấp, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của mình, mình nương vào nhau, mình học hỏi nhau. Và những bài pháp hay nhất là những bài pháp giúp cho mình có thêm phương tiện, có thêm hiểu biết để có thể làm được công việc đó. Cho nên, trước khi ngồi thiền nửa giờ hay là 45 phút thì mình phải đặt câu hỏi là ngồi như thế nào để có thể chế tác được một ít hỷ, một ít lạc, nếu không thì ngồi chỉ tốn thì giờ vô ích thôi. Khi đi thiền hành cũng vậy dù là đi một mình hay đi với đại chúng đó đều là một cơ hội để chế tác hỷ lạc bằng mỗi bước chân, chứ đừng có đi lấy lệ. Nếu chế tác chưa được thì phải học cho được. Có những người trong chúng ta có khả năng chế tác hỷ lạc trong mỗi bước chân, trong từng hơi thở. Khi rửa bát hay quét nhà mình cũng thực tập chánh niệm để làm phát khởi niềm hỷ lạc.

 

HT Thích Nhất Hạnh