Nét đẹp tàm quý

Trong quan hệ ứng xử hàng ngày, có khi nào bạn cảm thấy lúng túng, xấu hổ vì một hành vi hay cử chỉ nào đó thiếu cân nhắc mà bạn lỡ biểu lộ trước người khác hay trước đám đông chưa?

Phải đấy, nhưng cũng thật may cho bạn, vì như thế tức là hệ “thần kinh” hổ thẹn của bạn còn hoạt động tốt và bạn còn có cơ hội để tiến bộ. Không ai là người hoàn hảo cả, nhưng người ta sẽ khó hy vọng tiến bộ nếu không biết xấu hổ.

“Tàm, quý” trong giáo lý Phật giáo là một pháp tu, một tâm lý thiện lành – điều kiện cần có trong việc xây dựng phẩm cách. Cho nên kinh dạy: “Có tàm, có quý là có tư cách của một con người”. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là để xứng đáng làm “một con người viết hoa”. Và nếu bạn thấy khó hiểu với hai chữ “tàm quý” đó, bạn hãy nhìn lại những trạng thái tâm lý của bạn khi hành xử với mọi người và đánh giá của bạn trước hành xử của người khác thì nó rất dễ hiểu, dù rằng nó không chuyên chở hết ý nghĩa của hai đức tính này theo giáo lý Phật giáo. Nhưng với bấy nhiêu thôi cũng đã góp phần “làm đẹp” chính mình rồi.

Cảm giác mắc cỡ hay tâm lý hổ thẹn là cơ sở làm nên những gì gọi là văn hoá. Nó là thiên tính vốn có trong mỗi người, có chức năng giúp điều chỉnh và hoàn thiện nhân tính của bạn. Hổ thẹn tạo cảm giác bối rối nhất thời cho bạn nhưng nó khiến cho bạn ngày càng tiến bộ và đẹp ra. Thử quan sát trạng huống người nào đó đang tỏ ra ân hận, hổ thẹn ta sẽ thấy người ấy đẹp và thánh thiện vô cùng. Bởi tính tích cực của nó, đạo Phật xem tâm lý xấu hổ là nét đẹp bộc lộ đức tính thuần khiết của con người, được ví như phục sức, nhưng là “phục sức quý giá nhất trong mọi thứ phục sức”. Đạo Phật cho rằng mỗi người sinh ra ở đời đều có sẵn các đức tính tốt, có thể vận dụng làm thăng hoa cuộc sống của chính mình và góp phần hoàn thiện đời sống xã hội. Vậy tàm quý là gì?

Trong cuộc sống hàng ngày, giả sử bạn lỡ có một biểu hiện đáng tiếc nào đó trong lời nói hay trong việc làm, thậm chí một ý tưởng không tốt thoáng nảy sinh trong tâm bạn và bạn cảm thấy ăn năn xấu hổ về suy nghĩ, hành động ấy của chính mình, tâm lý ấy đạo Phật gọi là “tàm”. Tương tự, nếu bạn nói hay làm điều gì đó không đúng, hay một ý tưởng bất thiện nảy sinh và bạn cảm thấy thẹn với người khác, tâm lý ấy Phật giáo gọi là “quý”. Như vậy, “tàm” là tâm lý hổ thẹn về các hành vi không tốt của chính mình, “quý” là tâm lý thẹn với người. Hai đức tính này có sẵn ở trong bạn, nhờ đó bạn có cơ hội để cân nhắc và điều chỉnh mọi hành vi của mình – ý nghĩ, lời nói và việc làm – sao cho chúng không còn làm bạn phải xấu hổ và sợ hãi trong cuộc sống, đặc biệt là khi đối diện với chính mình. Hiểu rõ sức mạnh tích cực của chúng nên đạo Phật khuyên mỗi người cần phải nuôi dưỡng và phát huy tâm lý tàm quý để xây dựng cuộc sống hạnh phúc an lạc cho tự thân, đồng thời góp phần làm đẹp và mang niềm vui đến cho cuộc đời.

Theo quan điểm của đạo Phật thì người có tâm tàm quý là một người biết xấu hổ và sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sống phòng hộ ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, khiến chúng không rơi vào các hành vi ác, bất thiện như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, si mê. Như vậy, người có tàm quý tức là người rất cẩn trọng trong đời sống cá nhân và trong quan hệ ứng xử với cộng đồng. Vị ấy cảm thấy hổ thẹn và sợ hãi không chỉ đối với các hành vi bất thiện biểu lộ ra bên ngoài như những lời nói hoặc việc làm không hay, mà còn xấu hổ và sợ hãi ngay cả với các ý tưởng không tốt (các ý tưởng tiêu cực liên hệ đến tham, sân, si như dục tâm, sân tâm, hại tâm…) nảy sinh trong tâm mình. Do thường xuyên nuôi dưỡng và phát huy tâm lý tàm quý, vị có nếp sống thuần khiết và tinh tế, tự thân cảm nghiệm hạnh phúc an lạc và tuyệt nhiên không làm điều gì sai trái khiến gây phiền muộn hay khổ đau cho người khác, trong suy nghĩ, trong lời nói cũng như trong việc làm. Vị ấy đẹp từ trong ra ngoài, do thân, miệng, ý thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết che giấu. Trong cuộc sống hàng ngày, vị ấy trở nên trong sáng, từ hoà và hoàn toàn đáng tin cậy trong tư duy nhận thức cũng như trong mọi quan hệ ứng xử với người khác.

Đáng chú ý rằng nội dung tàm quý được nói ở trên chính là nền tảng của đạo đức Phật giáo bởi căn bản nó là lối sống hiểu biết và thành thật mang tính kỷ luật đạo đức cá nhân đối với mọi hành vi của bản thân, kể cả các hoạt động tâm thức. Thông thường, chúng ta sống cố giữ sao cho lời nói và hành động của mình được đúng đắn lịch thiệp để khỏi làm mất lòng người khác và cũng để phù hợp với yêu cầu hành xử mà luật lệ xã hội đã quy định, còn tâm ý thì đôi khi mặc cho nó muốn tung hoành thế nào cũng được, bởi nó là thế giới riêng, “bất khả xâm phạm”, chỉ mình ta biết, riêng mình ta hay. Rõ ràng, người biết kiềm chế lời nói và các hành động bên ngoài như vậy đã là một tiến bộ, bởi ít nhất vị ấy không làm phiền đến người khác hay vi phạm các quy ước xã hội về quan hệ giao tế. Đạo đức xã hội hay luật pháp thế gian cũng chỉ yêu cầu vị ấy sống cư xử như vậy. Tuy nhiên, nếu chỉ sống hành xử ở mức độ này thôi thì người ta không cần đến đạo đức tôn giáo và do đó cũng không cảm nhận được lợi ích của đời sống an lạc tâm hồn, vì tâm ý không được chu ý tu tập. Ai đó có nói rằng người ta không thể lấy đi điều bạn suy nghĩ. Điều đó cũng có nghĩa rằng không ai can thiệp được các hoạt động tâm thức của bạn và chính bạn phải chịu trách nhiệm về chúng. Rõ ràng, điều chỉnh tâm ý không thuộc trách nhiệm của luật pháp xã hội và do đó nó hoàn toàn là một thứ kỷ luật tự giác mang tính đạo đức cá nhân.

Đạo đức Phật giáo hay đạo đức tôn giáo nói chung thường tiến sâu hơn một bước so với pháp luật xã hội bởi nó nhấn mạnh vai trò kỷ luật tâm linh. Kinh Pháp Cú dạy như vầy: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác. Nếu người ta nói năng hay hành động với một tâm ý ô nhiễm thì khổ đau sẽ kéo theo sau, giống như bánh xe lăn theo vết chân con bò kéo. Nếu nói năng hay hành động với một tâm ý thanh tịnh thì an lạc sẽ bước theo sau, như bóng không rời hình”. Vì vậy, ngoài việc cân nhắc mọi người gìn giữ các yếu tố bên ngoài như lời ăn tiếng nói hoặc các hành vi khác, đạo Phật khuyên mỗi người cần phải biết xấu hổ và sợ hãi ngay cả với các ý tưởng bất thiện phát sinh ở tâm thức. Sự khác biệt này giải thích vì sao người ta cần tôn giáo, cần đến đạo đức tôn giáo, không phải để cầu nguyện hay để nương tựa mà để chuyển hoá chính mình và để sống với chính mình.

Chuyển hoá chính mình cốt yếu là chuyển hoá cái tâm bên trong, không ai thấy mà cũng chẳng ai hay nhưng lại hết sức căn bản và quan trọng để chuyển hoá toàn bộ nhân tính và để thực nghiệm hạnh phúc an lạc tự nội. Bạn có thể có được sự thành công này hay thành công khác trong cuộc sốn nhờ khéo léo trong quan hệ giao tế và xử sự lịch thiệp với mọi người, nhưng bạn khó có được hạnh phúc an lạc thật sự nếu không sống thật với lòng mình. Căn bản của tàm quý là thái độ cẩn trọng và tâm lý thành thật nhận ra khuyết điểm của bản thân để nỗ lực khắc phục, đặc biệt là các khuyết điểm ẩn kín trong nội tâm. Nó là năng lực giúp bạn tự nhận diện và tự điều chỉnh toàn bộ nhân tính cuả mình theo chiều hướng khiến cho bạn ngày càng đẹp ra và sống hạnh phúc an lạc trọn vẹn.

Cuộc sống sở dĩ trở nên tốt đẹp và hạnh phúc là do con người biết rung cảm trước cái đẹp và phản ứng trước cái chưa đẹp của hiện hữu và biết nỗ lực cải thiện bản thân. Cải thiện bản thân để sống đẹp và sống hạnh phúc an lạc là mục tiêu của đời sống đạo đức tâm linh Phật giáo. Đó cũng là ước vọng chung của con người mà tâm lý tàm quý vốn có trong mỗi người chính là cơ sở và cũng là điều kiện tốt nhất để cho mọi người khởi sự thực hiện mục tiêu ấy.

 

Theo Văn hóa Phật giáo