Thiền Tập Cho Những Người Bận Rộn - Kỳ 05

Là Hoa Tươi Mát

Ta chỉ có hạnh phúc khi ta có đủ yếu tố tươi mát. Với yếu tố tươi mát, ta có thể làm cho người khác hạnh phúc. Ta phải là một đóa hoa thật sự trong khu vườn nhân loại. Một em bé đang chơi, đang ngủ; nhìn em bé ta thấy quả thật nó là một bông hoa. Cái mặt nó là một bông hoa, bàn tay nó là một bông hoa, bàn chân nó là một bông hoa, cái miệng nó là một bông hoa.  a cũng đã từng là một bông hoa như nó, nhưng những phiền tạp của cuộc đời đã làm cho ta mất bớt rất nhiều tính chất tươi mát của ta. Khóc nhiều quá thì hai mắt bạn đâu còn trong được nữa? Nguyễn Bính viết:

Em không khóc nữa, không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Không than chắc hẳn hồn tươi lại
Không khóc tha hồ đôi mắt trong


Bạn hãy thở vào đi, buông thư thân thể và mỉm cười.  Nét nhăn trên mặt bạn không còn nữa, nụ cười trên môi bạn giúp bạn phục hồi lại đóa hoa tươi mát. Các nhà điêu khắc trong quá khứ đã cố diễn tả nụ cười tươi mát trầm tĩnh và từ bi trên mặt các tượng Bụt. Trên mặt bạn có gần ba trăm cơ bắp; mỗi khi lo lắng, buồn giận hoặc sợ hãi, những cơ bắp ấy co rúm lại hoặc căng thẳng ra, người khác nhìn và thấy sợ. Nếu bạn thở vào có ý thức về sự căng thẳng đó thì khi bạn thở ra, bạn có thể buông thư và mỉm cười. Như thế thì những căng thẳng đó sẽ biến mất và bạn phục hồi được tính tươi mát của bông hoa nhân loại sẵn có trong bạn. Lắng dịu, thư giãn, phục hồi sự tươi mát, đó là sự thực tập thiền chỉ. Chỉ là dừng lại, là làm cho lắng dịu, cho tươi mát. Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa; thở ra, tôi cảm thấy sự tươi mát của bông hoa là tôi.


Là Núi Vững Vàng


Hạnh phúc và bình an không thể có mặt nếu ta không có yếu tố vững chãi. Thiếu sự ổn định trong thân và tâm, ta trở nên bất an, và kẻ khác không thể nương tựa và trông cậy nơi ta. Cho nên, tu tập để đem lại sự vững chãi và ổn định nơi thân và tâm là việc rất thiết yếu. Với hơi thở chánh niệm, với thế ngồi vững chãi, ta có thể thiết lập lại sự vững vàng trong ta. Trong tư thế kiết già hay bán già (gọi là tư thế hoa sen), thân tâm bạn dễ có được sự vững chãi, nhất là khi bạn biết điều phục hơi thở để đem năm uẩn về một mối. (Năm uẩn: hình hài, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức). Nếu bạn nắm vững được hơi thở, nhận diện được những cảm giác và cảm xúc trong bạn, biết chấp nhận và ôm ấp chúng, thì bạn sẽ có nhiều niềm tin nơi khả năng của bạn và điều này sẽ làm tăng tiến tính cách vững chãi nơi bạn. Biết sử dụng thông minh và tình thương, bạn có thể giải quyết được những khó khăn trong sự sống hằng ngày, đức tự tin này cũng sẽ làm tăng tiến tính cách vững chãi nơi bạn. Thở vào, tôi ngồi vững như một trái núi; thở ra, tôi cảm thấy sự vững chãi và ổn định trong tôi. Thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo của tự thân giúp bạn chế tác được thêm tính vững chãi của bạn. Có một con đường thực tập tâm linh, biết mình đang đi trên con đường ấy, bạn sẽ không còn e ngại, sợ hãi, điều này cũng giúp nhiều cho sự vững chãi của bạn. “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ.” Con đường này là con đường Niệm Định Tuệ, con đường của sự thực tập năm giới: bảo vệ sự sống, chia sẻ thì giờ và tài vật của mình với những kẻ thiếu thốn, tự bảo hộ và bảo hộ cho mọi người được an toàn không bị nạn tà dâm và sự lạm dụng tình dục tàn hại, thực tập ái ngữ và lắng nghe, và tiêu thụ trong chánh niệm để đừng làm bại hoại thân tâm.

alt


Nước Tĩnh Lặng Chiếu

Nước tĩnh lặng chiếu là hình ảnh của tâm bình lặng. Tâm bình lặng là khi tâm không bị những tâm hành giận hờn, ghen tị, sợ hãi và lo lắng làm cho xao động. Bạn cứ hình dung một mặt hồ nước tĩnh trên núi, phản chiếu mây trời và các đỉnh núi rõ nét cho đến nỗi ta có thể chụp hình mây trời và đỉnh núi khi đưa ống kính hướng về mặt hồ. Tâm ta tĩnh lặng thì ta cũng phản chiếu được sự thực một cách trung thực, không làm cho sự thực méo mó. Hơi thở và thế ngồi cũng như bước chân chánh niệm có thể làm lắng dịu lại được những tâm hành như giận hờn, sợ hãi, tuyệt vọng... Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt có đưa ra một bài tập gọi là An tịnh tâm hành, làm cho tâm hành an tịnh. Tâm hành đây là những trạng thái giận hờn, sợ hãi, lo lắng, v.v... “Thở vào, tôi nhận diện được tâm hành đang có mặt trong tôi.”  Bạn có thể gọi tên tâm hành ấy. Nó là sự bực bội. Nó là sự lo lắng, v.v...  Ta không cần phải đàn áp nó, chê trách nó, xua đuổi nó. Ta chỉ cần nhận diện sự có mặt của nó là đủ. Đó là phép nhận diện đơn thuần, không tìm cách níu kéo cũng không tìm cách xua đuổi. “Thở ra, tôi làm lắng dịu tâm hành trong tôi.” Hơi thở chánh niệm khi nhận diện và ôm ấp tâm hành có khả năng làm lắng dịu tâm hành. Bài tập này cũng giống như bài tập mà bạn đã học để làm lắng dịu thân hành, nghĩa là lắng dịu những căng thẳng và đau nhức trong thân. Bài này cũng là của Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở.  Bạn là người hành giả, nghĩa là người thực tập thiền quán, chứ không phải chỉ là một học giả hay một lý thuyết gia về thiền. Vì vậy, bạn nên luyện tập để làm lắng dịu những tâm hành, những cảm xúc của mình khi chúng bắt đầu phát hiện. Như vậy bạn mới có thể làm chủ được thân tâm và không gây đổ vỡ trong bạn cũng như người khác, kể cả người thương của bạn.

Thiền Tập Cho Những Người Bận Rộn là tập sách mới của Sư Ông chưa xuất bản, BBT sẽ giới thiệu đến các bạn mỗi kỳ một chương ngắn để bạn có thể vừa đọc và vừa thực tập. Chúc bạn có nhiều niềm vui và thành công trong sự thực tập :).


HT Thích Nhất Hạnh