Đốt, rải vàng mã: nên bỏ!

Theo ước tính, mỗi năm nạn đốt vàng mã có thể tiêu tốn đến hàng trăm tỉ đồng - ảnh: L.Q.P
Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng việc đốt nhà lầu, xe hơi vàng mã sẽ giúp linh hồn người thân nơi suối vàng được ấm áp, siêu thoát..., nhiều vị sư thầy khuyên nên bỏ tập tục này vì nó khiến cả người sống và người chết đều... mang tội.

Vung phí tiền bạc

9 giờ sáng, phố Hàng Mã, Hà Nội đã nườm nượp người mua bán. Một con ngựa hàng mã nhỏ giá 50 ngàn đồng, một con ngựa cỡ trung giá 200.000 đồng, một chiếc xe hơi làm theo kiểu Lexus 460 thời thượng giá 2 triệu đồng, xe Ferrari, BMW... thậm chí cả Porscher cũng sẽ được làm như thật, miễn là khách mang một tấm ảnh (với dòng xe độc) và đặt tiền trước, hàng sẽ được giao tận nơi, đúng hẹn.

Khi tôi đề nghị làm cho một chiếc... du thuyền, chị chủ cửa hàng tên T. đon đả: “Thú thật chị cũng chưa tưởng tượng ra cái du thuyền nó dọc ngang ra sao. Nhưng được, chú cứ mang ảnh lên đây, nếu muốn thật giống thì phải mang ảnh chụp ở nhiều góc, từ đằng trước, đằng sau, bên sườn tàu, thậm chí cả nội thất. Chị sẽ đặt những nghệ nhân đỉnh nhất cho chú”. Sau khi tôi mang 4 tấm ảnh lên, chị T. gọi điện đi các nơi một hồi rồi ra giá chiếc du thuyền dài 1m là 4,5 triệu đồng, đặt trước 2 triệu, giao hàng tận nơi sau 10 ngày.

 

Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội vừa ra thông báo sẽ không cấp phép in các loại tiền vàng mã nhái theo các mẫu tiền polymer bởi việc in ấn loại tiền này dễ dẫn đến việc nhầm lẫn tiền thật - tiền giả. Ngoài ra, dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Xuất bản đang được Bộ Thông tin - Truyền thông hoàn thành cũng sẽ đề cập đến vấn đề in ấn vàng mã, giấy tiền trong đó quy định không cho in các giấy “tiền âm phủ” giống tiền đồng.

Với quan niệm “dương sao âm vậy”, nhiều người đã bỏ cả chục triệu đồng mua vàng mã để đốt cho vong linh người thân dưới suối vàng. Chị Lê Thị Hoa ở phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội phải thuê một chiếc xe ba bánh chở ngựa, biệt thự, điện thoại, quần áo ra hè đường Vành đai 3 để đốt, bởi nếu đốt từng thứ trên sân thượng thì chị tính phải đốt ròng rã trong 2 ngày mới hết. Chị Hoa than thở: “Ngày giỗ đầu bố tôi, các thầy bảo phải mua đủ vàng mã, ô tô, xe máy, xe ngựa cho các cụ đi được tại nhiều địa hình ở dưới âm phủ. Nghe các thầy nói thế nào mẹ tôi cũng bắt con cái mua đủ như thế, không thì không yên tâm. Mua về khấn bái xong, đến lúc đốt thì phải khốn khổ tìm chỗ. Cuối cùng, đành thuê xe ba bánh chở ra hè đường mới mở để đốt, không thì dễ cháy cả dây điện”.

Một "kỷ lục" tại Hà thành cũng được xác lập trong ngày lễ Vu lan năm 2009 khi một đại gia thầu cát xây dựng tại sông Hồng đã bỏ ra tới hơn 400 triệu đồng, thuê 1 nghệ nhân, 5 thợ trong 2 tháng trời để làm 1.000 người - ngựa hàng mã, trong đó có 250 người - ngựa kích thước tương đương thật, 250 cỡ lớn, 250 cỡ vừa, 250 cỡ nhỏ. Sau khi làm lễ, khấn vái Thổ công, Hà bá, số vàng mã đã được đốt ngùn ngụt làm sáng rực cả một vùng bãi giữa, tro bay rợp mặt sông Hồng.

Để tiền làm điều thiện

Điều đáng ngạc nhiên là khi chúng tôi hỏi chuyện các sư thầy tại nhiều chùa từ Bắc chí Nam, hầu hết các thầy đều khẳng định: Kinh Phật không dạy đệ tử đốt vàng mã.

Thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội), giải thích: Tục đốt vàng mã là một tục lệ của dân gian, xuất phát từ Trung Quốc, không phải bắt nguồn từ nhà Phật. “Tôi từng chứng kiến có người lập đàn giải oan đốt vàng mã mất mười mấy triệu đồng. Tôi cho rằng đó là việc làm mà cả người sống lẫn người chết đều có tội. Bởi lẽ, việc người sống vung phí tiền bạc, mua vàng mã, làm lễ to lễ nhỏ sát sinh gà lợn là có tội. Vì người chết mà người sống hoang phí, sát sinh, nên người chết cũng có tội. Tại chùa chúng tôi, những người rước vong vào chùa, tôi chỉ cho đốt đúng một bộ quần áo sứ giả, không có bộ thứ hai. Tôi vẫn giải thích với con nhang đệ tử là đốt nhà lầu, xe hơi xuống đó không những không giúp cho vong hồn ấm áp mà có khi còn khiến họ mang tội, không được lên trời. Nếu khi sống họ làm nhiều điều thiện, khi họ chết đi, con cái mang tiền thay vì mua vàng mã để đem bố thí cho người nghèo, người khó khăn ở vùng sâu vùng xa thì người chết cũng được hưởng phúc”, thầy Thích Nữ Như Hiền nói.

Đại đức Thích Thiện Mỹ, trụ trì chùa Viên Giác, TP Biên Hòa, Đồng Nai cũng khẳng định việc đốt vàng mã không bắt nguồn từ đạo Phật. Đại đức nói: “Khi chết đi, người thân tưởng nhớ, cầu nguyện cho họ là họ nhận được rồi, chứ không phải đốt vàng mã, tàu xe, nhà lầu là giúp họ được sung sướng. Với chùa chúng tôi, ai mang vàng mã đến tôi đều bảo họ mang về, nếu họ vẫn muốn đốt thì họ có thể đốt ở đâu cũng được, nhưng không phải trong chùa”.

 

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó ban thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM: “Phải hiểu rằng, khi đốt tiền, vàng mã ra tro thì người chết cũng không xài được. Đã có trường hợp đốt nhà giả mà cháy nhà thiệt. Nếu tưởng nhớ hoặc thương người chết quá thì cũng nên nghĩ đến họ mà làm những việc phước báo để người mất yên lòng, bằng cách làm những việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Các hộ ma chay cũng không nên rải vàng mã trên đường, vì như thế sẽ bắt người khác quét dọn, lại gây quả báo”.

Đại đức Thích Nhật Từ, tiến sĩ Triết học, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: “Quan tâm đến người quá cố là một phương diện mang lại hạnh phúc cho người đang sống. Suy nghĩ đó là tốt, nhằm thể hiện tình cảm giữa người sống và người chết, duy trì truyền thống văn hóa của gia tộc, nhưng đã đến lúc, cần thể hiện bằng cách tích cực hơn... Nếu cứ tích lũy hết giấy vàng mã đã đốt từ hàng ngàn năm qua, thì đủ tiền xây dựng một quốc gia hùng cường và triệu triệu căn nhà cho người nghèo... Sự biểu hiện tình thương đối với người chết bằng quan niệm trên là vô lý”.

Minh Nam (ghi)

Thanh Phong (thanhnien)