MỘT SỐ ÐẶC TÍNH ÐẶC BIỆT CỦA PHẬT GIÁO

ÐỨC PHẬT LÀ MỘT CON NGƯỜI CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THƯỢNG ÐẾ

Nhiều tôn giáo lớn trên thế giới ngoại trừ Phật giáo cho rằng vị đứng đầu tối cao nhất của tôn giáo luôn luôn là Thượng đế với tất cả quyền năng siêu nhiên. Thượng đế này có quyền hạn tối cao, biết được quá khứ và tương lai và điều khiển tất cả nhân loại trong vũ trụ này. Nhân loại trong vũ trụ này đều thờ phụng vị Thượng đế đó. Chỉ có những ai tin tưởng vào vị Thượng đế này mới có thể được cứu rỗi và đạt được hạnh phúc trường cữu.

Ðạo Phật dạy rằng mỗi con người trong vũ trụ này là vị chủ nhân của chính mình, kiểm soát số mệnh của mình và không có một con người nào hay một đấng Thượng đế quyền năng siêu nhiên kiểm soát anh ta. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng đắc quả vị giác ngộ, những thành tựu và những kết quả nhờ vào những nỗ lực tu tập lớn lao và trí tuệ của chính Ngài.

Phật giáo dạy rằng sự may mắn hay bất hạnh, thành công hay thất bại là do những hành động-nghiệp cá nhân người ấy quyết định, tuỳ theo nghiệp thiện hay ác và những nỗ lực của chính bản thân vị ấy. Ðức Phật có thể chỉ cho vị ấy con đường song chính bản thân vị ấy phải đi trên con đường ấy. Trong Phật giáo, không có một chúng sanh nào cao thượng hơn giống như Thượng đế cao hơn tất cả những con người khác. Ðức Phật là một con người và chính con người này có thể trở thành một vị Phật.

PHẬT QUẢ NHỜ VÀO SỰ TU TẬP MỚI CÓ THỂ ÐẠT ÐƯỢC CHỨ KHÔNG PHẢI TỰ NHIÊN SANH RA.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như tất cả chúng ta, là con người bình thường. Nhờ vào trí tuệ và sự tu tập của Ngài, Ngài giác ngộ và thành Phật. Mỗi con người có thể dẫm bước chân theo gót của Ngài để thực hành những lời dạy của Ngài và giác ngộ.

“Buddha” chỉ là một thuật ngữ chúng ta dùng để liên hệ đến một con người đã giác ngộ. Giống như chúng ta liên hệ đến một ai đó có khả năng “thuyết giảng, hướng dẫn và giải quyết những vấn đề” như là bậc thầy. Không chỉ có duy nhất một bậc thầy. Mỗi người đều có thể thành thầy và có thể có nhiều vị thấy ở khắp mọi nơi. Tương tự như vậy, Phật không chỉ liên hệ đến một mình đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Có thể chư Phật hiện hữu ở khắp mọi nới, ở thế giới này, ở thế giới khác và ở vũ trụ khác.


PHẬT GIÁO KHÔNG CHỐNG LẠI NHỮNG TÔN GIÁO KHÁC.

Hầu hết những tôn giáo trên thế giới chỉ công nhận tôn giáo của họ là tôn giáo chân thật duy nhất và chống lại tất cả những tôn giáo khác và cho đó là tôn giáo mê tín dị đoan.

Phật giáo dạy rằng trong tất cả những tôn giáo trên thế giới, chỉ có một sự khác biệt duy nhất trong sự đa dạng của hệ thống giáo lý, còn điểm khác biệt về cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai dường như rất ít. Mỗi tôn giáo có thể tồn tại trên thế gian này hơn 1000 năm ắt hẳn mang lại những lợi ích cho nhân loại, phải được thừa nhận và thực hành theo trong một thời gian lâu dài. Nếu không thì những tôn giáo này ắt sẽ bị trí tuệ nhân loại thanh lọc và loại bỏ dần.

Trong hơn 2500 năm lịch sử Phật giáo, tôn giáo này luôn luôn tồn tại trong tinh thần hài hoà với những tôn giáo khác. Không có một sự kiện nào trong lịch sử nơi mà sự truyền bá hoặc thuyết giảng giáo lý Phật đà đã tạo ra những sự xung đột với những tôn giáo khác để lại kết quả những cuộc chiến đẫm máu. Phật giáo đích thực là một tôn giáo khoan dung nhất, hiểu biết nhất và hoà bình nhất.

Người Phật tử được giáo dục: “Không nên chỉ tôn trọng tôn giáo của chính mình và phỉ báng tôn giáo của những người khác mà các vị phải tôn trọng tôn giáo của những người khác. Bằng thái độ như vậy ngoài việc giúp cho tôn giáo của chính mình phát triển mà các vị còn hoàn thành trách nhiệm của mình đối với những tôn giáo khác. Nếu ngược lại, trong khi làm hại đến tôn giáo của những người khác, các vị cũng đang làm hại đến tôn giáo của chính mình”. Thái độ khoan dung và thành thật này là một trong những đặc tính quý giá nhất của Phật giáo.

Theo triển vọng của Phật giáo, niềm tin chân thật không có giới hạn biên giới của quốc gia và nó không yêu cầu nhãn hiệu đăng ký của tôn giáo. Nó cũng không là tài sản riêng của bất kỳ một tôn giáo nào hoặc là của bất cứ một cá nhân nào trong một thời điểm nhất định nào. “Giáo lý chân thật do đức Phật thuyết giảng không phải là sở hữu dành riêng cho Ngài, Ngài chỉ đơn giản là một người đã khám phá ra chân lý. Cũng giống như trường hợp Newton đã khám phá ra trọng lực, chứ ông không sở hữu quy luật đó.

Ðó là lý do tại sao đạo Phật dạy rằng tất cả những học thuyết duy lý và vĩnh cữu của bất kỳ một tôn giáo nào cũng được xem như là những nguyên lý Phật giáo và nhiều nguyên lý Phật giáo cũng là một phần của những giáo lý của những tôn giáo khác.

Hãy yêu thương kẻ thù của bạn” xuất phát từ Thánh Kinh của Cơ đốc giáo. Phật giáo chấp nhận chân lý này mà không cần giải thích và chân lý này cũng được nhấn mạnh theo một cách tương tự trong giáo lý của Phật giáo. Một số điều trong mười điều răn của Cơ đốc giáo cũng tương tự như Năm giới của Phật giáo.


PHẬT GIÁO TƯƠNG XỨNG VỚI KHOA HỌC

Không có một sự xung đột nào xảy ra giữa Phật giáo và khoa học và mục đích chung của Phật giáo và khoa học là theo đuổi “chân lý” và “sự kiện”. Nhiều điểm trong giáo lý của đức Phật thật tương xứng với những phát minh của khoa học hiện đại.

a. Ðức Phật dạy: “Không gian không có điểm kết thúc và có vô số hằng hà sa số thế giới”. Ðiều này có nghĩa là vũ trụ không có sự hạn chế và có vô số ngôi sao và hành tinh.

Chính chỉ sau khi nhà thiên văn Galileo bắt đầu quan sát những vì sao bằng một kính thiên văn mà con người có sự hiểu biết cao hơn về vũ trụ. Con người bắt đầu hiểu và chấp nhận rằng trái đất không phải là trọng tâm của vũ trụ. Trái đất chỉ là  một hành tinh nhỏ trong hệ thái dương này và vũ trụ có vô số hệ thái dương.

Hơn 2500 trước đây, không có kính thiên văn, đức Phật đã cho chúng ta biết về vô số vũ trụ và vô số vì sao không thể tính được trên bầu trời. Ngài thực sự là một con người trí đã giác ngộ để mô tả chân lý về những bí mật vô cùng to lớn của vũ trụ.

b. Ðức Phật cũng nói về vô số sự sống trong vũ trụ này và ở những thế giới khác. Ngài chỉ trong một ly nước và nói rằng có 84 nghìn mạng sống ở trong nước (84.000 tượng trưng cho một số lượng lớn).

Ngày nay các khoa học gia không thể từ chối khả năng của sự hiện hữu sự sống trong những vì sao và những hành tinh khác. Dưới một kiến hiển vi, một ly nước có hàng triệu tiểu sinh vật sống. Hơn 2500 năm trước đây khi mà đức Phật tiết lộ một sự kiện chính xác như thế mà không cần kính hiển vi thì chắc chắn rằng Ngài có một trí tuệ tuyệt vời làm người ta kinh ngạc.

c. Một trong những nguyên lý của Phật giáo cho rằng không có gì đứng yên, không thay đổi, vật chất có thể bị huỷ diệt và có thể được tạo ra.

Nguyên lý này mâu thuẫn với những lý thuyết khoa học mãi cho đến khi thuyết nguyên tử của nhà vật lý học Albert Einstein E=MC2  chứng minh rằng vật chất có thể được chuyển đổi thành năng lượng (vật chất biến mất) và vật chất cũng có thể được tạo ra từ năng lượng (sự tạo ra vật chất).

d. Ðức Phật có lần nói rằng thời gian để Ngài thuyết xong một bài pháp trên thế gian này, thì hàng nghìn năm trôi qua ở một thế giới khác. Câu chuyện dường như không thể tin được này dường như không còn là quá vô lý nữa sau khi nhà vật lý học Einstein phát minh ra Thuyết tương đối.

Trong lịch sử nhân loại, khoa học đã được xem như là một sự đe doạ đối với những quan điểm của tôn giáo về con người và vũ trụ từ thời của Galileo, Bruno và Copernicus, những người rất có công trong việc làm thay đổi những ý niệm sai lầm về vũ trụ. Thuyết tiến hoá và ngành vật lý học hiện đại đã xung đột với những nguyên lý được thừa nhận của nhiều tôn giáo liên quan đến vấn đề con người và tâm thức của anh ta như đã được ghi lại trong “thánh điển” của họ. Tuy nhiên, những nguyên lý cơ bản của Phật giáo lại hoà hợp với những phát hiện của khoa học và không chống đối với khoa học tý nào.

Vào ngày 19 tháng 05 năm 1939, Albert Einstein, khoa học gia vĩ đại của thời đại nguyên tử, đã đọc một bài diễn thuyết rất chú ý về đề tài: “Khoa học và tôn giáo” tại Princeton, New Jersy, Hoa Kỳ. Ông cho rằng: “Không có sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo, khoa học yêu cầu thế giới là gì và tôn giáo hỏi con người và xã hội nên trở thành gì? Einstein đánh giá cao về Phật giáo: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, Thượng đế cá nhân, không  giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description).

Ðồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học". (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science).

Ngoài Einstein ra còn có những triết gia, khoa học gia, sử gia, tâm lý gia và những tư tưởng của thời đại tân tiến như H.G.Wells, Betrand Russel, Aldous Huxley, C.G Jung, Erich Fromm v.v....đánh giá rất cao về Phật giáo.

Khoa học mà không có luân lý đạo đức báo hiệu sự huỷ diệt. Khoa học kết hợp với tôn giáo như Phật giáo có thể cứu sống được thế giới và kiến tạo một thế giới hạnh phúc cho nhân loại trú ngụ. Quan trọng hơn, Phật giáo còn tiến xa hơn những giới hạn của khoa học.

PHẬT GIÁO LÀ TÔN GIÁO DÂN CHỦ VÀ TỰ DO

Trong một số tôn giáo khác, những lời nói (giáo lý) do bậc sáng lập nói ra là những ‘mệnh lệnh’ không thể bị từ chối và ‘chân lý phúc âm’ không thể bị hoài nghi. Bất cứ ai hoài nghi hay không tuân theo phúc âm thì sẽ bị Thượng đế “trừng phạt”. Có một số mẩu chuyện nói về “thánh kinh” trong một số tôn giáo khác cho rằng con người bị Chúa trừng phạt nghiêm khắc bởi vì họ không tuân theo những mệnh lệnh của Chúa.

Trong kinh điển Phật giáo, đức Phật không bao giờ bày tỏ thái độ giận giữ. Ðức Phật cũng không đưa ra những hình phạt. Trong một khoảng thời gian 45 năm thuyết giảng, Ngài luôn luôn biểu hiện thái độ tử tế, điềm đạm, thanh tịnh và vắng lặng đối với cả người tốt lẫn người xấu.

Ðức Phật không bao giờ ép buộc đệ tử Ngài phải chấp nhận giáo lý của Ngài. Ngài thường xuyên khích lệ họ hãy bày tỏ sự hoài nghi và chất vấn. Ngài nói: “nghi ngờ ít sẽ dẫn đến kết quả là giác ngộ chậm, chỉ có nghi ngờ càng nhiều, càng lớn thì sự giác ngộ càng cao, càng lớn, không có nghi ngờ thì không có sự giác ngộ”.

Trong những ngày cuối cùng của mình, đức Phật giáo huấn chư đệ tử Ngài: “Ta không bao giờ nghĩ các vị là học trò hoặc là đệ tử của ta. Ta chỉ là một trong số các vị, thường xuyên thân cận với các vị. Ta không bao giờ ép buộc ai phải lắng nghe ta nói và Ta không muốn ai phải tuân theo mệnh lệnh Ta”. Thật là một điều tuyệt vời và cảm kích làm sao!

Người ta không thể ép buộc phải chấp nhận niềm tin chân chánh. Họ không thể được thuyết phục để chấp nhận những gì mà họ không hiểu hoặc là những gì họ không thích. Ðó là một hành vi mang tính chính trị chứ không phải mang tính tôn giáo. Niềm tin chân chánh sẽ chỉ có  ảnh hưởng và phát triển dưới môi trường dân chủ và hoàn toàn tự do. Sau những tư duy thận trọng và sự phân biệt được lặp đi lặp lại thì tinh thần và giá trị của niềm tin chân chánh sẽ thực sự chói sáng.

Trong Phật giáo, tinh thần cho phép và khích lệ người tín đồ tự do hoài nghi, chất vấn hoặc là thâm chí khám phá những lời dạy của bậc thầy sáng lập tôn giáo của họ, chắc chắn sẽ là một tinh thần độc nhất vô nhị trong số tất cả những tôn giáo trên thế giới. Trong số tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có bậc sáng lập Phật giáo và kinh điển Phật giáo cho phép người ta hoài nghi, thảo luận, chất vấn và khám phá. Phật giáo mời gọi người ta đến để nghiên cứu Phật giáo với tinh thần nghiên cứu tìm tòi, có tính cách độc lập tự chủ và với trí tuệ.

Phật giáo mời gọi tất cả mọi người hãy đến và chính mình chứng kiến và cho phép họ chấp nhận những gì chỉ là sự thật, phù hợp với lý trí, logic và chân lý. Phật giáo khích lệ người tìm kiếm chân lý hãy bác bỏ những gì gọi là tin đồn, niềm tin mù quáng, thần thông và quyền thuật. Những nguyên lý của Phật giáo mời gọi sư chỉ trích và kiểm nghiệm. Do vậy, Phật giáo là một nhân tố hấp dẫn nhất và thu hút nhất đối với đầu óc của những con người trong thời đại tân tiến.


Yat Biu Ching
Ðại đức Thích Quảng Bảo dịch

Bài viết này được trích trong cuốn “Buddhism You Too Can Understand” của Yat-Biu Ching.