Chùa Hà, di tích văn hóa tín ngưỡng của Thủ đô

KTĐT -Chùa Hà thuộc xóm Bối Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chùa có tên thường gọi là chùa Hà, theo địa danh của xóm Bối Hà, tên chữ là chùa Thánh Đức. Chùa là một trong những địa danh tín ngưỡng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, được khởi dựng từ thời Hậu Lê, trên một vùng quê văn hiến ở phía tây kinh thành Thăng Long. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ quanh vùng như chùa Thánh Chúa, chùa Láng, chùa Hà được xây dựng rất sớm để thờ Phật, thờ mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Với vị trí đắc địa, chùa còn là một cơ sở cách mạng an toàn của Xứ uỷ Bắc kỳ những năm 1941- 1945.

Đến thăm chùa Hà ngày hôm nay, ta thấy các công trình kiến trúc được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, mái chùa nép mình dưới vòm cây cổ thụ. Ngoài cùng là tam quan rồi đến vườn cây, núi non bộ, hồ bán nguyệt thả sen. Phía trong sân là toà tam bảo kết cấu kiểu chữ đinh gắn tiền đường với Phật điện. Mái nhà tiền đường làm kiểu chồng diêm hai tầng mái lợp ngói ống, bờ nóc thượng điện đắp phượng chầu mặt trăng. Toà thượng điện ba gian xây kiểu bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Đặc biệt gác chuông xây hai tầng, có cầu thang lên gác. Tầng trên có mái chồng diêm, giữa mái đắp hình mặt trời lửa trên mặt hổ phù, hai đốc mái đắp hình rồng đuôi xoắn miệng ngậm bờ nóc mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới ba gian dựng trên 12 cột trụ xây nổi trong tường tạo ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn hai bên. Trên mặt tường nối hai cửa phía ngoài đắp nổi hình rồng - hổ theo phương vị “Đông Thanh Long - Tây Bạch Hổ”. Năm 2001 chùa khánh thành khu nhà Mẫu, nhà Tổ kiến trúc đồ sộ, nguy nga thể hiện tài năng các nghệ nhân cuối thế kỷ XX.

Trong thượng điện của chùa còn lưu giữ một lư hương bằng đồng khắc ba chữ Hán “Thánh Đức tự ”. Theo các cụ cao tuổi trong làng, tên chùa Thánh Đức có từ thời Lê Thánh Tông. Tương truyền Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện, vua Lê Thánh Tông còn nhỏ phải chạy về chùa thôn Hậu (xã Dịch Vọng) cách chùa Hà khoảng 1000m để lánh nạn. Khi ấy vua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Hà. Sau đó hai chùa được đặt tên chữ là chùa Thánh Chúa và chùa Thánh Đức. Căn cứ truyền thuyết dân gian và khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật văn hoá hiện còn lưu giữ tại chùa như: chuông đồng, hoành phi câu đối, bia đá có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa vào thời Lê mạt. Hiện nay trước cửa chùa còn đôi câu đối có ghi “Lê triều Chính Hoà sáng tạo” có nghĩa là chùa được dựng năm Chính Hoà triều vua Lê Hy Tông. Trải qua thời gian dài tồn tại, qua những thăng trầm của lịch sử nhưng hiện nay chùa Hà vẫn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị nghệ thuật như: bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Đức Chúa Ông và Thánh Tăng, 18 tấm bia đá niên hiệu thời Nguyễn, nhiều câu đối, hoành phi có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và sự linh thiêng của Phật pháp và những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thuộc thế kỷ 19. Đặc biệt, quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799) hiện còn lưu giữ tại chùa là nguồn tư liệu quý để xác định về lịch sử của ngôi chùa. Chuông cao 1,3 mét, chu vi 1,5 mét. Thân chuông khắc bài minh do Nguyễn Khuê giữ chức Giáo thụ soạn. Bài minh có nhiều tư liệu nói về thời Tây Sơn: “Ngày trước nơi đây đất Phật trang nghiêm, nào tụng kinh nào chùa tháp. Nhưng rồi bỗng gặp binh biến, nhà chùa im vắng tiếng chuông. Sau đó một lần tìm đúc lại cũng không thành. Mãi đến ngày tốt tháng 1 năm Kỷ Mùi (1799) các quan viên hương lão và người bốn giáp trong làng bỏ tiền của để lo việc đúc chuông. Rồi đặt nơi thu đồng, nấu đồng làm chuông và đúc thành quả phúc. Chuông này nặng hơn 300 cân, cao một thước 6 tấc. Tiếng chuông ngân vang ấm áp hương trời”.

Chùa Hà có địa thế và cảnh quan thuận lợi cho hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng. Tháng 6 năm 1945, Thành uỷ Hà Nội tổ chức lớp tập huấn chính trị quân sự cho cán bộ tự vệ và thanh niên xung phong bí mật toàn thành tại chùa Ha, dưới danh nghĩa Hướng đạo sinh đi cắm trại. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành uỷ đã triệu tập và trực tiếp chủ trì cuộc họp các cán bộ lãnh đạo tự vệ và thanh niên tuyên truyền xung phong toàn thành phố ở tam quan chùa Hà. Trải qua thời gian dài, đến nay tại chùa Hà còn bảo tồn nguyên trạng cổng tam quan một vật chứng lịch sử nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng, góp phần tích cực cho cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp, đầu năm 1947, chùa Hà bị giặc phá huỷ chỉ còn sót lại tam quan, một phần Phật điện với một số tượng Phật, trong đó có tượng Quan Thế Âm và tượng Đức Ông cao 1,92 mét tạo tác tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thê kỷ XVIII. Cụ Đức người trông chùa ngày ấy đã dựng lại mái chùa bằng tre gỗ đơn sơ. Năm 1988, bằng tiền công đức của dân, từng bước chùa được tu sửa. Để có các hạng mục kiến trúc đẹp, thanh nhã, hài hoà với cảnh quan như hiện nay.

Chùa Hà là di tích lịch sử cách mạng, mấy chục năm nay đã trở thành danh thắng của Thủ đô bởi những giá trị lịch sử văn hóa ẩn tàng trong khối kiến trúc bình dị mà thâm nghiêm. Trong các ngày lễ tết, tuần rằm mồng một có hàng vạn thiện nam tín nữ đến vãn cảnh lễ Phật ở chùa Hà. Năm 1982, chùa đã được gắn biển “Di tích cách mạng”. Tháng 12 năm 1996, chùa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng bảo tồn. Tháng 1 năm 2002, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khoá XII đã quyết định đặt tên cho đoạn đường từ đường Cầu Giấy qua cửa chùa Hà và trường Tiểu học Dịch Vọng B đến phố Tô Hiệu dài 800 mét rộng từ 6 đến 8 mét là phố Chùa Hà.

 

Tuyết Lê