Tin tổng hợp: Nguyên nhân tục đốt vàng mã

Nguyên nhân đốt giấy vàng mã phát xuất từ sự mê tín, tín ngưỡng dân gian và được cổ vũ bởi những gian thương. Đốt đồ vàng mã chưa bao giờ được chấp nhận trong Phật giáo dù dưới hình thức nào. Thế nhưng người ta cứ đem đồ vàng mã đến chùa đốt ngày càng nhiều và lầm tưởng chúng xuất phát từ cửa chùa.

Rất đáng tiếc các cơ quan chính quyền đã không có những biện pháp cứng rắn để bài trừ sự mê tín này. Xin đừng nói rằng làm không được vì nó đã ăn sâu vào lòng người và là tín ngưỡng của người dân. Bởi vì chúng ta cũng đã có những lệnh còn khó làm hơn thế nhưng chúng ta đã làm được ví dụ như lệnh cấm đốt pháo.

Mỗi năm chúng ta đã thiêu đốt bao nhiêu tiền cho việc đốt giấy vàng mã ? Nếu chúng ta dùng tiền đó giúp người nghèo khổ neo đơn có miếng ăn cái mặc, giúp những người bệnh phong cùi đang sống khốn khổ trong các trại phong cùi. Thì thế gian sẽ có thêm niềm vui và giảm bớt rất nhiều 

Mùa xuân lại sắp đến cũng đồng nghĩa mùa đốt vàng mã lại sắp đến, chúng tôi biên tập một số bài viết tìm hiểu về việc đốt vàng mã mong có thể làm sáng tỏ và chấm dứt việc lãng phí mang đầy sự mê tín này. Thiền Minh

NGUYÊN NHÂN TỤC ĐỐT VÀNG Mà 


Ở đời, cái gì cũng phải có nguyên nhân mới có kết quả, tục đốt vàng mã cũng vậy.

Đọc kinh Dịch nhà Nho, chúng ta thấy rằng: tục chôn người chết của người Trung Hoa về đời thượng cổ, một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan không ván, lại cũng không khanh phần mộ gì cả. Đến đời vua Hoàng đế (267 tr. TL) cho rằng: con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan, quách để chôn cất. Trải qua đời Hoàng đế, đến đời Đường Ngu, tục lệ chôn cất người chết chỉ có thế.

Nối nhà Ngu là nhà Hạ (2205 tr. TL), người Trung Hoa mới bắt đầu dùng đất sét nặn làm mâm bát, dùng tre gỗ làm nhạc khí, như chuông khánh, đàn sáo v.v... để chôn theo người chết. Các đồ vật đó được gọi là minh khí, hoặc gọi là quý khí, tức là những đồ vật đem chôn theo cho thần hồn người chết dùng ở âm phủ, lễ nhạc đối với người chết bắt đầu có từ đấy. Đã chế ra đồ dùng cho người chết, tất nhiên phải có kẻ hầu hạ người chết, thế là người ta lại chế ra người bù nhìn bằng gỗ đem chôn theo người chết. Đến đời nhà Ân (1765 tr.TL), lại không dùng mâm bát đồ đất và nhạc khí bằng tre gỗ để chôn theo người chết nữa, họ dùng toàn đồ thật chôn theo.

Đến đời nhà Chu (1122 tr.TL), người Trung Hoa đã bắt đầu văn minh hơn; cố nhiên lễ nhạc đối với người chết cũng được ăn nhịp mà tiến bộ, người chết đối với người chết, đã được người sống phân ra giai cấp sang, hèn trong việc thực hiện lễ nghi chôn cất. Từ vua cho đến các quan lớn khi chết đi, sẽ được dùng cả đồ vật giả theo lệ nhà Hạ, đồ vật thật theo lệ nhà Ân để chôn theo các vua chúa đã chết; còn từ hạng sĩ phu tới bình dân, khi chết chỉ được chôn theo độc nhất một thứ đồ giả thôi. Nếu người hèn hạ nào mà dùng lễ nghi ngang với người sang, tức khắc phải tội "tiếm lễ".
 
Không những thế, dã man nhất, độc ác nhất là người ta còn bịa đặt ra những "tuẫn táng"; nghĩa là khi các vua và các quan lớn chết đi, từ vợ con đến bộ hạ của các vua, các quan lớn, đồ yêu quý của người chết khi còn sống, sẽ phải đem chôn sống để làm đồ dùng khi đã chết. Sách Tả Truyện chép: "Đời vua Văn Công thứ sáu, vua Trần Mục Công tên là Hiếu Nhân chết, ba anh em họ Tứ Xa là Yểm Tục, Trọng Hành và Chàm Hổ đều bị chôn sống theo Mục Công. Người trong nước tỏ lòng thương tiếc ba anh em họ Tứ Xa là người hiền đức, mới làm ra thơ Hoàng Diệu để tỏ ý than vãn, mỉa mai. Trong thơ đại ý nói: Ba anh em họ Tứ xa đều là những người hiền đức gấp trăm nghìn người khác, trời đất ơi! Sao nỡ đem chôn sống để đi theo người đã tận số là Mục Công. Nếu ba trăm người như chúng tôi này được chết theo Mục Công để thế mệnh cho ba người hiền đức ấy, chúng tôi rất vui lòng mà chết thay".

Về sau người ta cũng biết đem người sống chôn theo với người chết là vô nhân đạo, mới chế ra người cỏ Sô Linh, sau vì người cỏ không được mỹ thuật, người ta lại dùng đồ gỗ "Mộc ngẫu" như trước. Sách Trang Tử chép: "Vua Mục vương nhà Chu (1001 tr. TL) có người tên là Yến Sư chế ra người cỏ để chôn theo người chết. Đức Khổng Tử đọc đến chuyện này liền than rằng: Kẻ nào sinh ra tục chôn người gỗ theo với người chết là bất nhân. Thầy Mạnh Tử cũng đau buồn với tục hình nhân thế mệnh mà nguyền một câu rằng: Kẻ nào dùng người bù nhìn là tuyệt tự".

Đến thời nhà Hán, giới trí thức Nho học cảm động với lời tuyệt cự thống thiết của ngài Khổng, Mạnh trong tục lệ dùng người sống chôn theo với người chết, mới bỏ tục lệ "tuẫn táng", không dùng người sống chôn theo với người chết nữa, nhưng lại làm ra nhà mồ để cho vợ, con, tôi, tớ người đã chết ra để ấp mộ. Còn các thức đồ ăn mặc... của người chết kia, khi còn sống dùng những thứ gì, khi chết cũng đem chôn theo hết. Ngôi nhà mồ kia muốn cho thêm oai vẻ, người ta lại đục phỗng đá, voi, ngựa đá để bài trí chung quang phần mộ.

Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo v.v... đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Sách Thông Giám cương mục chép: "Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ vào hàng thủy tổ nghề vàng mã được".

Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Thế thì tại sao ngày rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo, mà một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để kính biếu gia tiên?
 
Nguyên nhân đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy là thế này: Vào thời vua Đạt Tôn nhà Đường (762) bên Trung Hoa, nhằm lúc Phật giáo cực thịnh, một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của người dân, vào tâu với nhà vua rằng: rằm tháng Bảy là ngày của Diêm Vương ở âm phủ xét tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ, trong việc lễ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong nhân dùng.

Vua Đạt Tôn đương muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời tâu của Đạo Tăng, liền hạ chiếu cho thiên hạ. Thế là nhân dân Trung Hoa lại được dịp thi nhau đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy để kính biếu gia tiên. Nhưng chẳng bao lâu lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo công kích bài trừ, vì cho rằng việc đốt vàng mã vào ngày lễ trọng của Phật giáo đã làm cho cái lệ ngày 15/7 không còn có chính nghĩa nữa. Phần lớn dân chúng Trung Hoa hồi đó đã tỉnh ngộ, cùng nhau bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà chuyên sinh sống về nghề nghiệp vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là người Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ, đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã.

Thất nghiệp, Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp hàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài, đã có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn, nước uống. Đương khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, Vương Luân với gia nhân và họ hàng của ông, đem cả hàng ngàn thứ đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mệnh ra cúng người chết. Họ bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ. "Chà! Chà! Phép quỷ thần mầu nhiệm quá nhỉ! Thiêng liêng quá nhỉ!" - khi mọi người đương suýt xoa khấn khứa, bỗng trăm nghìn mắt như một, trông thấy hai năm rõ mười, cỗ quan tài rung động lên.

Bấy giờ, Vương Luân đã đứng sẵn bên quan tài. Chàng giả cách chết kia cũng lò dò ngồi dậy, giả vờ lù dù, trông trước, trông sau, mới bước từ quan tài ra, với một điệu bộ như người chết đi sống lại, rồi thuật lại chuyện với công chúng rằng: "Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mệnh cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế". Công chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mệnh được và thành thần trong tam, tứ phủ cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng vì không những linh hồn các gia tiên dùng vàng mã, mà đến cả thiên, địa, quỷ, thần trong tam, tứ phủ cũng tiêu dùng đồ, thì nhiên là vàng mã phải đắt hàng. Chuyện này còn chép rõ ràng ở sách Trực Ngôn Cảnh Giáo.

Như thế, chúng ta nên thẳng thắng nhìn nhận rằng: "Bịa đặt ra tục mê tín, dị đoan, làm hình nhân thế mạng vào lễ tam, tứ phủ để đầu độc mê tín đến ngày nay là bắt đầu từ người Vương Luân. Người Trung Hoa đã bị cái bả mê tín vàng mã do Vương Luân đầu độc đến nay đã được 1847 năm (1052-1952). Dân tộc Việt Nam chúng ta mê tín cũng chẳng kém thế, nhưng vì trước đây, chúng ta bị họ đô hộ hơn 1.000 năm. Phong tục của người họ như thế nào, người mình cũng dập theo đúng khuôn khổ như vậy, bất luận hay, dở, phải, trái, tà, chính. Đó là do cái tính cẩu thả, phụ họa của người mình.

Nếu chúng ta đã thừa nhận tinh thần của dân tộc Việt Nam đều nhờ Phật giáo và Nho giáo đào tạo nên, vậy thì xin hỏi giới trí thức Việt Nam: hiện tại có ai tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần tôi xin thiết tha yêu cầu người Việt Nam ta bỏ tục vàng mã đi, và khuyên mọi người cùng bỏ tục ấy. Chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc Việt Nam này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy.

1952

HT Tố Liên


-------

Thiện tâm và vàng mã

Thái độ với người thân đã khuất là thể hiện tình yêu và thiện tâm của người đang sống. Tập tục đốt vàng mã “cho người cõi âm” như một hoạt động dẫn truyền để kết nối tâm linh của người đang sống với linh hồn những người thân đã mất. Thế nhưng thắp hương hay đốt thật nhiều vàng mã, “sáng chế” ra những kiểu vàng mã lạ đời như ô tô, xe máy, nhà lầu, thậm chí cả… du thuyền tốn cả hàng trăm triệu đồng để đốt và cho rằng tất cả những vật dụng ấy người cõi âm sẽ nhận được, là một điều tai ương.

Những người lắm tiền nhiều bạc quan niệm cứ mình xài cái gì thì người thân của mình ở thế giới khác cũng có thể xài y như vậy. Họ chứng tỏ “tình yêu thương kiểu đại gia” bằng cách đặt làm đủ kiểu vật dụng họ thường dùng, và “hóa vàng”, nhưng nhiều khi là “hóa” cả gỗ hay nhựa cho người thân đã khuất. Tôi cho đó chỉ là một tâm lý “chơi nổi” của nhà giàu, một tâm lý khoe của ở người sống, chứ không hẳn đã là tình yêu thương hay sự quan tâm đối với người đã khuất.

Không phải vì ta hóa vàng cho mẹ cha ta một cái nhà lầu, mấy cái xe hơi bằng… giấy mà chứng tỏ ta yêu mẹ cha ta hơn những người chỉ thắp hương và đốt những loại vàng mã bình thường theo truyền thống yêu mẹ cha họ. Ngược lại thì có! Vì khi ta thấy của là nặng, thì dĩ nhiên tình sẽ nhẹ. Khi ta chăm chút cho những xe hơi nhà lầu sẽ gửi xuống cõi âm, thì nhiều khi ta quên bẵng thắp hương hàng ngày hằng đêm cho cha mẹ ta -một việc làm cực giản dị nhưng nói lên rằng ta yêu thương họ, ta lúc nào cũng nhớ đến họ.

Những người thờ cúng ông bà và những người xuất gia thờ Phật đều có chung một tâm niệm: sự kính ngưỡng càng thanh khiết, càng trong sạch, càng giản dị bao nhiêu thì càng mang chứa được nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện được lòng thành chứ không phải là sự giả danh. Còn những hoạt động đốt vàng mã nhiều khi rất lãng phí, nhiều khi đến nhố nhăng kia lại có rất ít “hàm lượng” yêu thương thật sự trong đó, mà đơn giản chỉ là kiểu hợm hĩnh khoe của hay chứng tỏ “đẳng cấp” một cách rất thiếu khiêm nhường mà thôi.

Xin nói: khi anh có thể “nhẹ tay” đốt đi hàng trăm triệu đồng dưới dạng ngựa xe vàng mã, thì chưa hẳn cha mẹ hay người thân của anh ở chín suối vui vẻ, mà có thể họ phải đau lòng! Vì nhiều khi lúc họ tại thế, anh đã đối xử với họ không ra gì, anh quý của hơn người, yêu sự xa hoa giả tạo hơn những tình cảm chân thật. Như thế, dù anh có đốt cả thế gian này, anh cũng chẳng bao giờ gửi được tới họ một lời yêu thương nào, mà chỉ là sự giả dối!

Thanh Thảo


-------

Ngôi chùa “nói không” với vàng mã

alt
Hơn 10 năm qua phật tử chùa Liên Hoa không đốt vàng mã, quyên góp hơn 5 tỉ đồng làm từ thiện - Ảnh: M.Nam
Từ số tiền tiết kiệm "không đốt vàng mã", hơn 10 năm qua, chùa Liên Hoa đã quyên góp được hơn 25 tấn gạo và hơn 5 tỉ đồng; xây tặng 25 căn nhà tình thương; phát hàng trăm học bổng cho học sinh; giúp đỡ, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con...

Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (một ngôi chùa người Hoa nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Thái Phiên, thuộc P.8, Q.11, TP.HCM), kể lại: Từ chuyến đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở các tỉnh miền Trung vào năm 1997, nhìn thấy cảnh người dân thiếu ăn, học sinh không đủ tập vở học hành, trong khi đó nhiều người đốt “giấy vàng mã còn đẹp hơn giấy tập học trò”, Thượng tọa nghĩ phải làm một việc gì đó. Và rồi Thượng tọa quyết định thực hiện một việc làm mà theo ông là “cuộc cách mạng nhỏ” vào ngày 30.6.1998, khi thông báo: “Các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa”. Thông báo được dán ở những nơi dễ nhìn thấy nhất trong chùa; đồng thời cho đập bỏ lò đốt giấy vàng mã tại chùa.

Lúc đầu, nhiều phật tử bỏ chùa ra đi, thậm chí có người còn đến chùa xin dời hũ cốt người thân qua đặt ở nơi khác. “Lúc đó, tôi buồn lắm, vì thấy nhiều phật tử chưa hiểu việc mình làm. Nhưng vì việc chung, tôi vẫn quyết theo tới cùng”, Thượng tọa tâm sự.

Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” và qua thực tế những chuyến đi làm từ thiện, nhiều phật tử sau đó dần nhận ra việc làm đầy ý nghĩa của nhà chùa. Thay vì mua quá nhiều nhang đèn, giấy vàng, hàng mã đến chùa đốt, nhiều phật tử đã dùng số tiền đó góp vào quỹ của chùa để làm từ thiện. Từ đó, số tiền đầy ý nghĩa này cứ tăng dần theo từng năm. Nếu như năm khởi đầu 1998, nhà chùa chỉ thu được hơn 9 triệu đồng, thì qua năm thứ 3 số tiền này đã tăng lên 40 triệu đồng, năm thứ 4 là 100 triệu đồng, năm thứ 9 là hơn 500 triệu đồng... Từ số tiền tiết kiệm "không đốt vàng mã", hơn 10 năm qua, chùa Liên Hoa đã quyên góp được hơn 25 tấn gạo và hơn 5 tỉ đồng để phát hàng ngàn phần quà; xây tặng 25 căn nhà tình thương; phát hàng trăm học bổng cho học sinh; giúp đỡ, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo, bị thiên tai ở nhiều nơi trong cả nước từ miền Trung, Tây Nguyên đến ĐBSCL và TP.HCM.

“ Một khi phật tử đã giác ngộ thì việc vận động trở nên dễ dàng và ai cũng tự giác thực hiện”, Thượng tọa Thích Duy Trấn chia sẻ.

Minh Nam


-------

Đốt tiền vàng: không phải cứ nhiều là thiêng

Ngày Rằm tháng 7, đâu đâu cũng thấy đốt vàng mã báo hiếu mẹ cha, xóa tội vong nhân và không ít người cho rằng đốt nhiều mới thiêng. Tuy nhiên, sự thật thì không hẳn vậy...
alt

Về tục đốt tiền vàng ở Việt Nam

Xuất phát từ quan niệm truyền thống của người Việt Nam là “Trần sao âm vậy” cho rằng con người khi chết đi thì vẫn còn những nhu cầu như người sống, ban đầu người ta chôn theo những vật dụng sinh hoạt theo người chết, sau đó để giản tiện hơn người ta làm tiền vàng bằng giấy và mã. Việc đốt vàng mã khi đó mang yếu tố tâm linh, chi phí cho một lễ tiền vàng cũng không đáng kể, nhưng tới hôm nay việc đốt vàng mã đã có rất nhiều biến đổi dẫn đến sự tốn kém, cùng với nguy cơ về cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Theo Th.S Đỗ Hương Thảo, Bộ môn Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thì mặt khác, trong cuộc sống đô thị hiện đại, những căng thẳng về mặt tâm lý càng cao người ta càng có nhu cầu giải tỏa nó, bằng rất nhiều hình thức, trong đó việc gửi gắm niềm tin vào thế giới bên kia. Đặc biệt là đối với những người buôn bán thì việc đốt vàng mã càng được coi trọng, vì họ cho rằng “lộc bất tận hưởng” cần phải chia sẻ và trả lễ đối với “cõi trên”.
Mọi nghi lễ phải đến từ lòng thành

Sư ông Nguyên Vĩnh, chùa Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng đốt vàng mã vốn không có nguồn gốc từ Phật giáo, nó xuất phát từ tín ngưỡng dân gian với niềm tin vào thế giới bên kia. Nhưng trong ngày lễ Vu Lan – lễ báo hiếu cha mẹ người ta lại đốt nhiều vàng mã vì theo quan niệm “Tá giả thành chân” – lấy giả để thay thật. Họ cho rằng khi cha mẹ còn sống do nhiều điện kiện khác nhau chưa thể báo hiếu cha mẹ, nên khi cha mẹ khuất núi muốn thể hiện tấm lòng thành của mình với cha mẹ bằng cách đốt vàng mã, dâng cúng cho cha mẹ tiền vàng và vật phẩm vì cho rằng như thế mới có sự cảm ứng giữa người sống và người chết.

Nhiều người quan niệm đốt càng nhiều vàng mã thì người “cõi âm” càng được nhận nhiều, và càng phù hộ độ trì cho họ làm ăn khấm khá hơn, hoặc giúp cho họ thanh thản hơn. Tuy nhiên hạnh phúc hay khổ đau thì đến từ chân thiện, thay vì bỏ tiền ra mua đốt giấy tiền vàng mã, thì tại sao chúng ta không làm những việc khác có lợi ích cụ thể thiết thực hơn như mãi vật phóng sinh, bố thí giúp cho những kẻ tàn tật nghèo đói… v.v. "Người xưa đã có câu: Lễ nhạt lòng thành, Phật tại tâm, đáng tiếc rằng tục đốt vàng mã hiện nay đã vật chất hoá sự linh thiêng, càng mê tín bao nhiêu, người ta lại càng đốt nhiều vàng mã bấy nhiêu" - Sư thầy Minh Đức, Tổ đình Phúc Khánh nói.

Gửi mũ bảo hiểm, thẻ tín dụng và hộ chiếu cho “người âm”

Có cầu thì ắt phải có cung, thị trường vàng mã những ngày này sôi động hơn bao giờ hết. Phố Hàng Mã được ví như tập đoàn kinh doanh đồ âm phủ bày bán chủ yếu là vàng mã. Ngày ngày, có đến hàng trăm chiếc xe máy chở tiền vàng mã về phố này. Có thể nói không có một vật dụng nào mà người làm hàng mã không làm được từ tiền âm phủ, vàng lá, vàng thoi, tiền giả đồng Việt Nam, đôla Mỹ, cho tới xe cộ, nhà cửa, điện thoại, máy tính…

alt

Người làm hàng mã hôm nay có thể làm cả xe máy otô và cả máy bay. Ảnh Vnexpress
Theo chị Ngô Thị Bích - người bán vàng, mã trên phố Hàng Mã: Trước đây, người dân chỉ mua một ít tiền, vàng, một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhu cầu đốt vàng mã ngày càng tăng, trung bình mỗi nhà sắm mã cúng rằm khoảng  50.000đ/lễ, khá giả thì 200.000 - 300.000đ/lễ. Còn đối với các "đại gia" thì số tiền dành cho vàng, mã  vài ba triệu đồng là bình thường.

Chị Bích cũng cho biết vào dịp Tết Nguyên Đán, Rằm tháng giêng và rằm tháng bảy là những đợt bán được nhiều hàng nhất trong năm.

Người ta đổ xô đi mua đủ các thứ hàng mã: nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, máy giặt, ti-vi, điện thoại, tiền vàng, quần áo… Đủ các loại giá: một tòa nhà biệt thự đẹp, khang trang giá khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng; một chiếc xe hơi giá khoảng 400 nghìn đồng; một tập tiền đô-la độ 20 nghìn đồng; còn các vật phẩm hàng mã khác chỉ có 10-15 nghìn đồng là mua được như: giày dép, mũ, nón… Điểm mới năm nay trong các mặt hàng gửi cho “người âm” còn có cả thẻ tín dụng, vé máy bay và hộ chiếu và cả mũ bảo hiểm...

Những hệ lụy khi đốt tiền vàng

Theo con số thống kê gần đây của Bộ VHTT mặc dù số liệu chưa thật đầy đủ, đã có hơn 40.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã. Rõ ràng, đây là một con số “biết nói”.

Cũng theo số liệu thống kê của Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, những nơi sản xuất vàng mã lớn như làng Cót, (Hà Nội) và làng Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mỗi ngày tiêu thụ từ hai nghìn đến ba nghìn kg giấy. Có những gia đình chi phí hàng triệu đồng cho việc đốt tiền, vàng mã.

Sử dụng tiền giả dù là hàng mã cũng là vi phạm pháp luật - Ảnh Vnexpress
Ngoài ra việc sử dụng tiền vàng như in ấn giấy tiền vàng bạc theo mẫu tiền đô la, euro, … là một hành động vi phạm pháp luật vì đó là một công nghệ in tiền giả và người tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại tiền này cũng vi phạm pháp luật.

Đốt các loại giấy này là một hành đông gây ô nhiễm môi trường nói chung và vệ sinh môi trường tại cộng đồng nói riêng. Đặc biệt là đối với khu dân cư tập trung đông người thì tàn tro của vàng mã đã trở thành một vấn nạn.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Công an Thành phố Hà Nội thì một trong những nguyên nhân hàng đầu của các vụ cháy là do người dân bất cẩn khi thắp hương và hóa vàng (14/43 vụ trong 3 tháng đầu năm 2009), sau các nguyên nhân về điện và sử dụng khí đốt hóa lỏng gas. (Trong năm 2009, tại Hà Nội đã có rất nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ việc đốt vàng mã: ngày 20 tháng 6  chung cư 12 tầng ở số 25 Vũ Ngọc Phan; 16h20 ngày 6/1, tại số nhà 10A phố Nguyên Hồng đã xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi hoàn toàn kho chứa và đồ đạc tại căn nhà này).

Chẳng biết “người âm” sẽ nghĩ gì khi cùng với một đống vàng mã đắt tiền là những lời khấn sặc mùi vật chất. Sự thiêng liêng của tâm linh, và đức tin trong mỗi người bỗng chốc trở nên ồn ào và khó hiểu?

Khanh Nguyễn (theo: afamily)

 

-------
Một hủ tục nên bỏ !

Nói về việc đốt vàng mã, có người cho rằng: Việc đốt vàng mã vào những ngày lễ Tết là một cử chỉ văn hóa mang tính phong tục lâu đời của người Việt. Việc đốt vàng mã thể hiện sự quan tâm, biết ơn đối với những người đã khuất, những vong linh chưa được siêu thoát... Thật lòng, tôi không đồng tình với quan niệm trên.

Mọi người đều biết, phong tục tập quán có cái tốt, cái hay (mỹ tục) cần duy trì, nhưng cũng có cái xấu, cái dở (hủ tục) cần loại bỏ. Việc đốt vàng mã, theo tôi là một hủ tục. Đây không phải phong tục riêng của người Việt Nam chúng ta, mà nó bắt nguồn từ Trung Quốc, thông qua giao lưu văn hóa lâu đời giữa nhân dân hai nước. Tục lệ này thật ra chỉ là một biểu hiện của sự mê tín, cho rằng có một đời sống khác ở “cõi âm” (trên dương gian có gì thì dưới âm phủ có nấy)! Mới đầu người ta đốt “giấy tiền vàng bạc”, với niềm tin số vàng bạc giấy ấy sau khi đốt sẽ hóa thành vàng bạc thật để người “cõi dưới” có xài. Đến nay, người ta đã thay “giấy tiền vàng bạc” bằng đồng “đô la âm phủ”. Ngoài “tiền”, người ta “gửi” cả “nhà lầu” (hoặc “nhà” có sân vườn), xe hơi, xe máy, điện thoại di động đời mới nhất, kể cả laptop, máy nghe nhạc iPod để người chết “giải trí” (!). Thậm chí có người gửi cả thẻ “ATM – Amphu Bank” (ngân hàng âm phủ), phiếu quà tặng “Amphu Mart” với các mệnh giá 100-200-500-1.000 USD (âm phủ) v.v... Tất cả các món hàng “thời thượng” nói trên đều làm bằng giấy (để đốt), nhưng giá cả không rẻ chút nào (bạc triệu, nếu mua nhiều món). Đem tiền thật mua hàng mã để đốt cho người “cõi âm” hưởng (?), việc làm ấy vừa mê tín vừa lãng phí.

Ngoài ra, việc đốt vàng mã và tổ chức cúng bái rình rang, thật ra chưa hẳn “thể hiện sự quan tâm, biết ơn những người đã khuất”, mà có khi chỉ là sự khoe mẽ theo kiểu “trưởng giả học làm sang”! Tôi biết có không ít người, lúc bình thường đối xử với cha mẹ chẳng ra sao, thế nhưng sau khi họ mất đi, lại làm ra vẻ hiếu kính, tổ chức đám giỗ thật “rình rang” cốt để lấy tiếng... Thử hỏi, khi cha mẹ thật sự cần thì không cho, đến khi mất rồi, hưởng thụ gì được nữa mà tổ chức cúng giỗ linh đình?

Tóm lại, theo tôi, việc đốt vàng mã không phải là “một cử chỉ văn hóa”, mà là một hủ tục lạc hậu, nên bỏ. Như thế vừa văn minh, vừa tiết kiệm, tránh lãng phí

vô ích.

Biên Hà (TPHCM)
-------
Đốt vàng mã, phóng sinh dịp rằm tháng Bảy: Xin đừng lãng phí
Phóng sinh, đốt hàng mã, tiền giấy trong dịp rằm tháng bảy là tục lệ có từ lâu đời của người Việt nói riêng cũng như đại đa số người phương Đông nói chung. Người dân cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này, không lạm dụng, gây lãng phí tiền của, tổn hại môi trường, có nơi có lúc còn mang dáng dấp mê tín dị đoan.
 

Mặc dù, trong Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, các vi phạm về quy định sản xuất hàng mã, tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã bị phạt từ 150.000- 5 triệu đồng; đốt hàng mã nơi công cộng bị phạt từ 150.000 - 500.000 đồng.

Tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, cũng quy định hình phạt chi tiết đối với những hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã... Tuy nhiên, càng đến gần ngày rằm tháng bảy, việc sản xuất hàng mã và săn bắt chim muông để phục vụ nhu cầu tâm linh (hóa vàng, phóng sinh) càng diễn ra sôi nổi.

Nhộn nhịp vào mùa

Dù đã cẩn thận liên hệ, hẹn gặp từ trước, nhưng mấy lần đến xóm Lẻ (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) nằm bên bờ tả sông Hồng, chúng tôi vẫn rất khó tiếp cận với những người chuyên bẫy chim trời trong xóm.

Cả xóm Lẻ hiện có vài chục người sống bằng nghề dùng lưới bẫy chim, có những gia đình cả ba thế hệ ông, cha, con cùng tham gia vào nghề này. Khi các cánh đồng bãi dọc sông Hồng không còn nhiều chim chóc, họ lại phóng xe máy, vác lưới, chim mồi đi khắp các cánh đồng của Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… để tìm bẫy chim trời. Xóm Lẻ đang vào mùa bận rộn nhất để cung cấp chim chóc cho người dân phóng sinh nhân dịp rằm tháng bảy.

alt

Chuẩn bị đốt 400 con ngựa giấy cho người âm.

Theo một "thợ chim" xóm Lẻ, do chim chóc hiếm hơn, mỗi ngày đi quăng lưới anh chỉ đem về được chừng vài kilôgam chim, chủ yếu là các loại chim nhỏ như chim ri, chim sẻ, cu gáy, sáo. Những loại chim này hiện đang "hút hàng", nên từ đầu vụ, anh đã giao chừng hơn 1.000 con cho chủ hàng.

Đối với các làng nghề làm vàng mã lớn, lâu đời như làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống Phúc Am và Duyên Trường (huyện Thường Tín), làng Cót (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hay mới nở rộ như làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)… dịp này cũng đang là "chính vụ". Người người, nhà nhà đều tất bật cảnh vót tre, làm khung, dán giấy, phết màu.

Mặt hàng phục vụ sinh hoạt của người âm cũng rất phong phú đa dạng như cho người sống, từ tiền, vàng mã, quần áo, vải vóc, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, thậm chí cả các hình nộm ôsin, hầu gái, trâu ngựa… làm bằng giấy màu. Các làng nghề ngày một chuyên nghiệp và giàu có hơn từ nghề kinh doanh "nhu yếu phẩm" cho người âm, dù các tài liệu đều cho rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, đây chỉ là nghề bán chuyên và chưa ai giàu từ nghề này.

Nhu cầu của người dân ngày càng cao, ít gia đình nào chỉ đốt vàng mã tượng trưng với lượng tro giấy gói gọn mảnh lá chuối khô như trước, mà nhiều nhà chi tiền triệu cho việc này. Có gia đình đốt đến 400 con ngựa giấy màu khung tre cho người thân, với chi phí không nhỏ...

Phóng sinh, hóa vàng thế nào cho phải?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ, tục lệ dùng hàng mã vốn khởi phát từ đời Hán ở Trung Quốc (vào khoảng năm 206 TCN - 220 SCN). Ban đầu, do người dân thường chôn theo tiền bạc cho người thân (một hình thức chia của) với lễ cúng thường bằng ngọc bạch, tiền đồng nên quá tốn kém, đã chuyển sang cúng lễ bằng tiền giấy.

Người Việt dùng hàng mã muộn hơn, do quan niệm người chết không mất, "trần sao âm vậy", người sống vẫn phải chu cấp đồ dùng cho người chết. Họ vẫn chia của cho người chết bằng cơm, trứng, vật dụng đặt trên mồ mả, nhưng rồi sẽ đem về nhà dùng vì "thấy người chết không dùng đến". Khoảng vào thời hậu Lê, tục lệ đốt vàng mã mới trở thành một văn hóa tâm linh trong dân gian và lưu truyền đến ngày nay.

Còn tục lệ "tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân" thì khởi phát từ truyền thuyết của đạo Phật về sự tích lễ Vu Lan, kể chuyện Mục Liên tôn giả cứu người mẹ lúc sống gây nhiều tội nghiệt thoát khỏi đày đọa trong địa ngục.

Theo Tiến sĩ Phật học, Đại đức Thích Đức Thiện, mặc dù dịp này nhân dân và phật tử thường đốt rất nhiều hàng mã, nhưng thực chất kinh Phật không dạy như vậy: "Tục lệ đốt hàng mã vào rằm tháng bảy bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Bởi Phật giáo Việt Nam mang màu sắc tinh thần của đạo Khổng, đạo Lão, đạo Mẫu, tín ngưỡng dân gian… trong một ngôi chùa, giao hòa đến mức nhân dân cho rằng chùa là bùa của làng. Mặc dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khuyến khích phật tử đốt nhiều vàng mã, nhưng do đây là nhu cầu tâm linh có từ lâu đời, nên chỉ hướng dẫn, giải thích để phật tử giác ngộ bản chất mà hạn chế dần, giảm thiểu thiệt hại về môi trường và kinh tế, lưu giữ nét nhân văn trong văn hóa ngày rằm tháng bảy".   

Đại đức Thích Đức Thiện cũng cho rằng, việc săn bắt, mua bán chim thú để phục vụ nhu cầu phóng sinh trong dịp này là không tốt, trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. "Việc phóng sinh phải do thành tâm làm phúc, từ bi cứu khổ cứu nạn để tâm hồn được thanh thản, hoan hỉ. Nếu phóng sinh chim thú trong hoàn cảnh ngẫu nhiên thì rất tốt, nhưng cố công săn bắt, mua bán chim thú để thực hiện hành động này thì không còn ý nghĩa. Theo tôi, phóng sinh là việc từ tâm, nhưng nên làm một cách vô tư trong sáng suốt quanh năm, chứ không phải là hình thức trong một dịp lễ rằm như thế này".

Phóng sinh, đốt hàng mã, tiền giấy trong dịp rằm tháng bảy là tục lệ có từ lâu đời của người Việt nói riêng cũng như đại đa số người phương Đông nói chung. Người xưa quan niệm, tục lệ nhân văn này là để tỏ lòng tưởng nhớ đối với những người thân yêu đã khuất, hay để bố thí cho các hương hồn những người không may sa hầm sẩy hố, kẻ đói khát tha phương không người thân nương tựa. Người dân cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này, không lạm dụng, gây lãng phí tiền của, tổn hại môi trường, có nơi có lúc còn mang dáng dấp mê tín dị đoan

Lê Quân

 


alt
Sửa soạn lên đường bẫy chim sẻ ban đêm.


Đốt vàng mã, phóng sinh dịp rằm tháng Bảy: Xin đừng lãng phí
09:33:00 02/09/2009
 
Phóng sinh, đốt hàng mã, tiền giấy trong dịp rằm tháng bảy là tục lệ có từ lâu đời của người Việt nói riêng cũng như đại đa số người phương Đông nói chung. Người dân cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này, không lạm dụng, gây lãng phí tiền của, tổn hại môi trường, có nơi có lúc còn mang dáng dấp mê tín dị đoan.
 

Mặc dù, trong Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, các vi phạm về quy định sản xuất hàng mã, tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã bị phạt từ 150.000- 5 triệu đồng; đốt hàng mã nơi công cộng bị phạt từ 150.000 - 500.000 đồng.

Tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, cũng quy định hình phạt chi tiết đối với những hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã... Tuy nhiên, càng đến gần ngày rằm tháng bảy, việc sản xuất hàng mã và săn bắt chim muông để phục vụ nhu cầu tâm linh (hóa vàng, phóng sinh) càng diễn ra sôi nổi.

Nhộn nhịp vào mùa

Dù đã cẩn thận liên hệ, hẹn gặp từ trước, nhưng mấy lần đến xóm Lẻ (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) nằm bên bờ tả sông Hồng, chúng tôi vẫn rất khó tiếp cận với những người chuyên bẫy chim trời trong xóm.

Cả xóm Lẻ hiện có vài chục người sống bằng nghề dùng lưới bẫy chim, có những gia đình cả ba thế hệ ông, cha, con cùng tham gia vào nghề này. Khi các cánh đồng bãi dọc sông Hồng không còn nhiều chim chóc, họ lại phóng xe máy, vác lưới, chim mồi đi khắp các cánh đồng của Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… để tìm bẫy chim trời. Xóm Lẻ đang vào mùa bận rộn nhất để cung cấp chim chóc cho người dân phóng sinh nhân dịp rằm tháng bảy.

 

alt

Chuẩn bị đốt 400 con ngựa giấy cho người âm.

Theo một "thợ chim" xóm Lẻ, do chim chóc hiếm hơn, mỗi ngày đi quăng lưới anh chỉ đem về được chừng vài kilôgam chim, chủ yếu là các loại chim nhỏ như chim ri, chim sẻ, cu gáy, sáo. Những loại chim này hiện đang "hút hàng", nên từ đầu vụ, anh đã giao chừng hơn 1.000 con cho chủ hàng.

Đối với các làng nghề làm vàng mã lớn, lâu đời như làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống Phúc Am và Duyên Trường (huyện Thường Tín), làng Cót (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hay mới nở rộ như làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)… dịp này cũng đang là "chính vụ". Người người, nhà nhà đều tất bật cảnh vót tre, làm khung, dán giấy, phết màu.

Mặt hàng phục vụ sinh hoạt của người âm cũng rất phong phú đa dạng như cho người sống, từ tiền, vàng mã, quần áo, vải vóc, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, thậm chí cả các hình nộm ôsin, hầu gái, trâu ngựa… làm bằng giấy màu. Các làng nghề ngày một chuyên nghiệp và giàu có hơn từ nghề kinh doanh "nhu yếu phẩm" cho người âm, dù các tài liệu đều cho rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, đây chỉ là nghề bán chuyên và chưa ai giàu từ nghề này.

Nhu cầu của người dân ngày càng cao, ít gia đình nào chỉ đốt vàng mã tượng trưng với lượng tro giấy gói gọn mảnh lá chuối khô như trước, mà nhiều nhà chi tiền triệu cho việc này. Có gia đình đốt đến 400 con ngựa giấy màu khung tre cho người thân, với chi phí không nhỏ...

Phóng sinh, hóa vàng thế nào cho phải?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ, tục lệ dùng hàng mã vốn khởi phát từ đời Hán ở Trung Quốc (vào khoảng năm 206 TCN - 220 SCN). Ban đầu, do người dân thường chôn theo tiền bạc cho người thân (một hình thức chia của) với lễ cúng thường bằng ngọc bạch, tiền đồng nên quá tốn kém, đã chuyển sang cúng lễ bằng tiền giấy.

Người Việt dùng hàng mã muộn hơn, do quan niệm người chết không mất, "trần sao âm vậy", người sống vẫn phải chu cấp đồ dùng cho người chết. Họ vẫn chia của cho người chết bằng cơm, trứng, vật dụng đặt trên mồ mả, nhưng rồi sẽ đem về nhà dùng vì "thấy người chết không dùng đến". Khoảng vào thời hậu Lê, tục lệ đốt vàng mã mới trở thành một văn hóa tâm linh trong dân gian và lưu truyền đến ngày nay.

Còn tục lệ "tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân" thì khởi phát từ truyền thuyết của đạo Phật về sự tích lễ Vu Lan, kể chuyện Mục Liên tôn giả cứu người mẹ lúc sống gây nhiều tội nghiệt thoát khỏi đày đọa trong địa ngục.

Theo Tiến sĩ Phật học, Đại đức Thích Đức Thiện, mặc dù dịp này nhân dân và phật tử thường đốt rất nhiều hàng mã, nhưng thực chất kinh Phật không dạy như vậy: "Tục lệ đốt hàng mã vào rằm tháng bảy bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Bởi Phật giáo Việt Nam mang màu sắc tinh thần của đạo Khổng, đạo Lão, đạo Mẫu, tín ngưỡng dân gian… trong một ngôi chùa, giao hòa đến mức nhân dân cho rằng chùa là bùa của làng. Mặc dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khuyến khích phật tử đốt nhiều vàng mã, nhưng do đây là nhu cầu tâm linh có từ lâu đời, nên chỉ hướng dẫn, giải thích để phật tử giác ngộ bản chất mà hạn chế dần, giảm thiểu thiệt hại về môi trường và kinh tế, lưu giữ nét nhân văn trong văn hóa ngày rằm tháng bảy".   

Đại đức Thích Đức Thiện cũng cho rằng, việc săn bắt, mua bán chim thú để phục vụ nhu cầu phóng sinh trong dịp này là không tốt, trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. "Việc phóng sinh phải do thành tâm làm phúc, từ bi cứu khổ cứu nạn để tâm hồn được thanh thản, hoan hỉ. Nếu phóng sinh chim thú trong hoàn cảnh ngẫu nhiên thì rất tốt, nhưng cố công săn bắt, mua bán chim thú để thực hiện hành động này thì không còn ý nghĩa. Theo tôi, phóng sinh là việc từ tâm, nhưng nên làm một cách vô tư trong sáng suốt quanh năm, chứ không phải là hình thức trong một dịp lễ rằm như thế này".

Phóng sinh, đốt hàng mã, tiền giấy trong dịp rằm tháng bảy là tục lệ có từ lâu đời của người Việt nói riêng cũng như đại đa số người phương Đông nói chung. Người xưa quan niệm, tục lệ nhân văn này là để tỏ lòng tưởng nhớ đối với những người thân yêu đã khuất, hay để bố thí cho các hương hồn những người không may sa hầm sẩy hố, kẻ đói khát tha phương không người thân nương tựa. Người dân cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này, không lạm dụng, gây lãng phí tiền của, tổn hại môi trường, có nơi có lúc còn mang dáng dấp mê tín dị đoanalt


 

Lê Quân