NI GIỚI VỚI VAI TRÒ LÃNH ÐẠO TẠI LÃNH THỔ ÐÀI LOAN

Trong suốt 2.600 năm kể từ khi hình thành tại Ấn Ðộ, đạo Phật đã phát triển và lan rộng đến các quốc gia châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, từ thời đức Phật ðến nay, vai trò, khả năng và tiềm năng của Ni giới vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Gần đây, do ảnh hưởng của các luồng văn hóa và được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng triết học khác nhau, nhiều quan điểm mới về vai trò của nữ giới trong Phật giáo đã xuất hiện và trở thành những đề tài thảo luận có tính thời sự cao.

Là một nữ tu sĩ Phật giáo, một Tỳ-kheo Ni, tôi sẽ giới hạn bài tham luận của mình trong phạm vi giới tu sĩ Phật giáo Ðài Loan. So với chư Ni ở nhiều nơi trên thế giới, nữ tu si Ðài Loan được kính trọng đúng mức và có quyền bình đẳng tuyệt đối. Trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy, Ni giới Ðài Loan đã và đang dấn thân trong các hoạt động học tập Phật pháp, nghiên cứu, giáo dục, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, các chương trình từ thiện, cứu trợ thiên tai và nhiều hoạt động khác. Thành công của họ trong những lãnh vực này được công nhận không chỉ ở lãnh thổ Ðài Loan mà trên toàn thế giới.

Bài tham luận này là một khảo sát có tính phổ quát về nỗ lực của Ni giới trong các lãnh vực trên. Một vài ví dụ cụ thể cũng sẽ được trích dẫn. Giáo đoàn Pháp Cổ Sơn (Dharma Drum Mountain - DDM), một đạo tràng tiêu biểu, cũng sẽ được trích dẫn để minh họa cho những thành công của Ni giới trong cộng đồng Phật giáo và những hoạt động của họ trong xã hội.

Ngày nay, khi số hành giả nữ trên thế giới đang tăng nhanh, nhu cầu cần có giảng sư Ni để trực tiếp hướng dẫn các hành giả ngày càng trở nên cấp thiết. Bằng cách chia sẻ về thành công của Ni giới Ðài Loan, tôi muốn kêu gọi Ni giới và nữ giới Phật giáo hành động theo tấm gương của họ. Tôi cũng sẽ đưa ra ý kiến rằng cần phải xem xét về vai trò và khả năng của phụ nữ dưới những góc nhìn mới có ý nghĩa hơn trong một thế giới hiện đại.

Bối cảnh lịch sử - xã hội

Trong khoảng 300 năm qua, Phật giáo chính thống ở Lãnh thổ Ðài Loan là một hình thức Phật giáo cư sĩ với tên gọi zhaijiao, được dịch sang tiếng Anh là vegetarian sect (chay giáo). Những người phụ nữ từ bỏ thế tục theo zhaijiao vẫn để tóc dài, ăn chay, một số giữ giới sống độc thân. Họ không thọ giới và không bắt buộc phải giữ giới.

Vào năm 1953, đại giới đàn đầu tiên ở Ðài Loan được tổ chức tại chùa Dazian do các vị sư đến từ Trung Hoa lục địa làm đàn chủ - giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni chính thức được trao truyền tại Lãnh thổ Ðài Loan. Kể từ đó, số lượng Tăng Ni tăng mỗi năm và giáo đoàn Phật giáo chính thức hình thành.

Năm 1957, Ni sư Hsuan Shen, trụ trì Ni viện Yi-Tong thành lập một Ni trường, đặt nền móng cho hệ thống giáo dục Phật giáo chính thức của Ni giới Ðài Loan. Trong nửa thế kỷ sau đó, con số các nữ tu vượt hẳn bên Tăng theo tỷ lệ 3 – 1 (từ 70% -75%). Rất nhiều vị Ni đã đạt những học hàm học vị cao. Ni giới Ðài Loan tích cực dấn thân trong các lãnh vực hoằng pháp, nghiên cứu, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, xây dựng Ni viện, Tăng đoàn, và tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Thành công của họ trong những lãnh vực này được công nhận ở Ðài Loan và trên toàn thế giới.

Những nhân tố dẫn đến sự phát triển hưng thịnh này đầu tiên phải kể đến việc Đại giới đàn được tổ chức cho Tăng Ni Ðài Loan vào mỗi năm và tại những giới đàn này, Ni giới có cơ hội bình đẳng trong việc lãnh thọ giới Tỳ-kheo Ni. Truyền thống này được toàn thể cộng đồng Phật giáo Ðài Loan chấp nhận.

Nhân tố thứ hai là quan niệm cởi mở và sự ủng hộ đầy nhiệt tâm của các vị đại sư danh tiếng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tăng đoàn và hệ thống giáo dục Ni giới. Tỳ-kheo Yinshun, người nổi tiếng về những hoạt động của mình trong lãnh vực nghiên cứu Phật giáo, đã trả lời Tỳ-kheo Sheng Yen - tọa chủ khai sơn Pháp Cổ Sơn - rằng để xây dựng Tăng đoàn, cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bình quyền. Thêm vào đó, Tỳ-kheo Sheng Yen mong muốn Ni bộ hình thành và tự đứng vững trong tương lai. Cả hai vị thầy này đã tiên đoán về nhu cầu và xu hướng của thế giới hiện đại và từ đó đã định hướng phát triển cho Phật giáo Ðài Loan. Ni trường Phật giáo Luminary được thành lập năm 1980 cũng đã đóng góp cho sự phát triển của Ni giới Ðài Loan.

Nhân tố thứ ba là, để phát triển và duy trì nền Phật giáo trong lãnh thổ của mình, các vị Tăng và Ni Ðài Loan đã nỗ lực thành lập các trường học Phật giáo và tham gia các hoạt động giảng dạy. Năm 1957, Tỳ-kheo Baishen thành lập trường Phật giáo Tam Bảo Trung Hoa, Tỳ-kheo Yinshun thành lập Ni trường Shinchu. Dần dà các Phật học viện khác được thành lập. Năm 1990, trường đại học Phật giáo đầu tiên được chính thức công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia mang tên Trường Ðại Học Nhân Văn và Kỹ Thuật Huafan được thành lập bởi một vị Ni là Tỳ-kheo Ni Hiu Wan. Nhìn chung, do Ni giới Ðài Loan có cơ hội học tập cao cả về thế học lẫn Phật học, họ rất tự tin về khả năng của mình trong việc đóng góp cho xã hội.

Thứ tư, rất may mắn là Ðài Loan đã phát triển rất nhanh và mạnh trong vòng 50 năm qua và xã hội Ðài Loan có cái nhìn cởi mở với những hoạt động Phật giáo. Khoảng cuối những năm 1950, các tập san Phật giáo được đưa vào các trường cao đẳng và các Câu lạc bộ Phật giáo được hoạt động tại các trường đại học Ðài Loan. Rất nhiều sinh viên cao đẳng, sinh viên đại học đã hành trì giáo pháp và nhiều người trong số họ sau đó đã lựa chọn đời sống xuất gia. Người dân ngày càng đánh giá cao giá trị, ý nghĩa của đạo Phật và hiểu rõ rằng đạo Phật vượt trên cả giới hạn là một tôn giáo. Những Phật tử gốc Hoa nhận chân được rằng đạo Phật không chỉ là một tôn giáo mà còn là một lối sống, một con đường đưa đến trí tuệ đích thực. Do đó, các cơ sở Phật giáo ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn về tài chánh cũng như các hoạt động chấp tác tình nguyện. Cùng lúc đó, các tổ chức Phật giáo hoạt động xã hội rất tích cực, giúp đỡ kịp thời khi lãnh thổ gặp thiên tai, và tỏa ra một năng lượng an lành, ổn định những khi có chính biến. Chính vì những lý do này mà Phật giáo được công nhận là một sức mạnh tích cực và an lành trong xã hội Ðài Loan.

Những bước phát triển hiện tại

Cùng với thời gian, Ni giới Ðài Loan đạt được những kết quả đầy khích lệ trong các hoạt động của mình. Thứ nhất, họ đã và đang đóng góp rất nhiều cho nền giáo dục Phật giáo. Tỳ-kheo Ni Wu-Yin sáng lập Ni trường Phật giáo Luminary năm 1980, Tỳ-kheo Ni Ruxue thành lập Viện Phật Học Fa Kwang nãm 1989, Tỳ-kheo Ni Hiu Wan thành lập Trường Ðại Học Nhân Văn và Kỹ Thuật Huafan nãm 1990, và Tỳ-kheo Ni Cheng Yen thành lập Trường Cao Ðẳng Y Khoa Tzu Chi năm 1994. Trong vòng 20 năm qua, Ni giới Ðài Loan đã thành lập rất nhiều học viện, đóng góp đáng kể cho công cuộc giáo dục và đào tạo cộng đồng tu si và cư sĩ.

Ni giới cũng gặt hái những thành công lớn trong sự nghiệp học tập và nghiên cứu Phật giáo. Tỳ-kheo Ni Heng-ching, vị Tỳ-kheo Ni Ðài Loan đầu tiên đạt học vị tiến sĩ Phật học, đã dành cả cuộc đời mình cho công cuộc giảng dạy tại các trường đại học và Phật học viện. Ni sư là chủ nhiệm đề án Thư viện và Bảo Tàng Phật Học theo công nghệ số phiên bản CBETA, và đã dịch ba bộ kinh từ tiếng Hoa sang tiếng Anh. Tỳ-kheo Ni Hue-Yen sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Ðại Học Tổng Hợp Bukkyo ở Nhật đã và đang tham gia giảng dạy tại các trường đại học và học viện Phật giáo; Ni sư cũng đã có một số tác phẩm được xuất bản. Tấm gương của những vị Ni tiên phong này đã khuyến khích thế hệ Ni trẻ hiện nay theo học cao học ở nước ngoài và nhiều người trong số họ đã được cấp bằng tiến sĩ.

Ni giới đã có những đóng góp quan trọng trong lãnh vực nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo. Tỳ-kheo Ni Hiu Wan là một ví dụ điển hình. Ngoài việc là một giảng sư Ni tài ba, Ni sư còn nổi tiếng vì những thành tựu nghệ thuật, thi văn và Thiền của mình. Ni sư dã xuất bản hơn 80 tác phẩm về triết lý Phật giáo cũng như các tài liệu Phật giáo khác. Tỳ-kheo Ni Kuan-Xien, người nổi tiếng, nhất là trong giới cư sĩ, vì là một giảng sư có hiểu biết uyên thâm về nhiều trường phái Phật giáo khác nhau, cũng được công nhận vì kiến thức và kinh nghiệm của mình trong nghệ thuật kiến trúc.

Ni giới Ðài Loan nổi tiếng trên thế giới vì những hoạt động từ thiện xã hội. Tỳ-kheo Ni Cheng-Yen, người sáng lập Trường Cao Ðẳng Y Khoa Tzu Chi, đã khuyến khích đệ tử của mình tham gia các hoạt động từ thiện và cứu trợ thiên tai trên thế giới. Quỹ Tzu Chi tổ chức và điều hành một bệnh viện, một trường y khoa, một trường đại học và rất nổi tiếng vì trung tâm nghiên cứu tủy của mình. Tỳ-kheo Ni Chao Hwei, ngoài việc là một học giả, còn là một giảng sư, một tác giả và là nhà bảo vệ quyền động vật rất tích cực. Tỳ-kheo Ni Lian Chan rất năng nỗ trong việc hỗ trợ và chăm lo cho đời sống tinh thần của người khiếm thị.

Ngoài những tấm gương sáng này, có rất nhiều nữ tu sĩ Ðài Loan khác đã và đang giảng dạy tại các viện Phật học và các trường đại học công lập. Nhiều người trong số họ đã thành lập các trung tâm Thiền và giảng dạy truyền bá tông này. Có nhiều nữ tu si đã và đang đảm trách các vị trí trong Giáo hội, đặc biệt là các tổ chức Phật giáo lớn tại Ðài Loan, và nỗ lực xây dựng, quản lý các Ni viện.

Các nữ tu sĩ tại Pháp Cổ sơn

Ðể minh họa cho những ảnh hưởng tích cực của Ni giới Ðài Loan, tôi sẽ trình bày sơ lược về vai trò của các nữ tu si tại Pháp Âm Sơn (Dharma Drum Mountain – DDM), một trong những tổ chức Phật giáo lớn nhất Ðài Loan. Sau khi xuất gia năm 13 tuổi, Tỳ-kheo Sheng Yen mang hoài bão hoằng pháp lợi sanh mong giúp mọi người có cuộc sống hạnh phúc hơn. Trong suốt cuộc đời của mình, Sư chỉ có một mong muốn duy nhất là truyền pháp cho những thế hệ tương lai để ngọn đèn hy vọng và hiền thiện mãi mãi sáng soi cho thế gian. Với tâm niệm như thế, Sư đã sáng lập một giáo đoàn bao gồm cả Tăng và Ni tại Pháp Cổ Sơn và một vài viện Phật giáo khác để giáo dục và đạo tạo Tăng Ni và cả những người thường dân.

Giáo đoàn DDM ra đời năm 1980 gồm bốn thanh niên thế phát xuất gia với Tỳ-kheo Shen Yen. Trong vòng 30 năm sau đó, giáo đoàn Ni tại DDM đã phát triển từ 3 người lên đến 200 người. Là người có tầm nhìn quốc tế, Sư đã xây dựng một đạo tràng nghiêm minh giới luật, mang phong cách đa dạng, và thực hiện hiện đại hóa qua các chương trình giáo dục. Giáo đoàn được nuôi dưỡng bởi nguồn Thiền, bởi giáo pháp của đức Phật, và qua những chương trình giáo dục và hoạt động xã hội. Vai trò của các nữ tu sĩ và những đóng góp quan trọng của họ cho sự phát triển của DDM được thể hiện qua hai lãnh vực: Giáo dục và công tác chuyên môn:

Cơ sở của hệ thống giáo dục tại DDM được đặt trên nền tảng triết lý của Tỳ-kheo Sheng Yen, cũng là triết lý Thiền tông, và bao hàm, dung nhiếp nhiều tông phái và truyền thống khác nhau, để từ đó có thể lan rộng mà không bị hạn cuộc và có thể tiếp cận mọi người trên thế giới. Hệ thống giáo dục tại DDM bao gồm chương trình giáo dục cãn bản tại trường Ðại Học Tổng Hợp Tăng Già và cơ hội học tập trọn đời trong giáo đoàn.

Trường Ðại Học Tổng Hợp Tăng Già (Sangha UNiversity – SU) có 3 chương trình học: chương trình giáo dục tu sĩ 2 năm, chương trình Phật học 4 năm, và chương trình Thiền tập 6 năm. Các tu sĩ sau khi tốt nghiệp trường Ðại Học Tổng Hợp Tăng Già được phân đến các tự viện và các tổ chức Phật giáo. Họ đảm nhận các công tác trong lãnh vực giáo dục, thiền, nghi lễ, và hoạt động xã hội. Giáo dục ở cấp bậc này bao gồm chương trình đào tạo tu si cao đẳng, đào tạo hành chánh và các chương trình nghiên cứu độc lập đặc biệt khác.

Chương trình đào tạo tu sĩ cao đẳng bao gồm 4 lãnh vực: nghi lễ, thiền, nhập thất, giảng Pháp, và công tác từ thiện xã hội với mục tiêu đào tạo Tăng Ni sinh phát huy tiềm năng của mình trong quá trình làm Phật sự. Chương trình đào tạo hành chánh đem đến cho Tăng Ni sinh cơ hội học tập các kỹ năng và kiến thức mà họ cần. Các giáo sư chuyên nghiệp được mời đến giảng dạy những khóa chuyên sâu. Các vị thầy Tăng, Ni hạ lạp cao chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc hình thành đạo đức nghề nghiệp và phong thái tinh thần tích cực. Các chương trình đào tạo quản lý cung cấp kiến thức cho những Tăng Ni sinh có liên quan đến công tác hành chánh. Tăng Ni sinh có thể đăng ký theo những khóa nghiên cứu độc lập, ngắn hạn hoặc dài hạn, tại DDM hay ở nơi khác. Họ cũng có thể lựa chọn học cao học hay lui về ẩn cư tu tập. Các nghiên cứu độc lập là một cơ hội tốt để quán chiếu và phát triển nội lực bản thân sau nhiều năm công tác cống hiến cho Giáo đoàn.

Các chương trình học có hệ thống này đã và đang được áp dụng trong nhiều năm nay. Gia nhập giáo đoàn không chỉ là bắt đầu một cuộc đời mới, mà còn là điểm bắt đầu của một quá trình tu học miên viễn. Theo triết lý của DDM, nếu không phục vụ mọi người thì việc tu học của một cá nhân sẽ không trọn vẹn. Chúng ta học trong giao tiếp và giúp đỡ mọi người, và theo quan điểm này thì học tập là một nỗ lực trọn đời.

Giáo đoàn Pháp Cổ Sơn DDM bao gồm hai chúng Tăng và Ni dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng là một vị Tăng. Ngoài quy điều này ra thì vấn đề giới tính không bao giờ được đặt ra trong việc phân bổ các vị trí và nhiệm vụ khác. Vị trí mà các nữ tu sĩ đảm trách ở DDM gồm có:

1. Hiệu trưởng (Giám đốc điều hành DDM).

2. Các Phó Hiệu trưởng tại Trung tâm Hành Chánh, Trung tâm Văn Hóa, Trung tâm Hoằng pháp, và Hiệu trưởng Phật học viện Chung-Hwa.

3. Phó hiệu trưởng danh dự trường Cao Ðẳng Phật Học Pháp Cổ và trường Ðại Học Tổng Hợp Pháp Cổ Tăng Già.

4. Giám đốc Quản lý Tổ chức Từ thiện xã hội Pháp Cổ.

5. Các giám đốc tại các tự viện chi nhánh, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của DDM.

Hiện nay trong số các Tăng Ni sinh được phân công tác, con số Ni nhiều hơn Tăng theo tỷ lệ 4 – 1. Tất cả các vị Ni này đều đảm trách 3 lãnh vực công tác chính: giáo dục, hoạt động xã hội quốc tế, và các công tác chăm sóc phổ biến khác. Ngoài các công tác chính được phân công, họ còn đảm trách nhiều nhiệm vụ trong các lãnh vực khác. Họ đã đóng góp rất nhiều cho việc hình thành và phát triển DDM trong 30 năm qua.

Cảm nghĩ

Giáo đoàn DDM sẽ không thể có những bước phát triển như ngày nay nếu không có tầm nhìn quảng uyên của vị tọa chủ khai sơn, người đã dành trọn đời mình để thành lập một giáo đoàn Tăng và Ni bình đẳng trong điều kiện tu học, trong tiềm năng thâm ngộ Phật tánh. Sẽ không có sự phát triển như ngày hôm nay nếu không có sự ủng hộ của chư Tăng và lòng tin nhiệt thành của chư Ni vào Phật tánh của chính mình. Và quan trọng nhất là đoàn thể này có thể đã lâm vào rất nhiều khó khăn và sẽ không đạt được nhiều thành công đến thế, nếu con người và xã hội Ðài Loan không cùng chung một quan điểm với những người sáng lập và lãnh đạo DDM.

Phật giáo Ðài Loan đã có những bước tiến rất xa. Năm mươi năm trước đây hầu như không có vị Ni thọ giới chính thức nào. Người dân biết rất ít về đạo Phật và hiểu nhầm rằng đạo Phật là một hình thức cúng kính dân gian hoặc là một đức tin mù quáng. Chư Tăng và chư Ni khả kính đã góp phần đem đến những phát triển vượt bậc đã trong việc xây dựng giáo đoàn, thành lập các học viện Phật giáo, giáo dục Tăng Ni, hoạt động từ thiện xã hội. Các vị đại sư nổi tiếng đã in ấn xuất bản rất nhiều và thông điệp của họ được truyền đến đại chúng qua nhiều phương tiện thông tin với ví dụ tiêu biểu là truyền hình. Khi lãnh thổ Ðài Loan gặp thiên tai hoặc chính biến, những bậc đại sư tỏa ra một năng lượng an lành, giúp người dân bình tâm và giữ vững niềm tin. Những nhà lãnh đạo Phật giáo Ðài Loan được kính trọng như những ngọn hải đăng của trí tuệ và từ bi. Thành công của Phật giáo Ðài Loan là kết quả của những nhân duyên tốt đẹp, trong đó phải kể đến đóng góp to lớn của con người Ðài Loan trong mọi tầng lớp xã hội.

Tăng Ni Ðài Loan đã kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình và kết quả là nhiều người đã đạt được sở nguyện, công phu tu tập của họ đã thăng tiến. Họ đã gặt hái kết quả công phu: lòng tin, giới và bồ đề tâm của họ ngày một vững mạnh. Tỳ-kheo Sheng Yen dạy đệ tử của mình phải chọn một hướng đi minh chính – một tầm nhìn rộng mở để có thể thực hiện lợi sanh và duy trì Phật pháp trên thế giới. Khả năng lãnh đạo không đơn giản chỉ thể hiện ở tài năng, kiến thức và quyền lực. Khả năng lãnh đạo đích thực đòi hỏi hành động phải đi đôi với trí tuệ và từ bi.

Chang Wu Shi

Người dịch: TN. Viên Ngạn

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Viêt Nam)