PHẬT PHÁP TRONG THỜI ÐẠI VĂN HÓA

Lý tưởng Phật giáo là đạt đến sự hoàn thiện. Người Phật tử không thể tìm cầu lợi ích cá nhân, bất chấp đến lợi ích của những người khác. Lợi ích bản thân có liên hệ mật thiết với lợi ích thế nhân. Ðức Phật có dạy, người tốt phải liên quan mật thiết với các hoạt động tích cực vì an lạc hạnh phúc không chỉ cho loài người mà còn cho tất cả chúng hữu tình.

Tính uyển chuyển và bao dung là một trong những đặc tính nổi bật của Phật giáo. Phật giáo không phân chia giai cấp và giáo điều khắc khe. Các nền văn hóa và văn minh đã chứng minh ảnh hưởng tính nhân bản của Phật giáo đối với nhân loại và Phật giáo ngày càng phát triển trên thế giới. Thông điệp Phật giáo cho con người hiện đại vẫn còn hiệu nghiệm như lúc Ðức Phật còn tại thế. Toàn bộ lời dạy của Ðức Phật đã được Ngài tóm tắt như sau:

"Dứt các điều ác,

Làm các ðiều lành,

Thanh lọc tâm ý,

Lời Phật dạy rành".

Nói đến văn hóa, theo nghĩa đen của nó, là dùng cái đẹp (văn) để giáo hóa người. Phật giáo lấy việc độ sanh làm cứu cánh, do đó văn hóa được xem như nền tảng của Phật giáo. Văn hóa (Culture) bao hàm các phương diện xã hội như khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, pháp luật, phong tục, tập quán… Trong bài này, người viết chỉ xin trình bày vài nét tiêu biểu, nổi bật của văn hóa đã in sâu trong lòng dân tộc Việt Nam.

Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, do vậy, đã tổng hợp chặt chẽ ngay với chúng, thể hiện ở các mặt sau:

1. Tý tưởng từ bi

Chống lại thành kiến quý tộc muốn bảo vệ sự cao quí của giai cấp mình bằng ranh giới khắc nghiệt, vô nhân đạo, Phật dạy: “Mọi người đều có thể thành Phật”. Ðó là cống hiến lớn của đạo Phật. Phật đã bao dung mọi người trong tình thương bao la, hiền dịu. Có khi những tình thương ấy lại vươn tới hành động hy sinh thân mình, dũng cảm cứu vớt kẻ hoạn nạn. Tình thương đó được thể hiện qua Quan Âm Thị Kính, hay Phật mẫu là một vị thần hộ mệnh của cư dân khắp vùng sông núi, vốn là địa bàn của văn hóa Nam Á.

Tư tưởng từ bi của đạo Phật vào nước ta thì tình thương người vốn có của ta được mở rộng. Nó chẳng những là tình thương người bao la mà còn là tình thương muôn vật. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Thương người như thể thương thân” có thể là sự xuyên thấm của hai nguồn tình thương. Ông Bụt trong “Tấm Cám”, trong các truyện cổ tích là hình tượng hóa bằng màu sắc Phật, tấm lòng cưu mang của người Việt. Sự tiếp thụ ở dạng này mới là sự tiếp thụ mở rộng và thấm sâu.

Lý giải việc dung hòa Phật giáo, Nho giáo và Ðạo giáo, người ta hay nhìn vào cơ sở đạo đức hoặc triết học của ba hệ tư tưởng ấy. Sự kết hợp Phật giáo với Nho được biểu hiện cao hơn ý nghĩa bên Ðạo giáo như nhiều người đã nhận định, đó là sự phát huy mạnh mẽ trong điều kiện của Việt Nam, phía tích cực về đạo Thiền là: Cứu nhân độ thế, là sống của con người lịch sử, biết nước biết dân, làm việc với tinh thần vô ngã, quên mình với một bản lĩnh đại hùng đại lực. Nhìn vào tổng quan các giá trị mà xét thì bản chất Phật giáo là từ bi, trí tuệ; bản nguyện Phật giáo là giác ngộ, giải thoát; bản hạnh Phật giáo là hòa bình, giáo dục và từ thiện. Từ những tính chất thiết thực ấy, Phật giáo đã phát huy chức năng nhập thế, hòa mình vào nền văn hóa bản địa, giúp dân tộc Việt xây dựng một nền văn hóa rực rỡ, hùng cường mà lịch sử các triều đại Lý - Trần đã chứng minh điều đó.

Văn hóa có chức năng, sức chi phối vượt thời gian, siêu không gian trong tất cả các hoạt động sống. Cho nên lịch sử dài nhất của nhân loại là lịch sử truyền thừa một nền văn hóa. Tuy nhiên, một nền văn hóa cũng có thể bị mất đi hoặc bị biến chất chức năng của nó nếu thế hệ kế tiếp không biết bảo tồn, thừa kế. Như thế thì Phật giáo Việt Nam qua hơn 2000 năm là một thực thể hiện hữu của nguyên lý văn hóa siêu việt này.

Trên cơ sở vững chắc của một cái vốn dân tộc, phục vụ cho yêu cầu đời sống dân tộc là một điều rất quan trọng, một chân lý Việt Nam.

Vào Việt Nam đạo Phật kết hợp với đạo đức dân tộc thờ ông bà tổ tiên mà phát huy những giá trị của giáo lý Tứ ân:

- Ân tổ tiên cha mẹ: Sinh ra ta là nhờ có cha mẹ, sinh ra cha mẹ là ông bà tổ tiên, nên khi biết ơn cha mẹ cũng phải biết ơn tổ tiên.

- Ân đất nước: Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ, sống ta phải nhờ đất nước quê hương. Hưởng tấc đất, ăn những ngọn rau cũng đều nhờ đất nước quê hương. Ráng cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị.

- Ân tam bảo: tức là thọ ân Phật, Pháp, Tãng đã đem đến cho mình lối sống đạo đức và lành mạnh.

- Ân đồng bào nhân loại: Nhờ hạt cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân. Vui sướng ta đồng hưởng với họ. Họ với ta cùng một màu da, cùng một thứ tiếng, những người mà ta thường gọi là đồng bào.

Nếu không có nhân loại, thử hỏi chúng ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chãng? Ta có thể tự túc một mình chăng? Thế nên dân tộc ta cũng phải nhờ đến nhân loại, nghĩa là ta phải nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ…

Giáo lý từ bi, tinh thần hiếu hòa, hiếu sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng và thấm nhuần sâu sắc trong tâm hồn của người Việt. Ðiều này ta thấy rõ qua con người và tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380-1442), một nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng Việt Nam kiệt xuất. Ông đã khéo vận dụng đạo lý từ bi và biến nó thành đường lối chính trị nhân bản đem lại thành công và rất nổi tiếng trong lịch sử nước Việt. Ông nói điều đó trong Bình Ngô Ðại Cáo rằng:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Bằng cách:

"Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo".

Cho nên khi đại thắng quân xâm lược, đối với tù binh nhà Minh, chúng ta không những không giết hại mà còn cấp cho thuyền bè, lương thực để họ về nước.

"Thần vũ chẳng giết hại

Thể lòng trời ta mở đức hiếu sinh... "

Tinh thần thương người như thể thương thân này đã biến thành ca dao tục ngữ rất phổ biến trong quần chúng Việt Nam như:

"Lá lành đùm lá rách".

Hay:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Ðó là những câu ca dao, tục ngữ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng thấm nhuần và thuộc nằm lòng, nói lên lòng nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam.

Nằm trên vị trí thuận lợi, từ lâu Việt Nam đón nhận và giao thoa với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong quá trình tiếp thu và chọn lọc, có thể nói không có nền văn hóa nào có sức sống mãnh liệt và hòa lẫn, cắm sâu vào nền văn hóa Việt Nam như văn hóa Phật giáo. Ðược truyền vào Việt Nam từ thế kỷ I, văn hóa Phật giáo đã tạo thành dòng mạch chủ đạo trong suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc.

2. Ảnh hưởng Phật giáo qua quá trình hội nhập văn hóa Việt Nam

Về mặt khái niệm, cũng cần nói rõ, cái gọi là “hội nhập văn hóa” ở đây tức là hội nhập giữa những thành tố Phật giáo, Ðạo giáo và Nho giáo vốn là ba hệ tý tưởng không cùng nguồn gốc và có sự đối nghịch với nhau, nhưng đều du nhập vào đời sống tinh thần của người Việt từ sớm, và với thời gian, đã mặc nhiên trở thành các hệ giá trị văn hóa dân tộc. Tất nhiên, đặt trong bối cảnh của một trung tâm Phật giáo thì văn hóa Phật giáo phải đóng vai trò chủ thể trong sự “hội nhập” ấy. Nhưng xét bản chất giáo lý cũng như cách thức truyền bá giáo lý, Phật giáo vốn không lấy sự kỳ thị và cưỡng chế làm cứu cánh mà lấy hòa đồng làm cứu cánh, do đó cũng có thể nói mối quan hệ cộng hưởng giữa Phật giáo, Ðạo giáo và Nho giáo trong phạm vi nhà chùa thời Lý-Trần đã diễn ra một cách hồn nhiên, tự nó, do khả năng thu hút, hoán cải, hoặc ảnh hưởng lẫn nhau, thâm nhập vào nhau đến một chừng mực nào đấy mà có, chứ không bị một lợi ích thực tiễn của một thế lực xã hội nào chi phối, làm cho méo mó.

Dưới thời Lý, các triều vua đều rất tôn sùng đạo Phật, nhưng cũng biết đánh giá cao địa vị của Ðạo giáo, và cả những tín ngưỡng lâu đời trong dân, như tập tục thờ ‘thần’ ở những nơi ghềnh cao vực thẳm. Triều đình vừa cho dựng chùa, lập quán, xây đền miếu, vừa cấp độ điệp cho sư sãi, đặt giai phẩm cho Tăng đạo, lại sắc phong cho hàng loạt vị thần. Câu chuyện hội kiến giữa Thiền sư Giác Hải, Ðạo sĩ Thông Huyền với vua Lý Nhân Tông còn để lại một truyền thuyết lý thú và một bài thơ thù tặng rất đẹp của nhà vua mà sách Thiền Uyển Tập Anh và Nam Ông Mộng Lục đều có ghi lại:

"Giác Hải lòng như biển,

Thông Huyền đạo rất huyền.

Thần thông kiêm biến hóa,

Một Phật một thần tiên".

Còn các vua Trần thì không những lo củng cố Phật giáo, tổ chức nên một Giáo hội Phật giáo thống nhất từ triều đình cho đến thôn xã, không những lo kiện toàn các khoa thi Nho giáo để đào tạo nhân tài, mà điều quan trọng là còn biết chuẩn bị nền tảng cho sự ra đời một đội ngũ thượng lưu trí thức vừa giỏi Nho vừa tinh thông cả Ðạo và Phật, đáp ứng được mọi yêu cầu đa dạng của đời sống chính trị, xã hội, và cả cái nhu cầu vi diệu của tâm linh.

Ngay từ đời Trần Thái Tông, quan điểm dung hợp cả Phật giáo và Nho giáo đã được ông phát biểu rất rõ. Trẫm thầm nghĩ: Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Ðặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: “Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Ðại sư (Phật) không khác”. Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình”. Sau này, đến đời Trần Nhân Tông, nối chí ông nội, đánh xong giặc Nguyên Mông ít lâu bèn cởi hoàng bào đi tu. Làm vị tổ đầu tiên của Giáo hội Trúc lâm Yên Tử; nhưng ông vẫn không quên kiên nhẫn rèn luyện phẩm cách một bậc “nhân nhân quân tử”. Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình, và nêu cao nghĩa khí nhà Nho của hàng ngũ bề tôi rường cột của triều đình; mặt khác, ông cũng lo tổ chức cho nhiều đại thần công khanh thụ giới Ưu-bà-tắc, tức là không xuất gia nhưng vẫn làm Phật tử tại gia. Và Trần Thì Kiến, một vị đại thần khác, có lẽ đã nói lên được cái ý nghĩa sâu xa của việc dung hợp Phật-Nho bằng những câu thơ thâm thúy:

"Rừng suối phải đâu là đại ẩn,

Chùa nhà ấy mới thực chân tu".

3. Giá trị văn hoá các ngôi chùa

Trong vườn văn hóa Phật giáo muôn màu ấy, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa thiêng liêng và gần gũi nhất.

Trong xã hội cổ trung đại Việt Nam, nền giáo dục chủ yếu là Hán học. Lối giáo dục bác học này hầu như chỉ có các nhà sư hấp thụ còn tuyệt đại đa số quần chúng đều gắn liền với sinh hoạt đồng áng, một nắng hai sương. Do vậy, để mang ánh sáng văn hóa cho dân chúng, nhà sư trở thành thầy giáo và chùa trở thành nhà trường. Giáo sư Nguyễn Ðãng Thục nhận định “Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với dân bị trị nơi quy tụ tín ngưỡng của người dân”. Giáo sư Trần Vãn Giáp viết “Bấy giờ chưa có kỳ thi Nho học, những người thông minh và có học, được biết, được học qua các vị Tăng”. Rõ ràng ngôi chùa đã mang sứ mạng truyền bá văn hóa và nhà sư là người thực hiện sứ mạng này. Và chắc chắn rằng, ngoài việc học văn hóa, người học còn được hấp thụ đạo đức, luân lý từ các nhà sư để họ trở thành người hữu ích cho xã hội.

Nét đẹp văn hóa của ngôi chùa cũng được thể hiện qua các lễ hội. Có thể nói, cho đến nay chưa có tôn giáo nào có sức ảnh hưởng lớn đến các lễ hội ở Việt Nam như Phật giáo. Hằng trăm lễ hội ở Việt Nam phần đông là lễ hội Phật giáo gắn liền với ngôi chùa. Lễ hội Phật giáo đã gắn bó, hòa quyện với quần chúng đến độ nó trở thành lễ hội của dân gian, mang tính đại đồng. Ði hành hương chiêm bái thánh tích, tham gia vào các lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân Việt. Mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch đều tham gia lễ hội.

Nhìn chung các lễ hội Phật giáo gắn liền với những ngôi chùa nổi tiếng đã mang đậm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và Phật giáo, đồng thời trở thành một phần tất yếu của đời sống tâm linh hướng thượng.

"Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông".

Chỉ hai câu thơ, thi sĩ Huyền Không đã lột tả được sự gắn bó bất khả phân ly của ngôi chùa với dân tộc. Ngôi chùa chính là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Ngôi chùa đã, đang và sẽ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và che chở bao tâm hồn con Việt. Bởi thế, những ai khi xa chùa không khỏi chạnh lòng, thương nhớ khôn nguôi:

"Mai này tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa".

Ðặc biệt, trong Phật giáo chúng ta còn có cái lễ, gọi là lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan gắn liền với chữ hiếu. Ðiều này cho thấy Vu Lan không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là nét đẹp văn hóa trong truyền thống đạo đức dân tộc.

Nhà sư Ấn Ðộ Dharmaraksa khi sang Trung Quốc vào đời Tây Tấn và dịch văn bản Ullambana Sutra ra chữ Hán (khoảng năm 266 -313 hay 317) đã rất tinh tế khi chuyển âm tiết lam (trong từ ullambana) ra lan. Theo chữ Hán, lan không chỉ là hoa lan mà còn mang ý nghĩa thơm tho, thanh tao, tinh tuyền trong sạch .

Âm tiết ul (trong từ ullambana) được chuyển thành vu, theo chữ Hán có nghĩa là cái chậu, cái bát (basin, bowl). Vì đâu lại dùng nghĩa này? Người Trung Quốc còn gọi hội Vu Lan là hoan hỉ hội, gọi ngày Vu Lan là hoan hỉ nhật bởi lẽ đây là dịp vui của những người con hiếu thảo và của những linh hồn được cứu độ.

Phật Thích - Ca có mười đại đệ tử được xếp vào hàng đệ nhất, đứng đầu là Xá-lợi-phất (Trí huệ đệ nhất), kế tiếp là Mục-kiền-liên (Thần thông đệ nhất), v.v... Tuy phép lực thần thông, Mục- kiền-liên vẫn không thể cứu mẹ; thậm chí, muốn cho mẹ đói được ăn mà cũng thúc thủ chịu thua. Từ đấy có lễ Vu Lan, hội Vu Lan để phận làm con báo ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

Như đã nói ở trên, Vu Lan là nét đẹp văn hóa đạo đức, phù hợp truyền thống dân tộc. Vu Lan góp phần duy trì căn bản đạo đức gia đình, đề cao chữ hiếu, nhắc nhở đạo làm con. Hiểu như vậy để thấy tại sao ở Trung Quốc, dù Vu Lan là lễ của đạo Phật mà những người theo đạo Khổng, đạo Lão cũng đều chấp nhận. Như Eitel giải thích, bởi vì Vu Lan hoàn toàn phù hợp truyền thống thờ cúng tổ tiên.

Châu Âu không có tục thờ cúng tổ tiên. Hiếu với người phương Tây có lẽ cũng không được nâng lên thành đạo. Tuy vậy, ở Mỹ có tập quán chọn hai ngày trong năm để nhớ ơn cha mẹ. Ngày của Mẹ (Mother’s Day) nhằm chủ nhật thứ hai của tháng Năm và Ngày của Cha (Father’s Day) nhằm Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu. Họ bán các thiệp in sẵn để con cái gởi cha mẹ trong hai ngày này. Phải chăng vì đời sống công nghiệp buộc ràng, họ chọn chủ nhật để gia đình dễ đoàn tụ. Và với tập quán “Lady first”, ưu tiên cho phụ nữ, họ đã dành ngày lễ của mẹ trước ngày lễ của cha cả năm tuần.

Như vậy để thấy trong lúc Việt Nam chưa có ngày của Mẹ, của Cha thì Vu Lan là dịp duy nhất ðể trong một năm con cái biết xếp lại việc đời bề bộn mà nhớ thương, kính dưỡng các bậc sinh thành. Nói thế là cần biết nâng Vu Lan lên một bậc, đừng hạn hẹp rằng Vu Lan chỉ để báo hiếu cha mẹ quá vãng. Vu Lan cũng nên là dịp để nghĩ đến mẹ cha đang còn sống giữa đời mình, là dịp mà phận làm con sẽ thấy hạnh phúc trọn vẹn khi còn đủ cha đủ mẹ, hay sẽ ngậm ngùi vì thiếu vắng hình bóng từ thân.

4. Ảnh hưởng Phật giáo qua sự dung hòa với các thế hệ chính trị xã hội

Phật giáo tuy là một tôn giáo xuất thế, nhưng Phật giáo Việt Nam có chủ trương nhập thế, tinh thần nhập thế sinh động này nổi bật nhất là các thời Ðinh, Lê, Lý, Trần. Trong các thời này các vị cao Tăng có học thức, có giới hạnh điều được mời tham gia triều chính hoặc làm cố vấn trong những việc quan trọng của quốc gia. Các thiền sư không có ý tranh ngôi vị ngoài đời nên được các vua tin tưởng, các ngài cũng không cố chấp vào thuyết trung quân như các Nho gia, nên họ có thể cộng tác với bất cứ vị vua nào đem lại hạnh phúc cho dân chúng. Thời vua Ðinh Tiên Hoàng đã phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, thời Tiền Lê có ngài Vạn Hạnh, ngài Ðỗ Pháp Thuận, ngài Khuông Việt cũng tham gia triều chính. Thời nhà Trần có các Thiền sư Ða Bảo, Thiền sư Viên Thông… đều được các vua tin dùng trong bàn bạc quốc sự như những cố vấn triều đình.

Ðến giai đoạn ðấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc (1959-1975) cũng thế, các tăng sĩ và cư sĩ miền Nam tham gia tích cực cho phong trào đấu tranh đòi hòa bình và độc lập cho dân tộc, nổi bật là những cuộc đối thoại chính trị giữa các tăng sĩ Phật giáo và chính quyền. Ðến cuối thế kỷ 20, ta thấy tinh thần nhập thế này cũng không ngừng phát huy, đó là sự có mặt của các thiền sư Việt Nam trong quốc hội của nước nhà.

Tóm lại với một tinh thần cởi mở, bao dung và truyền cảm hết sức mầu nhiệm, đượm sắc thái hiếu sinh, hiếu hòa và giải thoát, nên Phật giáo truyền vào quốc gia nào cũng được quần chúng nhân dân ở quốc gia đó nhiệt liệt hoan nghênh, tin tưởng cổ vũ và phụng sự. Ngoài các nước Á ðông, Phật giáo đang trên ðà phát triển tại các nước Âu Mỹ và khắp toàn thế giới. Những tư tưởng gia, những nhà bác học hiện đại cuối thế kỷ XX đã bày tỏ sự tán đồng thuyết lý Từ bi, Trí tuệ và Tự chủ rất nhân bản của đạo Giác ngộ, và lấy làm cảm kích nguyện nghiên cứu, học hỏi nguồn giáo lý vô thượng của đạo Phật, chỉ vì tinh thần giáo lý ấy không bao giờ trái với sự việc nào, bất cứ ở đâu, hạng người nào, khi họ hướng đến chân lý.

Trong khi con người thời đại đang khao khát tìm hiểu sự thật nghĩa sống của cuộc đời thì Phật giáo chính là chất liệu cần thiết. Phật giáo truyền tới đâu cũng dung hợp được với dân tộc tính, dân tộc tình, dân tộc trí của các nước tiếp nhận để làm giàu, làm mới cho con người và cuộc đời.

Với tư tưởng cao đẹp ấy, nguồn văn hóa ðạo Phật đã thấm sâu trong tim, óc quần chúng, từng thời đại, làm thỏa mãn những nhu cầu khát vọng tâm linh của nhân loại trí thức ngày nay. Ðạo Phật vốn không tự đóng khung, nên không bị thoái hóa. Do đó, xứng đáng tiêu biểu cho nền văn hóa thực tại, bao dung, toàn thiện của nhân loại ở hiện tại và tương lai, vì tự bản thân đạo Phật đã viên mãn văn hóa tính rồi vậy./.

 

Ni sư Thích nữ Chí Liên

Tịnh xá Ngọc Hải, Long Hải

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Viêt Nam)