ĐỨC THẾ TÔN DIỆT ĐỘ

Do thực hành thành tựu “pháp tứ như ý túc”, nên đức Thế Tôn có thể buông bỏ hay kéo dài thọ mạng là tùy theo ý muốn của mình.
Trên đường đi đến Cāpāla, đức Thế Tôn đã nói với Tôn giả Ananda điều này:
“Này Ananda, khả ái thay Vesāli, khả ái thay đền Udena, khả ái thay đền Gotamaka, khả ái thay đền Sattambaka, khả ái thay đền Bahuputta, khả ái thay đền Sarandada, khả ái thay đền Cāpāla.
Này Ananda, những ai đã tu Bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, điêu luyện và thiện xảo, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.
Này Ananda, nay Như Lai đã tu Bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, điêu luyện và thiện xảo.
Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”.
Đức Thế Tôn dạy như thế đến ba lần, nhưng Tôn giả Ananda lúc bấy giờ bị Thiên Ma Ba Tuần che khuất tâm trí, không nhận ra được mục đích lời dạy của Ngài. Do đó, Tôn giả không thỉnh cầu đức Thế Tôn ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, vì an lạc của chư Thiên và loài người.
Sau đó, Ác ma đến cung thỉnh đức Thế Tôn diệt độ.
Nhưng, đức Thế Tôn đã trả lời với Ác ma như sau:
“Này Ác ma, Ta đã không diệt độ, khi nào tứ chúng của Ta chưa trở thành những đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn duy trì chánh pháp, thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá chánh pháp thần diệu”.
Đức Thế Tôn nói với Ác ma: “Quý vị hãy yên tâm, Như Lai thấy đúng thời Như Lai sẽ diệt độ, Như Lai sẽ diệt độ sau ba tháng nữa, bắt đầu kể từ ngày hôm nay”.
Và tại đền Cāpāla, đức Thế Tôn dùng chánh niệm tỉnh giác từ bỏ “thọ hành” (không để tâm duy trì mạng sống lâu hơn nữa), bấy giờ đại địa chấn động.
Tôn giả Ananda liền thưa đức Thế Tôn, hôm nay tại sao đại địa chấn động, đức Thế Tôn dạy: “Do Như Lai buông bỏ không duy trì mạng sống nữa”.
Này Ananda, hôm nay tại đền Cāpāla, Như Lai dùng chánh niệm tỉnh giác buông bỏ thọ mạng, ba tháng nữa Như Lai sẽ diệt độ.
Bấy giờ Tôn giả Ananda thưa:
“Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Tôn giả Ananda cầu thỉnh như vậy đến ba lần”.
“Thôi đi, này Ananda, đừng có thỉnh cầu Như Lai nữa, không còn kịp thời”.
Sau đó, đức Thế Tôn đã an ủi Tôn giả Ananda và nhắc nhở về tính chất vô thường, biến ảo của vạn pháp.
Đức Thế Tôn nói: “Như Lai đã dứt khoát buông bỏ ‘thọ hành’, và sẽ diệt độ sau ba tháng nữa”.
Từ giã đền Cāpāla, đức Thế Tôn và Tôn giả Ananda đến giảng đường Kūtāgāra tại Đại Lâm, và Ngài cho Tôn giả Ananda đi mời các vị Tỳ-kheo ở gần Vesāli về tụ họp tại giảng đường này.
Sau khi chúng Tỳ-kheo tập họp đông đủ tại giảng đường Kūtāgāra, đức Thế Tôn ngồi lên Pháp tòa và nói:
“Này các Tỳ-kheo, nay những pháp do Như Lai chứng ngộ và giảng dạy cho các Thầy, các Thầy phải học hỏi thông minh và thực chứng, phải tu tập và truyền bá rộng rãi để phạm hạnh được trường tồn, vì hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng đối với đời và vì lợi ích, an lạc của chư Thiên cùng loài người.
Này các Thầy, pháp do Như Lai chứng ngộ và giảng dạy, các Thầy phải học hỏi thông minh, tu tập và truyền bá rộng rãi để cho phạm hạnh được trường tồn, vì hạnh phúc và an lạc của chúng sanh, vì sự thương tưởng đối với đời, vì hạnh phúc và an lạc của chư Thiên và loài người, pháp ấy chính là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy bồ đề phần và Tám chánh đạo.
Hỡi các Thầy!
Các hành là vô thường, các Thầy hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng kể từ ngày hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”.
Sáng mai, đức Thế Tôn đắp y, trì bát vào thành Vesāli khất thực. Khất thực xong, đức Thế Tôn nói với Ananda, đây là lần cuối cùng Như Lai nhìn Vesāli, sau đó Thế Tôn cùng với chúng Tỳ-kheo đến làng Bhandagama, dùng cơm xong, đức Thế Tôn dạy:
“Khi Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ và Thánh giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt thì mọi tham ái, những gì đưa tới tái sinh đều bị trừ diệt”.
Và tại đây, Ngài nói bài pháp thoại ngắn cho các thầy Tỳ-kheo:
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa tới quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa tới giải thoát hoàn toàn đối với các mê lầm về dục, về tri kiến và về vô minh”.
Từ giã giảng đường Kūtāgāra, đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đến đền Bhoganagara, tại đây đức Thế Tôn dạy bốn điều cần tham cứu cho các Tỳ-kheo.
1. Nếu có một người tự nói họ nghe và lãnh thọ luật và pháp từ đức Thế Tôn, thì quý vị không nên khen và cũng không nên hủy báng, mà nên quán sát kỹ lưỡng rồi đem đối chiếu với Kinh và Luật, trước khi đi đến kết luận là đúng hay sai, là nên tin hay không nên tin, nên thọ trì hay không nên thọ trì.
2. Nếu một người có thể nói rằng, tôi ở trú xứ kia, có Thượng tọa, có Tăng chúng, có Đạo sư lãnh đạo, Tôn giả nghe và lãnh thọ trực tiếp từ những vị ấy nói: Đây là pháp, đây là luật do Thế Tôn giảng dạy, thì quý vị không nên khen và cũng không nên hủy báng, mà nên quán sát kỹ lưỡng rồi đem đối chiếu với Kinh và Luật, trước khi đi đến kết luận là tin hay không nên tin, nên thọ trì hay không nên thọ trì.
3. Nếu tại một trú xứ có nhiều vị Tỳ-kheo, Thượng tọa đa văn, trì pháp, trì luật, gìn giữ truyền thống, lại có một người từ trú xứ ấy đến nói rằng:
“Tự thân tôi nghe và lãnh thọ như pháp, như luật từ các vị Thượng tọa”. Và các vị Thượng tọa ấy đã nói: “Đây là lời của các bậc Đạo sư”, thì quý vị không nên khen và cũng không nên chê, mà nên quán sát kỹ lưỡng rồi đem đối chiếu với Kinh và Luật, trước khi đi đến kết luận là đúng hay sai, là nên tin hay không nên tin, nên thọ trì hay không nên thọ trì.
4. Nếu tại một trú xứ có một vị Thượng tọa đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu, lại có một người từ trú xứ ấy đến nói rằng:
“Tự thân tôi nghe và lãnh thọ như pháp, như luật từ vị Thượng tọa ấy” – và vị Thượng tọa ấy nói: “Đây là pháp và luật của đức Đạo sư”, thì quý vị không nên khen và cũng không nên chê, mà nên quán sát kỹ lưỡng rồi đem đối chiếu với Kinh và Luật, trước khi đi đến kết luận là đúng hay sai, là nên tin hay không nên tin, nên thọ trì hay không nên thọ trì.    
Từ Bhoganagara, đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo chấp nhận lời thỉnh cầu đến gia đình của cư sĩ Cunda (Thuần Đà) để thọ trai.
Trưa hôm đó, đức Thế Tôn dùng loại nấm “mộc nhĩ”, sau khi dùng loại nấm này xong, đức Thế Tôn gọi Cunda đến và bảo: “Nấm mộc nhĩ còn lại này nên đem chôn, không nên để cho ai dùng, vì không ai dùng có thể tiêu hoá được ngoại trừ Như Lai mà thôi”.
Sau khi thọ trai tại nhà cư sĩ Cunda (Thuần Đà) xong, đức Thế Tôn liền thuyết pháp và khích lệ gia đình của ông ta và Ngài từ giã rồi đi đến Kusināra để nghỉ ngơi. Và sau đó đức Thế Tôn xóa sự hối hận cho cư sĩ Cunda, vì có thể có nhiều người cho rằng: “Do bữa ăn tại gia đình cư sĩ Cunda mà đức Thế tôn diệt độ”. Đức Thế Tôn đã dạy Tôn giả Ananda đến nói với cư sĩ Cunda như sau:
“Này Hiền giả! Thật lợi ích cho bạn, thật là công đức lớn cho bạn, vì Như Lai đã nhận bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường và Ngài diệt độ”.
“Này Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói này từ đức Thế Tôn:
Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường khác.
Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ, không còn di hưởng sinh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác.
Nhờ hành động này, Hiền giả Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ, hưởng sắc đẹp, hưởng an lạc, hưởng danh tiếng, hưởng phước báo cõi trời và hưởng uy quyền”.
Từ Kusināra, đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đi qua bên kia sông Hirannavatti đến Kusināra – Upavatta, nơi rừng cây Sālā của bộ tộc Mallā, đức Thế Tôn dạy Tôn giả Ananda hãy sửa soạn chỗ nằm, Như Lai muốn nghỉ tại đây. Ngài nằm nghỉ giữa hai cây Sālā, nghiêng về phía phải, hai chân chéo lên nhau, đầu xoay về phía Bắc, như dáng sư tử ngọa, có chánh niệm tỉnh giác.
Bấy giờ cây Sālā Song Thọ trổ hoa trái mùa, hoa rơi khắp mình của Như Lai để cúng dường Ngài, rồi những Thiên hoa Mandāra từ hư không rơi xuống trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột chiên đàn từ trên hư không rơi xuống để cúng dường, nhạc trời trổi lên, thiên ca vang lên để cúng dường Ngài. Đức Thế Tôn gọi tôn giả Ananda mà bảo: “Tất cả sự cúng dường đó không phải là sự cúng dường tối thượng.
Này Ananda! Trong hàng đệ tử của Như Lai những ai đã thành tựu Pháp và Tùy pháp, sống chân chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.
Do đó, này Ananda! Quý vị hãy thành tựu Chánh pháp và Tuỳ pháp, sống chân chánh trong chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy!”
Bấy giờ, Đại đức Upavāna đang đứng trước mặt đức Thế Tôn và quạt, nhưng đức Thế Tôn bảo Đại đức Upavāna đừng đứng trước mặt làm che khuất sự chiêm ngưỡng của chư Thiên từ xa đối với Ngài.
Bấy giờ, có hàng chư Thiên ở dục giới và các hàng Thiên thần ở trên đất, với tâm tư thế tục, đã than khóc sầu não:
“Thế Tôn nhập diệt sớm quá, Thiện Thệ nhập diệt sớm quá, Pháp nhãn biến mất trên đời quá sớm!”.
Bấy giờ có hàng chư Thiên đã diệt trừ được ái dục, họ bình thản, tỉnh giác chịu đựng, với tâm suy tư:
“Các hành là vô thường, sự kiện này làm sao có thể khác được!”
Bấy giờ các Tỳ-kheo thưa:
“Bạch đức Thế Tôn! Thuở trước chúng con sau khi thọ an cư, từ các địa phương chúng con đến chiêm ngưỡng Như Lai, chúng con cũng lại được lợi ích tiếp kiến hầu cận với những vị Tỳ-kheo tu tập giỏi.
Bạch Thế Tôn!
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, chúng con không được diện kiến chiêm ngưỡng Ngài và tiếp kiến, hầu cận với những vị Tỳ-kheo tu tập giỏi”.
Đức Thế Tôn dạy: “Sau khi Như Lai diệt độ, quý vị nên chiêm ngưỡng bốn Thánh tích:
1. Nơi Bồ-tát đản sinh.
2. Nơi Như Lai thành đạo.
3. Nơi Như Lai chuyển pháp luân.
4. Nơi Như Lai diệt độ.
Những vị nào trong lúc chiêm bái các Thánh tích với tâm thâm tín, hoan hỷ, thời sẽ sanh vào các cõi thiện hoặc các cõi trời”.
Bấy giờ Tôn giả Ananda thưa đức Thế Tôn rằng:
“Khi chúng con đối xử với người khác phái phải như thế nào?”
Đức Thế Tôn dạy:
“Khi tiếp xúc phải an trú trong chánh niệm”.
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, đối với Xá-lợi chúng con phải làm như thế nào?
Đức Thế Tôn dạy:
“Quý vị đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân Xá-lợi của Như Lai. Quý vị hãy nỗ lực hướng về tự độ, tinh cần không phóng dật đối với vấn đề tự độ.
Còn Xá-lợi của Như Lai sẽ có những vị học giả Sát-đế-lợi và Bà-la-môn, gia chủ thâm tín của Như Lai lo liệu”.
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, chúng con sẽ tẩm liệm và xây tháp tôn trí như thế nào?
Đức Thế Tôn dạy:
“Hãy cử hành tang lễ của Như Lai theo nghi thức tang lễ của vị Chuyển Luân Thánh Vương và xây tháp cũng vậy”.
Nghĩa là thân thể quấn tròn với vải mới và quấn thêm một lớp vải gai bện, rồi lại quấn thêm một lớp vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải.
Rồi đem thân ấy đặt vào trong một cái quan bằng sắt có dầu, rồi cái quan bằng sắt có dầu này lại được bọc một cái quách lớn phủ kín và đưa ra ở ngã tư đường, đặt trên một giàn hoả được thiết trí toàn bằng gỗ hương và thiêu.
Và tháp của Như Lai cũng xây ở ngã tư đường để cho mọi người khởi tâm dâng hương, dâng hoa, kính lễ khiến cho họ có được phước báo lâu dài.
Đức Thế Tôn dạy chỉ có bốn hạng người được xây tháp:
1. Đấng Như lai.
2. Độc Giác.
3. Hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai.
4. Chuyển Luân Thánh Vương.
Vì tâm của quần chúng khi nghĩ tới bốn hạng này, họ sanh tâm cung kính, hoan hỷ nên khi sinh mệnh của họ kết thúc được sanh vào các cõi lành hoặc sanh lên các cõi trời. Do đó, bốn hạng này cần xây tháp để đem lại lợi ích.
Sau khi nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, Tôn giả Ananda đi vào phía sau khóc và nói:
“Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay, bậc Đạo sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương tưởng ta nữa”.
Bấy giờ đức Thế Tôn gọi Tôn giả Ananda và bảo:
“Này Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có than khóc!
Ta đã tuyên bố trước với ngươi rồi, mọi vật thương quý tốt đẹp đều phải sanh biệt, tử biệt, dị biệt.
Này Ananda, làm sao các pháp hữu vi đã có sanh, có trụ mà không có sự biến diệt.
Thôi, Ananda đừng khóc và buồn nữa!
Thầy đã đem thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp từ ái, thanh tịnh mà phụng sự Như Lai. Công đức của Thầy đối với Như Lai quả là vô lượng. Thầy hãy cố gắng lên, không bao lâu sẽ chứng Thánh quả vô lậu, hỡi người thị giả ưu tú của Ta”.
Tôn giả Ananda bạch với đức Thế Tôn rằng:
“Bạch Thế Tôn! Xin Ngài đừng diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, vì tại đây quá hoang vu, quá nhiều sự lệ thuộc, xin Ngài hãy đến các đô thị như Campà (Chiêm Bà), Rājagaha (Vương Xá), Sāvathi (Xá Vệ), Sāketa (Sa Kỳ), Kosamba (Kiều Thường Di), Bārānasi (Ba La Nại) để diệt độ. Tại những chỗ ấy có đại chúng Sát đế lợi, đại chúng Bà-la-môn, đại chúng Gia chủ, các đại chúng ấy rất tin tưởng Như Lai và họ sẽ cúng dường Xá-lợi của Như Lai”.
Đức Thế Tôn dạy: “Đừng nói đô thị này nhỏ bé, hoang vu và lệ thuộc. Đô thị này vào thời vua Mahāsudassa làm Chuyển Luân Thánh Vương, đem chánh pháp an dân, thống lãnh bốn châu thiên hạ, chinh phục hộ trì quốc dân, đầy đủ bảy báu.
Này Ananda, xưa Ta làm vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Mahāsudassa – Ta đã từng diệt độ ở đô thị này.
Thôi, Ananda hãy vào báo tin cho các vị tộc trưởng Vāsetthā và dân làng Mallā là cuối đêm nay, Như Lai sẽ diệt độ, để họ đến thăm và chiêm ngưỡng.”
Tôn giả Ananda liền đi báo cho tộc trưởng Vāsethā và dân làng Mallā cho họ biết là cuối đêm nay, đức Thế Tôn sẽ diệt độ tại rừng Sālā này. Vậy, quý vị hãy đến chiêm ngưỡng, kẻo về sau ân hận.
Bấy giờ, dân làng Mallā kéo nhau đến từng bộ tộc than khóc và nói:
“Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.
Sau đó, dân làng Mallā đảnh lễ đức Thế Tôn theo từng bộ tộc.
Bấy giờ, có du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda (Tu Bạt Đà La), 120 tuổi đến xin yết kiến Thế Tôn để tham vấn, nhưng thầy Ananda không bằng lòng.
Đức Thế Tôn biết được, Ngài cho gọi Subhadda vào.
Sau khi Subhadda vào theo phép xã giao thăm hỏi, rồi ngồi xuống và thưa với đức Thế Tôn như sau:
“Thưa Tôn giả Gotama! Có những Sa-môn, Bà-la-môn là những vị hội chủ, giáo chủ nổi tiếng, được quần chúng tôn trọng như Pūranakasspa, Makkhali-Gosāla, Ajita-Kesakambali, Pakadha-Kaccāyana, Sanjaya-Belatthiputta, Nigantha-Nāthaputa…, tất cả những vị này đã giác ngộ như họ tự nói, hay là chưa giác ngộ, mà trong số họ có vị giác ngộ, có vị chưa giác ngộ?”
Thôi, chuyện đó để yên một bên, bây giờ Như Lai chỉ nói gọn cho Subhadda biết rằng:
“Ở trong pháp và luật nào có Bát chánh đạo, thì pháp và luật đó có sự giác ngộ của bốn quả vị Sa môn, và trong pháp luật nào không có pháp Bát chánh đạo thì pháp luật ấy không có bốn quả vị Sa môn.
Khi nghe đức Thế Tôn nói như vậy, ông Subhadda hiểu được vấn đề, liền đảnh lễ đức Thế Tôn và lãnh thọ pháp Tam quy, làm đệ tử cuối cùng của đức Thế Tôn.
Trước khi đức Thế Tôn diệt độ, Ngài gọi tôn giả Ananda và các Tỳ-kheo dặn dò những điều như sau:
1. Sau khi Như Lai diệt độ, giới luật là bậc Đạo sư của quý vị.
2. Sau khi Như Lai diệt độ, các Thầy lớn gọi các Thầy nhỏ là Hiền giả. Còn các Thầy ngang hàng nhau thì gọi nhau bằng tên, hoặc bằng họ hay bằng Hiền giả. Và các Thầy nhỏ gọi các Thầy lớn là Thượng tọa hay Đại đức.
3. Sau khi Như Lai diệt độ, có nhiều điều nhỏ nhặt trong học giới, quý vị muốn bỏ thì hãy bàn bạc với nhau mà bỏ.
4. Sau khi Như Lai diệt độ, chúng Tăng hãy xử trị pháp brahmadanda (mặc tẫn) đối với các Tỳ-kheo ương ngạnh (channa).
5. Các Tỳ-kheo nào có nghi ngờ gì về Phật, Pháp, Tăng, về Đạo và các phương tiện thì hãy hỏi, chứ đừng để về sau ân hận.
6. Sau khi Như Lai diệt độ, mỗi khi tụng đọc lại pháp, nên mở đầu bằng câu ‘như vậy tôi nghe…(như thị ngã văn)’.
7. Các Thầy luôn luôn quán chiếu các pháp hữu vi sinh diệt, vô thường hãy tinh tấn để tự độ, đừng có buông lung. Đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai.”
Bấy giờ, Như Lai đi vào sơ thiền. Xuất sơ thiền, Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ.
Lúc Thế Tôn diệt độ, đại địa chấn động, râu tóc mỗi người dựng ngược, sấm trời vang dậy.
Lúc đó, Phạm thiên Sahampati thốt lên bài kệ:
“Chúng sanh ở trên đời
Từ bỏ thân ngũ uẩn
Bậc Đạo sư cũng vậy
Đấng tuyệt luân trên đời
Bậc Đại hùng giác ngộ
Như Lai sẽ diệt độ”.
Lúc đó, Thiên chủ Sakka thốt lên bài kệ:
“Các hành là vô thường
Có sanh phải có diệt
Đã sanh, chúng phải diệt
Nhiếp phục là an lạc”.
Đại đức Anuruddha thốt lên bài kệ:
“Không phải thở ra vào
Chính tâm trú chánh định
Không tham ái, tịch tịnh
Tu sĩ hướng diệt độ
Chính tâm tịnh bất động
Nhẫn chịu mọi cảm thọ
Như đèn sáng bị tắt
Tâm giải thoát hoàn toàn.      
Đại đức Ananda thốt lên bài kệ:
“Thật kinh khủng, bàng hoàng
Thật râu tóc dựng ngược
Khi Bậc toàn thiện năng
Bậc Giác ngộ nhập diệt”.
Khi đức Thế Tôn nhập diệt rồi, các thầy Tỳ-kheo mà các tham ái chưa diệt hết liền than:
“Thế Tôn nhập diệt sao sớm quá, Thiện Thệ nhập diệt sao sớm quá, Pháp nhãn sao biến mất ở trên đời quá sớm!”.
Các vị Tỳ-kheo đã đoạn trừ tham ái, thì kham nhẫn an trú chánh niệm tỉnh giác mà nói:
“Các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy”.
Lúc bấy giờ đại chúng và dân chúng Mallā tẩm liệm đức Thế Tôn theo nghi thức của vị Chuyển Luân Thánh Vương, rồi kính lễ, dâng hương hoa cúng dường suốt một tuần, đến ngày thứ bảy, đại chúng và dân chúng Mallā đưa kim thân của đức Thế Tôn đến giàn thiêu, bốn vị tộc trưởng Mallā thiêu giàn hoả nhưng giàn hoả không cháy.
Bốn vị tộc trưởng liền thưa với Đại đức Anuruddha do nhân gì, duyên gì mà giàn hỏa hỏa thiêu kim thân của đức Thế Tôn không cháy?
Đại đức Anuruddha đáp:
“Do Đại đức Mahākassapa và đại chúng Tỳ-kheo đang trên đường về để đảnh lễ kim thân của đức Thế Tôn”.
Khi đại đức Mahākassapa và đại chúng Tỳ-kheo 500 vị đến, đại đức Mahākassapa (Ca Diếp) thưa với Đại đức Ananda rằng: “Cho tôi chiêm ngưỡng kim thân đức Thế Tôn lần cuối trước khi làm lễ Trà Tỳ”.
Đại đức Ananda thưa: “Rất khó thấy kim thân đức Thế Tôn, vì kim thân của Ngài trong khi tẩm liệm được bao bọc nhiều lớp”.
Bấy giờ đại đức Mahākassapa hướng về giàn hoả cầu nguyện chiêm bái đức Thế Tôn, thì ngay lúc ấy đức Thế Tôn duỗi chân ra ngoài kim quan để cho Đại đức chiêm ngưỡng và đảnh lễ. Đại đức chiêm ngưỡng và đảnh lễ xong, chân của đức Thế Tôn biến mất, Ngài và chúng Tỳ-kheo 500 vị liền đi quanh giàn hỏa ba vòng và đọc bài kệ:
“Con nay cúi đầu lễ
Đức Đạo sư vô thượng
Thánh trí không thể lường
Thánh trí cao tột đỉnh
Bậc Sa môn tối thượng,
Cao quý không tỳ vết,
Thanh tịnh không tham ái
Bậc Thầy giữa trời - người.
Con nay xin kính lễ,
Đấng Đại hùng cõi người,
Khổ hạnh chẳng ai bằng,
Từ bỏ để dạy người.
Kính lễ đấng Thế Tôn,
Không nhiễm, không trần cấu,
Dứt sạch tham, sân, si,
Vui trong cảnh tịch diệt.
Kính lễ đấng Thập Lực,
Độc nhất chẳng ai bằng,
Giải thoát đến tột bậc,
Phước trí cao tuyệt vời.
Kính lễ Bậc Trí Tịnh,
Đấng giác ngộ Tứ đế,
Tối thượng giữa Sa môn,
Khiến bỏ tà về chánh.
Kính lễ Đấng Vắng Lặng,
Thế Tôn thường an tịnh,
Không dao động tỳ vết,
Thân tâm thường tịch tịnh.
Kính lễ Đấng Thanh Tịnh,
Loại trừ mọi nhiễm ô,
Tuệ nhãn không hạn lượng,
Cam lồ, tiếng oai vang.
Kính lễ Đấng Vô Thượng,
Hiếm có khó nghĩ bàn,
Tiếng nói nhơn Sư tử,
Ở rừng không khiếp sợ,
Nhiếp ma vượt bốn tánh,
Cho nên con kính lễ”.
Đại đức vừa đọc xong bài kệ ca ngợi đức Thế Tôn xong thì giàn hỏa tự bốc cháy. Sau đó, các người Mallā nhặt Xá-lợi của Thế Tôn và tôn trí ở giảng đường để đảnh lễ và dâng hoa, hương, quả, đèn, nhạc để chiêm bái cúng dường trải qua bảy ngày.
Bấy giờ vua chúa các nước Magdha, Vesāli, Kapilavatthu, Allakappa, Rāmagāma, v.v… đều gởi sứ giả đến Kusināra và nói:
“Thế Tôn là người Sát đế lợi, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lợi, chúng tôi cũng xứng đáng một phần Xá-lợi của Thế Tôn, chúng tôi cũng dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi Thế Tôn”.
Bà-la-môn Vethadīpaka nghe tin Thế Tôn diệt độ, cũng sai sứ giả đến Kusināra và nói:
“Thế Tôn là người Sát đế lợi, tôi là người Bà-la-môn. Tôi cũng xứng đáng một phần Xá-lợi của Thế Tôn, chúng tôi cũng dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi Thế Tôn”.
Các người Mallā nghe tin đức Thế Tôn diệt độ, cũng liền gởi một sứ giả đến Kusināra và nói:
“Thế Tôn là người Sát đế lợi, chúng tôi cũng là người Sát đế lợi, chúng tôi cũng xứng đáng một phần Xá-lợi của Thế Tôn, chúng tôi cũng dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi Thế Tôn”.
Và các người Mallā ở Kusināra khi nghe sứ giả các nơi gởi đến tuyên bố như trên nên họ liền nói:
“Thế Tôn diệt độ tại rừng của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho một phần Xá-lợi nào của Thế Tôn đến quý vị”.
Khi nghe các người Mallā ở Kusināra tuyên bố như vậy, Bà-la-môn Dona liền nói với đại chúng:
“Tôn giả hãy nghe lời tôi nói!
Phật dạy chúng ta hãy kham nhẫn
Thật không tốt nếu có tranh giành,
Khi chia Xá-lợi Bậc Thượng nhân.
Chúng ta hãy đoàn kết nhất tâm,
Hoan hỷ chia Xá-lợi tám phần.
Chúng ta hãy dựng tháp mọi phương,
Đại chúng mười phương tin pháp nhãn”.
Sau đó, Xá-lợi của Thế Tôn được phân chia tám phần đồng đều cho tám xứ sở.
Và cuối cùng là sứ giả của người Morigā ở Pipphalivana đến sau cùng, nên chỉ lấy phần tro còn lại.
Như vậy, Xá-lợi của Thế Tôn đã được sứ giả của các quốc gia cung thỉnh về nước của họ, xây tháp phụng thờ cho nhân dân của họ kính lễ và cúng dường hằng ngày.
Bao nhiêu sự kiện lịch sử của đức Thế Tôn từ thị hiện, đản sanh đến diệt độ, rồi chúng cũng sẽ trở thành những sự kiện siêu lịch sử, khi thời gian đi qua một tiểu kiếp, một trung kiếp, một đại kiếp, rồi lại trải qua số kiếp như cát sông Hằng và bấy giờ trí năng của con người không còn đủ lực để ý niệm về chúng, và đương nhiên cũng được mọi người xếp vào những sự kiện huyền thoại và siêu lịch sử.
Tuy nhiên, dù chúng có được con người xếp vào những sự kiện huyền thoại và siêu lịch sử đi nữa, thì những sự kiện ấy vẫn là những sự kiện thực tế của con người.
Do đó, dù người học Phật theo trường phái nào hay không học Phật với trường phái nào đi nữa, nếu họ có những phút giây trầm lắng để chiêm nghiệm, họ cũng sẽ phát hiện ra rằng:
Giữa không gian vô cùng đang có vô biên thế giới; giữa thời gian vô tận đã, đang và sẽ có vô biên Thế Tôn thị hiện giữa cuộc đời để hóa độ chúng sanh với tâm đại từ bi. Và bất cứ đức Phật nào khi giáo hóa chúng sanh, các Ngài cũng có đầy đủ Mười phẩm tính giác ngộ, Mười sức mạnh trí tuệ, Bốn sự không sợ hãi, Bốn biện tài vô ngại và Mười tám pháp bất cộng. Nên, Thế Tôn diệt độ là trở về với Pháp thân thường trú, Báo thân của Ngài đang ẩn tàng với những chúng đệ tử và chúng sanh ở nơi thế giới nầy, nhưng đang biểu hiện với những chúng đệ tử và chúng sanh ở nơi những thế giới khác và ứng hóa thân của Ngài vẫn đang có mặt với chúng ta ở nơi thế giới nầy dưới vô lượng hình thức. Chúng ta hãy thực tập Giới cộng thông với Định và Tuệ; thực tập Định cộng thông với Tuệ và Giới; thực tập Tuệ cộng thông với Giới và Định với tâm tư an tịnh và thuần thục, thì bất cứ ở đâu và lúc nào, chúng ta cũng đều thấy được Phật và đức Phật sẽ bất sinh diệt trong lòng của mỗi chúng ta.

Thích Thái Hòa
Nguồn: TSPL 06