Phân biệt về nghiệp A. Kinh PHÂN BIỆT NHỎ VỀ NGHIỆP

(Kinh số 135 - Cùlakammavibhangasuttam -Discourse On The Lesser Analysis Of Deeds)

I . GIẢI THÍCH CÁC TỪ NGỮ
(Các từ ngữ quen thuộc)
II. NỘI DUNG KINH 135
1. Lúc Thế Tôn trú ở tịnh xá Cấp Cô Độc, Thắng Lâm, thành Xá Vệ (Sàvatthì) có một thanh niên tên là Sabha Todeyyaputta đến hầu Đức Thế Tôn và bạch hỏi:
"Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì giữa loài người, cùng là  con người lại có người liệt, người ưu?".

 

Thế Tôn dạy:
"Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu".
2. Thế Tôn đã cắt nghĩa rộng rãi bằng cách nói lên một số nghiệp phổ biến đưa đến các sai khác giữa loài người như sau:
2.1. Người thường sát sinh, tay đẫm máu, chuyên tâm sát hại, đả thương... các loài hữu tình chúng sinh, sau khi chết sẽ sinh về đọa xứ, bàng sinh, địa ngục; nếu người đó được sinh làm người sẽ là người yểu mệnh.
Ngược lại, người từ bỏ sát sinh... thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh và loài hữu tình, thì sau khi chết sẽ thác sinh về thiện thú, thiên giới ở đời. Nếu sinh lại làm người..., người ấy sẽ được trường thọ.

2.2. Với người có tính nao hại..., sau khi chết sẽ thác sinh về  ác thú, đọa xứ, địa ngục...; nếu sinh lại làm người thì sẽ là người nhiều bệnh hoạn.
Ngược lại, người sống không gây não hại..., sau khi chết sẽ thác sinh về thiện thú, thiên giới; nếu sinh lại làm người thì sẽ ít bệnh hoạn.
2.3. Nếu là người nhiều phẫn nộ, phật ý... thì sau khi chết sẽ thác vào... cõi dữ; nếu sinh lại làm người thì sẽ xấu sắc (xấu tướng). Ngược lại, người không phẫn nộ... thì sau khi chết sẽ thác sinh vào thiện thú; nếu sinh lại làm người, sẽ là người có sắc đẹp.
2.4. Nếu người tật đố, thì sau khi chết sẽ thác sinh vào cõi dữ; nếu sinh lại làm người sẽ là người có quyền thế nhỏ. Ngược lại, người không có tính tật đố, sau khi chết sẽ thác sinh vào cõi thiện thú; nếu sinh lại làm người, sẽ là người có quyền thế lớn.
2.5. Nếu là người ngạo nghễ, kiêu mạn..., sau khi chết sẽ thác sinh vào cõi dữ; nếu sinh lại làm người sẽ là người thuộc gia đình hạ liệt.
Ngược lại, nếu người không kiêu căng ngã mạn, sau khi chết sẽ thác sinh vào thiện thú; nếu sinh lại làm người sẽ thuộc gia đình cao quý.
2.6. Nếu là người không bố thí, cúng dường Sa môn, sau khi chết sẽ sinh vào cõi dữ; nếu sinh lại làm người sẽ có tài sản nhỏ.
Ngược lại, người chuyên bố thí cúng dường Sa môn thì sau khi chết sẽ sinh vào thiện thú; nếu sinh lại làm người sẽ có nhiều tài sản.
2.7. Nếu là người không biết đến các tu sĩ để học hỏi Phật pháp, học hỏi các điều thiện, phân biệt các điều ác..., thì sau khi chết sẽ thác sinh vào cõi dữ; nếu sinh lại làm người thì sẽ là người trí tuệ yếu kém.
Ngược lại, người biết tìm đến các tu sĩ để học hỏi Phật pháp, sau khi chết sẽ thác sinh vào thiện thú...; nếu sinh lại làm người, sẽ là người có đầy đủ trí tuệ.
Thế Tôn chỉ nêu lên một số trường hợp điển hình, nên kinh này được gọi la Phân Biệt Nhỏ Về Nghiệp.

III. BÀN THÊM
1. Theo giáo lý Phật giáo, sự thật mà Thế Tôn đã chứng ngộ dưới cội bồ đề, đắc Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, và Lậu tận minh, là Ngài đã thấy rõ nghiệp nhân và nghiệp quả của vô lượng kiếp của tự nghiệp, và thấy rõ chúng sinh làm những nghiệp gì sẽ thọ báo như thế nào. Do chứng nghiệm sự thật đó, Thế Tôn dạy kinh Phân Biệt Nhỏ về nghiệp nêu trên.
2. Sự phân biệt về nghiệp được giới thiệu trên chỉ là nét khái quát, đại cương. Trên thực tế, mỗi người tạo nên nhiều nghiệp ác, nhiều nghiệp thiện, hoặc nhiều nghiệp thiện, ác xen kẽ và người tạo nghiệp lại có cấp độ chánh kiến, tà kiến khác nhau, cận tử nghiệp khác nhau nữa, nên sự phân biệt chi li về nghiệp của các chúng sinh trở nên tinh tế và phức tạp hơn nhiều. Điều này sẽ được đề cập tiếp ở kinh số 136.

B. Kinh PHÂN BIỆT LỚN VỀ NGHIỆP
(Kinh số 136 - Mahà Kamma-vibhangasuttam - Discoure On The Greater Analysis Of Deeds)
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
- Các từ ngữ quen thuộc.
- Có một đoạn cuối kinh, người đọc cần nghiên cứu kỹ:
uNguyên bản Pàli:
"Iti kho, Ànanda, atthi kammam abhabbam abhabba-bhàsam; atthi kammam abhabbam bhabbà-bhàsam; atthi kammam bhabbaĩ c’eva bhabbàbhàsanca; atthi kammam bhabbam abhabbà-bhàsan ti".
uAnh ngữ:
"So, Ànanda, there is the deed that is inoperative, apparently inoperative; there is the deed that is inoperative, apparently operative; there is the deed that is both operative and apparently operative; there is the deed that is operative, apparently inoperative".
uViệt dịch, Đại tạng kinh VN, Trung Bộ III, 1992, tr.498:
"Như vậy, này Ànanda, có nghiệp vô hữu tợ vô hữu; có nghiệp vô hữu tợ hữu; có nghiệp hữu tợ hữu; có nghiệp hữu tợ vô hữu".
uĐể dễ nhận ý nghĩa, người biên soạn dịch là:
"Như vậy, này A Nan, có nghiệp không có tác dụng biểu hiện không có tác dụng; có nghiệp không có tác dụng biểu hiện có tác dụng; có nghiệp có tác dụng (hiệu quả) biểu hiện có tác dụng; có nghiệp có tác dụng biểu hiện không có tác dụng".

II. NỘI DUNG KINH PHÂN BIỆT LỚN VỀ NGHIỆP
1. Lúc Thế Tôn đang trú ở tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana), thành Vương Xá (Ràjagaha), du sĩ ngoại đạo Potaliputta hỏi Tỷ kheo Samiddhi, mới xuất gia ba năm, rằng:
"Thưa Hiền giả Samiddhi, khi một người có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thời người ấy có cảm giác gì ?".
Tỷ kheo Samiddhi đã lúng túng trả lời không đúng Chánh pháp. Tôn giả Ànanda đã dẫn Tỷ kheo Samiddhi đi yết kiến Thế Tôn để được chỉ dạy.
2. Thế Tôn quở Samiddhi là nói lời tà kiến, Ngài dạy về sự phân biệt lớn vê nghiệp như sau:
2.1. "Nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đi đến lạc thọ, người ấy sẽ cảm giác lạc thọ; nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ thọ, người ấy sẽ cảm giác khổ thọ; nếu một ai dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến bất khổ bất lạc thọ, người ấy sẽ cảm giác bất khổ bất lạc".
2.2. Thế Tôn thuyết về sự phân biêt lớn về nghiệp:
- Có người cần mẫn tu tập được thiên nhãn thanh tịnh, thấy một số người hành mười ác nghiệp bị sinh vào ác thú, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục và tuyên bố: “Chắc chắn mọi người hành mười ác nghiệp, sau khi chết đều bị đọa vào ác thú, khổ xứ, địa ngục... ; chỉ như vậy là đúng, khác như vậy là tà kiến.
Ị Thế Tôn không chấp nhận cái thấy một chiều này.
- Có người cần mẫn tu tập được thiên nhãn thanh tịnh, thấy có một số người hành mười ác nghiệp, sau khi chết lại được sinh vào thiện thú, thiện giới..., nên chủ trương: "Thực sự không có ác nghiệp, không có quả báo ác hạnh, và cho rằng tất cả những người làm mười ác hạnh, sau khi chết đều sinh về thiện thú, thiên giới... Chỉ như vậy là đúng, ngoài ra là hư vọng".
Ị Thế Tôn không chấp nhận quan điểm một chiều này.
3. Phân biệt lớn về nghiệp:
3.1. Có một số người cần mẫn tu tập được thiên nhãn thanh tịnh, thấy một số người hành mười thiện nghiệp, sau khi chết được sinh về thiện thú, thiên giới.. ., nên chủ trương:
"Chắc chắn tất cả mọi người hành mười thiện nghiệp, sau khi chết đều sinh về thiện thú, thiên giới... chỉ như vậy là đúng, ngoài ra là hư vọng".
Ị Thế Tôn không chấp nhận quan điểm một chiều này.
3.2. Có một số người cần mẫn tu tập được thiên nhãn thanh tịnh thấy có một số người hành mười thiện nghiệp, sau khi chết bị sinh vào khổ xứ, ác thú, địa ngục... mà chủ trương rằng:
“Thực sự không có những thiện nghiệp, không có quả báo của các thiện hạnh. Chỉ như vậy là đúng, ngoài ra là hư vọng”.
Ị Thế Tôn không  chấp nhận quan điểm một chiều này.
4. Nếu nhờ thiên nhãn thanh tịnh thấy các sự thật về Nghiệp rõ hơn và đúng pháp, lần lượt tuyên bố rằng:
4.1, "Chắc chắn có ác nghiệp, có quả báo của ác nghiệp”.
Ị Thế Tôn chấp nhận lời tuyên bố này.
4.2. “Chắc chắn có thiện nghiệp, có quả báo của thiện nghiệp”.
Ị Thế Tôn chấp nhận lời tuyên bố này.
Thế Tôn dạy tiếp các trường hợp như thực dưới đây:
Có người sinh thời hành mười ác nghiệp, nhưng nhờ có thiện nghiệp làm từ đời trước khiến khởi lên lạc thọ vào cuối đời (về sau),  hay trong lúc mệnh chung, một chánh kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt; sau khi chết người ấy được sinh về thiện thú, thiên giới...
4.3.  Có người sinh thời làm mười thiện nghiệp, nhưng do vì có ác nghiệp làm từ đời trước khiến khởi lên cảm khổ thọ vào cuối đời (về sau), hay trong lúc mệnh chung, một tà kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt; sau khi chết người ấy bị sinh về khổ xứ, đọa xứ, địa ngục...
5. Thế Tôn kết luận:
"Như vậy, này A Nan, có nghiệp không có tác dụng biểu hiện không có tác dụng; có nghiệp không có tác dụng biểu hiện có tác dụng; có nghiệp có tác dụng biểu hiện có tác dụng; có nghiệp có tác dụng biểu hiện không có tác dụng".

III. BÀN THÊM
1. Về nghiệp, chỉ có những vị chứng đắc Tam minh mới thấy rõ các ngõ ngách vận hành của nó. Tư duy “logic” dựa vào kinh nghiệm thường nghiệm không thể đặt chân vào thực tại của nghiệp. Thế Tôn đã dạy có bốn đối tượng mà tư duy trở nên bất lực trong nỗ lực tìm hiểu; nếu cứ cố tìm hiểu thì có thể bị vỡ tim, hay xuất huyết não; chỉ có Phật trí, Phật nhãn mới thấy đựơc, đó là:
- Tâm chư Phật.
- Tâm của pháp giới.
- Cảnh giới định của các thiền giả.
- Và quả dị thục của nghiệp.
2. Do vậy, chỉ có Thế Tôn mới dạy kinh “Phân Biệt Lớn Về Nghiệp” như bản kinh 136 trình bày. Tại đây, có một số ác nghiệp, thiện nghiệp được làm từ kiếp trước, hay từ nhiều kiếp trước hiện hành rất muộn trong đời này: là ác nghiệp thì khiến tâm hiện tại khởi lên cảm thọ khổ; là thiện nghiệp thì khiến tâm hiện tại khởi lên cảm thọ lạc. Do cảm thọ khổ, lạc đột khởi này trái với loại nghiệp mà người thọ cảm đang tạo tác trong hiện tại khiến người đời nghi ngờ về sự thật nhân quả, nghiệp báo, khởi lên tà kiến. Đặc biệt là cảm thọ khổ, lạc khởi trước lúc lâm chung, hay môt tà kiến, chánh kiến khởi lên trước lúc lâm chung tạo nên một “cận tử nghiệp” quyết định cảnh giới đầu thai (thác sinh). “Cận tử nghiệp” trong lý thuyết vế nghiệp giữ vai trò quyết định cảnh giới thác sinh cho kiếp sống tiêp nối.
3. Với lý thuyết về nghiệp của Phật giáo, bất cứ một hành động nào của thân, khẩu, ý được tạo thành nghiệp (kamma) (nghiệp nhân) là do tác ý (manàsikara), do tư tâm sở (cetanà) tạo tác; nếu tác ý dục lạc, sân hận, tàn hại, si mê thì hình thành nghiệp nhân ác; nếu tác ý vô dục, vô sân, vô hại thì hình thành nghiệp nhân thiện.
(Ghi chú: đối với các hành động của thân, khẩu mà không có tác ý, thì chỉ gọi là hành động suông (hay actions) mà không gọi là nghiệp (kamma = volitional actions)).
4. Như kinh số 135, Phân Biệt Nhỏ Về Nghiệp, ghi:
“Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp la điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”.
Với người đã thấy rõ “Ngũ thủ uẩn” là vô ngã, “ không phải là ta, là của ta, là tự  ngã của ta”, đã đoạn tận chấp thủ, đoạn tận tham ái, thì nghiêp không được thành lập với người ấy: với người ấy, nghiệp đã được đoạn tận: người ấy đã tự giải thoát khỏi sự ràng buộc của nghiệp.
Nói tóm, nghiệp chỉ đề cập đến các hữu lậu tâm, chỉ vận hành trong thế giới hữu vi, hữu tác.
5. Với những ai có trí tuệ lớn thì có thể cắt đứt tức thì dòng nghiệp: đối với những người này, có người trừ hết luôn dư báo, có người còn nhận chịu dư báo (nhân quả ngoại giới hay khách quan). Điều này xảy ra hệt như con chim trên đường bay bị trúng tên, rơi ngay xuống đất, và chấm dứt đường bay.

 

HT Thích Chơn Thiện