Ngàn dặm chiêm bái Ngọc Quan Âm

Tháng 3/2009, ngôi chùa Quán Thế Âm nhỏ bé nằm trong danh thắng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng bỗng nổi tiếng cả nước khi có đại duyên trở thành nơi đầu tiên cung nghinh “Phật Ngọc cho hòa bình thế giới”.
Như trong một giấc mơ lành, sau đó 9 tháng, một pho Phật ngọc tuyệt đẹp khác được tạc từ cùng khối ngọc thạch huyền thoại 'Niềm kiêu hãnh của Bắc cực' đã là sở hữu của Chùa. Đây cũng là pho tượng Phật bằng ngọc đầu tiên và lớn nhất Việt Nam trong năm mới 2010.

Pho Phật ngọc trong mơ

Tiếp xúc với Đại đức Thích Huệ Vinh, tăng ni, phật tử đều cảm nhận ở ông một thứ gì đó chân chất, lôi cuốn và gần gũi, đặc biệt là khi nói về Ngũ Hành Sơn, về Đà Nẵng. Nỗi băn khoăn của ông đôi khi vượt ra khỏi ranh giới cổng chùa, hướng về “Con đường Di sản miền Trung”, một ý tưởng độc đáo mà Paul Stoll tặng cho Việt Nam khi còn đang là Tổng giám đốc của Khu nghỉ mát Furama hiện đại và có tiếng ở ven biển Sơn Trà.

Ý tưởng “Con đường Di sản miền Trung” là phác họa và hình thành một tuyến du lịch đặc sắc nối các di sản thiên nhiên và văn hóa nổi tiếng thế giới của miền trung Việt Nam: từ Thánh địa Mỹ Sơn, tới phố cổ Hội An rồi đi qua Đà Nẵng đến cố đô Huế và kết thúc ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

 

Tượng Phật Ngọc Quan Âm.

Bây giờ, có 3 tuyến đường chạy ngang qua thành phố Đà Nẵng, trong đó đẹp và nên thơ nhất chính là con đường mới ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc - Hội An chạy xuyên qua cụm núi Ngũ Hành Sơn. Có lẽ hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế đã và sẽ chọn con đường này để tiếp tục hành trình thú vị của mình, “nhưng có bao nhiêu người dừng chân tại Ngũ Hành Sơn để chiêm bái vãn cảnh, thưởng thức các dịch vụ và mua sắm kỷ vật, góp phần tạo thu nhập tốt cho dân chúng địa phương”, Thầy Thích Huệ Vinh trăn trở.

Từ hơn hai thập niên qua, lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn (19.2 âm lịch) được tổ chức hàng năm, tạo ra điểm nhấn du lịch đặc biệt của Đà Nẵng nhằm thu hút du khách. Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ghi nhận là một trong 15 lễ hội văn hóa tầm cỡ quốc gia là cố gắng vượt bậc của thành phố Đà Nẵng, của Thành hội Phật giáo TP.Đà Nẵng và cụm chùa trong danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó trung tâm lễ hội là ngôi chùa nhỏ Quán Thế Âm nơi thầy Huệ Vinh trụ trì.

Mỗi năm, lễ hội thu hút hàng trăm ngàn du khách đã về trẩy hội tại chùa Quán Thế Âm, tuy nhiên, đối với vị trụ trì đầy tình thương với dân, nặng lòng với quê hương, dường như “vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó, mạnh mẽ hơn, tâm linh hơn, có thể khơi dậy tâm thức và níu chân người ở lại”. Vậy nên, lâu lâu, Thầy tâm nguyện cần phải tôn tạo ở đây một pho tượng Phật Bà bằng thứ chất liệu thật quý, có thể là pha lê hay ngọc quý…

Gặp ông trong lễ hội đầu xuân 2007 và kể cho thầy nghe về ngọc thạch nephrite Canada, quý hơn pha lê và có thể làm pho “Phật ngọc trong mơ” ấy, nhưng giá trị tiền bạc quá lớn… Sau đó nửa năm, thông tin về một Phật tử người Úc Ian Green đã khổ công bỏ ra hàng triệu đô la mua khối ngọc kỳ lạ hiếm có, nặng 18 tấn, sau đó vượt biển khơi hàng nghìn dặm đưa về Thái Lan cầu người chế tác. Sau những ngày tháng miệt mài thiết kế, chọn lựa, nhóm chế tác điêu khắc thành công pho Phật Ngọc Thích Ca tuyệt mỹ. Và chùa Quán Thế Âm - Ngũ hành Sơn ngẫu nhiên được chọn là điểm đầu tiên trong hành trình cung thỉnh chiêm bái khắp thế giới. Một trong những câu nói như trong mơ mà rất thật của Thầy Huệ Vinh đã khiến ông Ian Green sửng sốt: “Làm sao để pho Phật Ngọc cho hòa bình thế giới ở lại với danh thắng Đà Nẵng?”.

Tăng ni, Phật tử chiêm bái.

Chuyến đi ngàn dặm chiêm bái Phật Ngọc Quan Âm

Mọi người trong chuyến đi không ai hình dung được con đường dẫn đến nơi chế tác lại xa và vất vả thế. Từ TP HCM đến Bangkok (Vương quốc Thái Lan) chỉ hơn 1 giờ bay, sau đó chuyển tiếp lên Chieng Mai. Tất cả bay và chờ khoảng 5 tiếng đồng hồ. Mọi người yên trí đã đến nơi, sẽ uống chút gì nhẹ rồi đến chỗ pho tượng ngọc mơ ước. Nhưng không phải vậy! Người hướng dẫn Thái với chút vốn tiếng Anh ít ỏi đã cố gắng giải thích với cả đoàn là cần đi tiếp đến Chieng Rai chứ không ở đây, Chieng Mai.

Thế là lên xe vượt thêm gần 300 km để lên phía cực Bắc Vương quốc Thái Lan. Đường núi quanh co lên xuống lắc lư với cả trăm khúc cua đã khiến mọi người mệt nhừ. Thêm 5 giờ sau đó, thành phố Chieng Rai bất chợt hiện ra sáng choang trong bóng núi đen mờ mờ cùng gió lạnh. Người hướng dẫn chợt tỉnh giấc thông báo: “Xưởng chế tác pho Phật Ngọc 3,9 tấn của ông Ian Green ở tận Maesai, gần biên giới giáp Myanmar và Lào, cách đây 60 km nữa đấy!”. Chúng tôi thật “sốc” vì đã rất mệt và chợt nghĩ, đây chính là khu vực Tam giác vàng, nơi nổi tiếng về trồng cây anh túc dưới thời Khun Sa. Thị trấn Maesai cùng với Mae Hong Son và Mogok cũng là những địa danh nổi tiếng về đá quý.

Đến gần nửa đêm, đoàn xe qua một con đường nhỏ không đèn và đọng nước, xưởng điêu khắc ngọc hiện ra. Nhiều người đang đợi chúng tôi ở đấy trong bóng lờ mờ của các khối đá và các cỗ máy cưa cắt chung quanh. Ngay trên bàn lớn đã thấy hình hài của một bức tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay trắng như phấn. Sau câu chào hỏi ngắn gọn là 14 cánh tay ngọc cầm pháp khí khắc rời bên ngoài được gắn vào thân pho tượng. Ai cũng hồi hộp xem thực sự pho Phật Ngọc ra sao. Ông chủ xưởng trẻ hiền lành Vanit Yothavut bận việc vắng nhà nên hẹn chờ đoàn làm việc ở Bangkok. Trình bày pho tượng quý là một ông thợ già và chục thợ trẻ. Với các nhà chuyên môn về đá quý Việt Nam được mời đi khảo sát chất lượng pho tượng thì hơi băn khoăn, vì hiếm khi họ muốn thẩm định ngọc trong đêm tối, nhất là khi pho tượng chưa hoàn tất khâu đánh bóng.

Chục bóng đèn được bật sáng trưng, một vài xô nước tinh khiến được tưới lên pho tượng. Mọi người lặng đi và sửng sốt vì vẻ mỹ lệ đột nhiên của pho Phật Ngọc. Thầy Huệ Vinh, thầy Quảng Đạt, ni cô Huệ Đức chắp tay khấu lễ. Những người khác thì sờ tay vào pho tượng ngọc mà giờ đây đã lộng lẫy. Khuôn mặt trái xoan của Phật Bà thanh thoát trang nghiêm, hiển hiện ánh từ bi mà đầy uy lực. Màu xanh tươi rực rỡ của ngọc thạch nephrite Canada bóc tách từ khối ngọc huyền thoại “Niềm kiêu hãnh của Bắc Cực” từng làm nhà ngọc học hàng đầu thế giới Fred Ward sững sờ kinh ngạc khi nhìn thấy nó, nay hiện dần dần vẻ đẹp “bất khả nghị”.

Nét điêu khắc tinh tế đến từng milimét cho thấy pho tượng đã hội tụ được rất nhiều tướng đẹp và nét đẹp của “tỷ lệ vàng” theo chuẩn mực tạc tượng Phật truyền thống. Chiều cao pho Ngọc Quan Âm là 1,15m từ bệ sen lên đỉnh hào quang. Chiều ngang nơi rộng nhất là 0,6m. Bề dầy tượng chừng 0,45m. Đôi tay rộng mở ra xa nhất đo được 0,4m. Từ tòa sen lên hết thân tượng có chất lượng ngọc tốt nhất của ngọc thạch dòng nephrite (1 trong 2 loại ngọc thuộc nhóm Jade). Hào quang ngọc hình lá bồ đề với hàng ngàn cánh tay đặt cân đối sau kim thân Phật Bà, cùng với 9 đôi tay ngọc cầm pháp khí uyển chuyển linh động hướng ra phía trước như đang sẵn sàng cứu vớt chúng sinh.Dưới bàn tay của những người thợ tài hoa Thái Lan, người xem cảm giác như Phật Bà đang ngồi tòa sen bay trong mây.

Thành kính trước tượng Phật Ngọc Quan Âm.


Ngọc Quan Âm tỏa sáng tình thương nhân loại

Đứng xa một chút ngắm pho Ngọc Quan Âm nghìn mắt nghìn tay trong cảm giác lâng lâng. Chúng tôi bất chợt nắm tay thầy Huệ Vinh và nói lời chúc mừng Thầy, chúc mừng báu vật của chùa Quán Thế Âm. Từ nay pho Phật ngọc sẽ ở vĩnh viễn với danh thắng Ngũ Hành Sơn và giấc mơ của ông đã thành sự thực.

Vẫn biết chùa Quan Thế Âm thường thỉnh và tôn trí tượng Quan Âm, nhưng mọi người cứ thắc mắc hỏi thầy sao lại chọn hình tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay để điêu khắc chứ không phải là Quan Âm tọa thiền hoặc Quan Âm Nam hải? Rồi lại tạc trên mũ của Phật Bà đến 21 mặt Phật thay vì 11 mặt theo truyền thống Thập thất diện Quan Âm? Chung quanh chân bệ sen còn khắc cả mô típ chim lạc trống đồng nữa ?

Ông hiền lành thong thả kể lại giấc mơ tôn tạo pho Phật ngọc từ lâu nay của mình và liên tưởng đến tích về Bồ tát Quan Thế Âm khi nghe đức Thiên quang Vương Tĩnh Chú Như Lai giảng pháp về kinh Đại bi tâm Đà la ni. Thấu hiểu được nỗi khổ nhân loại trong muôn vạn kiếp nên Ngài liền hóa cho nghìn tay nghìn mắt mọc bên thân mong cứu độ thật nhiều chúng sinh. Rồi một lần khác được đức Phật A Di Đà cho thấy cảnh địa ngục nhiều người sa vào khốn khổ đau đớn khủng khiếp quá, khiến Ngài sợ hãi vô cùng đến nỗi vỡ tung đầu ra thành 11 mảnh. Đức Phật A Di Đà đã độ các mảnh đầu vỡ hóa thành các gương mặt Phật. Riêng mảnh thứ 11 thì biến thành chính đức A Di Đà. Tình thương chúng sinh của Bồ tát Quan Thế Âm thật vô biên vô lượng nên pho Ngọc Quan Thế Âm bồ tát này chính là biểu tượng cho tình thương nhân loại…

Rồi sao đầu pho Ngọc Quan Âm thầy cho khắc đến 21 mặt Phật? Ông hóm hỉnh: “Vì thời nay chúng sinh nhiều nơi quá khổ, khổ hơn trước. Bồ tát thấy càng sợ nên đầu vỡ ra từng đấy!”. Còn chi tiết chim lạc trống đồng bay quanh bệ ngọc?”, ông nở nụ cười, không trả lời.

Giữa đêm khuya núi rừng vắng vẻ trùng trùng điệp điệp và mờ hơi sương, cái lạnh dường như ngấm hơn. Chúng tôi bỗng chợt nhận ra, vì sao ở Việt Nam, văn hóa tâm linh Phật giáo từ lâu đã có sức thẩm thấu ngấm sâu, hòa tan và làm giàu cho văn hóa dân tộc. Và tại sao Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn đã nhanh chóng vượt khỏi ranh giới tín ngưỡng tôn giáo để trở thành lễ hội văn hóa tâm linh của cả nước.

Hoàng Ngọc Nam - Hoàng Thị Bạch Cúc