Tiền tỷ bay theo... ông Công ông Táo

 

Những ngày này, hình ảnh các gánh hàng rong chở đầy mũ, giầy ông Công ông Táo đã xuất hiện ngập đường. Các làng nghề sản xuất đồ hàng mã cũng đang tăng tốc “vợt” nốt mẻ hàng cuối năm. Hàng mã phục vụ ngày Tết mang lại kinh tế cho nhiều làng nghề. Nhưng số lợi mang lại không thể sánh với sự lãng phí khi nhà nhà đua nhau đốt vàng mã. Tiền tỷ bay đi sau ngày lễ Tết. 

Hàng ông Công ông Táo tăng giá

Chờ sẵn từ tờ mờ sáng, chiếc xe tải nhỏ chở đầy hàng mã từ Bắc Ninh về đến chợ Long Biên, Hà Nội, các chị phụ nữ bán hàng rong chờ ở đó sẵn ào đến dỡ hàng. Những bộ mũ giầy ông Công ông Táo được túm lại để tiện gánh, những bó tiền vàng âm phủ thì buộc gọn gàng, lên đường tủa đi các ngõ phố.

Chị Nguyễn Thị Lành, quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên gánh hai túm đồ phục vụ ông Công ông Táo dừng lại trên phố Hàng Hòm để xếp lại hàng. Chị cho biết, để có gánh hàng này, mấy chị phải cùng chung nhau mua một xe ôtô, chia nhau bán dần. Bây giờ là thời điểm người dân bắt đầu sắm sửa cho ngày 23 tháng Chạp nên chị chỉ chuyên tâm bán hàng mã. Đồ cúng cho ngày này có mẫu mã khá da dạng, cùng là giầy, mũ nhưng hoa văn khác nhau, kích cỡ khác nhau tùy theo từng vùng sản xuất. Giá bán hàng mã năm nay cao hơn năm trước. Giá trung bình một bộ cỡ đại là 40.000 đồng, bộ nhỏ là 20.000 đồng. Có người phát giá cao hơn khoảng 10-20.000 đồng thì giải thích lý do: "Hoa văn đẹp hơn".

Trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thời điểm này cũng đỏ rực sắc màu của đèn lồng, pháo giấy giả và mũ giầy ông Công ông Táo. Tuy nhiên,  khách mua hàng tại đây có thể bị nói thách gấp 2 hoặc 3 lần so với mua đồ hàng mã tại các cửa hàng nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư hoặc gánh hàng rong. Tại một cửa hàng, bộ mũ giầy cỡ đại được phát giá tới 100.000 đồng. Hầu hết những người mua đồ cúng ngày 23 tháng Chạp còn kết hợp thêm cả tiền, vàng hoặc quần áo cúng tổ tiên...

Xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là nơi sản xuất hàng mã lớn ở khu vực phía Bắc. Những ngày này, các hộ dân làng nghề Đông Hồ đang tập trung làm mẻ hàng lớn để chuyển đi tiêu thụ dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết, cả xã có 1.200 hộ làm hàng mã, trong đó có rất nhiều lao động từ các xã lân cận về làm thuê. Hiện nay các mặt hàng của làng nghề phong phú hơn trước rất nhiều, nhiều mặt hàng còn được làm bằng máy nên năng suất cao. Chỉ đến Tết ông Công ông Táo thì làng nghề mới hết hàng. Nhờ có nghề làm hàng mã, cuộc sống của người dân Song Hồ khá lên rất nhiều, nhưng đổi lại, môi trường ở đây cũng đang bị ảnh hưởng do phẩm màu nhuộm hàng thải ra.

Hàng tỷ đồng đốt thành tro bụi

Chắc nhiều người dân Hà Nội còn nhớ, rằm tháng 7/2009, một đại gia chuyên khai thác cát, vận chuyển vật liệu xây dựng trên sông Hồng đã bỏ ra tới vài trăm triệu đồng để làm vàng mã. Tất cả được đốt trọn vẹn trong đêm rằm với cả nghìn con ngựa, người giấy, tiền vàng. Mục đích "hóa vàng" của đại gia này là để cúng tạ ơn, dâng Hà Bá và những người xấu số dưới sông sau một năm ăn nên làm ra. Một số tiền khổng lồ đã biến thành tro bụi - quả là đáng tiếc. Trong khi đó, xã hội còn rất nhiều người nghèo khổ, cần giúp đỡ. Số tiền này có thể giúp được rất nhiều người, đó là hành động thiết thực hơn .

Mỗi nhà dân, chỉ tính trung bình một lần hóa vàng vài chục nghìn đồng, nhân lên con số hàng triệu hộ dân đã ra con số khổng lồ rồi. Vậy thì, chi phí cho một ngày lễ có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Trong khi đó, ngôi chùa Liên Hoa ở phường 8, quận 11, TP HCM hiện đang được hoan nghênh bởi việc không sử dụng vàng mã trong chùa. Trong chùa có treo biển ghi rõ không đốt vàng mã và đề nghị khách thập phương dành số tiền lẽ ra mua vàng mã để làm từ thiện. Số tiền quyên góp từ hoạt động tiết kiệm này đã lên tới hàng tỷ đồng, xây dựng hàng chục ngôi nhà tình thương và giúp đỡ rất nhiều bà con bị thiên tai… Đây là hoạt động rất tích cực, cần được nhân rộng ở khắp nơi, vừa tránh lãng phí, vừa có ích cho cộng đồng.

Theo: cand