Tích nhà phật và những chuyện xưa

Mỗi phong tục, nghi thức ngày xuân đều gắn liền với một câu chuyện. Hãy cùng tìm hiểu chúng bắt nguồn từ đâu.

Trải qua hàng nghìn năm, các phong tục, nghi thức ngày Tết trở nên hoàn thiện và quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam.

Có rất nhiều sự tích ngày xuân bắt nguồn từ Phật giáo, được kể lại nhằm lý giải nguồn gốc của các phong tục trên.

Một phần trong câu chuyện là nguyện vọng, mong ước của người dân về cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Chúng thể hiện những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt và có nhiều ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.

Mỗi câu chuyện còn giúp ta hiểu rõ hơn về những triết lý, những khía cạnh phong phú của cuộc sống.

Những ngày Tết cũng là lúc các thành viên trong gia đình họp mặt, chúc sức khỏe nhau, cùng điểm lại những điều đạt được trong năm cũ và những điều phấn đấu đạt được trong năm mới, kể cho nhau nghe chuyện mình gặp được, biết được.

Để bầu không khí năm mới trong gia đình thêm phần thú vị, bạn hãy tìm hiểu những chuyện xưa tích cũ liên quan đến ngày xuân để kể mọi người cùng nghe.

Hãy bắt đầu câu chuyện với: “Ngày xửa ngày xưa…”.

Sự tích cây nêu

Ngày xưa, mặt đất của chúng ta bị quỷ chiếm doạt. Con người phải thuê ruộng đất của quỷ để trông lúa. Năm nọ, thay vì đóng thuế như thông thường, quỷ tham lam, ra lệnh cho con người phải nộp toàn bộ phần ngọn của những cây trồng được. Con người không chịu, chúng dùng áp lực áp lực bắt phải theo.

Năm ấy, sau vụ gặt lúa, người chỉ còn trơ những rạ là rạ. Còn bọn quỷ reo cười đắc ý. Đức Phật thấy vậy liền mách con người trồng khoai lang vào vụ mùa kế. Cuối mùa vụ, những gì quỷ nhận được là dây khoai và lá khoai, còn phần củ là của người. Bọn quỷ tức lắm.

Sang mùa sau, quỷ đòi lấy gốc còn ngọn là của con người. Phật bảo người chuyển sang trồng lúa. Hết vụ, dân làng lấy những hạt lúa còn lại ra cho quỷ. Quá tức tối bọn quỷ ra quy định: lấy cả gốc lẫn ngọn. Phật liền đưa cho con người hạt giống cây ngô để gieo. Kết quả, người được quả ngô còn quỷ chỉ còn trơ những cây. Chúng giận dữ bắt con người phải trả tất cả ruộng đất. Phật báo người xin quỷ một miếng đất vừa bằng bóng chiếc áo cà sa. Quỷ nghĩ chẳng bao nhiêu đất nên đồng ý và hai bên làm giao ước.

Khi con người trồng xong cây tre, Phật tung áo cà sa lên ngọn cây, rồi hóa phép cho cây tre cao vút đến tận trời. Bóng áo cà sa dần dần che kín mặt đất. Bọn quỷ hoảng hốt dắt díu nhau lùi mãi tận biển Đông. Tiếc đất, quỷ đưa quân và cướp lại. Người phải chiến đấu rất gay go vì chúng có cả một bầy ác quỷ. Phật cầm gậy tầm xích giúp người đánh đuổi quỷ.

Sau mấy trận thua, quỷ cho quân dò xem Phật sợ gì. Phật cho chúng biết mình sợ hoa quả, oản, chuối, cơm nắm và trứng luộc. Đổi lại, Phật cũng dò hỏi và biết quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Khi đánh nhau, quân của quỷ đem hoa quả đến ném Phật, con người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vẩy khắp nơi khiến quỷ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quỷ lại đem oản, chuối ném vào Phật. Phật bảo người nhặt làm lương thực rồi giã tỏi phun vào bọn quỷ. Không chịu được mùi tỏi, quỷ cắm đầu bỏ chạy.

Lần thứ ba, quân của quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc ném vào Phật. Con người tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào quỷ. Họ lại lấy lá dứa quất khiến chúng chạy ra biển Đông. Chúng sợ quá nên cúi đầu sát đất xin Phật cho phép một năm được vài ngày vào đất liềns thăm phần mộ của tổ tiên. Phật thương tình liền ưng thuận.

Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết Âm lịch là quỷ vào thăm đất liền. Con người theo tục trồng cây nêu để quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.

Trên cây nêu có khánh đất, một bó lá dứa để quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm quỷ vào nhà.

Tết thượng Nguyên

Hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, thường diễn ra vào rằm tháng Giêng. Vào ngày này, người dân khởi hành vào buổi tối để cúng thần sao, cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tương truyền, Tết Thượng nguyên cũng là ngày vía Phật. Phật tổ giáng trần tại các chùa để chứng lòng trung thành của các tăng ni, Phật tử. Vì thế, các lão bà thường tới chùa để tụng kinh niệm Phật và câu thành ngữ: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” xuất phát từ đó.

Tích nhà Phật…

Hương Sơn: Ngày xuân, nhiều người đi chùa Hương để cầu phúc. Có một tích rất cảm động về Phật tích chùa hương. Ngày xưa, Diệu Trang Vương, vua nước Hưng Lãm, có ba người con gái đã đến tuổi gả chồng. Hai cô chị ước lấy được chồng tài giỏi. Riêng công chúa thứ ba là Diệu Thiện, nguyện thờ phụng cha suốt đời. Nghe con nói vậy, Diệu Trang Vương nổi giận, nhốt nàng vào ngự hoa viên.

 

Diệu Thiện tìm cách bỏ trốn đến núi ở Hương Sơn, dựng lều cỏ, làm bạn cùng chim thú và tiếp tục đọc kinh tu hành. Sau đó, Diệu Trang Vương mắc bệnh nặng, chẳng có cách nào chữa khỏi. Lúc này, có một cụ già bảo phải tìm một người tâm bình khí hòa, không biết cáu giận, dùng tay, mắt của người ấy cho vào thang thuốc thì mới có thể chữa khỏi được bệnh. Người này đang ở Hương Sơn. Diệu Trang Vương liền cử một khâm sai đại thần tới Hương Sơn. Diệu Thiện nghe kể chuyện liền nói với viên khâm sai: “Những thứ ngài cần, xin ngài cứ lấy đi”. Khâm sai khoét đôi mắt, chặt đứt đôi bàn tay của nàng đem về làm thang dẫn thuốc, để cho Diệu Trang Vương uống. Quả nhiên bệnh của Diệu Trang Vương khỏi hẳn.

Việc Diệu Thiện xả thân cứu cha đã làm cảm động đến Thiên đế. Lúc đó, trên thân nàng đã mọc ra vô số những cánh tay đều có một con mắt. Đó chính là sự tích về Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Diệu Trang Vương sau khi khỏi bệnh liền trèo lên Hương Sơn để cảm tạ. Đến nơi vừa nhìn thấy, người đã biết đó là con gái thứ ba của mình. Người vô cùng cảm động, từ đó cũng bắt đầu tu hành và đắc đạo.

Khi Tây Thiên Phật tổ muốn chiêu gọi người, Diệu Trang Vương tới Tây Thiên, tự nhiên trong tâm nảy ra một ý nghĩ, nhớ tới cửa lớn của kho vàng ở trong vương cung đã từ lâu không được tu sửa, có lẽ đây là thời điểm nên làm. Ý nghĩ này chỉ thoáng qua nhưng Tây Thiên Phật tổ đã hiểu rõ, liền nói: “Ngươi tham tài như thế, nên đi tìm một nơi an thân ở bên đường cạnh Lãnh Đình núi Phổ Đà để xin bố thí cả các hương khách”. Từ đó về sau, bên cạnh núi Phổ Đà có một am Phật nhỏ, bên trong thờ một vị “Bồ tát xin ăn”. Truyền thuyết nói rằng ấy là Diệu Trang Vương năm xưa.

Xuân Di Lặc

Ngày mùng Một Tết của người Việt, Trung Quốc và một số nước Đông Á trùng hợp với ngày vía của đức Phật Di Lặc.

Mẫu tượng Phật Di Lặc được phổ biến khắp nơi là chân dung của Bố Đại Hòa Thượng. Người ta tin rằng đó là hóa thân của ngài, xuất hiện tại chùa Nhạc Lâm, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào khoảng thế kỷ thứ X. Nụ cười của ngài biểu hiện vô lượng từ tâm, lỗ tai dài biểu hiện lòng nhân ái. Bụng to biểu hiện lòng từ bi rộng lớn, dung chứa nhiều chuyện trong thiên hạ. Tướng ngực phanh ra biểu hiện sức mạnh của lòng dạ can đảm, chân thành. Túi vải biểu hiện sự chứa đựng vô lượng diệu pháp, bố thí những gì có được cho chúng sinh.

Tâm nguyện của đức Di Lặc là cứu khổ ban vui, luôn hướng cho nhân loại đến tương lai tốt đẹp, xây dựng nếp sống hạnh phúc, chân thật. Vì lẽ đó, mùa xuân được mang tên Xuân Di Lặc là tâm nguyện chung của người dân.

Tỉnh giấc mơ hoa

Chuyện kể rằng có một lần đức Phật dắt theo hàng nghìn đệ tử vào thành Thất La Phiệt để khất thực vào mùa xuân. Trong thành có nàng Ma Đăng Dà, một bậc tài sắc, đã đem lòng yêu mến A Nan, một đệ tử lớn của đức Phật. Nàng đến cầu xin đức Phật để A Nan cho mình.

Đức Phật bảo nếu nàng chịu xuất giá, sẽ giao A Nan lại. Ma Đăng Dà liền ưng thuận. Sau khi nàng đã xuống tóc, mặc áo cà sa, đức Phật hỏi: “Nàng thương A Nan ở điểm nào?”. “Tôi thương vì đôi mắt đẹp của ông ấy”. “Mắt A Nan chỉ là hai khối thịt hôi, trong ấy chứa những nước mắt, ghèn dơ, có chỗ nào tinh sạch để nàng mến?”.

“Tôi thương cái mũi của ông ấy”. Mũi ông ấy có chất nhớp bên trong và thường chảy ra thứ nước không sạch, nàng chẳng nên ưa thích”. “Tôi thương cái miệng ông A Nan”.

“Miệng của A Nan có những nước bọt, đờm, dãi nếu không năng súc rửa, nơi đó sẽ đóng cáu bợn và tiết ra mùi hôi. Thế thì không đáng để nàng yêu chuộng”.

Sau khi nghe lời chánh chân hợp lý của đức Phật, Ma Đăng DÀ đứng lặng nghĩ suy. Trước kia nàng lầm tưởng ái tình là vườn hoa đầy màu sắc, hứa hẹn một thế gian tuyệt trần.

Giờ nàng biết đó là mũi gai độc ẩn giúp dưới lớp lá xanh.Tỉnh giấc mơ hoa, nàng cúi người xuống đảnh lễ, xin trọn đời làm đệ tử đức Phật.
Dưới gốc mai vàng

Ngày xưa, có một cặp rùa sống hạnh phúc. Rùa vợ mắc bệnh lạ. Nghe mách ăn gan khỉ sẽ khỏi bệnh, rùa chồng đến hòn đảo, dụ khỉ chúa về động đòi lấy gan. Khỉ bảo đã treo gan lên cây, kêu rùa chở mình về lấy. Về đến đảo, khỉ nhảy lên bờ lấy đá ném vào rùa trách móc. Rùa hối hận: “Ai nỡ giết oan một mạng để cứu một mạng”. Khỉ rủ rùa cùng đi nghe một vị tăng mới đến thuyết pháp trong rừng. Rùa đồng ý. Sau đó, khỉ chữa khỏi bệnh cho vợ rùa. Khỉ còn tặng vợ chồng rùa nhành mai và chúc họ một mùa xuân nhiều hạnh phúc.

Theo: tiepthigiadinh