Hạnh nguyện Quan Âm - Phần 1

Đặc biệt một năm có đến ba ngày vía Bồ tát Quan Âm là ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9. Nói về Quan Âm, Đức Phật dạy rằng Bồ tát này có 33 thân hay 33 loại ứng hiện thân ở Ta bà. Nói như vậy, không có nghĩa là Đức Quan Âm chỉ có 33 thân như nhiều Phật tử hiểu lầm.

 

Bồ tát Quan Âm có trăm ngàn muôn ức hiện thân; cho nên Đức Phật đã nói về thần lực của Quan Âm trong kinh Phổ Môn rằng “Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng”, nghĩa là nếu một ngàn chỗ có tâm thành cầu nguyện Đức Quan Âm thì đồng một lúc đó có một ngàn Bồ tát Quan Âm liền ứng hiện; nói chính xác hơn, trong khắp Pháp giới không chỗ nào mà Quan Âm không ứng hiện để cứu độ, nếu có chúng sinh kêu cứu Ngài. Ngài sẽ hiện thân hình tương ưng với nhu cầu của con người như hiện thân Tỳ kheo, hiện thân cư sĩ, hiện thân ngoại đạo, thậm chí hiện thân trẻ con.

quantheam.gif

Quán Thế Âm Bồ Tát

Riêng tôi, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa, nên trông thấy ai cũng nghĩ họ là Quan Âm, cho đến tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác, tôi cũng nghĩ đó là hiện thân của Quan Âm. Và với độ cảm tâm mãnh liệt về Đức Quan Âm như vậy thì khi tôi nói chuyện với người nào, họ liền có thiện cảm với tôi. Theo tôi, khi chúng ta nghĩ đến Quan Âm, thì Ngài có thể hiện vào thân của đối tác, nghĩa là tác động họ, khiến họ xử sự với ta như Bồ tát. Ngược lại, dù là Bồ tát, nhưng ta nghĩ họ xấu thì ác ma liền hiện vào thân, gọi là ma giả Phật.

Nếu chúng ta niệm Quan Âm và nhìn đời theo Quan Âm, sẽ có được kết quả tốt như Phật dạy. Tại sao Quan Âm có quyền năng như thế và chúng ta có được kết quả như Phật dạy hay không là vấn đề đặt ra để chúng ta ứng dụng trong cuộc sống, tu hành như thế nào mới đạt được kết quả cao như Quan Âm, hay kết quả nhỏ thì cũng thoát được nạn tai.

Trong các kinh điển Đại thừa, phần lớn Đức Phật dành một phẩm nói về Quan Âm, cho nên chúng ta biết công hạnh của Ngài rất lớn. Điển hình là kinh Bát Nhã, mà trong phần trọng tâm, Đức Phật cũng đưa ra năng lực siêu xuất của Đức Quan Âm làm mô hình kiểu mẫu. Đức Phật phá các chấp tướng và Ngài giới thiệu Bồ tát Quan Âm mang tên khác là Quán Tự Tại như sau: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách…”. Đó là phần mở đầu của Bát Nhã tâm kinh, Đức Phật đã mượn hình ảnh Quan Âm để chứng minh vị Bồ tát này là người tu chứng Bát nhã và sử dụng được Bát nhã.

Bát nhã là gì? Bát nhã là trí tuệ cao nhất có thể đưa con người vượt qua tất cả khổ ách, gọi là trí Bát nhã, cho đến đạt được cứu cánh Niết bàn. Đức Phật Thích Ca cho biết ba đời chư Phật đều nương trí Bát nhã để vượt qua tất cả chướng duyên, phá được tất cả khổ ách và đạt đỉnh cao Niết bàn. Và Đức Phật cũng nói rằng Quan Âm đã đạt cứu cánh Niết bàn này; vì vậy chúng ta ngầm hiểu rằng Đức Quan Âm là vị Phật đã thành, tức Ngài đã thành Phật rồi, nhưng hiện thân Bồ tát để trợ hóa cho Đức Phật Thích Ca hành đạo ở cõi Ta bà.

Theo kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói có hai hạng Bồ tát là Bồ tát từ nhân hướng quả và Bồ tát từ quả hướng nhân. Bồ tát từ nhân hướng quả là tất cả những người như chúng ta phát tâm Bồ đề, tu hành theo nhiều pháp môn khác nhau, nhưng đều cầu mong chứng được Phật quả. Bồ tát từ quả hướng nhân là những vị Bồ tát đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sinh lại cuộc đời để cứu độ chúng sinh. Bồ tát Quan Âm cũng vậy, Ngài đã thành Phật ở thế giới Phật, nhưng vì luôn sống với tâm đại bi nên Ngài thường quán sát khổ đau của chúng sinh và muốn giải phóng nỗi khổ niềm đau cho họ, Ngài mới hiện thân lại cõi Ta bà này. Vì vậy, kinh Pháp Hoa gọi Ngài là Quán Thế Âm, kinh Bát Nha gọi là Quán Tự Tại. Hai danh xưng này khác nhau điểm gì.

quantheam.gif

Quán Thế Âm là thành Phật rồi hiện thân lại làm Bồ tát. Vì vậy người ta tạc tượng Quan Âm kiểu nào thì trên đầu Ngài cũng có tượng Phật, tiêu biểu cho Ngài thành Phật nhưng thương chúng sinh khổ mà Ngài hiện thân lại. Nếu thương chúng sinh khổ trong loài A tu la, hay trong loài rồng, hoặc trong loài người, Quan Âm sẽ hiện thân vô loài đó. Nhưng Bồ tát hiện thân vào các loài chúng sinh, Ngài khác với chúng sinh ở điểm trên đầu Ngài lúc nào cũng có Phật. Vì vậy, trên bước đường tu của chúng ta, việc quan trọng là phải có Phật trong tim mình, hay trên đỉnh đầu mình; vì không có Phật, chúng ta dễ rớt vào tà ma ngoại đạo. Nếu mang hình thức thầy tu, nhưng trong tim không có Phật là không có tâm đại bi, sẽ dễ làm việc ác; trên đầu không có Phật, tức không có trí Bát Nhã thì luôn phạm lỗi lầm, dù mang hình thức nào cũng là ác ma, ngoại đạo. Tuy nhiên, nếu mang hình thức A tu la, hay cư sĩ, nhưng trên đầu có Phật, trong tim có Phật, thì họ là Phật. Phật này là Phật tâm, Phật huệ. Vì vậy mà người thế gian thường nói khẩu Phật tâm xà, nghĩa là miệng nói lời thiện của Phật, nhưng tâm ác thì không thể là Phật. Còn mặt dữ như ông Tiêu, nhưng tâm là Phật thì vẫn tiêu biểu cho Phật.

Bồ tát Quan Âm kết hợp được đại bi của kinh Pháp Hoa và đại trí của kinh Bát Nha. Kinh Hoa Nghiêm cũng có một phẩm nói về Đức Quan Âm và nhiều kinh Đại thừa đề cập đến Ngài. Điều này cho thấy đối với Phật pháp, Bồ tát Quan Âm đóng vai trò rất quan trọng. Ngày nay, chúng ta hành đạo theo tinh thần Đại thừa, nhưng không áp dụng kinh Bát Nha để quét sạch nghiệp chướng trần lao và phát sinh trí tuệ mà nói tu Đại thừa là sai lầm lớn.

Phải có đại trí mới tu Đại thừa được. Tuy nhiên, không có đại trí mà tu Đại thừa được là theo kinh Pháp Hoa dạy hành giả phải nương theo đại trí của Phật, Bồ tát mà tu. Nếu không có đại trí và cũng không nương được đại trí của Phật, Bồ tát mà tự hành Bồ tát đạo, sẽ chuốc họa vào thân. Thật vậy, trên bước đường tầm sư học đạo, Phật và thầy rất quan trọng; vì không có thầy chỉ dạy và không có Phật ấn chứng, không thể nào hành Bồ tát đạo. Khi nương được trí tuệ Phật, chúng ta có thể hóa giải tất cả mọi việc của trần gian. Riêng tôi, trên 60 năm hành đạo được an ổn, chính yếu là nhờ đặt trọn niềm tin tuyệt đối ở Phật, nên được Phật lực gia bị, quyết đoán ít bị sai lầm. Có sai lầm nhỏ, hay ít sai lầm, chúng ta cũng thoát được, nếu không sai lầm là tốt nhất.

Trên bước đường tu, chưa có trí Bát nhã, chúng ta có thể nương theo trí Bát nhã của Phật. Nhưng trên thực tế cuộc sống, có lúc nương được Phật lực, có lúc không được Phật lực gia bị. Khi nào không nhận được Phật lực là điều quan trọng ta phải biết rõ. Nhận được Phật lực gia bị với điều kiện tâm chúng ta phải hoàn toàn thanh tịnh. Một vị tu hành giỏi dở chưa nói, nhưng nói đến tâm thanh tịnh là chính. Giỏi mà tâm không thanh tịnh thì dễ trở thành ác ma. Dở nhưng thanh tịnh thì Phật lực gia bị được. Vì vậy, chúng ta thấy trong cuộc sống có người ít học, nhưng làm được Phật sự lớn mà người khác không làm nổi, vì nhờ tâm thanh tịnh và được Phật lực gia bị, cho nên họ thấy điều cần làm. Các vị cao tăng khi gặp việc khó, không giải quyết được, các Ngài thường nhập thất, hoặc nhập định để giữ cho tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, Phật huệ mới rọi vào được và mới thấy khác với cái thấy phát xuất từ Thức. Cái thấy theo Thức là do suy nghĩ mà biết thì chỉ đúng được 50% là tốt rồi. Trong khi trí Bát nhã do Phật huệ rọi vào, vượt hơn hiểu biết của Thức, thì không cần suy nghĩ, tự động bừng sáng trong lòng. Như tôi thường nhắc 40 năm trước, Hòa thượng Trí Tịnh đã dạy rằng khi ngài không suy nghĩ thì biết chính xác. Muốn được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải trải qua quá trình tham thiền nhập định để dứt bặt Thức, bấy giờ tâm chơn như mới bừng sáng. Tôi thường thực tập pháp này để thấy và hành động theo tâm chơn như, nên thoát được những hiểm nạn.

Nếu có tâm thanh tịnh, Phật lực sẽ gia bị, ví như mặt nước phẳng lặng và trong suốt thì ánh trăng hiện rõ. Thật vậy, Phật chỉ hiện vô tâm, chúng ta khi không có dao động trong lòng, tức vọng thức không khởi lên. Ta không nghĩ việc nào là tâm trong sạch, là gạn lọc được tham sân si, mạn, nghi, ác kiến. Vì vậy, tu hành cần gạn lọc tâm mình cho trong sạch bằng cách lấy pháp Phật rửa tâm. Học Phật pháp, chúng ta biết rằng tất cả mọi vật trên thế gian này đều không bền chắc, thân ngũ uẩn cũng không bền chắc. Thấy rõ pháp như vậy và chúng ta tập làm theo Phật dạy. Chính cuộc đời của Đức Phật cũng thể hiện rõ ý này. Ngài từ bỏ tất cả tài sản vật chất mà người thế gian coi là cao quý nhất để dấn thân trên con đường cát bụi, đó là Ngài đang gạn lọc tâm cho trong sạch. Đối với phàm phu, không có thì tham muốn cho có, dẫn đến việc làm sai trái, bị tù đày, đau khổ; nhưng người đời có rồi thì muốn giữ lại mãi cũng là tham thì cũng khổ và giữ không được, lại càng khổ nữa. Đức Phật hoàn toàn khác hẳn, Ngài vứt bỏ  cung vàng điện ngọc, quyền thế, sống khổ hạnh một mình để kiểm tra xem lòng Ngài có còn ham muốn hay không.

 

HT. Thích Trí Quảng