THẬT NHƯ MÙA XUÂN

Nhà Tuấn là nhà mặt tiền khang trang, ở ngay góc ngã tư gần chợ Trung tâm thành phố, rất thuận lợi để buôn bán kinh doanh, nhưng cha mẹ Tuấn nhất định không mở tiệm, mở quán, cũng không cho ai thuê mặt bằng dù đã có rất nhiều người đến nài nỉ. Cha Tuấn thì quá bận bịu vơi công việc ở cơ quan, còn mẹ Tuấn ngày đêm bù đầu với công tác từ thiện ở Hội Chữ Thập Đỏ, và các đạo tràng ở chùa. Cha mẹ Tuấn rất cần sự yên tĩnh sau những giờ làm việc căng thẳng, và sự yên tĩnh ấy cũng rất cần thiết cho việc học tập của những đứa con trong nhà. Cho nên, nhà Tuấn cứ suốt ngày đóng cửa im ỉm, mặc cho bên ngoài người xe chộn rộn xôn xao, mặc cho cuộc sống cuồn cuộn đi qua với đủ thứ mưu mô tính toán…

Từ dạo sau mùa bão lũ hằng năm, ngoài hiên trước nhà Tuấn bỗng xuất hiện một người đàn ông mù lòa, không biết từ đâu trôi dạt đến, ngồi sát bên lề đường, cả ngày hứng nắng chói chang, hít lấy bụi bặm, để mong nhận được tờ giấy bạc từ những người hảo tâm thả rơi vào chiếc nón cũ đặt dưới đất. Người hành khất mù ngồi nơi ấy, miệng không thốt một lời van xin kể lể như bao người ăn xin khác, ai động lòng thì bố thí, ai có đi qua với sự thờ ơ khinh bỉ cũng chẳng sao. Chính điều này làm cho Tuấn tò mò lưu ý. Mỗi buổi sáng khi nhà mở cửa, cha mẹ Tuấn đến cơ quan, chị em Tuấn đến trường, đã thấy người hành ngất mù ngồi trước hiên tự bao giờ rồi. Đến trưa đứng bóng, người hành khất mù biến đi đâu đó chừng một tiếng đồng hồ, rồi trở lại ngồi lặng thinh dươiù cái nắng nóng bỏng hung hăng. Trời chạng vạng, mới thấy một người đến nắm một đầu gậy dắt người hành khất mù băng qua đường, rồi đi mất hút giữa phố chợ vừa lên đèn.

Tuấn để ý theo dõi từ nửa tháng qua, thấy biết nhất cử nhất động của người hành khất mù, nhưng chưa hề nói cho ai nghe. Điều làm cho Tuấn cứ băn khoăn, tò mò và áy náy là người đến nắm gậy dắt người hành khất mù đi đâu đó vào lúc chạng vạng mỗi ngày là một cô bé trong y phục học sinh tiểu học. Cô bé trạc bằng tuổi của Tuấn, dáng vóc mảnh khảnh xanh xao gương mặt luôn đượm nét ưu buồn, nhưng Tuấn thấy chiếc cặp to kềønh mang sau lưng dường như không làm cho cô bé mệt nhọc, khó chịu. Mỗi khi đến dắt người hành khất mù đi, cô bé đều nói huyên thuyên những chuyện ở lớp ở trường với vẻ hào hứng. Người hành khất mù gật gù, gật gù, nét mặt tươi vui hài lòng. Tuấn rất muốn biết đích xác mối quan hệ giữa cô bé, và người hành khất mù kia, bao lần ra đứng trước cửa để ngóng tai nghe lén mà vẫn chưa biết đựơc. Tuấn nghĩ chỉ còn một cách là… làm quen với họ.

Một buổi sáng chủ nhật, Tuấn mua một ổ bánh mì thịt đem lại mời người hành khất mù, ông ta nhận lấy và cám ơn.

– Ủa, bác… nói được sao?

– Sao lại không?

– Sao lâu nay cháu không nghe bác nói lời nào?

– Nói gì ở chỗ này hở cháu? Bác chỉ nói đúng lúc đúng nơi, đúng chuyện. Cháu ở đâu?

Khi biết nhà Tuấn ở sau lưng mình, người hành khất mù mới lộ vẻ tươi vui, trò chuyện thân mật cởi mở. Qua cuộc chuyện trò, người hành khất mù khốn khổ đã dẫn Tuấn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tuấn xúc động khi biết cô bé kia chính là cháu ngoại của người hành khất mù. Cha là một thuỷ thủ gan dạ nhưng đã mất trong chuyến đi biển gặp cơn bão số 5, không bao giờ trở về đất liền. Mẹ trở thành người thất tình lảm nhảm, suốt ngày lang thang dọc bãi biển, mắt cứ nhìn chừng ra khơi xa trông ngóng một hình bóng thân thương, để cô bé phải chơi vơi giữa cuộc sống khó ngặt. Ông ngoại mù lòa phải buộc lòng đứng lên trong bóng tối, dang rộng vòng tay để ôm cháu vào lòng, quyết tâm bằng mọi githu sẽ nuôi cháu ăn học nên người…

Người hành khất mù rưng rưng nước mắt, giọng trầm trầm:

– Bác vui lắm, quên hết mọi tủi nhục khổ buồn, vì con nhỏ Linh cháu bác học giỏi, học chăm lắm. Bây giờ, cứ lo được ngày nào hay ngày ấy, miễn là con Linh được đến trường, được ăn no mặc lành. Còn sau này thì… có trời biết cháu à!

Tuấn đem hết câu chuyện kể cho cha mẹ nghe trong một bữa cơm gia đình, kể thì kể cho biết vậy thôi, không ngờ câu chuyện của ông cháu người hành khất mù làm cho cha mẹ phải nuốt nghẹn, mẹ phải đặt chén xuống bàn mà ngồi thẩn thờ. Tuấn nhớ, mẹ đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần những lời Phật dạy, như “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”, hay “Thi ân không cầu đáp trả, vì đáp trả là mất đạo nghĩa”. Còn cha Tuấn thì thích dõng dạc tuyên bố câu “Coi sự thi ân như đôi dép bỏ!” bằng một giọng chắc nịch, dứt khoát. Vì vậy mà ngay hôm sau, cha mẹ của Tuấn đã mời người hành khất mù vào nhà để hỏi thăm tỉ mỉ, và sau nhiều giờ bàn bạc giữa người lớn với nhau, một tin vui đã đến với không chỉ riêng Tuấn, mà đến với mọi người: Cha mẹ Tuấn đã nhận đỡ đầu cho cô bé Linh, bảo bọc nuôi nấng cho cô bé ăn học thành tài, đồng thời sẽ trợ cấp một số tiền hàng tháng cho ông ngoại Linh không phải ra chợ hành khất nữa.

Kể từ hôm ấy, Tuấn có thêm một người em gái, một người bạn hiếu học rất đáng quý. Nhưng đáng quý hơn hết, đó chính là một bài học về tình người rất thật, rất sống động, thật và sống động như mùa xuân đang đến khắp mọi miền. Bài học ấy luôn chói sáng giữa cuộc đời đầy chông gai trắc trở, mà Tuấn ghi tâm để nhớ suốt đời…

 

Tâm Không Vĩnh Hữu