Quê hương tuổi thơ tôi

alt

 

Một buổi sáng Chủ  nhật cuối năm, tiết   trời se lạnh, tôi đang  thả hồn theo từng giai điệu của ca khúc Quê hương. Đến đoạn cuối của bài hát có câu: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Chợt đứa con trai 8 tuổi của tôi hỏi: “ Mẹ ơi! Tại sao mà quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người hả mẹ?”. Tôi giải thích với con rằng: “Con người ai cũng có quê hương. Quê hương là nơi những đứa con được sinh ra, ở đó có ba mẹ đã vất vả chăm sóc, nuôi nấng những đứa con khôn lớn trưởng thành. Khi lớn lên những đứa con có thể rời xa quê hương, xa bố mẹ để tìm đến một phương trời nào đó để tạo dựng cho mình một cuộc sống mới. Nếu khi đó, đứa con nào mà không nhớ về quê hương, nhớ về nguồn cội thì tâm hồn của người con đó thật nghèo nàn, tức không thể trở thành người tốt được con ạ! Còn về thể xác, con người được nuôi sống bằng vật chất, cơm gạo thì theo năm tháng ai cũng phải lớn lên thôi. Vì vậy quê hương chính là nơi đã nuôi lớn tâm hồn của mỗi con người”. Nghe thế, con tôi lại hỏi tiếp: “Vậy tại sao con được sinh ra ở TP.Hồ Chí Minh mà ba lại nói quê con ở miền Bắc hả mẹ?”. Và tôi lại giải thích cho con: “ À! Miền Bắc là nơi ba mẹ đươc sinh ra và lớn lên con ạ! Ở đó có các ông bà và nhiều người thân khác nữa. Đó là quê hương của ba mẹ, đồng thời cũng là quê hương gốc của con”.

Tôi đã giải thích với con như vậy bằng tất cả khả năng, hiểu biết của mình nhưng tôi cũng không biết mình đã diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa câu hỏi của con chưa. Tôi chỉ mong muốn mình sẽ gieo vào lòng con một chút khái niệm về quê hương, nguồn cội.

Ôi! Hai tiếng quê hương nghe thật thân thương, gần gũi nhưng cũng thật diệu vợi làm sao. Ký ức tuổi thơ êm đềm chợt ùa về trong tôi giống như một thước phim quay chậm. Mới đó thôi mà đã gần 20 năm tôi xa quê. Nhớ biết bao những kỷ niệm thời thơ ấu với những buổi chiều thả trâu trên những quả đồi trọc, nằm trên những vạt cỏ may trên đỉnh đồi ngắm mặt trời lặn khuất dần sau dãy núi phía xa xa mà mơ về một phương trời xa tắp. Hoa cỏ may cắm đầy vào quần áo, nhọn hoắt như những mũi chông tí hon. Nhớ những ngày hè nắng cháy, lũ trẻ con chúng tôi rủ nhau lên đồi hái hoa mua về kết thành từng chuỗi vòng hoa đội lên đầu làm giả cô dâu, đồi hoa bạt ngàn một màu tím. Nhớ những buổi chiều một mình vào rừng hái sim, hái nấm bị ong vàng đốt cho sưng húp mắt, gai cào xước cả mặt mày nhưng vẫn không chừa. Nhớ những buổi cắp sách đến trường phải băng qua những ruộng lúa bậc thang đang thì trổ đòng đòng, tiện tay tuốt mấy cái đòng đòng cho vào miệng nhai thấy ngọt lịm làm sao. Nhớ những buổi sáng mùa thu chớm lạnh, một cảm giác ngây ngất bởi mùi thơm của nếp nương với mùi thơm của lúa mới… Và còn nhiều lắm những kỷ niệm của tuổi thơ tôi.

Cứ như vậy, một năm có bốn mùa trôi đi đều gắn liền với những kỷ niệm của thời thơ ấu. Rồi tôi cũng lớn lên, rời xa quê hương để tìm đến một miền đất mới, tạo cho mình một cuộc sống mới. Hành trang theo tôi là những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ sẽ mãi mãi không bao giờ mờ nhạt. Quê hương đối với tôi như một thánh địa và thật thiêng liêng. Vậy mà có những lúc tôi chợt nghĩ: Nếu sau này bố mẹ tôi khuất bóng đi rồi, tôi có còn được về quê không nhỉ? Nếu có về thì cũng chỉ ở được một vài ngày thôi chứ có nhà đâu nữa để mà về lâu được. Anh em thì người nào phận nấy. Lúc còn nhỏ, sống cùng với cha mẹ thì anh em thương nhau như thể chân tay. Lớn lên rồi, anh em mỗi người một ngả. Kẻ ở Nam, người ở Bắc và đều có một cuộc sống riêng với gia đình nhỏ của mình nhưng lúc cha mẹ còn sống, vào những dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ, anh chị em lại trở về sum vầy bên nhau trong cảnh đầm ấm của một đại gia đình cùng cha mẹ. Khi cha mẹ mất rồi, đại gia đình như một tổ chim với những con chim đã đủ lông, đủ cánh bay đi khỏi tổ và chỉ biết lo cho tổ ấm riêng của mình. Vì vậy, những lo toan cơm áo, gạo tiền sẽ đè lên đôi vai của mỗi người nên có lẽ trong thâm tâm, chẳng ai muốn làm phiền ai cả. Về ít ngày thì được chứ ở nhiều ngày sẽ có cảm giác hụt hẫng thế nào ấy. Dẫu biết đó là quy luật của cuộc sống nhưng sao tôi vẫn  cảm thấy lòng hơi trĩu nặng. Nhớ quá quê hương ơi!

 

Ngô Thị Mai