Nghĩa trang HIV

Nằm trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh an giang chùa Giồng Thành chỉ cách thị trấn Tân Châu chưa đầy 3km. Được Hòa thượng Trần Minh Lý xây dựng lần đầu vào năm 1875 bằng tranh, tre, lá, sau 4 lần tu sửa - lần gần nhất là năm 1970, chùa Giồng Thành vẫn giữ nguyên vị trí ở nền đất ban đầu thuộc xã Long Sơn - là xã đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

 

Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với hai tầng tháp hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn rất đẹp. Gửi xe tại chùa rồi theo sự chỉ dẫn của mấy bà cụ vào chùa làm công quả, tôi lội qua những đám cỏ đầu ngựa cao ngang bắp vế. Giây lát, nghĩa trang "ết" hiện ra trước mắt, nằm lọt thỏm giữa những lùm cây.

Gần đó, một ông già dáng khẳng khiu, da đen nhẻm, mặc chiếc quần cụt màu xanh cùng cái áo thun cũ nát cũng màu xanh, đang loay hoay cuốc cỏ. Trong lúc đợi ông làm xong, tôi đi vòng quanh, nhẩm đếm được gần 300 ngôi mộ và hầu hết là mộ xây xi măng. Có điều lạ là rất nhiều tấm bia chẳng hề có  hình ảnh người quá cố.

Ông già gầy gò kia tên là Trần Công Nghiệp, thường được gọi là ông Tư Nghiệp. Năm nay hơn 70 tuổi, từ năm 2003, ông đã dành hết quãng đời còn lại của mình để tự nguyện chăm sóc nghĩa trang này.

Là địa phương có đường biên giới dài 98km chung với nước bạn Campuchia, nhiều năm về trước, một số người dân Tân Châu, Phú Tân đổ sang bên kia làm ăn. Nam giới ngoài những nghề lao động phổ thông, chạy xe ôm, còn thì đi đai hàng lậu, hoặc dùng ghe, xuồng chở thuê hàng lậu cho các "trùm". Bên cạnh đó, không ít những thiếu nữ vì lý do này hay lý do khác, buộc phải bán mình vào nhà chứa. Chả thế mà theo một thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến cuối tháng 6/2009, An Giang có hơn 3.700 trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện vẫn còn sống, đứng thứ 6 trong cả nước, chỉ sau TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La và Thái Nguyên.

Còn theo ngành y tế tỉnh, thì 152 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang đều phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV-AIDS. Ngay như tại xã Long Sơn - là xã có chùa Giồng Thành, có lúc đã phải quản lý 140 ca HIV/AIDS, nhưng hiện nay chỉ còn 3, 4 ca. Riêng huyện Tân Châu, theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 1.000 ca nhiễm HIV/AIDS.

 

Ông Tư Nghiệp bên cạnh những ngôi mộ trong nghĩa trang HIV.

Mới 10h sáng, mà trời Tân Châu đã nắng gắt. Dẫn tôi đi quanh nghĩa trang, ông Tư Nghiệp, nói: "Nơi đây có từ 10 năm trước, nhà chùa dành ra một công đất (1.000m2) để chôn những người nghèo khó, không nhà cửa. Đất chùa không từ chối một ai nên khi có người chết vì "siđa" được đưa vào mai táng, thì người nọ đồn người kia. Riết rồi nó biến thành nghĩa trang "siđa". Hiện tại, nghĩa trang đã mở rộng đến gần 2.000m2 mà cũng sắp chật rồi. Cứ cái đà này, vài năm nữa là hết chỗ".

Người nằm xuống đầu tiên ở đây là Nguyễn Văn U, "đi" năm 2003. Tấm bia lâu ngày đã bám rêu loang lổ, lại bị cỏ che phủ nhưng tôi vẫn đọc thấy dòng chữ "Hưởng dương 29 tuổi". Quay sang những ngôi mộ khác, hầu hết đều chết trẻ. Có gia đình lần lượt mất hai đứa con, cách nhau một tháng. Lúc đưa vào nghĩa trang "ết", thân nhân đề nghị cho hai anh em được nằm đối diện nhau.

Ông Tư Nghiệp cười buồn: "Nghĩa tử là nghĩa tận. Thôi thì lúc sống cùng dưới mái nhà, chết cũng nằm cùng một chỗ". Hỏi ra mới biết đó là hai anh em song sinh, con của một gia đình làm ăn rất khá giả. Thiếu sự giáo dục, lại sẵn tiền, hai cậu quý tử tập tành hít, chích - chưa kể cả hai thường xuyên sang Campuchia chơi bời. Một thời gian sau, cả hai suy kiệt, người lở loét. Đi khám bệnh rồi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận nhiễm HIV. Cả hai anh em ra đi khi mới chỉ vừa 18 tuổi.

Có thể nói, trong số hơn 300 ngôi mộ ở nghĩa trang này, mỗi người một cuộc sống, một hoàn cảnh nhưng đều có cùng một lý do chung: Đó là chết vì căn bệnh thế kỷ. Bác sĩ Thành, chuyên khoa mắt, đã từng có thời công tác ở Bệnh viện đa khoa huyện Tân Châu, nay chuyển về khoa Mắt Bệnh viện Bình Dân, TP Long Xuyên, cho biết: "Xã hội vẫn có thành kiến với căn bệnh này, nhất là ở những vùng quê. Khi một gia đình nào đó có người chết vì "ết", thì sau khi chôn cất xong, ít khi họ lui tới thăm viếng...".

Nghe ông Tư Nghiệp kể ngay tại Tân Châu, Phú Tân, nhiều gia đình có con, em nằm ở đây nhưng chỉ trừ ngày hạ huyệt, còn thì từ bấy tới nay, tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng. Ông nói: "Có người gởi tiền nhờ tui lo nhang khói nhưng tui dứt khoát không lấy bởi lẽ 100 bó nhang của người xa lạ làm sao bằng 1 nén nhang của thân thuộc, gia đình. Đến ngày giỗ, tui xin chùa nải chuối, bó hoa, cũng có khi tui bỏ tiền túi ra mua nhang, tui thắp. Lúc còn sống, người nhà họ sợ bị lây, bị nhiễm thì còn hiểu được. Chứ đã chết rồi mà vẫn còn sợ là sao...".

Chỉ cho tôi ngôi mộ nước vôi mới quét, còn tươi nguyên màu trắng, ông Tư Nghiệp, nói: "Hồi đó, nó đẹp nhất xóm, vừa vào nằm cách đây hơn nửa tháng, mới 20 tuổi đầu". Nghe theo lời rủ rê, cô gái ấy sang Campuchia với hy vọng đổi đời vì gia đình nghèo quá. Được 2 năm, dân trong xóm thấy gia đình cô dựng lại ngôi nhà, mua sắm được một số vật dụng. Thế rồi trước tết, cô trở về, người gầy như que củi, ho rũ rượi, trên da là những mảng lở loét. Vài tháng sau cô ra đi trong đau đớn, ê chề.

Tôi đốt một bó nhang, cắm cho mỗi ngôi mộ vài nén. Đây là mộ của Nguyễn Thị T, "đi" năm 24 tuổi, kia là mộ của Nguyễn văn T, "đi" năm 19 tuổi. Những người đang nằm sâu dưới lớp đất ấy, có người ở Tân Châu, Phú Tân, cũng có người ở mãi dưới Hà Tiên, Kiên Giang hoặc Cà Mau. Vài ngôi mộ không thấy đề họ tên gì cả. Ông Tư Nghiệp giải thích: "Chẳng biết họ từ đâu đến, chỉ thấy một sáng, họ nằm chết co quắp dưới mái hiên một ngôi nhà, tui cùng bà con trong xóm tắm rửa, tẩm liệm rồi đưa vào đây".

Mỗi huyệt mộ trong nghĩa trang này có kích thước ngang 0,8m, dài 2,2m. Tôi hỏi tiền đâu xây mộ, mua hòm? Ông Tư Nghiệp đáp: "Có mộ gia đình họ mướn người xây. Có mộ tui vận động bà con đóng góp gạch, cát, xi măng rồi tui cùng mấy anh em biết nghề hồ, xây. Còn hòm thì nếu gia đình họ không lo, tui quyên góp". Cũng chính vì mặc cảm, nhiều gia đình âm thầm chôn cất con, em mình vào ban đêm. Những lần như vậy, ông Tư Nghiệp lại có mặt, rồi sau khi thân nhân về hết, một mình ông ngồi giữa đêm khuya, bên cạnh những ngôi mộ mà 7 năm nay, ông coi họ như người thân thuộc.

Ông nói: "Nhiều sáng, ra quán cà phê, thấy đám thanh niên ngồi túm tụm bàn tán, rằng ông A, bà B nào đó kêu qua bển đai hàng, hoặc đi làm gì đó, tui thấy rầu quá vì biết tụi nó có chịu làm ăn đàng hoàng hay không. Hơn nữa, đai hàng lậu kiếm tiền nhiều đó, mà tiền nhiều thì sanh tật". Và mặc dù cái nghĩa trang "ết" sờ sờ trước mắt, nhưng xem ra sự sợ hãi đã thành quen, cộng với lập luận "sống chết có... số" nên nhiều thanh niên vẫn liều mạng với chính bản thân mình.

Châm một điếu thuốc lá, ông Tư Nghiệp thở ra một hơi khói dài rồi cầm lấy cây cuốc, đứng dậy. Ông nói: "Tui mong sao đừng có thêm một cái nghĩa trang "siđa" nào nữa". Nhìn cái dáng gầy gò, khẳng khiu của ông bên những ngôi mộ, những lối đi cỏ được dọn sạch sẽ, tôi tự hỏi nếu mai đây ông nằm xuống, thì ai sẽ thay ông chăm sóc nghĩa trang này và những người còn sống, những người đang đánh đu với tử thần bằng câu triết lý "số mạng", liệu có hiểu được thông điệp mà ông Tư Nghiệp muốn gửi đến họ qua việc chăm sóc nghĩa trang "ết" này không...

V.C.

Theo: cand