Bác sĩ Trịnh Nguyên Phước: Sống hài hòa với tất cả

Là bác sĩ chuyên ngành về tiêu hóa, giảng viên Trường đại học Saint-Antoine (Pháp), nhưng ông Trịnh Nguyên Phước (ảnh-tên thật là Trịnh Đình Hỷ) đã có hơn 40 năm nghiên cứu về đạo Phật.

Tiểu luận về những vấn đề đạo Phật liên quan đến tâm thức xã hội, những chuyên khảo mới về y học dưới cái nhìn Phật giáo... của ông đã được chọn lọc và tập hợp trong  cuốn Đối thoại giữa đức Phật và gã chăn cừu (NXB Văn Nghệ) - một cuốn sách thú vị, thiết thân giữa đời thường đầy lo toan, bận rộn...

* Thưa ông, dẫn ra cuộc đối thoại giữa đức Phật và gã chăn cừu, phải chăng không nhằm đến sự lựa chọn giữa tôn giáo và thế tục, mà hàm ý hướng tới một giá trị tinh thần thế tục mới mẻ và rộng mở hơn?

- Vâng, đúng vậy. Hồi xưa, cũng như nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Alexis Zorba (của nhà văn Hi Lạp Nikos Kazantzakis), tôi đã bị giằng co nội tâm giữa hai khuynh hướng trái ngược, tượng trưng bởi gã chăn cừu và đức Phật.

Thật ra, điều mà chúng ta dần dần nghiệm thấy là tâm lý con người cũng như một bức tranh ghép mảnh (mosaic), với nhiều khuynh hướng khác nhau, và điểm quan trọng là làm sao sống hài hòa với tất cả, một cách tự nhiên, thành thật với chính mình.

Theo đạo Phật không có nghĩa là phải buông bỏ tất cả, sống kham khổ và tự kiềm chế trong từng giây phút. Chúng ta có thể sống một cuộc đời thế tục như gã chăn cừu mà vẫn theo lời Phật dạy.

* Cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm như luật nhân quả. Luật nhân quả, nếu giải thích theo khoa học, có đúng không, thưa ông?

- Luật nhân quả thật ra có trước đạo Phật, từ thời Bà La Môn giáo. Nhưng trong khi Ấn Độ giáo, Thị Na giáo cho rằng mọi hành động, cố ý hay vô tình, đều tạo nghiệp (karma) và đưa tới hậu quả thì theo đạo Phật, chỉ có hành động cố ý mới tạo nghiệp.

Vì đạo Phật lấy “tâm” là căn bản, nên ý muốn (cetana) mới là quan trọng, mới tạo nghiệp, mới đưa tới những hậu quả mà chính cái tâm mình cảm nhận. Chẳng hạn như sát sinh một cách vô tình không tạo nghiệp, nhưng có ý muốn sát sinh là tạo nghiệp.

Gần đây, các nhà khoa học thần kinh đã khám phá hiện tượng “nơron gương”: khi người ta nghĩ tới một hành động thì các nơron trong vùng liên quan tới được kích hoạt không khác gì khi hành động đã được thực hiện.

Điều đó chứng tỏ rằng quan niệm nhân quả, nghiệp của đạo Phật rất phù hợp với khoa học.

* Ông có thấy con người hiện tại rất ít khi nhìn vào nội tâm của mình. Chữ tâm vẫn còn được hiểu theo nghĩa hạn hẹp, có phải vậy không?

- Vâng. Không phải là chỉ bây giờ con người mới ít khi nhìn vào nội tâm của mình. Thời cổ xưa Hi Lạp, trên cửa đền Delphi đã có câu “gnothi seauton” - hãy tự biết chính mình. Mỗi ngày từng giây từng phút mình sống với mình, mình tự nói chuyện với mình, nhưng thật ra mình có sống trong mình không, hay thường phóng tâm ra ngoài, chạy theo chuyện này, chuyện nọ?

Vấn đề của con người là ở cái tâm vọng động, tâm xao lãng, tâm bất kham, gây nên những mâu thuẫn nội tâm. Cho nên phải trở về cái tâm tĩnh lặng, trong sáng, vẫn có tự nhiên trong mỗi người.

Thiền gọi như vậy là “phản quang tự kỷ”, tìm về cái “ông chủ” của mình, cái tâm như như, như thật.  Cái đó chỉ có thực hành thiền mới thấy, chứ dùng lý trí cũng chỉ thấy cái tâm như tâm lý thông thường.

 

alt
Ảnh: V.Q.

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện

Theo tuoitreonline