Thương Yêu

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày Chủ Nhật 16 tháng 11 năm 1997. Đây là buổi nói pháp thứ nhì tại Tu Viện Rừng Phong. Hôm nay chúng ta học về thương yêu.

Chúng ta ai cũng đã có thương, nhưng có lẽ ít người có cơ hội tính sổ lại tình thương của mình, xem thử ta đã khổ đau như thế nào trong khi thương, đã hạnh phúc như thế nào trong khi thương, và đã học được gì trong quá trình thương yêu, khổ đau, và hạnh phúc đó.

Thật ra phần lớn trong chúng ta bận rộn rất nhiều và chưa có cơ hội để ngồi lại và làm việc tính sổ ấy. Khi tính sổ như vậy, chúng ta có thể học được rất nhiều từ những kinh nghiệm thương yêu, khổ đau, và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta thương cha, thương mẹ, thương con, thương cháu, thương trời, thương đất. Chúng ta thương nhiều thứ lắm. Mỗi người trong chúng ta nên để ra chừng bẩy ngày để suy nghĩ, take a vacation, không làm gì hết, suốt ngày chỉ tính sổ thương yêu mà thôi. Và ta phải nhìn cho sâu, phải thành thật, để có thể bắt đầu thấy được bản chất của tình thương cũng như của những khổ đau, khó khăn, và hạnh phúc mà tình thương ấy đã đem tới. Từ đó chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm và sẽ chuyển hóa được tình thương để tình thương ấy bớt gây đau khổ cho mình và cho người, và cũng để bắt đầu tạo thêm hạnh phúc cho mình và cho người mình thương. Chúng ta thương, nhưng thực sự ít ai biết được bản chất của tình thương. Nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm và quán chiếu thì chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để hiểu biết và chuyển hóa bản chất của tình thương trong ta.

Nhà văn Pháp Antoine de St. Exupéry, tác giả quyển "Hoàng Tử Bé" (Le Petit Prince), có nói: "Thương nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng" ("Aimer, ce n"est pas se regarder l"un l"autre, c"est regarder ensemble dans la même direction."). Chúng ta thử xét xem lời tuyên bố của ông có đúng không?
Tôi nghĩ là thương nhau mình có thể ngồi nhìn nhau được chứ, miễn là đừng ngồi xuốt ngày mà thôi! Lâu lâu phải nhìn nhau, phải nhận diện rằng người thương của mình có mặt. Nhìn nhau ở đây có nghĩa là công nhận sự có mặt của người kia. Nếu thương mà không công nhận sự có mặt của người kia thì người kia sẽ tủi chết, và sẽ nghĩ là mình không thực sự được thương. Người kia sẽ nói: "Anh ấy không bao giờ để ý đến tôi, ảnh không bao giờ nhìn mặt tôi, ảnh không bao giờ ý thức là tôi đang có mặt!" Như vậy không được. Cho nên chúng ta đừng nghe cái ông nhà văn đó xúi dại. Chúng ta phải biết nhìn nhau và phải tập nhìn có chánh niệm. Nhìn như thế nào và nói như thế nào để người kia biết mình thực sự có mặt cho người đó và người đó thấy sự có mặt của mình đang được công nhận và trân quý. Nếu người mình thương làm như mình không có mặt trên cõi đời này, thì mình sẽ có cảm tưởng là mình không thực sự được thương, là mình đang bị bỏ quên (ignored) bởi người ấy. Nhìn nhau, vì vậy rất quan trọng. Nhưng mà vấn đề là khi nhìn nhau mình sẽ thấy gì?

Khi thấy có cái gì dễ thương thì mình thương. Bắt đầu là như vậy. Mình phải thấy người kia đẹp, mình phải thấy người kia thiệt, mình phải thấy người kia hiền. Ai cũng muốn thương, ai cũng cần đến cái Chân, cái Thiện, và cái Mỹ. Thiện là sự hiền từ. Ai lại thương một bà chằng bao giờ! Mỹ là đẹp. Quỷ Dạ Xoa xấu quá, khó thương lắm! Ngoài ra, đối tượng của sự thương yêu còn phải thật (Chân.) Nếu đối tượng đó chỉ là một cái bóng dáng, một cái mặt nạ, hoặc một sự giả trang thì làm sao mình thương được. Nếu đối tượng đó chẳng qua chỉ là phấn sáp, chẳng qua chỉ là cái hào nhoáng bên ngoài thì nó không thật. Không ai lại đi thương cái giả dối. Vì thế đốt tượng của sự thương yêu phải là sự thật. Trừ khi mình dại dột, bị đánh lừa, thì mình mới kẹt vào cái giả ngụy mà thôi. Cho nên trong khi thương ta phải sáng suốt lắm. Nếu không ta sẽ mua lầm hàng giả, mà bây giờ thiên hạ bán hàng giả rất nhiều. Thiên hạ chuyên đi mua cosmetic về để sơn phết. Họ dùng những phương tiện kỹ thuật làm ra đủ thứ giả: lỗ mũi cũng giả, ngực cũng giả, mông cũng giả, rồi đạo đức cũng giả. Giả dối nhiều lắm. Nước hoa có nhiều thứ. Nước hoa có công dụng lấp đi những cái không đẹp, không thơm. Cái giả dối rất nhiều, nếu không tỉnh táo mình sẽ bị kẹt. Đối tượng của sự thương yêu như vậy không "chân". Đó là đứng về phương diện hình hài. Còn đứng về phương diện đạo đức cũng vậy. Có đạo đức giả. Nghĩa là mình không thánh thiện, không hiền lành, không có lòng tốt, nhưng mình làm ra cái kiểu là mình có thánh thiện, có sự hiền lành, có sự tốt bụng. Nhiều người bị lừa về chuyện giả trang đạo đức lắm. Do đó khi thương, ta phải tỉnh táo. Nhưng thường thường, thương thì không có tỉnh táo. Thương còn được gọi là cơn mê. Trong tâm trạng thương, vì mình không được tỉnh táo nên mình mới bị kẹt vào những cái không có thật. Đứng về phương diện bóng sắc cũng như đứng về phương diện đạo đức, sự tình đều như vậy. Người đó không hiền mà mình tưởng là hiền. Thấy bề ngoài hiền khô như vậy, nhưng mà hãy coi chừng!

Nếu biết nhìn bằng con mắt của chánh niệm, ta sẽ thấy cả ba cái chân, thiện, và mỹ dính liền với nhau. Đó là tính tương tức của ba cái. Trong chân phải có thiện và mỹ. Trong thiện phải có chân và mỹ. Trong mỹ phải có chân và thiện. Một cái phải có hai cái kia thì mới thực sự là nó được. Nếu chưa có thiện và mỹ thì đó chưa phải là chân. Mình phải thấy ba cái đó tương tức. Thương là một quá trình quán sát, nhưng người thương ít khi chịu quán sát. Mình để mình bị vướng vào đó thôi. Bước đi mình bị té, mình bị sập bẫy. "Fall in love" tức là té. Đi làm sao mà bị té? Không có chánh niệm, không biết cái gì xảy ra, thế là mình bị té, bị kẹt. Có khi mình mơ hồ biết là có hầm hố, có hiểm nguy nhưng mình vẫn đi, mình vẫn muốn bị "té". Ở đời biết bao nhiêu người trẻ bị kẹt trong tình huống như vậy, làm tan tành cuộc đời của mình. Đó là tại vì họ không cẩn thận, cứ để cho những cái bề ngoài đánh lừa. Mình có quyền thương cái chân, cái thiện, và cái mỹ, với điều kiện đó là chân thật, thiện thật, và mỹ thật. Và đối tượng của sự thương yêu không thể là vọng tưởng, không thể là một tri giác sai lầm. Không chân mà tưởng là chân, không thiện mà tưởng là thiện, không mỹ mà tưởng là mỹ, đó gọi là tri giác sai lầm (vọng tưởng). Vì thế tình thương thường thường là một cơn mê, một passion, một cái dream. Và khi tỉnh dậy được rồi thì trong thân và trong tâm đã có biết bao nhiêu thương tích. Đức Thế Tôn dạy là mình phải thương, nhưng cái thương của mình phải dựa trên cái thấy chân thật chứ không nên dựa trên vọng tưởng. Khi đối tượng tình thương của mình là một vọng tưởng mà không phải là sự thật thì mình sẽ đau khổ rất nhiều.

Có những cái đẹp thầm kín. Có những cái đẹp mình phải nhìn kỹ lắm mới thấy được. Và thường thường những cái đẹp chân thật đều như vậy, mình phải nhìn kỹ mới thấy. Khi cái đẹp là cái đẹp chân thật thì cái đẹp đó có khả năng nuôi dưỡng mình, có khả năng làm đẹp cuộc đời mình. Vì thế thương cái đẹp rất quan trọng, với điều kiện cái đẹp đó phải là cái đẹp đích thực. Cái thiện cũng là cái đẹp. Ví dụ như lòng từ bi. Lòng từ bi là một cái gì rất đẹp. Khi thương Đức Thế Tôn, mình thấy một phần quan trọng của tình thương mình là do ở chỗ Đức Thế Tôn có lòng từ bi. Mình thương tình thương của Đức Thế Tôn. Đó là một thứ tình thương rất cần thiết cho cuộc đời. Đức Thế Tôn có khả năng thấy được những đau khổ ở xung quanh Ngài. Và Đức Thế Tôn không quên những đau khổ đó.

 

HT Thích Nhất Hạnh