Ni giới Phật giáo về vấn đề bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em

Người ta nói rằng: “Không nên đánh phụ nữ, dù (đánh) bằng một cành hoa”. Phụ nữ vốn được coi trọng, nhất là trong các xã hội phương Tây. Tại Việt Nam, người phụ nữ cũng được coi trọng. Có nghĩa là họ vẫn được sống, học tập và làm việc như nam giới. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên đất nước này, phụ nữ lại bị nạn bạo hành chính ngay trong gia đình mình. Ðó là nạn bạo hành gia đình.

Trẻ con cũng bị bạo hành ở nhà lẫn ở trường, hay ngoài xã hội. Người thân của trẻ thỉnh thoảng đánh đập, làm tổn hại nơi thân và làm mất lòng tin trong tâm chúng. Cả người giữ trẻ cũng đánh các cháu, thầy cô giáo, lẫn bạn bè cũng làm tổn thương đến trẻ, xúc phạm trẻ. Ðiều này nói lên điều gì? Phải chăng tình yêu trẻ và tình bằng hữu lạt phai? Thật đau lòng khi đọc những hàng tin:

Cô bảo mẫu đánh cháu (ở TP. Biên Hòa), bạn hè nhau đánh bạn, làm nhục bạn (ở Huế, Tp.HCM), cô giáo đánh cả lớp vì cả lớp không thuộc bài (ở T. Kiên Giang)… Người cha trói hai con gái nhỏ lại đánh và bỏ đói chúng (T. Tây Ninh), Bác ruột đánh cháu trong quá trình chăm sóc (T. Kon Tum), đối với một số trẻ em nhập cư được nuôi trong các quán ăn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cần làm việc, thì lại bị bóc lột sức lao động và có khi bị chủ đánh đập, không cho ăn đầy đủ (Tp.HCM).

“Khi còn nhỏ em đã nhìn thấy cha mỗi lần say về là đánh mẹ, đánh cả em nữa, và khi trưởng thành em mong thoát khỏi những mảnh đời như thế”. Ðó là một lời giải thích lý do của một trong những cô gái miền Tây Nam bộ lấy chồng ngoại quốc (Hàn quốc). Thật ra, em vẫn không có cách sống khá hơn, và lại tiếp tục bị bạo hành vì những bất đồng văn hóa, cũng như sự khác biệt về ngôn ngữ.

Coi báo trên mạng, coi trên blog của cô gái trẻ 19 tuổi, đã lập gia đình, bị chồng đánh trong nhà và có khi đánh ngay giữa phố. Cô gái này viết cô đã có quyết định sáng suốt là xin ly hôn.

Ðôi khi có những trường hợp chỉ là người yêu thôi, nhưng lúc bất đồng quan điểm chàng cũng đã đánh nàng tại chỗ, vậy là bạo hành cả trong giai đoạn tiền hôn nhân.

Bạo hành ngày càng phổ biến, ngay cả giới trí thức, lẫn người bình dân cũng ngược đãi, đánh đập người thân khiến họ phải đi nhập viện chỉ vì ghen tuông, hay thích đánh là đánh…

Một tình huống khác tại Hà Tĩnh, người vợ chưa dọn cơm đúng giờ, người chồng đã dùng ngay nồi canh đang sôi hắt vào người vợ. Kết quả là người vợ phải vào bệnh viện vì bỏng nặng trước sự chứng kiến của người anh vợ.

Còn đối những kẻ rối loạn nhân cách, họ đã xâm hại, cưỡng bức tình dục chính những đứa con gái của họ. Những người anh họ cũng làm hại đời em gái khi cô đến trọ học trong ngôi nhà của gia đình họ. Họ tự cho mình cái quyền làm tổn thương người khác bất luận là người thân của họ. Có trường hợp người bị hại im lặng chịu đựng, có trường hợp họ đã viết đơn tố cáo kẻ bạo hành, hay viết ngay trên blog để mọi người cho họ một lời khuyên.

Trong tình huống người hàng xóm chứng kiến đã quay phim và đưa lên mạng hình ảnh người con trai, người giờ là chủ gia đình giơ tay đánh người mẹ già hơn tám mươi tuổi đã làm đau lòng mọi người (Q. Gò Vấp, Tp.HCM)… Ðây cũng là một dạng bạo hành gia đình.

Mọi ví dụ trên đây chỉ là một đơn cử cho tình trạng bạo hành trong gia đình, ngoài học đường, cũng như ngoài xã hội ngày càng nhiều khiến mọi người trong xã hội phải quan tâm.

* Về hình thức bạo hành

Chúng ta có thể quan sát vấn đề bạo hành dưới nhiều hình thức khác nhau như:

· Bạo hành bằng hành vi đánh đập, cưỡng bức, quấy rối tình dục… khiến cho người bị bạo hành đau đớn về thân thể. Có trường hợp còn bị giết hại.

· Bạo hành bằng lời nói thô ác, hay thái độ khinh miệt, không cư xử đúng đắn như một con người khiến người bị nạn đau đớn về tinh thần.

* Nguyên nhân của nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em

· Do phim ảnh, truyện và các trò chơi điện tử bạo lực, ảnh hưởng, tác động con người ứng xử thô bạo với nhau hơn.

· Do đạo đức xã hội xuống cấp, suy giảm phẩm chất giá trị đạo đức con người, sống không tôn giáo khiến một số người trong xã hội sống không có lòng: yêu thương, biết ơn, bảo vệ và tôn trọng đối với người sanh ra ta (cha mẹ ta), cũng như ta sanh ra (con cái ta), hay đồng loại của ta…

· Do kẻ bạo hành rối loạn nhân cách, họ tự cho phép cưỡng bức, quấy rối người khác, bất chấp người thân của họ.

· Do uống rượu hay chất gây say, họ không làm chủ bản thân, đánh mất lý trí dẫn đến hành vi tà dâm, giết người, ứng xử thô bạo, nói lời thô ác làm tổn thương ngýời khác, lẫn người thân họ.

· Do không kềm chế được bản thân lúc nóng giận, họ trút giận bằng hành vi có vũ lực ngay vào người đối diện.

· Do hoàn cảnh khó khăn, quẩn trí và thiếu hiểu biết về cách sống tốt họ hay trút giận lên vợ con, người thân bằng sự thô bạo.

· Do cá tính thô bạo và đầu óc gia trưởng muốn người khác phục tòng bằng biện pháp mạnh.

· Về phần người bị bạo hành, họ chịu đựng đau khổ thiệt thòi vì con cái và chấp nhận nạn bạo hành như cái “Nghiệp” của họ. Ðồng thời, họ im lặng vì sợ nói ra không được gì mà lại còn bị đòn đau hơn nữa. Còn những cô gái bị người thân hại đời họ, họ im lặng vì nỗi xấu hổ gia đình, lẫn chưa đủ can đảm vạch trần sự thật trước công lý xã hội.

Với những nguyên nhân cơ bản trên góp phần đưa đến vấn đề bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội. Ngày nay phụ nữ khắp nơi trên thế giới cũng cam chịu nhiều thiệt thòi do nạn bạo hành. Tuy nhiên, ở các quốc gia tiến bộ thuộc Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc… còn có những tổ chức bảo vệ phụ nữ ngay khi họ bấm số kêu cứu. Riêng ở Việt Nam về hành chánh có đề cập, nhưng thực tế họ vẫn còn đợi chờ để áp dụng như thế nào, cho nên nạn bạo hành cứ xảy ra và chưa có cách nghiêm trị những kẻ bạo hành. Hiện tại vấn đề là làm thế nào để phối hợp giữa các tổ chức có trách nhiệm về vấn đề bạo hành gia đình (thuộc chính quyền) và các tổ chức Tôn giáo khác một cách hiệu quả góp phần chấm dứt nạn bạo hành?

Trước bối cảnh xã hội hiện tại, Hiến pháp Việt Nam có triển khai vấn đề bình đẳng giới trong toàn xã hội nhằm nâng cao vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Về phần chúng ta, Ni giới Phật giáo cũng góp phần mình trong một số lĩnh vực nhằm làm giảm bớt phần nào nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em.

Sau đây là một số suy nghĩ cá nhân về biện pháp giải quyết nạn bạo hành:

* Biện pháp giải quyết nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em

· Phật giáo hóa quần chúng: Nếu chúng ta giáo hóa được quần chúng, có nghĩa là nhiều người được qui y Tam bảo và bẩm thọ Ngũ giới. Chính năm giới dành cho Phật tử tại gia sẽ góp phần tích cực làm giảm bớt nạn bạo hành.

· Triển khai bình đẳng giới theo tinh thần Phật giáo giúp mọi người hiểu rõ vai trò của phụ nữ trước giải thoát giác ngộ.

· Xây dựng phẩm chất giá trị đạo đức của người Phật tử tại gia góp phần hình thành con người tốt cho xã hội.

· Xây dựng và phát triển tổ chức thanh thiếu niên sinh hoạt theo tinh thần Phật giáo, hầu đào tạo những Phật tử ưu tú của tương lai và góp mặt hoạt động hữu ích cho cộng đồng. Ví dụ: Tổ chức Gia đình Phật tử đã có mặt tại nhiều nơi tại Việt Nam, cũng như ở hải ngoại.

· Mở trường học cho người tại gia: từ cấp Mẫu giáo đến cấp I,II... theo khuôn mẫu trường Tư Thục Bồ Bồ giúp các bé từ lúc nhỏ đã có cơ hội làm quen trong môi trường giáo dục đạo đức Phật giáo.

· Tạo điều kiện thuận lợi để các nữ tu sĩ Phật giáo có trình độ chuyên môn tham gia công tác tổ chức quản lý, cũng như giảng dạy tại các trường thuộc Phật giáo này.

· Ðối với người bị bạo hành: giúp họ có đủ can đảm đối mặt với thực tại và chuyển đổi hoàn cảnh, tức xác định chúng ta có thể chuyển được “nghiệp” bằng cách áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống.

· Ðối với ngýời bạo hành: Cần giúp họ tham gia các khóa tu Thiền hay các phương pháp khác có khả năng đối trị lòng tham dục, sân hận…và phát triển lòng từ bi đối với đồng loại, đối với muôn loài. Cụ thể: giữ giới, nhẫn nhục, ăn chay, niệm Phật…nhằm điều chỉnh nhân cách theo tinh thần Phật giáo giúp cho họ có được suy nghĩ, lời nói và hành vi đúng đắn, không làm tổn thương chính mình và người khác.

Tóm lại, phụ nữ và trẻ con là hai thành phần quan trọng trong xã hội, cho nên họ cần phải được quý trọng. Trong phạm vi một gia đình nhỏ, một gia đình đích thực được đặt trên nền tảng của lòng thương yêu và sự tôn trọng và bảo vệ lẫn nhau. Nếu mất đi một trong những giá trị đạo đức ấy, gia đình sẽ không còn mà biến thành ngục tù giam hãm những người vốn yêu thương nhau giờ lại làm tổn thương lẫn nhau. Tại trường học cũng vậy, trẻ con cũng cần được yêu thương, chăm sóc và giáo dục tốt. Chúng ta cố gắng làm hết sức mình để giúp những mảnh đời đau thương được hạnh phúc, biến những con người bất thiện trở nên thiện hơn, làm cuộc sống con người tốt đep hơn, yêu thương nhau nhiều hơn, và giúp họ cải thiện cuộc sống phù hợp hơn với cộng đồng thông qua các việc làm có tác động giải quyết vấn đề bạo hành. Từng bước áp dụng các biện pháp tích cực trên, làm được điều này chính là góp một phần bé nhỏ của Ni giới Phật giáo Việt Nam trong vấn đề bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em trên toàn cầu./.

 

TN. Giác Nghiêm- Thạc sĩ Phật học

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Việt Nam)