Mở lòng ra, những người con Phật!

Giác Ngộ - Giữa tháng 12-2009 vừa rồi, đọc báo Thanh Niên tôi thấy có bài viết nói về chuyện miền Nam nước Sudan đang tính toán xem có nên tách ra khỏi miền Bắc hay không. Tôi bất giác thở dài: “Lại chia cắt nữa”.

 

Trong những năm gần đây thế giới đã chứng kiến nhiều hiện tượng ly khai đòi độc ở các quốc gia như  Kosovo, Đông Timo, Abkhazia… Nó cho thấy một điều là “thế giới đang mất đoàn kết trầm trọng” (Thanh Niên ngày 2-12-2009, Đỗ Hùng, Lại nóng bỏng chuyện Kosovo). Mà nguyên nhân của những chia rẽ ấy là do đâu? Có phải là do bất đồng về tôn giáo, sắc tộc, tư tưởng chính trị, hay chỉ đơn thuần là do người ta muốn… làm vua một cõi?

TN.jpg

Ảnh minh họa

Nếu như một thiền sư  nào đó đã cho rằng muốn biết thế giới có hòa bình hay chưa thì chỉ cần nhìn vào mâm cơm trong mỗi gia đình mỗi ngày là biết liền. Mâm cơm đầy những “thịt chúng sanh” thì thế giới làm sao dứt tiếng đao binh cho được. Một là vì “người ta” phải luân hồi đền mạng lẫn nhau, hai là vì tâm hiếu sát lấn át tâm từ bi; do đó mà có chiến tranh, nhỏ thì trong phạm vi gia đình, cộng đồng, lớn là toàn xã hội, cả thế giới. Mới hay rằng cái lớn vốn có nguồn gốc từ cái nhỏ, quốc gia đại sự  cũng từ mỗi cá nhân chúng ta mà thôi.

Một anh lái xe hon đa ôm kể cho tôi nghe câu chuyện của anh rằng, một lần nọ có một người gõ cửa nhà anh nhờ chở đi đâu đó, lúc đó khoảng 10 giờ tối. Nhưng vợ anh nói với người đó rằng anh không có nhà. “Tại sao em phải nói dối như vậy?”, anh ta hỏi vợ. Thì chị ta trả lời rằng: “Biết người đó thật hay giả, rủi họ gạt mình rồi cướp xe sao”. Nhưng sau đó anh ta mới biết rằng người đàn bà đó nhờ anh chở gấp đến bệnh viện để cấp cứu cho đứa con 3 tuổi của cô ta. “- Cũng may là đứa bé ấy không sao, nếu nó mà có sao thì chắc tôi phải hối hận suốt đời”, anh ta nói với tôi. Trong xã hội còn biết bao nhiêu chuyện tương tự như  thế. Cách ứng xử của mỗi người như thế thật ra nào có lỗi gì đâu, người ta chỉ muốn bảo vệ mình thôi, khi mà xã hội đâu đâu cũng dường như có đặt sẵn một cái bẫy để cho những kẻ lỡ chân sa vào, nhất là những người hiền lành tốt bụng và nghĩ rằng ai cũng tốt như mình, ai cũng thật thà như mình; thì một sự đề phòng nào đó cũng đâu phải là quá đáng. Chỉ có điều trong sự thật giả  lẫn lộn đó, tội cho những người có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Một người lỡ đường ghé nhà ta xin bữa cơm, ly nước ta cũng canh chừng như  đề phòng  kẻ trộm. Hoặc xin tiền đổ một lít xăng ta cũng cần cảnh giác xem họ lỡ hết xăng thiệt hay giả bộ… Không giúp thì thấy tội, còn giúp thì sợ lầm. Một người nói với tôi rằng: Riết rồi không còn nhân  từ nổi nữa thầy ơi. Và người ta bắt đầu co rúm tâm hồn mình lại. Hình thành nên một bức tường giữa người này và người khác. Rằng miễn mình không hại ai thì thôi, chứ còn giúp đỡ thì… Từ đó mà ta trở thành người ích kỷ lúc nào không hay. Sự ích kỷ ấy của con người thì cũng như quy luật của bàn tay của họ vậy, các ngón tay chỉ có thể nắm lại chứ không thể co ngược về phía bên kia được. Chúng ta chỉ biết (bảo vệ) những gì thuộc phía trong bàn tay ấy mà thôi, còn biết bao thứ  phía ngoài bàn tay ấy thì ta… mặc kệ. Hai chữ mặc kệ nghe qua tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng đôi lúc nó cũng thật nhẫn tâm làm sao, vì nó biểu hiện một tâm hồn đã xơ cứng: Con cái mặc kệ cha mẹ già, bác sĩ mặc kệ bệnh nhân, nhà sản xuất mặc kệ người tiêu dùng…

Cuộc đời vẫn còn những cái khổ như thế. Đức Phật ra đời không gì hơn là để xoa dịu cái khổ đó của con người. Và tôi may mắn được làm đệ tử của Ngài, dù chỉ là đệ tử xa. Những lời Đức Phật dạy được ghi chép lại trong kinh, hoặc thông qua quý thầy giảng, thực sự đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều trong cuộc sống của mình. Ngài dạy rằng tất cả chúng sanh đều có “máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn” như nhau. Có nghĩa rằng ai cũng cảm nhận hạnh phúc và đau khổ như nhau, cho nên điều nên làm là tránh đau khổ và đem lại hạnh phúc cho từng người, như Nguyễn Trãi, một nhà Nho ảnh hưởng Phật giáo nói “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, dù đó là dân Việt Nam hay thuộc quốc gia nào, sắc tộc nào, tôn giáo nào đi nữa. Cho nên trong Phật giáo đặc biệt không có sự kỳ thị những khác biệt như thế. Tình yêu thì không khi nào có biên giới. Đức Phật còn dạy rằng luật nhân quả rất công bằng, làm tốt thì không sợ mất phần, mà phần đó mình sẽ được hưởng trong tương lai. Bố thí đồ ăn dư cho côn trùng còn được phước kia mà, huống là giúp đỡ con người. Còn ai gian dối thì họ sẽ chịu quả báo bị gian dối lại. Huống chi có những người có bản tánh tốt, nhưng do một hoàn cảnh nào đó mà họ trở thành kẻ xấu. Nói chung Đức Phật dạy chúng ta chẳng những không được xa lánh người xấu mà càng phải thương họ nhiều hơn, bởi vì họ là những người vô minh nhiều nhất. Họ không biết rằng sự tham lam, ích kỷ, xảo trá đó là nguyên nhân dẫn đến kết quả đau khổ.

Những lời Phật dạy về Nhân quả, Nhân duyên, Vô ngã cũng như những đức tính về Từ bi… cho chúng tôi có cái nhìn thông thoáng hơn đối với cuộc sống. Chúng tôi ăn chay kỳ, và làm từ thiện mỗi khi có điều kiện mà không cần phân vân là có đúng đối tượng hay không, chỉ thầm cầu nguyện được cùng họ kết duyên Phật pháp trong tương lai, góp phần làm cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn mà thôi. Những người Phật tử như chúng tôi, thông qua lời Phật dạy đã hiểu một cách sâu sắc rằng, sự chia rẽ, ly khai của thế giới chẳng qua là sự chia rẽ từ lòng người.

 

Hữu Huệ