Vấn đề dấn thân trong công tác xã hội của người Nữ Phật giáo

Ðã qua rồi thời Đại của “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, qua rồi xã hội phong kiến khi người phụ nữ co cụm trong chốn khuê phòng, một đời chỉ biết thờ chồng, nuôi con. Phụ nữ của thế kỷ XXI là phụ nữ của thời kỳ hội nhập, thời đại công bằng, dân chủ, văn minh, thời của “Nam nữ bình quyền”.

Trong Phật giáo không chỉ hôm nay người phụ nữ mới được nâng cao giá trị bình đẳng với nam giới, mà cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, đức Phật đã từng công nhận : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu phật tánh”. Câu nói ấy chứng minh rằng tất cả chúng sanh dù nam dù nữ cũng có khả năng thành Phật. Ðiều đáng nói ở đây là ngay cả khả năng thành Phật đã có thể thì mọi khả năng khác ta cũng có thể hoàn thiện. Chỉ cần ta đủ nhiệt huyết và biết tin vào chính mình. Tổ Quy Sơn có câu: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”, không nên tự khinh mình, đó là bước đầu trong sự nghiệp dấn thân.

Người nữ có thể hoàn tất tốt các công tác xã hội, bởi lẽ họ có một lợi thế, đó là thiên chức làm mẹ. Họ là hiện thân của tình thương. Chính tình thương, lòng từ bi sẽ là động cơ để họ dấn thân và vượt qua mọi khó khăn. Ngoài ra, người nữ vốn có khả năng cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Ðiều đó là rất cần thiết để một người hoạt động công tác xã hội làm tốt công việc của mình.

Tuy nhiên dấn thân vào công tác xã hội là một điều không đơn giản, đầy thách thức và gian nan. Chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề để không lệch lạc trong hướng đi, không sử dụng méo mó hai chữ “phương tiện”. Dấn thân là đường đi của Bồ tát, người thực hiện tự lợi, lợi tha để đạt đến giác hạnh viên mãn. Nhưng muốn lợi tha trước phải tự lợi, không thì độ sanh trở lại bị chúng sanh độ.

Làm công tác xã hội đòi hỏi một tấm lòng lớn, một trái tim lớn, trí tuệ lớn, và chí khí lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của tự thân để hoàn thiện một nội tại vững chắc, sẵn sàng bất động giữa dòng đời biến động, hoàn bị kiến thức nội và ngoại điển để đương đầu với thời đại ngày nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tự lượng sức mình, điều này hoàn toàn khác với nhu nhược, tự khinh, mà là “tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng”. Biết mình đang đứng ở vạch mức nào, cần bổ sung hay mài dũa những gì để rèn luyện nhiều hơn, chứ không phải sợ hãi rút lui.

Cuối cùng phải thực hiện sự dấn thân một cách đúng nghĩa. Sao cho mọi việc làm của người con Phật nói chung, người phụ nữ Phật giáo nói riêng không ra ngoài mục tiêu giải thoát, mang lại chân hạnh phúc cho mình và người. Ðó là mục đích cao nhất của sự dấn thân công tác xã hội. Chúng ta, do vậy, cần phải suy nghĩ sâu sắc hơn để có cái nhìn đúng đắn hơn về sự dấn thân công tác xã hội mà càng lúc người nữ tham gia càng nhiều. Làm sao để tất cả những công tác ta làm đều phục vụ cho sự nghiệp giải thoát, để ta không phải nao núng khi đối duyên, xúc cảnh hằng ngày. Làm sao để bản thân và tha nhân có được niềm tin thật sự không chỉ ở hiện tại mà còn ở vị lai. Ðó là những vấn đề mà người con Phật nói chung và người nữ Phật giáo trong thời đại ngày nay nói riêng cần lưu tâm và tìm ra giải pháp./.

 

Thích nữ Diệu Nga

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Việt Nam)