Tranh thiền của họa sĩ Việt ở Úc

Trầm Kim Hòa - họa sĩ người Việt từng triển lãm tranh thiền tại Úc - hiện đang có mặt ở TP.HCM vào những ngày cuối năm và mang theo những khoảng không trên khung vẽ.

Trong các tác phẩm thiền của họa sĩ Trầm Kim Hòa có rất nhiều khoảng không với mục đích nhường cho người xem tự phác họa những ý tưởng của mình từ cái gốc của tranh. Chẳng hạn như bức vẽ một vòng tròn, với sáu vệt màu đen được ngăn cách bởi một đường ranh nhỏ, không gian còn lại đều trống vắng. Vậy người xem sẽ "tự phát hiện" gì trong đó?

Họa sĩ Trầm Kim Hòa đang sáng tác tranh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
 

Trầm Kim Hòa (Nhất Hòa) sinh năm 1959 tại Sài Gòn, định cư tại Úc từ năm 1984. Từ 1988 - 1991: triển lãm nhiều nơi trong và ngoài nước Úc. Năm 2001: lần đầu tiên triển lãm tranh thiền tại Úc. Viện Nghệ thuật quốc gia Victoria và Viện Phật học Phật Quang Sơn đã sưu tập thiền họa và thư pháp của anh. Anh từng có tranh triển lãm tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Canada… và đang chuẩn bị triển lãm tranh thiền, thư pháp thiền tại TP.HCM vào giữa năm 2010.


Trầm Kim Hòa bảo:  "Làm sao tôi có thể nói thay những ý tưởng phát sinh của người xem tranh ấy được? Tôi chỉ có thể giải thích ý muốn diễn đạt của mình rằng, sáu vệt đen kia là biểu tượng cho sáu căn của mỗi người là: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (thân người), ý (ý tưởng). Sáu căn trên nếu hướng ra ngoài để tìm sắc đẹp (qua mắt), tiếng hát hay (qua tai), mùi thơm (qua mũi), vị thức ăn ngon (qua lưỡi), sự xúc chạm êm dịu, quyến rũ (qua thân), những hiểu biết (qua ý), thì sẽ bị lôi kéo mãi mãi trong chua cay nhiều hơn là hạnh phúc, cái có được mãi mãi không bằng cái mất đi. Nhưng nếu hướng về phía bên trong nội tâm của mình để thấy tất cả những gì sáu căn tìm kiếm ngoài kia đều do một vọng tâm sinh khởi, ngay lúc ấy sẽ nếm được thiền vị giải thoát đầu tiên. Tôi thể hiện ranh giới giữa sự cầu tìm ở ngoài với sự thức tỉnh bên trong bằng một lằn mực nhỏ qua bức Ranh giới mong manh (A fine line). Nhiều bức khác cũng có những khoảng không như vậy".

* Duyên lành nào đã đưa anh đến với thiền họa và thư pháp thiền?

- Như các bạn đã biết, thiền đi vào đời sống hiện đại với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, triết học, điều đó thúc đẩy tôi chú ý và hướng mạnh đến việc đi tìm một phong cách sáng tác thể hiện nội dung thiền trong hội họa, nói tắt là thiền họa những năm đầu của thập niên 1990. Mặc dù trước đó tôi là họa sĩ vẽ tranh màu nước và đã triển lãm nhiều lần ở nhiều nước, song khi được tiếp xúc với thiền học và các vị thiền sư, tôi không dùng nhiều nữa những sắc màu hồng tím, những thể hiện vàng son mà chuyên tâm chọn màu mực đen tuyền hòa với nước để vẽ tranh thiền. Đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp này là vào năm 1991 sau ngày được mời sang Malaysia triển lãm, khi về lại Úc, tôi đã gác cọ không vẽ nữa mà tập trung nghiên cứu thiền họa trong gần 10 năm dài. Đến năm 2000, tôi mới tạm rút ra kết luận và phong cách thiền họa cũng như phong cách thiền cho riêng mình. Tôi đánh dấu giai đoạn chuyển hướng này bằng bức vẽ một người đang thổi sáo ngồi giữa ngã rẽ của một dòng sông mà chung quanh là cây rừng vắng lặng...

 

Tác phẩm tranh thiền "Ranh giới mong manh" của Trầm Kim Hòa -Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Theo anh, làm sao hiển lộ được ý vị của thiền qua các họa phẩm?

- Đầu tiên cần hướng về nội dung hiển đạt nội tâm hơn là chú trọng hình thức. Vì thế bố cục của tranh nên đơn giản thanh thoát, dùng mực đen và nước, hạn chế dùng màu. Cần tạo khoảng trống trong tác phẩm thế nào cho hợp lý để tâm người ngắm dễ hòa nhập vào ý của tác phẩm một cách tự nhiên và trực tiếp.

Đến câu hỏi: "Anh có thể cho một ví dụ dễ hiểu nhất?", Trầm Kim Hòa không trả lời mà im lặng đưa chúng tôi xem một tập sách bằng tiếng Anh giới thiệu về khuynh hướng sáng tác của mình, với bìa là một hình tròn. Một lát sau anh vừa cười vừa giải thích, rằng đó có thể là vầng trăng viên mãn, vầng trăng thanh thoát như nhan đề cuốn sách Moon in Reflection - vầng trăng tròn đầy mà điểm "đầu tiên" cũng là điểm "cuối cùng" lặp đi lặp lại theo vòng đó. Cũng có thể đó là trạng thái tĩnh lặng được thể hiện trong 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng Thập mục ngưu đồ. Cũng có thể xuất phát từ câu chuyện thiền như sau: Thời đức Phật còn tại thế, có một người muốn thỉnh đức Phật thọ trai, nhưng khi đến tịnh xá thì Phật cũng như tất cả chư tăng đều đi khỏi, chỉ còn một vị sa di mới 14-15 tuổi. Vị thí chủ kia tha thiết mời sa di nhỏ tuổi ấy đến nhà mình cúng dường. Ăn xong, vị sa di lại được mời lên ngồi trên một sạp gỗ, còn thí chủ kia vẫn quỳ bên dưới xin được nghe thuyết pháp. Bấy giờ sa di hoảng sợ nghĩ rằng mình còn nhỏ biết nói pháp gì đây. Nghĩ rồi nhân lúc thí chủ đang quỳ úp mặt xuống đất thì sa di bỏ chạy khỏi nhà. Quỳ mãi không nghe thuyết pháp gì, vị thí chủ bèn ngẩng dậy không thấy sa di nữa, chợt bàng hoàng tỉnh ngộ thấy "nhân không và pháp không" - nghĩa là người cũng không mà pháp cũng không, chẳng có gì để mong cầu trên cõi đời phù du này. Thí chủ ngay đó thấy được lẽ không của Bát Nhã, rùng mình toát mồ hôi, tính từ ngày sinh ra đến lúc ấy mường tượng như một xác chết đã trôi đi mất và một người mới thật sự hạnh phúc xuất hiện trên xương thịt của mình...

Giao Hưởng

Theo: thanhnien